Trên con đường Tôn Đức Thắng, trước cổng đại học Sài Gòn cơ sở 2, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một xe bánh tráng nướng đặc biệt. Ở đó, bạn không nghe thấy tiếng chuyện trò nhưng lại nhận được rất nhiều những nụ cười nồng hậu và sự trân trọng của những người bán hàng. 

Xe bánh tráng nướng này là của anh Sơn và vợ. Điều làm nên hai chữ “đặc biệt” của quán hàng chính là tấm biển “Tôi không thể nghe và nói, xin hãy chỉ tay gọi món” được dán phía trước và một bên xe hàng. Vợ chồng anh Sơn đều là người câm điếc, họ chỉ có thể giao tiếp với những người xung quanh bằng ngôn ngữ cử chỉ, chữ viết, ánh nhìn và những nụ cười.

Bánh tráng nướng vốn là một món ăn vặt nổi tiếng ở Đà Lạt. Ở thành phố thiên đường của thức ăn đường phố như Sài Gòn, nơi người dân mang tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón nhận những tinh hoa ẩm thực của mọi miền, nó đủ hấp dẫn để trở thành lựa chọn của nhiều người những lúc đói lòng.

Xe bánh tráng nướng đặc biệt. (Nguồn ảnh: Tôi là người Sài Gòn)

Xe bánh tráng nướng của anh Sơn và vợ giản dị nhưng cũng đầy đủ như bao quán hàng di động khác trong thành phố của sự chuyển động này. Không thể nói, cũng không thể nghe thấy yêu cầu của khách, nhưng xe bánh tráng nướng của anh Sơn hầu như không khi nào vắng người mua.

Cái duyên bán hàng

Người ta thường nói, mỗi người bán hàng đều có cái duyên của riêng của mình. Buôn may bán đắt nằm cả trong cái chữ “duyên” trời định ấy. Với nhiều người, chữ duyên này là một khái niệm thật mơ hồ. Tuy nhiên, chỉ cần một lần thử bánh của anh Sơn có lẽ bạn sẽ cảm nhận được cái duyên “buôn may bán đắt” ấy nằm ở đâu.

Anh Sơn, chủ quán và vợ đều là những người câm điếc. (Nguồn ảnh: Tôi là người Sài Gòn)

Trong sự hối hả của cuộc sống Sài Thành, giữa ồn ào của xe cộ, trên một con đường nằm ở quận 1, anh Sơn và vợ bình tĩnh nướng từng chiếc bánh. Có thể vì không nghe thấy nên anh chị đã tách mình ra khỏi cái hối hả của cuộc sống để dành hết tâm chí, nâng niu từng chiếc bánh mình làm? Từng công đoạn đều được làm rất chỉn chu, cẩn thận. Chiếc bánh tráng nướng vì thế mà vàng ruộm lại giòn thơm.

Cận cảnh chiếc bánh tráng nướng vàng ươm của anh chị (Nguồn ảnh: duyendangvietnam)
Phần nhân đầy đặn, thơm ngon. (Nguồn ảnh: duyendangvietnam)

Bánh đã ngon, mà xe bánh nhỏ xíu lại có menu đầy đủ, nhiều sự lựa chọn cho khách, từ những người yêu thích sự truyền thống, cho tới những người tìm kiếm hương vị phá cách hơn. Cái “duyên” phải chăng nằm chính trong từng tấm bánh được làm với tất cả sự tận tâm ấy.

Không chỉ làm bánh ngon, mà cách vợ chồng anh Sơn bán hàng cũng khiến nhiều người yêu quý. Họ không chỉ bán bánh tráng nướng, mà còn đem tặng cho người mua tấm lòng hồn hậu của mình. Không thể nói, nên cách anh chị giao tiếp với khách là thông qua những tấm bảng đeo bên xe. Khách thích món nào chỉ cần chỉ vào tên món là anh chị hiểu liền, rồi đáp lại bằng cử chỉ một cách nhiệt thành.

Những tấm menu đặc biệt. (Nguồn ảnh: Tôi là người Sài Gòn)

Nếu ngôn ngữ cử chỉ khách không dùng được, anh chị đã có sẵn giấy bút để giao tiếp với mọi người. Với anh chị, tiếng nói không phải là cầu nối duy nhất mà con người có để đến được với nhau.

Ông bà chủ dễ thương. (Nguồn ảnh: Tôi là người Sài Gòn)

Chỉ cần có tấm lòng trân trọng, thì một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ để mang tấm lòng của ta đến người đối diện. Nhiều bạn trẻ qua ăn bánh tráng nướng của anh chị đều bị ấn tượng bởi nụ cười tươi rói, gần gũi của hai người.

Xe bánh tráng chở cái chí làm người có ích và cả một ước mơ

Bị câm điếc từ nhỏ nhưng anh Sơn chưa khi nào nghĩ đến việc sống phụ thuộc vào gia đình. Trước đây, anh đã từng làm công nhân trong một nhà máy sản xuất móc inox. Những năm đó cũng là thời điểm anh gặp được chị Thúy. Hai anh chị gặp nhau trong một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Chị Thúy khi ấy còn đang bán hoa quả trong một khu chợ nhỏ. Gặp được người phụ nữ hiền thảo, chăm chỉ làm ăn, lại  có cùng hoàn cảnh nên anh Sơn ngỏ lời thương chị. Họ nên duyên vợ chồng và có với nhau được hai đứa con kháu khỉnh.

