UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân trước khi đốt đồng phải thông báo tới VEC – doanh nghiệp quản lý tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây để được hướng dẫn “đốt đồng có kiểm soát”.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu ban, ngành liên quan và các lãnh đạo quận, huyện, phường xã có cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây đi qua thông tin để người dân hạn chế việc đốt rơm rạ, cỏ khô, gây mất an toàn giao thông, theo VnExpress.

Người dân Nhơn Trạch, Đồng Nai đốt đồng bên cao tốc Tp. HCM – Long Thành – Dầu Giây đầu tháng 4. (Ảnh: VnExpess)

Nếu bắt buộc phải đốt đồng, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân phải báo cho phía Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, doanh nghiệp quản lý đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây) biết để được hướng dẫn đốt có kiểm soát.

Theo Thanh Niên, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu VECE liên tục tuần tra kiểm soát, khi có sự cố cần thông báo kịp thời cho xe chạy trên tuyến, tránh để xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, các địa phương nên gắn bảng thông báo số điện thoại đường dây nóng tại những nơi thường xảy ra đốt đồng để người dân biết và thông báo khi cần.

Khói bụi mù mịt do đốt đồng gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây chiều 3/4. (Ảnh: Tiền Phong)

Trước đó, chiều 3/4, cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn gần cầu Đồng Môn (cách Quốc lộ 51 khoảng 2km) khói do người dân đốt đồng bốc lên nghi ngút.

Hàng loạt ôtô đang chạy tốc độ khoảng 120km/h ở cả hai chiều không thể quan sát. Các tài xế đã giảm tốc nhưng 10 xe vẫn tông liên hoàn vào nhau khiến 4 người bị thương.

Theo Tiền Phong, tai nạn liên hoàn trên cao tốc chiều 3/4 chỉ là một trong nhiều hậu quả khôn lường do việc đốt đồng gây ra.

Các nhà khoa học cảnh báo, nạn đốt đồng còn tạo ra “sát thủ” PM 2.5 trong không khí – loại bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet – có khả năng len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cơ thể, gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch, thậm chí cả ung thư và đột biến gene.

Thế Tam