Hôm 14/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến San Francisco, Hoa Kỳ. Chính phủ Trung Quốc đã chính thức thông báo ông Tập đã tới SanFrancisco, Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng tại sân bay không trải thảm đỏ. 

Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) tại Hoa Kỳ, cùng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã có mặt để chào đón ông Tập.

Video tuyên truyền của ĐCSTQ trên YouTube chỉ ghi lại cảnh máy bay chở ông Tập bay trên bầu trời chứ không quay cảnh cảnh ông Tập Cận Bình bước xuống máy bay, nhằm phù hợp với giọng điệu tuyên truyền trong nước của ĐCSTQ.

Ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo: “Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới San Francisco, Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung từ ngày 14 đến ngày 17/11. 

Ông Tập cũng được mời tham dự Hội nghị không chính thức giữa các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 30.

Xét từ hình thức thông báo, ngoại giới nhìn chung cho rằng, ĐCSTQ đã nâng tầm chuyến đi của ông Tập Cận Bình thành một “chuyến thăm cấp nhà nước” hơn là một cuộc gặp bên lề, và việc tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC đã trở thành một sự kiện phụ.

Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã dịu giọng một cách khác thường, và ca ngợi tình hữu nghị Mỹ – Trung. 

Gần đây, để ca ngợi tình hữu nghị Mỹ – Trung, ngoài nhiều bài xã luận do Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo đăng tải nhấn mạnh “quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, cũng có thông tin cho rằng đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV sẽ phát sóng lại câu chuyện tình lãng mạn kỳ lạ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tiêu đề bộ phim lãng mạn chiến tranh đó là “Chuyện tình bên sông Hoàng Hà” (黄河绝恋).

Cư dân mạng chế giễu cách tiếp cận vừa hèn nhát vừa kiêu ngạo của chính phủ Trung Quốc khi nói rằng: “Cần rất nhiều can đảm để chuyển đổi giữa kẻ thù thành bạn bè một cách tự nhiên mà không gặp bất kỳ rào cản tâm lý nào!”.

Một số người cho rằng, sở dĩ ĐCSTQ kiềm chế thái độ chiến binh sói là vì họ đang tìm cách “câu giờ” nhằm ngăn chặn sự suy thoái kinh tế và tìm cách giải quyết tình trạng khó khăn này.

Kể từ ngày 9/11, tờ Tân Hoa Xã đã liên tiếp đăng tải “loạt bình luận nhằm thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ trở lại đúng hướng”, nhấn mạnh quan hệ Trung – Mỹ đã “không còn sa sút và đang dần ổn định”, mang đến một tin vui hiếm có cho một thế giới đan xen hỗn loạn và coi chuyến thăm San Francisco của ông Tập Cận Bình là “một chương mới của sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.

Sáu tháng trước, ĐCSTQ vẫn còn là một chiến binh sói. Tại kỳ họp lưỡng hội hồi tháng 3 năm nay, ông Tập Cận Bình đã trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh phương Tây để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. 

Ông nói: “Môi trường bên ngoài cho sự phát triển của đất nước chúng ta đã thay đổi đáng kể, các yếu tố không chắc chắn và khó lường đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn và đàn áp toàn diện chống lại chúng ta, điều này đã gây ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”. Ông Tập đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình hình khó khăn mà ĐCSTQ đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, khi Lãnh đạo đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer đến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm nay, ông Tập Cận Bình đã thay đổi giọng điệu. Ông nói: “Có hàng nghìn lý do khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên tốt đẹp và không có lý do nào khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên tồi tệ”.

Không chỉ vậy, ĐCSTQ còn đặt mua 3 triệu tấn đậu nành từ Mỹ trước chuyến đi của ông Tập. Ông Tập cũng có đơn đặt hàng máy bay Boeing trong chuyến đi này.

Tuy nhiên, trước sự “hưng phấn” của ĐCSTQ đối với chuyến thăm của ông Tập, biểu hiện của Hoa Kỳ có thể được mô tả là khá “bi quan”.

Ngày 14/11, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với giới truyền thông trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco ràng: “Khi khủng hoảng xảy ra, việc có thể khôi phục liên lạc bình thường, có thể nhấc máy và nói chuyện với nhau, có thể bảo đảm rằng quân đội giữa chúng ta sẽ luôn được kết nối”.

