Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu, chỉ mua sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vì có giá bán cạnh tranh hơn.

VTV News ngày 9/8 dẫn lời đại diện Petrolimex cho biết, bắt đầu từ tháng 8/2018, tập đoàn này đã gần như không nhập khẩu xăng dầu, thay vào đó là mua sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với 2 sản phẩm là xăng dầu các loại và dầu diesel.

Đối với một số sản phẩm dầu khác, Petrolimex vẫn nhập về theo một số hợp đồng đã ký với nước ngoài từ trước.

Cũng theo Petrolimex, hiện nhà máy Nghi Sơn đang trong giai đoạn chạy thử, đến ngày 1/10 sẽ bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Trong giai đoạn 1 tháng chạy thử, Nghi Sơn thu được khoảng 200.000-400.000 mét khối xăng dầu/tháng.

Petrolimex hiện mua khoảng 10-20% khối lượng này vì có giá thấp hơn giá xăng dầu nhập khẩu và khối lượng cung cấp đủ để đáp ứng thị phần rộng lớn của Petrolimex với xấp xỉ 50% thị trường xăng dầu nội địa. Petrolimex cho biết thời gian tạm dừng nhập khẩu xăng dầu này sẽ do giá cả thị trường quyết định.

Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá đã đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam do lo ngại xăng dầu Nghi Sơn có nguy cơ rơi vào tình cảnh ế ẩm.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD. Công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi.

Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xăng nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 7 đã giảm 42% so với tháng 6. Trong một tính toán đưa ra đầu tháng 7, Tổng cục Hải quan đã nhận định, từ tháng 7 đến hết năm 2018, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp ra thị trường gần 4 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Vì vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm tương đương và làm giảm thu ngân sách của ngành Hải quan từ mặt hàng xăng dầu (nhập khẩu) khoảng 15.000 tỷ đồng.

Vỹ An