Nhà trường giương cao khẩu hiệu với những tiêu chí thân thiện, danh dự, tích cực nhưng thực tế nơi trao tri thức, dạy yêu thương này lại là chỗ học sinh bị tát đến mức nhập viện. Hơn 230 cái tát như cú phản đòn, giáng mạnh vào căn bệnh thành tích của ngành giáo dục, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Học đường là nơi yêu thương hay chốn dưỡng oán thù?

Mới đây, vụ việc một giáo viên ở Quảng Bình “chỉ đạo” học sinh trong lớp tát vào má nam sinh khác 230 cái, khiến em này phải nhập viện cấp cứu đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đa số ý kiến đều bức xúc và cho rằng hành động này phản giáo dục, giáo viên phải kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí cho ra khỏi ngành, truy tố hình sự.

Nói với báo giới, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương pháp giáo dục như vậy là không thể chấp nhận được. Đây không phải là cách thức cổ điển, trong cuộc sống hiện đại càng không thể xử lý như vậy.

Hành vi này biểu lộ sự phản giáo dục, rất khó hiểu của người đứng trên bục giảng. Điều này khiến chốn học đường là nơi nuôi những thù hận giữa học sinh với giáo viên và học sinh với nhau, thay vì là nơi dưỡng thành nhân cách cao đẹp cho các em.

co giao bat hoc sinh tat ban 230 cai nuoi yeu thuong hay duong oan thu
Ông Nhưỡng cho rằng, việc sử dụng 23 bạn để tát cũng gây ra “một nỗi nhục” cho chính các em học sinh. (Ảnh: Vietnamnet)

“Nếu cháu bị tát mà oán thù các bạn, hay giả sử nam học sinh đó đau lòng, thấy đây là nỗi nhục, rồi có hành động dại dột thì cô giáo có làm cách nào cũng không thể gỡ lại được. Do vậy, cá nhân tôi thấy rằng, hành vi của cô giáo này cần phải xem xét hết sức nghiêm túc để xử lý”, ông Nhưỡng nói.

Về trách nhiệm của nhà trường trong vụ việc, ai cũng đồng tình với việc phải trừng trị nghiêm để không còn trường hợp giáo viên như vậy. Nhưng, nguyên nhân sâu xa của những cái tát lại đến từ chính nơi các em đang theo học.

Sau khi xảy ra sự việc, thay vì lên tiếng nhận trách nhiệm, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh lại xin báo chí đừng lên tiếng bởi trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân, toàn bộ công sức của tập thể sẽ “đổ xuống sông, xuống biển”.

co giao bat hoc sinh tat ban 230 cai nuoi yeu thuong hay duong oan thu
Tấm biển trưng to, rõ ràng ở sân trường. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM)

Một phụ huynh lên tiếng với Báo Một Thế Giới, vì cái thành tích ấy mà con cái họ bị tát như thế, nhân phẩm trẻ em bị xúc phạm như thế, làm nhục người khác giữa tập thể lớp như thế, vi phạm pháp luật bảo vệ trẻ em như thế thì lên chuẩn để làm gì?

Tại một góc trong khuôn viên trường là tấm biển: “Chất lượng là danh dự của nhà trường”. Câu khẩu hiệu khiến nhiều người phải thốt lên: “Trường học dạy yêu thương, đưa danh dự ra rồi tát học sinh nổ đom đóm, khóc nức nở, phải nhập viện vậy thì chất lượng ở đâu? Danh dự ở đâu?”

co giao bat hoc sinh tat ban 230 cai nuoi yeu thuong hay duong oan thu
Thân thiện ở đâu khi dạy học trò tát nhau? Mẫu mực ở đâu hiệu trưởng vô cảm đến mức xin báo chí bỏ qua những điều khủng khiếp nhất trong đời của học trò? (Ảnh: Một Thế Giới)

Lời bao biện của hiệu trưởng càng chứng minh hành vi của cô giáo là phản giáo dục, vì bệnh thành tích. Và nếu không giải quyết dứt điểm những tồn tại này thì, những vụ việc tương tự sẽ còn tiếp diễn.

PGS. TS Phạm Mạnh Hà (Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia) trao đổi với Infonet, để học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” mà không cần bất cứ một phương pháp đòn roi, trừng phạt nào cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích.

“Chúng ta phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp, đừng đánh giá học dốt là kém mà có thể do điều kiện hoàn cảnh. Không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Điều đó là không nên và không thực tế”.

Các yếu tố bên ngoài đã khiến mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần như đối đầu. Một bên mong muốn những tri thức tốt đẹp, mong muốn phải tốt phải được khen, một bên thì căng thẳng dồn nén và xảy ra xung đột là điều không tránh khỏi.

co giao bat hoc sinh tat ban 230 cai nuoi yeu thuong hay duong oan thu
Vì quá uất ức, nam sinh làu bàu một câu, lập tức giáo viên này tát thêm một cái “chốt hạ”. Cái tát đủ lực khiến nạn nhân phải đi cấp cứu và mạnh đến nỗi làm “lật mặt” ngành giáo dục, phản đảo lại đạo lý truyền thống của cha ông. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em và có thể bị khởi tố hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khoẻ.

Trong vụ việc này, không chỉ học sinh phạm lỗi là nạn nhân, mà những em bị cô giáo biến thành công cụ trừng phạt là nạn nhân thứ hai. Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa, trợ giúp, can thiệp sớm sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cả cuộc đời về sau của cả giáo viên và học sinh.

Quang Minh (Tổng hợp)