Các nhà khoa học đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa nghiên cứu thành công loại túi nilon tự hủy làm từ bột sắn, dai hơn túi nilon thường và chỉ đắt gấp rưỡi.

Túi nilon là một đồ vật khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, nó lại là tác nhân gây ra “ô nhiêm trắng” – cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về sự ô nhiễm môi trường do túi nilon gây ra, với hàng loạt hệ lụy nguy hiểm.

Trước đây và bây giờ vẫn vậy, nhựa là thành phần chủ yếu được dùng để làm túi nilon. Với ưu điểm bền, chắc và đặc biệt là tính sẵn có, chưa có vật liệu nào khác thay thế được nhựa. Tuy nhiên, khả năng phân hủy của nhựa rất kém, nếu không được xử lý đúng cách còn gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymo thuộc Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã tìm ra một câu trả lời hợp lý, một loại vật liệu mới thay cho nhựa đó là… bột sắn. Bằng cách sử dụng vật liệu này, họ có thể làm ra loại túi nilon mới có khả năng tự hủy, bền và dai hơn túi nilon thường nhưng chi phí chỉ đắt hơn 1,5 lần.

Tỷ lệ bột sắn trong loại túi nilon này chiếm khoảng 35-40%, phần còn lại là nhựa phân hủy sinh học. Ưu điểm của nó là sau khi phân hủy ra đất không làm ảnh hưởng đến môi trường từ nhiên, cây trồng và vật nuôi vẫn có thể sống tốt ở vùng đất đó.

Đây có thể là một phát minh làm thay đổi thế giới. Các nhà khoa học cho biết sẽ sớm sản xuất hàng loạt loại túi nilon này để tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Đức

Từ Khóa: