Giải Nobel có uy tín vô cùng lớn đến nỗi nhiều người coi đó là thước đo của chân lý. Tuy nhiên, nếu bạn biết những mảng tối của Giải Nobel, bạn sẽ có cái nhìn thận trọng hơn đối với những tuyên bố của Tổ chức Giải Nobel, chẳng hạn như thông cáo về Giải Nobel Hoá học 2018.

Uy tín của các Giải Nobel là điều không thể chối cãi. Hàng năm cứ đến Tháng 10, mọi người hồi hộp chờ đợi các Thông cáo phát đi từ Tổ chức Giải Nobel (Nobel Prize Organization). Những người đoạt giải được xã hội coi như những cá nhân ưu tú nhất trong cộng đồng nhân loại. Thậm chí, trong con mắt của rất nhiều người, nếu không phải là tất cả, những nhà khoa học đoạt Giải Nobel có thể xem như những “ông thánh khoa học”. Lời lẽ của họ ban ra được xem như “lời của thánh”. Tuyên bố và nhận định của Tổ chức Giải Nobel được xem như những khuôn vàng thước ngọc trong việc đánh giá chân lý.

Với ấn tượng thán phục dành cho Giải Nobel như thế, Giải Nobel Hoá học năm nay, 2018, đã gây nên một cơn “địa chấn” dư luận với hai luồng cảm xúc trái ngược:

  • “Phe tiến hoá” vui mừng khôn xiết vì những công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 đã chứng minh rằng “sự tiến hoá có hướng dẫn” (directed evolution) là một sự thật không thể chối cãi! Bất luận nội dung công trình nghiên cứu này như thế nào, chữ “tiến hoá” đã có mặt trong lý do để đoạt giải thưởng! Các thầy dạy Thuyết tiến hoá tha hồ nói với học trò của mình rằng, “này các em, năm nay Thuyết tiến hoá đoạt Giải Nobel đấy”! Và tất nhiên, học sinh ngây thơ sẽ trố mắt thán phục.
  • “Phe phản đối thuyết tiến hoá”, một số lấy làm lo lắng, băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ “tiến hoá” là một sự thật hay sao? Số còn lại, những người có hiểu biết vững chắc, không có gì để lo lắng, mà chỉ thấy trách nhiệm của mình là giải thích cho cộng đồng hiểu sự thật: Tổ chức Giải Nobel đã cố tình áp đặt khái niệm “tiến hoá” vào một hiện tượng chẳng nói lên cái gì là tiến hoá cả. Đây chỉ là dịp để mọi người thấy Tổ chức Giải Nobel (bộ phận hoá học) tự giới thiệu mình là một thành phần của “cộng đồng các nhà tiến hoá” mà thôi. Các nhà tiến hoá từng tuyên bố những điều sai sự thật, và đây là một sự kiện tương tự.

Vì thế, sẽ là hữu ích để nói với mọi người về mảng tối của các Giải Nobel. Xin giới thiệu một vài bài báo tiêu biểu nói rõ cho chúng ta biết mảng tối đó:

  • Mảng tối của những nghiên cứu đoạt Giải Nobel ” (The dark side of Nobel prizewinning research), bài của Hugues Honore trên tạp chí PHYS.ORG (Tổ chức Vật lý) ngày 04/10/2015
  • 5 quyết định làm cho Giải Nobel trông xấu xí ” (Five decisions that made the Nobel Prizes look bad), bài của Karl Ritter trên tạp chí PHYS.ORG ngày 01/10/2016
  • Bác bỏ những khám phá đã đoạt Giải Nobel ” (Disproved Discoveries That Won Nobel Prizes), bài của Ross Pomeroy trên tạp chí Real Clear Science (Khoa học Thực Rõ Ràng) ngày 06/10/2015

Mong độc giả tham gia dịch thuật những bài báo nói trên sang tiếng Việt để phổ biến thông tin khoa học đến với mọi người. Sau đây là hai trường hợp sai lầm tiêu biểu của các Giải Nobel đã được nêu lên trong những bài báo đó.

