Một số chuyên gia kinh tế dự đoán rằng cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài vượt ra ngoài cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.

Theo CNBC, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sau thời gian đàm phán công khai giữa 2 nước kết thúc vào lúc 12 giờ ngày 7/9.

Không những vậy, phát biểu trước báo giới ngày 7/9, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, bên cạnh kế hoạch 200 tỷ USD hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ có nguy cơ sẽ bị áp thuế.

Trước đó, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa sẽ trả đũa nếu Washington có thêm động thái áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi những căng thẳng này đe dọa đến nhiều lĩnh vực thương mại hơn, một số chuyên gia kinh tế dự đoán cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài vượt ra ngoài cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.

Derek Scissors, nhà kinh tế châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung trong 2 năm nữa vẫn rất căng thẳng.

Cũng theo ông Scissors, mục đích của Mỹ trong cuộc chiến thương mại này là những thay đổi rất lớn trong hành vi thương mại và có thể là hành vi kinh tế trong nước của Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Stephen Roach, nhà kinh tế học tại Đại học Yale, cho rằng cho dù ông Trump có quyết định áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hay không thì vẫn có một sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung.

Đáng chú ý, ngoài cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Mỹ với Trung Quốc, ông Trump cũng đề xuất với một nhà báo của tờ Wall Street Journal hôm 6/9 rằng Nhật Bản có thể là điểm đến tiếp theo trong tầm nhìn chiến tranh thương mại của ông. Có thể thấy, Tổng thống Trump đang rất quyết tâm thực hiện chính sách giảm chênh lệch cán cân thương mại của Mỹ với các đối tác.

Hoài Phương (Tổng hợp)