Tuy nhiên, ông Biden cũng nói: “Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang trong tình trạng khủng hoảng khẩn cấp. Nếu người dân bình thường ở Trung Quốc có một công việc với mức lương tốt thì sẽ tốt cho họ và tốt cho tất cả mọi người. Nhưng tôi sẽ không tiếp tục hỗ trợ các công ty của mình, nếu đầu tư vào Trung Quốc, chúng tôi phải giao nộp mọi bí mật kinh doanh”.

Tuyên bố của Biden cho thấy Washington không có ý định nhượng bộ Bắc Kinh. Chuyến đi của ông Tập có thể ít có tác dụng.

Không chỉ vậy, so với các chuyến thăm nước ngoài trước đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, điều ông Tập Cận Bình thu được nhiều lợi ích hơn từ chuyến đi này là hàng nghìn người biểu tình.

Vào ngày ông Tập đến Hoa Kỳ, hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền ủng hộ dân chủ và các nhà hoạt động độc lập người Trung Quốc từ Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông trên khắp nước Mỹ đã phát động các cuộc biểu tình trên không, trên biển và trên bộ.

Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 14/11, một chiếc trực thăng do các tổ chức nhân quyền Khu vực Vịnh San Francisco thuê, đã mang theo một biểu ngữ chống ĐCSTQ khổng lồ. Biểu ngữ này rất bắt mắt, với nội dung: “Chấm dứt ĐCSTQ, Trung Quốc tự do, Hồng Kông tự do, Tây Tạng tự do, Người Duy Ngô Nhĩ tự do”.

Chuyến bay kéo dài hơn ba giờ và người dân khắp Vùng Vịnh có thể nhìn thấy chiếc trực thăng và biểu ngữ phản đối chính quyền Trung Quốc.

Trong thời điểm đó, khoảng 10 giờ, chiếc trực thăng mang biểu ngữ đã bay vòng quanh khách sạn ông Tập tạm trú. Trong khoảng thời gian này, phe thân Bắc Kinh có mặt tại hiện trường đã chĩa loa xua đuổi, can thiệp các phóng viên đưa tin.

Ngoài ra, còn có các nhóm người biểu tình ôn hòa tại sân bay, với các ký tự có nội dung: “Kết thúc ĐCSTQ”

Ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo/周锋锁), người sáng lập và là giám đốc điều hành tổ chức Nhân quyền Trung Quốc nói với tờ Sound of Hope rằng: “Bằng cách này, những người quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc hy vọng bày tỏ sự phản đối việc ông Tập Cận Bình tham gia cuộc họp APEC, bày tỏ yêu cầu của chúng tôi và yêu cầu một Trung Quốc mới tự do không có ĐCSTQ”.

Ngoài ra, các học viên Pháp Luân Công cũng tiến hành các cuộc biểu tình ôn hòa.

Tối ngày 14/11, những người tu luyện môn khí công Phật gia giữa đời thường Pháp Luân Công ở San Francisco đã thỉnh nguyện ôn hòa bên ngoài Trung tâm Moscone, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC, để nói với thế giới rằng “Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Chân Thiện Nhẫn Hảo”, nghĩa là “Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân Thiện Nhẫn là tốt”; đồng thời, họ vạch trần cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công kéo dài 24 năm của ĐCSTQ. 

Cuộc đàn áp kéo dài 24 năm nay và vẫn đang tiếp diễn này do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân phát động vào tháng 7/1999, với hình thức tra tấn đẫm tà ác nhất là mổ cướp nội tạng trên cơ thể còn đang sống. Những người học và hành xử theo Chân Thiện Nhẫn trong cuộc biểu tình ôn hòa nói trên đã kêu gọi chính phủ tất cả các quốc gia trên thế giới giúp chấm dứt cuộc đàn áp này.Các học viên Pháp Luân Công treo các biểu ngữ bằng tiếng Trung và tiếng Anh trên các đường phố xung quanh với nội dung: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Thế giới cần Chân, Thiện, Nhẫn”, “Chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công” và “Mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống là không thể chấp nhận được”, và nói với người qua đường sự thật về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.