Sai lầm của Giải Nobel Y học năm 1926

Một trong những Giải Nobel gây tranh cãi nhiều nhất là Giải Nobel Y học năm 1926 trao tặng cho Johannes Fibiger, “ vì khám phá ra Spiroptera carcinoma ” – một loài giun ký sinh được cho là gây ra bệnh ung thư ở chuột. Nhưng những nghiên cứu sau này cho thấy mặc dù loài giun ký sinh đó tồn tại, nhưng chúng không phải là nguyên nhân gây ra ung thư. Vậy cái gì đã làm cho Fibiger sai lầm?

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết:

“Khi nghiên cứu về bệnh lao của các con chuột trong phòng thí nghiệm, Fibiger nhận thấy một số u trong các con chuột nghiên cứu. Fibiger cho rằng các u này liên quan tới loài giun tròn ký sinh, sống trong các con gián mà chuột đã ăn. Fibiger nghĩ rằng các sinh vật này là nguyên nhân gây ra ung thư. Thực ra, các con chuột đó bị chứng thiếu vitamin A và đó là nguyên nhân chính gây ra các u. Các vật ký sinh kia chỉ đơn thuần gây ra sự kích thích mô, đẩy các tế bào bị hư vào u ung thư”.

Không nên nặng lời chê trách Fibiger hoặc Tổ chức Giải Nobel vì sai lầm này, bởi lẽ vào thời điểm đó, những năm 1920, ung thư là một trong những căn bệnh nan y bí ẩn nhất. Fibiger là một nhà khoa học trung thực đã làm việc không mệt mỏi, mạnh dạn nêu lên các giả thuyết, trong đó ký sinh trùng là một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây nên ung thư. Tuy nhiên, sai lầm vẫn là sai lầm. Không thể vì sự thông cảm với Fibiger mà bảo rằng ông không sai hoặc Giải Nobel trao cho ông không sai. Một số người bênh vực Fibiger và Tổ chức Giải Nobel nói rằng “ý tưởng cho rằng mô bị hư là nguyên nhân của bệnh ung thư vẫn là một tiến bộ quan trọng trong nghiên cứu bệnh ung thư”. Nhưng tiến bộ ấy có xứng đáng với Giải Nobel hay không lại là việc hoàn toàn khác. Vả lại, muốn hay không, trong nhận định trao giải thưởng, Tổ chức Giải Nobel đã nhận định sai lầm, vì thừa nhận kết luận của Fibiger rằng ký sinh trùng Spiroptera carcinoma là nguyên nhân dẫn tới ung thư.

Thật vậy, trong một ấn bản năm 1992 của Biên niên sử Y học nội bộ, Tamar Lasky và Paul D. Stolley nhận định:

“Hiện nay chúng ta biết ung thư dạ dày không phải do ký sinh trùng Spiroptera carcinoma gây ra, và “khám phá” có mục đích nói lên mối quan hệ đó dường như không xứng đáng với một chú thích lịch sử, chứ đừng nghĩ tới một giải Nobel”.

Thật trớ trêu, khi tuyên bố lý do trao tặng giải thưởng cho Fibiger, Uỷ ban Nobel đã mô tả công trình của ông là “một ngọn hải đăng toả sáng trong nỗ lực của khoa học tìm kiếm sự thật…”.

Tamar Lasky và Paul Stolley kết luận:

“Câu chuyện của Fibiger đáng kể không chỉ vì nó dạy chúng ta về những cạm bẫy trong nghiên cứu khoa học và lý luận, mà còn vì nó có thể cung cấp sự an ủi cho những người không bao giờ được nhận Giải Nobel (mà xứng đáng được nhận)”

Sai lầm của Giải Nobel Vật lý năm 1938

Nếu ít người được biết sai lầm của Giải Nobel dành cho Fibiger thì có lẽ nhiều người biết sai lầm của Giải Nobel dành cho Enrico Fermi, một nhà vật lý nổi tiếng được ghi nhận như cha đẻ của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Chicago, người được khắc tên vào các cuốn sách lịch sử về lý thuyết lượng tử, vật lý hạt nhân và hạt, cơ học thống kê. Nhưng ông cũng giành được một Giải Nobel do nhầm lẫn.

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

Bài báo “Bác bỏ những khám phá đã đoạt Giải Nobel” (đã dẫn ở trên) cho biết:

Fermi đã đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1938 “ vì những luận chứng của ông về sự tồn tại của các nguyên tố phóng xạ mới được tạo ra bởi bức xạ neutron, và vì sự phát hiện liên quan đến các phản ứng hạt nhân do các neutron chậm mang lại ”.

Nhưng thực ra Fermi không chứng minh được sự tồn tại của các nguyên tố phóng xạ mới.

Khi Fermi bắn phá các nguyên tử uranium với các neutron chuyển động chậm, và quan sát một quá trình được gọi là phân rã beta, ông nghĩ ông đã khám phá ra những nguyên tố mới và thậm chí còn đặt tên cho những nguyên tố mới đó là Ausonium và Hesperium. Nhưng sau này người ta biết rằng những gì ông thực sự làm và vô tình thực hiện chính là sự phân hạch hạt nhân uranium, trong đó các nguyên tử uranium phân chia thành các nguyên tố nhẹ hơn!

Người sau này thực sự thực hiện được phản ứng phân hạch uranium là Otto Hahn và Lise Meitner. Hahn đã đoạt Giải Nobel Hoá học năm 1944, Meitner bị Uỷ ban Nobel “bỏ quên”. Còn Enrico Fermi thì đã thừa nhận mình nhầm lẫn. Không hề có Ausonium và Hesperium, chỉ có nguyên tố thứ 93, Neptunium được tạo ra từ sự phóng xạ uranium.

Tất nhiên Fermi vẫn là người có công lớn khi khám phá ra phương pháp bắn phá uranium bằng neutron chậm, nhưng cả Fermi lẫn Uỷ ban Nobel đều SAI khi cho rằng luận chứng của Fermi chứng minh sự tồn tại của những nguyên tố phóng xạ mới.

Những câu chuyện về sai lầm của các Giải Nobel dạy chúng ta điều gì?

Trước hết nó dạy ta rằng trong khoa học, không có ai là “thánh”. Uỷ ban Nobel không phải là “thánh”, nên những điều họ tuyên bố, bên cạnh nhiều điều là đúng, có không ít điều là SAI.

“Ông Thánh Khoa học” (The Saint Scientific)

Trong cuốn “Pythagoras’ Trousers” (Chiếc quần của Pythagoras) của Margaret Wertheim, do Fourth Estate Ltd xuất bản tại London năm 1997 có một chương đặc biệt, đó là Chương 7: Ông Thánh Khoa học (The Saint Scientific).

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

Đó là một danh hiệu mà tác giả muốn tôn vinh Albert Einstein, bởi khó có thể tưởng tượng một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta mà có thể “nghĩ ra” nhiều lý thuyết vĩ đại có tầm vóc bao trùm vũ trụ như Einstein. Mọi lý thuyết vật lý hiện đại dường như đều có “dấu vết” – hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp − từ các lý thuyết của Einstein. Giáo sư vật lý nổi tiếng Nguyễn Hoàng Phương, lúc sinh thời, cũng từng tôn sùng Einstein như một “ông thánh”, ông treo ảnh Einstein ngang hàng với những vị Thánh khác được nhân loại tôn sùng.

Nhưng chính Einstein lại nhắn nhủ người đời rằng “Ai vỗ ngực xưng mình là quyền uy trong lãnh vực chân lý và tri thức thì chỉ làm trò cười cho các thần linh”.

Có nghĩa là mọi người đều có thể mắc sai lầm, và do đó sai lầm của các Giải Nobel là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta, phải tỉnh táo để nhận thức chân lý.

Không chỉ Tổ chức Giải Nobel có thể nhầm lẫn, mà kể cả các nhà khoa học đoạt Giải Nobel nhiều khi cũng có những tuyên bố phi khoa học đến mức đáng ngạc nhiên. Thí dụ:

George Wald (1906 – 1997)

George Wald là Giáo sư về Khoa học thần kinh tại Đại học Harvard, đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1967, một người mạnh mẽ ủng hộ Thuyết tiến hoá, đặc biệt Thuyết Phi Tạo sinh (Abiogenesis), tức lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Thuyết Tiến hoá, một lý thuyết cho rằng sự sống đầu tiên ra đời một cách NGẪU NHIÊN và TỰ PHÁT từ vật chất vô cơ.

Hiếm có một nhà tiến hoá nào chân thật như George Wald. Xin lắng nghe ông bày tỏ lý do vì sao ông ủng hộ Thuyết tiến hoá:

“Chỉ có thể có hai cách giải thích sự sống hình thành như thế nào: 1/ Sự sống hình thành tự phát dẫn tới tiến hóa, hoặc 2/ Sự sống do Chúa sáng tạo… Không có cách giải thích thứ ba. Lý thuyết sự sống hình thành tự phát đã bị bác bỏ về mặt khoa học bởi Louis Pasteur từ 120 năm trước, vì thế chỉ còn cách giải thích là sự sống ra đời bởi tác động siêu nhiên của Chúa. Nhưng tôi không thể chấp nhận triết lý đó bởi vì tôi không muốn tin vào Chúa. Do đó tôi chọn niềm tin vào cái mà tôi biết là bất khả thi về mặt khoa học, đó là sự sống hình thành tự phát dẫn tới tiến hóa”.

Xin nhắc lại để nhấn mạnh: Ông biết rõ rằng lý thuyết sự sống hình thành tự phát là SAI về khoa học, nhưng ông vẫn ủng hộ nó, đơn giản vì ông không còn lựa chọn nào khác! Liệu uy tín của một nhà khoa học đoạt Giải Nobel có đủ để chúng ta tán thành lý do lựa chọn của ông không?

Hơn thế nữa, lý do duy nhất ông dùng để biện mình cho sự ra đời ngẫu nhiên của sự sống đầu tiên từ vật chất không sống là… CƠ MAY, hoặc PHÉP LẠ do THỜI GIAN mang đến!

Đây, ông tuyên bố:

“Với thời gian vô cùng dài, cái “không thể” sẽ trở thành cái có thể, cái có thể sẽ thành cái có khả năng xảy ra, cái có khả năng xảy ra sẽ thành cái thực sự chắc chắn xảy ra. Người ta chỉ cần chờ đợi: thời gian sẽ tự nó trình bày các phép lạ”.

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

Câu nói này có thể dùng để nói với các “con bạc khát nước”, rằng nếu các bạn có thể sống vài trăm triệu năm, trước sau thể nào các bạn cũng sẽ trúng giải độc đắc!

Nói cách khác, George Wald có thể rất giỏi về khoa học chuyên ngành của ông, nhưng xem ra ông chẳng hiểu gì mấy về Lý thuyết Xác suất. Trong lý thuyết này, Émile Borel, một trong những nhà xác suất lớn nhất thế kỷ 20, đã chứng minh rằng mọi sự kiện có xác suất nhỏ hơn (1/10)^50 đều KHỒNG THỂ XẢY RA.

Fred Hoyle , một nhà toán học và thiên văn nổi tiếng người Anh trong thế kỷ 20, đã cùng với sinh viên của mình sử dụng những computer mạnh nhất để tính xác suất cho sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống, kết quả bằng (1/10)^40.000 !

Fred Hoyle kết luận:

“Cơ may để sự sống ra đời từ vật chất không sống bằng 1 trên 10 mũ 40.000… Số mũ đó đủ lớn để chôn vùi Darwin cùng toàn bộ thuyết tiến hóa. Không hề có nồi soup nguyên thủy trên hành tinh này hoặc ở bất cứ hành tinh nào khác, và nếu sự khởi đầu của sự sống không phải là ngẫu nhiên thì suy ra nó ắt phải là sản phẩm của trí thông minh có mục đích”.

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

Nhưng bất chấp lý thuyết xác suất, tất cả những người tin vào Học thuyết Darwin và Học thuyết Tân-Darwin đều tin rằng một cơ may ngẫu nhiên, mù quáng, vô mục đích ắt ĐÃ xảy ra từ hàng tỷ năm trước, làm cho các phân tử nguyên tử vô cơ tình cờ kết hợp lại thành sự sống đầu tiên, rồi sự sống ấy “tiến hoá” dần dần thành mọi sinh vật đa dạng như ngày nay!

Một tư tưởng mang đậm tố chất thần thoại như thế lại được coi là một lý thuyết khoa học (!). Lịch sử khoa học chưa bao giờ có sự trớ trêu lớn đến như thế. Các nhà tiến hoá không những không cảm thấy lúng túng khi nói ra những điều thậm vô lý đến như vậy, mà ngược lại, họ còn tự tin cho rằng tư tưởng của mình là độc đáo, đẹp đẽ, và thật “đáng thương” cho những ai không hiểu được niềm tin lãng mạn của họ. Jacques Monod là một nhà tiến hoá nổi tiếng có niềm tin mạnh mẽ hơn ai hết vào Thuyết Phi Tạo sinh.

Jacques Monod (1910 – 1976)

Jacques Monod là một nhà sinh học nổi tiếng, đoạt Giải Nobel về Sinh lý học và y học năm 1965. Ông lớn tiếng tuyên bố:

“Thực chất, một quá trình hoàn toàn mù quáng có thể dẫn tới sự hình thành mọi thứ; thậm chí có thể dẫn tới khả năng nhìn”.

Quá trình mù quáng ở đây là quá trình kết hợp ngẫu nhiên, vô mục đích, tình cờ của các phân tử, nguyên tử vô cơ để tạo thành sự sống đầu tiên!

Thực tiễn sinh học hiện đại đã bác bỏ quan điểm của Jacques Monod, vì mã DNA cho thấy RẤT RÕ rằng sự sống đã được thiết kế có mục đích, có định hướng rõ ràng!

Không có CHƯƠNG TRÌNH của DNA, sự sống sẽ không bao giờ hình thành, bất chấp thời gian tương tác của các phân tử nguyên tử vô cơ là bao nhiêu!

'Mảng tối' của các Giải Nobel
Ảnh: viethungpham.com

DNA là yếu tố quyết định để biến một tập hợp vật chất vô cơ thành sự sống!

Đó là điều Darwin không biết, và ông rất đáng được thông cảm, nhưng thật buồn khi chúng ta thấy những nhà sinh học đoạt Giải Nobel trong nửa sau thế kỷ 20 như George Wald hay Jacques Monod mà cũng không biết! Ảo tưởng về Thuyết Phi Tạo sinh đã che mờ mắt họ!

Vậy, qua hai trường hợp điển hình là George Wald và Jacques Monod, ta học được điều gì?

Xin trả lời:

  • Một nhà khoa học đoạt Giải Nobel, mặc dù có thể rất giỏi trong chuyên môn hẹp của mình, nhưng vẫn có thể có những ý kiến phi khoa học và phản khoa học!
  • Thuyết Tiến hoá làm hỏng nhận thức của con người về thế giới!

Ấy thế mà Giải Nobel Hoá học 2018 vẫn cố tuyên truyền cho Thuyết tiến hoá khi nói rằng các công trình được trao giải vì đã chứng minh được “sự tiến hoá có hướng dẫn” (directed evolution)!

Với kinh nghiệm về các Giải Nobel như đã nói ở trên, chúng ta có thể bình tĩnh và tỉnh táo nhận xét tuyên bố của Tổ chức Giải Nobel về Giải Nobel Hoá học 2018.

