Chiều tối ngày 26/7, NSƯT Thanh Hoàng đột ngột qua đời sau thời gian dài điều trị ung thư vòm họng. Giới nghệ sĩ và người hâm mộ bàng hoàng tiếc thương.

NSƯT Thanh Hoàng tên thật là Hồ Kim Hoàng, sinh năm 1963 ở Sài Gòn, trong gia đình nghèo có 5 anh em. Nhà đông con lại có hoàn cảnh khó khăn nên năm 17 tuổi, anh đã lăn lộn đủ nghề. Anh từng làm nhân viên gác cửa vũ trường, phụ bán quán cà phê, xe hủ tiếu gõ, làm thợ hồ xây dựng, rồi nhân viên giữ xe đạp… Cuối cùng, anh nhận ra đam mê với ánh đèn sân khấu và quyết tâm vượt mọi khó khăn.

Suốt hàng chục năm, nam diễn viên kỳ cựu của làng sân khấu Việt đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ.

Vở kịch đầu tay Thư video

Vở kịch đầu tiên anh mời mẹ đi xem là Thư video. Trong đó, anh tự viết kịch bản, dàn dựng cho đến kiêm luôn vai chính.

Mẹ anh đã khóc thật nhiều sau suất diễn đó nhưng bà nghẹn lời buông câu hỏi: “Rồi con lấy gì ăn khi kịch quần chúng không bán được vé?”. Thanh Hoàng đã xua đi nỗi lo của mẹ, tự an ủi chính mình rằng một ngày không xa, “thánh đường” sân khấu sẽ chào đón bước chân anh.

Dạ cổ hoài lang

Kịch bản Dạ cổ hoài lang do anh chắp bút khi tham gia trại sáng tác năm 1994 đã vụt sáng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995.

Nam nghệ sĩ chia sẻ rằng, vào thời điểm đó, khi đất nước mới mở cửa, anh đã gặp nhiều Việt kiều từ Mỹ về thăm quê. Qua những tâm sự của họ, anh hình dung ra một cuộc sống với nhiều khó khăn của những người Việt, nhất là những người lớn tuổi trên mảnh đất tha hương. Từ những câu chuyện đầy xúc động, Thanh Hoàng đã chắp nối để cho ra vở kịch Dạ cổ hoài lang.

Những tác phẩm đi cùng năm tháng của cha đẻ 'Dạ cổ hoài lang'
Vở kịch bất hủ Dạ cổ hoài lang.

Vở diễn ngay từ khi ra đời đã gây tiếng vang cho làng kịch thành phố. Đặc biệt là những dịp Tết đến, bà con Việt Kiều về thăm quê ai cũng nô nức mua vé đi xem. Thậm chí, Sân khấu Nhỏ 5B từng nhiều năm cháy vé Dạ cổ hoài lang trước cả tháng trời.

Những tác phẩm đi cùng năm tháng của cha đẻ 'Dạ cổ hoài lang'

Những tác phẩm đi cùng năm tháng của cha đẻ 'Dạ cổ hoài lang'
Sau nhiều thập kỷ, Dạ cổ hoài lang vẫn giữ nguyên sức hút với nhiều thế hệ khán giả.

Từ dấu ấn này, anh bước vào thế giới sáng tạo chuyên nghiệp, trở thành một trong những nhân tố tích cực biến sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Tp.HCM.

Tiếp nối thành công, anh cho ra đời nhiều kịch bản, nổi bật trong số đó là Trầu cau, Cha yêu, Trở về… Từ độ tuổi đôi mươi, anh đã rất thành công khi hóa thân vào các vai già, vai ông lớn trong các vở kịch cổ điển nước ngoài.

Diễn xuất đa dạng

Thanh Hoàng cũng tham gia điện ảnh với nhiều vai diễn trong các bộ phim như Anh Hai mắt mèo, Sợi dây đai, Ngôi nhà quê, Hoàng tử ơi! Anh ở đâu... Cũng như trên sân khấu, các vai diễn điện ảnh của anh cũng rất đa dạng. Xem Thanh Hoàng, khán giả khi cười sảng khoái bởi sự hài hước, khi rơi nước mắt vì xót thương…

Những tác phẩm đi cùng năm tháng của cha đẻ 'Dạ cổ hoài lang'
NSƯT Thanh Hoàng trong Hoàng tử ơi! Anh ở đâu? năm 2017.

Không ôm đồm, tham lam nhiều tác phẩm nhưng mỗi tác phẩm của Thanh Hoàng đều để lại nhiều dư âm cho khán giả, từ gương mặt hiền lành, cương nghị đến nét dí dỏm, hài hước. Với anh, mỗi vai diễn là một lần hóa thân và trải nghiệm.

Người truyền lửa cho các thế hệ sau

Thời điểm Thanh Hoàng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát sân khấu 5B Võ Văn Tần, (Tp.HCM), sàn diễn đã bắt đầu bão hòa. Nhưng anh đã chèo lái để đơn vị vẫn giữ được phong độ và mang đến cho khán giả những tác phẩm giá trị.

Những tác phẩm đi cùng năm tháng của cha đẻ 'Dạ cổ hoài lang'

NSƯT Thanh Hoàng đã góp phần truyền lửa yêu nghề cho nhiều thế hệ diễn viên, tác giả, đạo diễn của nhà hát. Đến khi mắc bệnh nặng, không thể tiếp tục đảm đương trọng trách, anh xin được nghỉ hưu để điều trị.

Sau thời gian điều trị, anh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 16h 45′ ngày 26/7, hưởng dương 55 tuổi. Lễ viếng sẽ được tổ chức vào sáng 27/7 tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, Q.3, Tp.HCM.

Hạ Nguyên