Những hình ảnh mới từ radar cho thấy trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc hiện chỉ còn cách mặt đất khoảng 200 km và nhiều khả năng sẽ tiếp đất vào cuối tuần này.

Theo Iflscience, các nhà khoa học Đức đã chụp được những hình ảnh radar mới nhất về trạm vũ trụ xấu số Thiên Cung 1 của Trung Quốc. Thời gian cỗ máy khổng lồ này đáp xuống bầu khí quyển của trái đất chỉ được tính bằng ngày.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Fraunhofer về Vật lý tần số cao và công nghệ radar (Fraunhofer FHR) ở Wachtberg đã sử dụng hệ thống Theo dõi và thu thập hình ảnh Radar (TIRA) với một chiếc ăng ten lớn để theo dõi Thiên Cung 1.

Thiên Cung 1 đang mất độ cao khoảng 4km/ngày (Ảnh: TM)

Những hình ảnh này cho thấy nhiều góc độ khác nhau của trạm không gian đang bị mất kiểm soát này. Nó có kích thước khoảng 10,4m x 3,4m và nặng khoảng 8,500kg. Chúng cũng cho thấy kết cấu trạm vũ trụ vẫn còn nguyên vẹn và xoay vòng một cách tự nhiên trong quá trình rơi xuống trái đất.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Sau sự cố mất liên lạc bằng radio với Thiên Cung 1 vào năm 2016 cộng với việc quỹ đạo bay thấp, việc trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc sẽ rơi trở lại bầu khí quyển là điều không thể tránh khỏi.”

“Bằng cách xác định chính xác dữ liệu quỹ đạo của Thiên Cung 1, những công nghệ của chúng tôi có thể hỗ trợ dự báo thời gian và địa điểm diễn ra cuộc va chạm này.”

Tại thời điểm hiện tại, ước tính ban đầu được đưa ra về thời gian mà trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống bầu khí quyển trái đất là vào ngày 1 hoặc 2 tháng tư tới đây. Nó hiện đang ở độ cao khoảng 200km và giảm dần khoảng 4km mỗi ngày.

Quỹ đạo mô phỏng của Thiên Cung – 1 (Ảnh: Iflscience)

Trong khi trạm vũ trụ này không phải là vật thể nhân tạo lớn nhất từng rơi xuống Trái đất, nó vẫn đủ lớn để một số mảnh của nó có thể va chạm với bề mặt trái đất. Quỹ đạo của nó nằm giữa 43° Bắc và 43° Nam, như vậy nó có thể ảnh hưởng tới những khu vực như Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc.

Vào cuối tuần lễ Phục Sinh, nếu rơi xuống nó sẽ rơi trên đại dương nhưng cũng sẽ lướt qua một số quốc gia như Brazil, Nam Phi và Indonesia.

Phần lớn kết cấu sẽ bị bốc cháy trên bầu khí quyển nhưng nhiều mảnh sẽ chạm được đến mặt đất (Ảnh: Iflscience)

Nếu bất cứ mảnh vỡ nào đáp xuống mặt đất, chúng ta không nên tiếp cận chúng vì chúng có thể chứa các vật liệu và hóa chất nguy hiểm. Tuy nhiên khả năng thiết bị này hạ cánh tại một khu vực có người ở là rất thấp.

Trong vài tuần qua, quá trình rơi xuống của trạm vũ trụ Thiên Cung 1 luôn thu hút được sự chú ý của dư luận. Giờ đây, những hình ảnh radar như thế này đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát hơn về trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc trước khi nó quay trở lại trái đất. Hãy cùng chờ xem địa điểm chính xác mà nó rơi xuống là ở đâu trong vài ngày tới!

Nhật Quang