Nhật Bản không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, họ phải chịu đựng hàng trăm trận động đất mỗi năm, nhưng điều đó không ngăn cản họ trở thành cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới. Vì sao đất nước mặt trời mọc có thể làm được điều đó?

1. Sống với lòng biết ơn

“Cảm ơn” là câu nói không thể thiếu trong cuộc sống giao tiếp của người Nhật. Nhân viên cửa hàng luôn nói “cảm ơn” để tạm biệt khi khách hàng ra khỏi cửa và cũng luôn nhận lại câu “cảm ơn” tương tự. Thậm chí, khi khách hàng chỉ mới đẩy cửa, chủ quán đã nói “cảm ơn”.

Đối với người Nhật, “cảm ơn” không chỉ là một câu nói xã giao lịch sự bình thường, đó là sự trân trọng và biết ơn thật sự đối với những hành động dù là nhỏ nhất. Hãy tưởng tượng, bạn gặp lại người hàng xóm cũ sau một thời gian dài không liên lạc, cô ấy cười rất vui vẻ với bạn và nói: “Ôi, thực sự cảm ơn bạn vì năm ngoái đã giúp tôi chuyển nhà”. Cảm giác thật dễ chịu phải không? Người Nhật luôn thật lòng biết ơn và ghi nhớ điều đó.

Hươu Nhật cúi đầu cảm ơn như người khi được cho ăn. (Ảnh minh hoạ: Youtube)

Ở Nhật Bản, bạn cũng sẽ học được rằng, không chỉ nhận ân huệ từ người khác dành cho mình, mà cần phải đáp lại ân huệ đó. Hồi đáp lại ân huệ là yếu tố quan trọng để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp ở nơi đây. Ví dụ, nếu ai đó giúp bạn di chuyển chiếc ghế sofa mới vào nhà, bạn có thể chỉ cần mời họ một ly nước giải khát để thể hiện lòng biết ơn của mình.

2. Luôn nghĩ cho người khác

Người Nhật Bản tốt bụng đến mức khó tin. Nếu bạn dừng lại trên phố để hỏi đường, người đi đường sẵn sàng vẽ tay cho bạn một tấm bản đồ, hoặc người bán hàng có thể đóng cửa hàng của mình chỉ để dẫn bạn đến đúng nơi bạn đang tìm.

Đối với người Nhật, nhường nhịn là một cách thể hiện sự yêu thương: dành cho mẹ miếng bánh lớn nhất, nhường chỗ ngồi dễ chịu nhất trong nhà hàng cho người thân, để khách đứng ở vị trí trung tâm của bức ảnh hoặc nướng bánh và chia sẻ nó với những người hàng xóm… Người Nhật cũng luôn luôn nhường cho bạn thể hiện ý kiến của mình trước và kiên nhẫn lắng nghe một cách chăm chú rồi sau đó mới bắt đầu nói. Thay cho những lời yêu thương hoa mỹ, đó chính là cách người Nhật thể hiện “bạn là người rất quan trọng đối với tôi.”

Đối với người Nhật, nhường nhịn là một cách thể hiện sự yêu thương. (Ảnh minh hoạ: Dulichnhatban)

Ở Nhật, sẽ không bao giờ có chuyện một bữa tiệc chỉ với vài người đồng nghiệp. Tất cả mọi người đều được mời. Sẽ không có khoảnh khắc lúng túng khi một số người “đánh lẻ” vô tình bắt gặp nhau. Tất cả những người tham dự đều có mặt trong bức ảnh mà không cần quan tâm xem đó là cấp trên hay cấp dưới.

Đặc biệt, chuyện nhặt được của rơi rồi giữ luôn là rất hiếm gặp ở Nhật Bản. Nếu ai đó để ô hoặc một đồ vật gì đó bên đường, họ chắc chắn sẽ tìm thấy nó ở đúng vị trí đó hoặc trên băng ghế gần nhất khi họ quay lại tìm.

3. Cư xử lịch thiệp, khiêm nhường

Xã hội Nhật Bản đánh giá cao cách cư xử lịch thiệp và khiêm nhường. Mọi người có thể xếp hàng chờ đợi thành hàng dài mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào, không có bất kỳ sự bất bình nào, không có tiếng ồn nào cất lên, càng không có những tiếng thở dài ngao ngán.

(Mọi người có thể xếp hàng chờ đợi thành hàng dài mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào. Ảnh minh hoạ: Duhocnhatban)

Nếu chọn một từ để mô tả về những người Nhật, từ đó sẽ là “tinh tế”. Tất cả các tầng lớp xã hội, không phân biệt nguồn gốc và thu nhập đều cư xử rất lịch thiệp. Ví dụ, thay vì dùng ngón tay trỏ để chỉ vào ai hoặc vật nào đó, người Nhật sẽ dùng cả bàn tay một cách duyên dáng. Họ luôn tươi cười chào hỏi tất cả mọi người và dùng cả hai tay khi đưa hoặc nhận đồ vật gì cho người khác.

4. Sống có trách nhiệm

Ở Nhật Bản, khi ai đó hứa hẹn làm việc gì, thì chắc chắn họ sẽ làm. Dù thế nào họ cũng sẽ không quên lời hứa. Họ sẽ đến buổi hẹn dù ngay cả khi trời mưa hay tuyết rơi. Vắng mặt không tham dự mà không báo trước là điều không thể chấp nhận. Nếu bạn không thể tham dự, bạn cần gọi điện thông báo và xin lỗi, hoặc cử một người khác tham dự thay bạn.

Dù thế nào họ cũng sẽ không quên lời hứa. Họ sẽ đến buổi hẹn dù ngay cả khi trời mưa hay tuyết rơi. (Ảnh minh hoạ: Giadinh)

Người Nhật luôn sống trách nhiệm với tất cả mọi thứ của mình, kể cả rác. Họ luôn tự dọn dẹp sạch chỗ của mình, trong những mùa lễ hội, túi rác của ai thì người đó sẽ mang theo chứ không quăng vứt bừa bãi. Trong suốt mùa World Cup ở Brazil năm 2014, các cổ động viên Nhật Bản đã khiến cả thế giới sửng sốt khi mỗi người đều tự dọn dẹp khu vực của họ tại sân vận động.

5. Không có khái niệm “cao su”

Ở Nhật, kể từ khi tàu điện siêu tốc xuất hiện vào năm 1964, nếu chỉ trễ hẹn một phút, bạn sẽ bị khiển trách ngay. Trong khi đó, ở Ý là trên 15 phút, ở Pháp là trên 10 phút, ở Anh trên 5 phút… thì mới bị nói là trễ hẹn. Khi đi tàu siêu tốc, bạn chỉ cần đến trễ 1 phút, thậm chí là 30 giây, rất có thể bạn sẽ phải mua vé lượt sau.

Khái niệm đúng giờ của người Nhật là bạn phải có mặt trước giờ hẹn 5 đến 15 phút. Đây là cách người Nhật xây dựng niềm tin ở đối phương. Lên kế hoạch kỹ lưỡng về thời gian là việc tối cần thiết trong các cuộc hẹn với người Nhật. Nếu không may bạn bị trễ hẹn, cần thông báo trước cho bên kia để họ chủ động công việc, không lãng phí thời gian.

Khi đi tàu siêu tốc, bạn chỉ cần đến trễ 1 phút, thậm chí là 30 giây, rất có thể bạn sẽ phải mua vé lượt sau. (Ảnh: Yukepo)

Người Nhật rất nghiêm khắc với bản thân trong vấn đề giờ giấc. Vì thế, họ luôn là người đi trước và vận nước của Nhật Bản đã đổi thay diệu kỳ từ tiêu chí này.

Hiểu Minh

Xem thêm: