Giá bất động sản tại Hồng Kông đã tăng hơn 200% trong vòng một thập kỷ qua khiến mỗi người dân của thành phố này bình quân phải làm cật lực 22 năm mới có thể mua được nhà.

Theo xếp hạng của ngân hàng UBS Thụy Sỹ công bố ngày 27/9, Hồng Kông là thành phố có rủi ro bong bóng bất động sản lớn nhất thế giới.

Kể từ năm 2012, giá nhà tại Hồng Kông đã tăng trung bình 10% mỗi năm. Các biện pháp hạ nhiệt đều không có nhiều tác dụng. Vì vậy, thành phố này đang cân nhắc thắt chặt quy định với người mua từ nơi khác.

Cũng theo xếp hạng, một nhân viên lành nghề ở Hồng Kông, có mức lương trung bình trong ngành dịch vụ, sẽ cần tới 22 năm làm việc để mua được một căn hộ 60 m2 gần trung tâm thành phố. Con số này tại London – thành phố xếp hai – là 15 năm.

Theo Reuters, tính trung bình, 1 m2 nhà ở tại Hồng Kông có giá khoảng 16.600 USD. Nếu đi thuê, người thuê nhà sẽ phải bỏ ra hơn 1.500 USD/tháng để được ở trong một căn hộ 23 m2 có cửa sổ và phòng tắm.

cay cuoc 22 nam moi mua duoc mot can ho o hong kong
1 m2 nhà ở tại Hồng Kông có giá khoảng 16.600 USD. (Ảnh: Reuters)

Có 3 nguyên nhân lý giải cho giá bất động sản tại Hồng Kông liên tục leo thang. Thứ nhất là cầu vượt xa cung. Mỗi năm chỉ có khoảng 20.000 căn hộ được tung ra thị trường trong khi nhu cầu cao hơn gấp cả chục lần. Thứ hai là cuộc chiến “ngầm” hạ lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng. Cuối cùng là việc các nhà đầu tư đại lục đổ xô gom bất động sản tại Hồng Kông.

Người ta còn có thể cảm nhận cơn sốt đất ở Hồng Kông từ bãi đỗ xe, khi 1 chỗ đỗ xe tại tòa nhà thuộc hàng cao cấp ở đây được bán với giá 664.300 USD, đắt hơn cả giá 1 căn nhà ở nhiều nước phát triển.

Nếu như năm 2010, số căn hộ siêu nhỏ chỉ chiếm 5% lượng nhà mới thì năm 2016, con số này đã tăng lên 27% và được dự báo sẽ tăng lên 43% vào năm 2018 (theo số liệu của cơ quan quản lý). Giá của những căn hộ siêu nhỏ ở Hồng Kông đã tăng 99% trong giai đoạn 2010 – 2016, nhanh hơn gấp đôi so với những căn hộ lớn hơn mà phần lớn người dân của thành phố này không thể mua được.

Trong bối cảnh khan hiếm đất và giá bất động sản cao ngất, thậm chí người đã khuất cũng không có chỗ để… yên nghỉ. Theo một số ước tính, Hồng Kông sẽ thiếu khoảng 400.000 chỗ đặt bình tro cốt vào năm 2023. Ngay cả những người được chôn cất tại nghĩa trang công cộng cũng có thể bị bốc mộ đưa đi hỏa táng sau 6 năm.

Những cái tên còn lại trong nhóm có rủi ro bong bóng là Munich, Toronto, Vancouver, Amsterdam và London.

UBS cho biết, trong 5 năm qua, việc giá bất động sản tăng trung bình 35% tại các thành phố lớn đã gây ra một cuộc “khủng hoảng khả năng chi trả”.

“Phần lớn các hộ gia đình không còn đủ khả năng mua nhà tại các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới mà không cần một khoản thừa kế lớn”, ngân hàng UBS đánh giá.

Tuy giá nhà ở tại phần lớn các thành phố được nghiên cứu đã tăng chậm đáng kể trong một năm qua, nhưng xu hướng bùng nổ lại xuất hiện ở các nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro, cũng như Hồng Kông và Vancouver.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)