Về Giải Nobel Hoá học 2018

Để thấy rõ SAI LẦM của Tổ chức Giải Nobel trong việc đánh giá ý nghĩa các công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018, xin độc giả dành chút thì giờ đọc kỹ bài viết sau của tôi:

Xin nhắc lại ở đây phần kết luận.

Thực ra, các công trình đoạt Giải Nobel 2018 cho thấy:

  • Nếu việc tác động đến hệ gene được điều khiển bởi THIỆN CHÍ thì nó có thể dẫn tới những kết quả có ích lợi cho đời sống loài người.
  • Nếu việc tác động đến hệ gene được điều khiển bởi DÃ TÂM thì nó có thể dẫn tới những kết quả bất lợi hoặc nguy hiểm, đe doạ đời sống loài người.
  • Trong thực tế, hầu hết tác động làm thay đổi hệ gene đều dẫn tới bệnh hoạn, quái thai, sự chết và tuyệt chủng.
  • Thành tựu đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 hoàn toàn vô nghĩa trong việc chứng minh sự tiến hoá theo kiểu Darwin hoặc Tân Darwin là một sự thật

Khi bài báo này đăng lần đầu tiên trên mạng, một số độc giả đã có những bình luận rất hay và sáng suốt:

  • Bạn Ng Khoa viết:

Bài viết phân tích rất chi tiết thưa bác. Mấy hôm nay con cũng đang tìm hiểu về cái này, trên báo chỉ toàn ghi là dựa theo thuyết tiến hoá chứ chẳng có ghi thêm bất kỳ chi tiết nào nên đã gây nhiều khó khăn cho con trong quá trình tìm hiểu. Cám ơn bác rất nhiều.

  • Ông Nguyễn Bình nhận xét:

Bài phân tích của anh Hưng là rất kịp thời và cần thiết để tránh sự hiểu lầm về cái gọi là “tiến hóa” trong thực tiễn hoạt động của sinh giới dù là tự nhiên hay có tác động “hướng dẫn” của con người. Tôi nghĩ thực tế là họ biến đổi một số virus để có những đặc tính có lợi cho việc chữa bệnh hoặc theo mục đích nào đó mà thôi, không thể căn cứ vào đó mà gọi là “tiến hóa” được. Vậy nếu có tiến hóa trong các công trình đó, thì đã tiến hóa ra cái gì?

  • Đặc biệt, bạn Đỗ Minh Đức lập luận rất sâu sắc:

Thưa bác Hưng, ý kiến của bác trong bài viết này là rất chính xác.

Rõ ràng là những người biên soạn ra nội dung và lý do trao giải cho bà Frances Arnold đã mang sẵn trong tư duy hoặc bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của học thuyết Darwin nên mới không phân biệt đươc giữa “tiến hóa và chọn lọc” trong thuyết của Darwin xảy ra trong tự nhiên với “tiến hóa và chọn lọc” có “định hướng” cũng như “tác động” bởi các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm.

Thuyết tiến hóa cho rằng các các đột biến tích tụ trong hàng triệu năm, hay hàng tỷ năm, dưới các điều kiện môi trường ngẫu nhiên mà một loài này dần biến đổi thành loài khác.

Trong khi thực chất “directed evolution” là một kỹ thuật di truyền, lai dòng phân tử (giống như lai tạo giống ngô hay lúa mì cho năng suất cao) mà ở đây chính là tạo các enzyme xúc tác có các đặc tính mà các nhà khoa học mong muốn.

Nếu tìm hiểu kỹ, có thể thấy kỹ thuật “directed evolution” có một số thủ tục đặc điểm giống với thuyết tiến hóa, đó là:

1/ Ban đầu gây đột biến lên gene mã hóa cho một enzyme đang cần nghiên cứu, sẽ cho ra một tập hữu hạn các gene đột biến

2/ Phân tách từng gene đột biến rồi từ mẫu này tổng hợp ra các enzyme tương ứng

3/ Mỗi loại enzyme được khuếch đại với số lượng lớn để tính trạng trội của mỗi mẫu được thể hiện

4/ Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm phát hiện, lựa chọn ra tính trạng tối ưu

5/ Từ tính trạng tối ưu này tương ứng với gene mã hóa đột biến, họ đem gene đột biến này lặp lại bước 1 ban đầu.

