Các nhà khoa học tuyên bố đã tạo ra các mẫu lợn-khỉ đầu tiên trên thế giới, như một phần trong nỗ lực phát triển các bộ phận cấy ghép của người trên động vật.

Theo Mirror, hai chú heo con đã được sinh ra trong phòng thí nghiệm Trung Quốc nhưng đã chết trong vòng một tuần, ông Tang Hai tại Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh học Sinh sản Bắc Kinh cho biết.

Heo lai khỉ đầu tiên trên thế giới ra đời ở Trung Quốc
Hai heo con, sinh ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chết trong vòng một tuần (ảnh: Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh học Sinh sản Bắc Kinh).

Thí nghiệm này theo sau nỗ lực gây tranh cãi của nhà khoa học Tây Ban Nha Juan Carlos Izpisua Belmonte trong việc tạo ra các phôi thai lai giữa lợn và người từ hai năm trước.

Tang Hai và nhóm của ông đã tiêm tế bào khỉ biến đổi gen vào hơn 4.000 phôi lợn trước khi cấy chúng vào lợn nái, theo New Scientist.

Mười con heo đã được sinh ra nhưng chỉ hai trong số đó là con lai – với các phần mô trong tim, gan, lá lách, phổi và da chứa một phần là các tế bào khỉ.

Nhưng những con heo này đều chết trong vòng một tuần sau đó.

Các chuyên gia nghi ngờ sự thất bại này là do quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, chứ không phải do hiện tượng loạn gene.

Ông Tang hiện đang tìm kiếm một giải pháp thay thế để thử tạo ra những động vật khỏe mạnh với tỷ lệ tế bào khỉ cao hơn.

Heo lai khỉ đầu tiên trên thế giới ra đời ở Trung Quốc
Các nhà khoa học đã đưa các tế bào khỉ biến đổi gen vào phôi lợn (ảnh: Mirror).

Nếu thành công, bước tiếp theo sẽ là tạo ra những con lợn với một cơ quan bao gồm gần như hoàn toàn các tế bào linh trưởng.

Năm 2017, ông Belmonte tuyên bố ông và nhóm của mình đã tạo ra phôi thai lai người-khỉ, trong đó các tế bào người được thêm vào phôi khỉ.

Nhưng một số người lên tiếng cảnh báo sự phát triển khoa học dạng này sẽ tạo ra những tình huống khó xử “đáng lo ngại” đối với đạo đức của động vật lai người.

Bác sĩ Angel Raya, giám đốc Trung tâm Y học tái sinh Barcelona, ​​nói với tờ El Pais: “Điều gì sẽ xảy ra nếu các tế bào gốc thoát ra và hình thành các tế bào thần kinh của người bên trong bộ não động vật? Liệu nó có tồn tại ý thức hay không?”

Nhà thần kinh học Douglas Munoz từ Đại học Queen’s Kingston (Canada) cho biết các dự án như thế này ‘thực sự làm tôi lo sợ về mặt đạo đức’.

‘Khi chúng ta bắt đầu thao túng các chức năng sống theo cách này mà không biết rõ cách thức tắt nó đi, hoặc dừng nó lại nếu có gì đó không ổn, thì nó thực sự khiến tôi lo sợ.’

Chuyên gia tế bào gốc từ Đại học Yale ông Alejandro De Los Angeles cho biết việc tìm kiếm một mẫu động vật tốt hơn để thử nghiệm bệnh lý của người là chiếc ‘chén thánh’ trong nghiên cứu y sinh trong nhiều thập kỷ.

Heo lai khỉ đầu tiên trên thế giới ra đời ở Trung Quốc
Mục đích của thí nghiệm là mở đường cho việc phát triển cơ quan nội tạng người ở động vật cho mục đích cấy ghép (ảnh: Getty Images).

“Tuy vậy việc nghiên cứu động vật lai người theo cách thức phù hợp về mặt đạo đức và khoa học sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp giữa các bên”, ông nói.

Một phôi thai người-lợn được tạo ra vào tháng 1/017, tại Viện Salk ở San Diego (Mỹ), nhưng đã chết 28 ngày sau đó.

Người ta hy vọng nghiên cứu này có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho việc hiến tạng, vốn vẫn luôn thiếu hụt nguồn cung hiện nay.

Mỗi ngày, có khoảng ba người ở Anh và 12 người ở Mỹ tử vong vì không thể tìm nguồn cung tạng ghép phù hợp, theo Cơ quan Sức khỏe Quốc gia của Anh NHS. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng sự phát triển khoa học kiểu này sẽ tạo ra những tình huống khó xử về mặt đạo đức của giống động vật lai người.