Xứ sở mặt trời mọc với nền văn hóa lâu đời đã mang đến thế giới một nét nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Nhật – nghệ thuật thưởng thức trà đạo. Người dâng trà và người uống trà đều mang dáng vẻ thành kính và nghi lễ trang trọng, những lễ tiết tưởng chừng nhỏ nhặt và phức tạp ấy, đã thể hiện tấm lòng thành giữa con người dành cho nhau.

Cô giáo lớp tiếng Nhật tổ chức cho chúng tôi một buổi tọa đàm trà đạo, đồng thời cô còn chuẩn bị riêng cho chúng tôi một căn phòng kiểu Nhật để chúng tôi thực hành trà đạo.

Trà đạo của Nhật bắt nguồn từ thế kỷ thứ 13, ban đầu chỉ có tăng lữ dùng trà để tập trung tư tưởng của bản thân, sau này mới mở rộng ra trở thành một nghi thức thưởng thức trà. Hiện nay trà đạo của Nhật phân thành Đạo trà Matcha và Đạo trà rang, hôm ấy cô giáo chỉ cho chúng tôi xem Đạo trà xanh Matcha.

Ảnh minh họa lớp học đạo trà matcha. Ảnh theo tramatcha.blogspot.sg

Các bạn sinh viên tới từ các nước cùng bước vào phòng trà đạo, mọi người đều bị thu hút bởi màu sắc cổ kính trang nhã của phòng trà kiểu Nhật. Điều đáng kinh ngạc hơn là tất cả giáo viên đều khoác trên mình bộ Kimono sang trọng, tươi cười niềm nở chào đón chúng tôi.

Các cô bảo với chúng tôi rằng, không được dẫm lên viền màu xanh của chiếc đệm ngồi tatami trải trên sàn, mà phải bước qua. Sau đó bảo chúng tôi làm theo nghi lễ trà đạo thời xưa của Nhật, ba người xếp thành một hàng, rồi quỳ xuống. Sau khi chúng tôi quỳ xuống ngay ngắn, một cô giáo trà đạo trong trang phục Kimono, nhẹ nhàng kéo cánh cửa kiểu Nhật ra, sau đó quỳ trên sàn nhà, cúi thấp đầu, dùng tay ấn xuống sàn, rồi từ từ di chuyển cơ thể, quỳ lê vào trong phòng học.

Sau khi cô giáo di chuyển được một quãng cô lại dịch chuyển một chút chiếc khay đựng đầy đồ điểm tâm, sau rất nhiều động tác quỳ lê cô mới tới được trước mặt chúng tôi. Nghi lễ trà đạo kiêm nhường này khiến tất cả học sinh chúng tôi đều phải thốt lên kinh ngạc.

Cô giáo trà đạo quỳ trên sàn, dâng điểm tâm và bột chà xanh matcha cho chúng tôi một cách khiêm nhường. Vừa hay tôi ngồi đúng ở vị trí đầu tiên, cô giáo quỳ và di chuyển tới trước mặt tôi, đặt cái khay trước mặt, sau đó cô đặt tay lên tấm nệm tatami trải phía trước đầu gối và vô cùng trịnh trọng quỳ xuống thi lễ với tôi: Đầu của cô cứ mãi chạm vào nệm tatami. Ngoài ra còn có một cô giáo khác ngồi bên cạnh nhẫn nại giảng giải cho tôi, nói với tôi rằng phải đáp lễ theo cách tương tự như vậy, thế là tôi học cách dập đầu đáp lễ của cô giáo.

Trước khi uống trà cần dùng chút điểm tâm, khi cầm đũa lên phải chia thành 3 động tác theo trình tự để dùng điểm tâm. Khi cầm ly trà lên thì hình in trên ly trà phải được hướng ra bên ngoài, rồi mới cung kính nói với người ngồi bên cạnh không dùng trà rằng: “Tôi uống trước nhé!”, sau đó mới tới lượt mình được uống trà.

Nước trà phải uống hết không được để sót dù chỉ một giọt, thậm chí là phải nghe thấy tiếng húp trà soàm soạp mới được. Những ly trà đã được dùng qua phải dùng giấy ăn lau sạch chỗ môi chạm vào ly, sau đó lại quay lại dâng trà cho cô giáo. Cuối cùng cô giáo nói với tôi hãy để tay lên tấm đệm tatami đặt trước đầu gối, sau đó dập đầu tỏ lòng biết ơn.

Người dâng trà mỗi lần đều phải lặp lại tất cả những động tác và lễ tiết nhỏ nhặt, phức tạp ấy, người uống trà cũng vậy, cũng phải uống trà theo nghi lễ và phép tắc như vậy. Điều này là để muốn nói với người đối diện rằng, mình uống trà chi bằng tiến hành một kiểu nghi thức để thể hiện điều đó. Người dâng trà và người uống trà đều mang dáng vẻ thành kính và nghi lễ trang trọng, giống như những nghi lễ trong cung đình thời xưa. Từ trang phục, bộ đồ trà cho tới những bức thư họa và vị trí cắm hoa trong phòng trà đều thấm đẫm tinh thần của trà đạo.

Ảnh minh họa. Theo Uji-Matcha.vn

Tôi cũng pha một ly bột trà xanh matcha cho cô giáo, tôi cho 4 gam bột trà xanh matcha vào trong bát trà, sau đó rót khoảng 60cc nước sôi vào đó, rồi dùng đồ khuấy trà nhè nhẹ khuấy đều bát trà cho tới khi nước trà trở nên sánh lại, không dễ bị gió thổi dạt bọt trà mới dừng lại. Khi quấy trà cổ tay không thể mạnh tay, mà thả lỏng nhẹ nhàng khuấy thật nhanh cho tới khi bát trà bông lên, sánh lại và trông đẹp mắt.

Sau khi trải qua những trình tự pha trà và lễ tiết dâng trà phức tạp, nhỏ nhặt đó tôi mới trải nghiệm được sự cung kính vô hạn khi dâng lên tấm lòng thành của mình dành cho người uống trà. Người pha trà cung kính, khiêm nhường như vậy, dường như họ đang dùng cả trái tim mình hòa tan vào ly trà xanh matcha, có lẽ đây chính là tinh thần của trà đạo.

Bột trà xanh Matcha được làm từ những búp trà xanh được hấp kỹ rồi nghiền thành dạng bột mịn bằng đá mài tự nhiên. Trà đạo bắt nguồn từ thời nhà Tùy của Trung Quốc, tới thời Đường, thời Tống thì đã trà đạo đã lên đến đỉnh cao. Nhưng từ thời nhà Minh tới nay, Trung Quốc bắt đầu lưu hành cách uống nước trà pha bỏ bã, nên bột trà xanh Matcha cũng theo đó mà biến mất.

Trà đạo của Nhật Bản được du nhập từ thời Tống của Trung Quốc và vẫn được duy trì tới tận ngày nay. Tại Nhật có thể nhìn thấy sự truyền thừa của văn hóa cổ Á Đông. Tôi cũng cảm thấy lòng mình như được an ủi, hy vọng rằng dân tộc Á Đông cũng có thể trở về với những giá trị nhân văn trong văn hóa truyền thống cổ xưa ấy.

Tác giả: Mỹ Nguyệt
Hiểu Liên biên dịch