6/ Sau một số bước lặp, các nhà khoa học sẽ chọn ra được enzyme có tính năng tối ưu nhất cho mục đích nghiên cứu.

Có thể thấy các bước làm trên là hữu hạn (số lượng đột biến là ngẫu nhiên nhưng không quá lớn) trên một dòng protein nhất định, trong thời gian chấp nhận được, thực hiện trong phòng thí nghiệm với những điều kiện ưu thế mà gần như ít gặp trong tự nhiên, và dưới sự kiểm soát và tư duy của nhà khoa học tiến hành thí nghiệm. Các thủ tục này rõ ràng là khác với thuyết tiến hóa: xảy ra trên một tập lớn dữ liệu giữa các loài, trong thời gian dài hàng triệu năm, với điều kiện thăng giáng tác động từ môi trường tự nhiên và hoàn toàn ngẫu nhiên không có một “định hướng” của “thế lực” nào.

Ngay ở trong báo cáo khoa học của Giải Nobel hóa học 2018, chính những người biên soạn đã viết rằng không thể nghiên cứu bằng cách tạo ra đột biến một cách ngẫu nhiên trên từng điểm của gene mã hóa cho chuỗi axit amin (mà thường lớn hơn 200 axit amin) vì đơn giản khi lấy tổ hợp toán học của các đột biến này và các biến dị của nó sẽ cho số lượng rất lớn! (Trang 3 trong [1]) Mà các nhà sinh học chỉ lựa chọn một thư viện với số lượng nhỏ đột biến để nghiên cứu.

Thành tựu được công nhận của bà Frances Arnold đó là đưa ra những kỹ thuật giúp tạo ra được những enzyme có lợi phục vụ trong sản xuất xăng sinh học, tạo ra những phân tử mới không có trong tự nhiên…

Tham khảo:

  • https://www.nobelprize.org/uploads/2018/10/advanced-chemistryprize-2018.pdf
  • http://www.caltech.edu/news/frances-arnold-wins-2018-nobel-prize-chemistry-83926
  • http://www.caltech.edu/news/caltech-scientists-create-new-enzymes-biofuel-production-1519
  • http://www.caltech.edu/news/bringing-silicon-life-53049
  • http://www.caltech.edu/news/caltech-scientists-breed-bacteria-make-tiny-high-energy-carbon-rings-81885

Kết luận

  • Tổ chức Giải Nobel (bộ phận xét Giải Nobel Hoá học) đã tự lộ diện là một thành viên tích cực của cộng đồng các nhà tiến hoá. Và họ đã áp đặt một khái niệm phi lý là “directed evolution” vào công trình của bà Frances Arnold. Phi lý ở chỗ sử dụng khái niệm “tiến hoá” cho một sự thật chỉ có ý nghĩa “biến hoá’, mà giới tiến hoá thường gọi là “micro-evolution”, một khái niệm bịp bợm, làm cho nhiều người ngỡ rằng tiến hoá là một sự thật.
  • Khái niệm “directed evolution” phản lại khái niệm “đột biến ngẫu nhiên” của Thuyết Tân-Darwin! Nói cách khác, Giải Nobel Hoá học 2018 vô tình chống lại Thuyết Tân-Darwin ở chỗ khẳng định rằng muốn có “tiến hoá” thì phải có sự HƯỚNG DẪN, ĐỊNH HƯỚNG! Do đó, quy trình đột biến NGẪU NHIÊN, tức là không có hướng dẫn, sẽ không thể dẫn tới tiến hoá. Suy ra Thuyết Tân-Darwin là “impossible!” (bất khả thi), đúng như Lý thuyết xác suất đã tuyên bố!

Tác giả: Phạm Việt Hưng

Mời tham dự Hội thảo ‘Bí mật của Sự sống’ tại Hà Nội ngày 18/10
GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.