Mặc dù đã bán mình cho Grab và rời khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 8/4, Uber vẫn đang nợ khoản thuế 53 tỷ đồng. Với cơ chế tránh thuế lắt léo, việc thu thuế của hãng gọi xe này không chỉ khiến các nhà chức trách Việt Nam đau đầu mà nhiều thành phố và quốc gia khác cũng phải chật vật tìm giải pháp.

Tương tự nhiều tập đoàn đa quốc gia khác, Uber có con đường tránh thuế rất lắt léo, đi qua nhiều thiên đường thuế mà điển hình là Hà Lan. Điều này khiến việc thu thuế tại các quốc gia mà hãng hoạt động trở nên rất khó khăn.

Để tránh tình trạng thất thoát thuế, nhiều thành phố và quốc gia đã đưa ra những quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt để quản lý.

Tại Mỹ, thành phố Chicago quyết định thu của Uber và các hãng tương tự một khoản phí cho mỗi cuốc xe, một dạng đánh thuế theo doanh thu. Cụ thể, mỗi cuốc xe thực hiện bởi các ứng dụng gọi xe dạng Uber phải trả cho ngân sách thành phố Chicago 0,52 USD. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 0,67 USD vào năm 2019.

Tiền phí này được thành phố sử dụng vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Chính quyền cho rằng sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã làm mật độ phương tiện tăng lên, giảm sự hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng.

Mạnh tay hơn Chicago, thành phố New York của Mỹ đang áp dụng mức thu 2,75 USD cho một cuốc xe thực hiện bởi các ứng dụng gọi xe. Con số này với taxi truyền thống tại New York hiện là 2,5 USD/cuốc xe.

Việt Nam chật vật đòi nợ thuế của Uber: Các nước quản lý hãng gọi xe này thế nào?
Việc quản lý Uber, Grab ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại Anh, các ứng dụng gọi xe dạng Uber phải chịu mức thuế giá trị gia tăng 20% cho mỗi cuốc xe. Tuy nhiên, cơ quan thuế của Anh cho rằng nước này đang thất thu 40 triệu Bảng Anh vì Uber đang lợi dụng các kẽ hở để lách luật.

Theo đó, Uber bị cáo buộc đã né khoản thuế này bằng cách đăng ký kinh doanh cho 40.000 tài xế đối tác như 40.000 doanh nghiệp riêng biệt. Kết quả là mỗi “doanh nghiệp” này có doanh thu không quá mức chịu thuế giá trị gia tăng tại Anh, hiện là 85.000 Bảng Anh.

Tại Indonesia, từ tháng 7/2017 chính quyền nước này đã áp dụng các mức thuế từ 3.500-6.500 rupiah (tương đương từ 6.000-10.000 đồng/km) với các dịch vụ gọi xe công nghệ. Chính quyền địa phương cũng có quyền điều chỉnh giá các chuyến đi và hạn chế số lượng phương tiện hợp tác với Uber, Grab được phép hoạt động trong mỗi khu vực.

Ngay tại thời điểm mà các ứng dụng gọi xe công nghệ trở nên phổ biến từ năm 2014, các nhà chức trách Singapore đã có nhiều quy định chặt chẽ, đưa ra những điều luật chi tiết để bảo vệ người dùng.

Theo đó, các ứng dụng gọi xe công nghệ có ít nhất 20 taxi hoạt động, sẽ bị chi phối bởi điều luật dành cho các nhà cung cấp dịch vụ đặt taxi. Các công ty này phải được cấp giấy đăng ký từ Cơ quan quản lý giao thông đường bộ và phải đáp ứng các điều kiện về chi phí, giá cả, tiêu chuẩn dịch vụ, và cam kết chỉ thuê những taxi được cấp bằng.

Trong năm 2017, Singapore đã quy định điều luật cho phép chính quyền đình chỉ hoạt động các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab hay Uber khoảng 1 tháng nếu như phát hiện ít nhất 3 trường hợp tài xế không có đầy đủ giấy tờ, bằng cấp và bảo hiểm. Tài xế cũng sẽ bị phạt hành chính và thậm chí là phạt tù.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Uber và các ứng dụng gọi xe tương tự phải chịu mức thuế 5% doanh thu. Tính tới thời điểm 10/4, Uber phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ thuế 53 tỷ đồng. Cục Thuế Tp.HCM cũng đã có công văn yêu cầu Uber B.V ở Hà Lan thực hiện nghĩa vụ thuế còn lại ở Việt Nam.

Nguyễn Trang