Người dân Thụy Điển có thể sẽ sớm không còn nhìn thấy tiền giấy hay tiền xu nữa khi nó ngày càng được ít dùng trong các giao dịch thanh toán.

Theo Bloomberg, tổng lượng tiền mặt đang lưu thông tại Thụy Điển năm 2017 đã xuống mức thấp nhất kể từ 1990 và hiện thấp hơn 40% so với mức đỉnh ghi nhận năm 2007. Mức sụt giảm lượng tiền mặt lưu thông trong năm 2016 và 2017 đều lớn kỷ lục.

Nhằm tránh xảy ra kịch bản tiền mặt “bốc hơi” hoàn toàn khỏi Thụy Điển, nhà cung cấp các dịch vụ quản lý tiền mặt Loomis AB muốn các nhà chức trách buộc các ngân hàng và các hãng bán lẻ tiếp tục chấp nhận tiền mặt.

CEO Loomis Patrik Andersson nhấn mạnh: “Chúng tôi phải có xe, có hầm chứa và nhiều thứ khác. Và để duy trì hệ thống, chúng tôi vẫn cần một lượng giao dịch bằng tiền mặt”.

Trước đó, ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng ra cảnh báo bày tỏ lo ngại về việc tiền mặt biến mất nhanh chóng sẽ dẫn đến việc phải phân tách cơ sở hạ tầng cần thiết để sử dụng tiền mặt, tiền xu, đồng thời làm xáo trộn công việc điều hành hệ thống thanh toán hiệu quả, an toàn của họ.

Theo CEO Andersson, các vùng xa xôi ở phía Bắc Thụy Điển có nguy cơ “bốc hơi” tiền mặt nhanh nhất. Viễn cảnh này sẽ trở nên đáng lo ngại nếu xảy ra các sự cố kỹ thuật, hoặc thảm họa thiên nhiên, khiến họ không thể mua nhu yếu phẩm để tồn tại.

“Tiền mặt rất quan trọng trong khủng hoảng. Người Thụy Điển có thể chưa hiểu được một sự kiện như thế có thể khiến cả cộng đồng ảnh hưởng đến thế nào”, Andersson nhấn mạnh.

Thụy Điển được cho là một trong các nước dùng ít tiền mặt nhất thế giới. Theo Bloomberg, phần lớn các chi nhánh ngân hàng ở nước này đã ngừng xử lý tiền mặt. Nhiều cửa hàng, bảo tàng và nhà hàng giờ đây chỉ nhận trả tiền bằng thẻ hoặc thanh toán di động. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng có mặt tiêu cực khi nhiều người già không có khả năng truy cập vào xã hội kỹ thuật số.

Nguyễn Trang