Hai thiên thần nhỏ, động lực để anh Sơn và vợ sống chăm chỉ và thiện lương mỗi ngày. (Nguồn ảnh: Kênh 14)

Sự ra đời của hai sắp nhỏ khiến cho cuộc sống của người đàn ông rắn rỏi như anh Sơn thêm rất nhiều ý nghĩa. Dù không thể nghe hay nói, nhưng từ trước tới nay, anh vẫn chăm chỉ làm ăn để nuôi mình. Nay có thêm hai con, cuộc sống của anh vất vả hơn, nhưng với anh Sơn đó là động lực quý giá để anh sống thật tốt mỗi ngày. Giờ đây, anh không chỉ sống cho mình, mà còn sống vì các con. Nên anh càng phải sống tốt, phải chăm chỉ để những đứa trẻ không chỉ được ấm no, mà các con sẽ trông vào anh mà lớn lên.

Cái duyên với nghề bánh tráng nướng bắt nguồn từ những đau đớn nơi tấm lưng của anh Sơn. Công việc trong nhà máy lúc này đối với anh là quá sức. Nhưng để lo cho hai con, anh vẫn phải lao động, phải có việc làm. Là người đàn ông, anh không thể để gánh nặng gia đình lên vai vợ. Thế là, anh mày mò đi học làm bánh tráng nướng, món ăn vặt này đơn giản, nhưng nếu làm được ngon, sẽ rất nhiều người yêu thích.

Đến đó, anh Sơn lên Youtube, tìm kiếm và xem rất nhiều video, anh tự học lấy cách nướng bánh tráng, không nghe được thì xem, quan sát rồi tự mình làm thử. Chỉ một tuần sau, sự kiên trì của anh cho kết quả. Anh Sơn có thể tự tay nướng một chiếc bánh giòn, thơm đúng tiêu chuẩn.

Cách gọi món khiến khách hàng thích thú. (Nguồn ảnh: Kênh 14)

Từ đó, hai vợ chồng anh quyết tâm chuyển hẳn qua nghề này và gắn bó với nó đến giờ. Chị Thúy cũng cũng nghỉ chợ, tranh thủ những lúc con đi học là cùng anh đẩy xe đi nướng bánh tráng bán cho mọi người. Không thể bán trong giờ cao điểm, anh chị hài lòng với khung giờ mà hai đứa trẻ đang ở trường. Bởi vì, chỉ khi các con được chăm sóc và an toàn, anh chị mới có thể yên tâm chuyên chú vào công việc.

Nhìn cảnh anh chị ngày ngày chăm chỉ nướng bánh bán, rồi lại tất tả về đón con, chăm lo và chơi với hai sắp nhỏ, những người trong xóm trọ ai cũng mừng, cũng thương. Và khi có thể giúp gì cho gia đình nhỏ nhiều nghị lực này, là bà con trong xóm đều sẵn sàng giúp đỡ hết mình: Từ việc cho mượn địa điểm bán hàng những ngày đầu lập nghiệp, đến việc giúp anh chị cho con trai đến trường để thằng bé học nói được dễ hơn.

Anh Sơn, chị Thúy đều là những người có thân thể không trọn vẹn nhưng lại đang hàng ngày, hàng giờ làm việc và yêu thương nhau đúng như cách mà một con người toàn vẹn cần sống.

Gia đình nhỏ hanh phúc . (Nguồn ảnh: Kênh 14)

Những khiếm khuyết sẽ trở nên thật nhỏ bé nếu chúng ta biết và sống đúng theo những điều mình cần làm. Cuộc sống vốn rất công bằng. Nếu bạn đến với Nó bằng trái tim nhiệt thành, Nó sẽ trả lại cho bạn những điều tốt đẹp. Như cách những con người tốt bụng nơi xóm trọ cảm nhận được sự cố gắng và chân thành của vợ chồng anh Sơn, để rồi hết lòng giúp đỡ, tương trợ họ. Hay cũng chính tấm lòng trong sáng, yêu lao động và muốn sống đúng, sống lương thiện của anh chị đã khiến khách hàng của họ từ lạ mà thành quen, vì quý mến mà quay trở lại.

Chỉ cần muốn sống tốt, sống thiện lương, cuộc đời sẽ chỉ dẫn cho ta con đường để đi tới. (Nguồn ảnh: Kênh 14)

Hai con người không thể nghe, cũng chẳng thể nói ấy đang giúp chúng ta nhận ra rằng: Trong cuộc đời, chỉ cần chúng ta luôn giữ trong tâm một niệm muốn làm người tốt, muốn sống thiện lương thì dù ta là ai, đang sống trong hoàn cảnh nào giàu sang, hay nghèo khó, Cuộc sống sẽ luôn giúp ta nhìn thấy được con đường đúng để đi.

Hy Văn