Ấn Độ là quốc gia có số vụ tấn công bằng axit cao nhất thế giới, với khoảng 300 vụ được báo cáo mỗi năm. Những nữ nạn nhân thì bị xã hội ruồng rẫy, trong khi các vụ tấn công tiếp tục gia tăng. 

Năm Reshma Qureshi 17 tuổi, cô đã bị một nhóm nam thanh niên tạt axit vào mặt khi cô đang trên đường đến trường. Kẻ đứng sau vụ tấn công chính là anh rể của cô và hai người họ hàng.

“Tôi thậm chí chưa từng nghe về các cuộc tấn công axit trước đó”, cô Qureshi, năm nay đã 23 tuổi, tâm sự. “Sau khi tôi bị tạt axit, tôi mới biết rằng có nhiều nạn nhân bị tấn công bằng axit ở Ấn Độ”.

Cô Qureshi không che giấu khuôn mặt của mình như cách mà nhiều nạn nhân khác ở Ấn Độ vẫn làm, thay vào đó, cô trở thành một người cất tiếng nói vì các nạn nhân bị tạt axit như mình.

Cô đã xuất bản các vlog làm đẹp, hướng dẫn các nạn nhân cách làm ‘mắt mèo’ và môi đỏ, đồng thời nâng cao nhận thức về thảm họa từ các cuộc tấn công axit.

Cô được mời làm người mẫu tại Tuần lễ thời trang New York năm 2016 và đã xuất bản một cuốn hồi ký. Nhưng dù có cơ hội được tiếp xúc với giới thời trang cao cấp, cô vẫn không có thứ mình thực sự mong muốn: một công việc.

“Ở Ấn Độ, mọi người phản ứng khác nhau nếu tôi đi trên đường mà không che mặt. Họ sẽ thắc mắc, nhìn chằm chằm vào tôi và nói những lời thật khó nghe”, cô nói.

“Ở Mỹ thì không như vậy, mọi người luôn mỉm cười với bạn. Họ không bao giờ hỏi chuyện gì đã xảy ra với bạn, hay tò mò về khuôn mặt của bạn”.

Cô Qureshi cho biết nhiều nạn nhân bị chính chồng của họ tạt axit và họ rất cần được hỗ trợ để nuôi dưỡng con cái.

“Tôi kêu gọi các công ty hãy cho họ một công việc. Xin đừng từ chối họ chỉ vì khuôn mặt họ bị biến dạng”, cô nói.

Khuôn mặt của cô Reshma Qureshi trước khi bị tạt axit (Ảnh: Reshma Qureshi cung cấp cho trang tin tức ABC).

Phụ nữ tìm được sự cảm thông tại nhà bảo trợ các nạn nhân sống sót

Cô Qureshi hiện đang làm việc với một tổ chức từ thiện cung cấp chỗ ở, hỗ trợ và tư vấn pháp lý cho các nạn nhân bị tạt axit ở New Delhi.

Tổ chức này tên là “Make Love, Not Scars” (Tạm dịch: Trao yêu thương thay vì những vết sẹo), hiện điều hành một nhà tạm trú che chở cho những người phụ nữ có cuộc sống bị phá hủy bởi một tội ác đang gia tăng ở Ấn Độ.

Khoảng 300 trường hợp được báo cáo mỗi năm, nhưng theo Tania Singh, CEO của Make Love, Not Scars, con số thực tế có thể lên tới gần 1000. Số vụ tấn công đang ngày càng gia tăng ở Ấn Độ.

“Điều này cho thấy, hoặc người dân đã can đảm hơn, họ bước ra và tố cáo tội ác”, bà Singh nói, “hoặc những kẻ có ý định tấn công đã bị ảnh hưởng bởi trào lưu, chúng tìm hiểu về axit và có hành vi phạm tội”.

Ngược lại, ở quốc gia láng giềng Bangladesh, các cuộc tấn công bằng axit đã giảm do đạo luật mới hạn chế việc buôn bán hóa chất thông thường và án tử hình cho những kẻ tấn công.

Sự trì trệ của hệ thống pháp luật tại Ấn Độ đồng nghĩa với việc ngay cả khi những kẻ tấn công bị buộc tội, có thể mất từ ​​5 đến 10 năm để kết án họ.

“Tôi không thấy dấu hiệu giảm xuống của các vụ tấn công. Miễn là axit còn có sẵn, con số sẽ tiếp tục tăng lên”, bà Singh nói. “Axit là một loại vũ khí. Bạn có biết nước Mỹ đang nói về súng như thế nào không? Đó là cách axit được sử dụng ở Ấn Độ đấy”.

Anju Singh là một trong những người phụ nữ đã tìm được nơi che chở nhờ tổ chức “Make Love, Not Scars” cho các nạn nhân bị tạt axit ở New Delhi (Ảnh: ABC News).

“Tôi là người duy nhất thực sự bị trừng phạt”

Bà Singh cho biết nhiều nạn nhân bị tạt axit đã bị tấn công bởi những người gần gũi nhất với họ.

Soni Devi đang sắp trở thành một sĩ quan cảnh sát khi cô bị tạt axit. Cô gái 21 tuổi đã được cấp giấy phép sử dụng súng và thư chấp nhận tham gia lực lượng cảnh sát địa phương, nhưng bố mẹ đã sắp xếp cho cô kết hôn.

“Ở Ấn Độ, khi bạn kết hôn, bạn phải sống với chồng và bố mẹ anh ấy. Vì vậy, cô ấy về sống với gia đình chồng, và sự ngược đãi bắt đầu từ đây”, bà Singh nói.

Chồng cô và bố mẹ chồng đòi thêm tiền hồi môn, vượt quá những gì đã được thỏa thuận trong đám cưới. Mẹ chồng đánh thức cô dậy bất cứ lúc nào bà muốn để nấu ăn và dọn dẹp, coi cô như một nô lệ. Cô nói rằng họ đã buộc tội cô lãng phí tiền bạc. Mẹ chồng đánh cô vì sử dụng quá nhiều xà phòng rửa chén. Người chồng cắt tóc cô khi cô đang ngủ, như một hình phạt vì sử dụng quá nhiều dầu gội.

Năm 2008, Devi bị chồng cùng bố mẹ anh ta đè xuống và đổ axit lên khắp khuôn mặt cô.

“Đây là khuôn mặt tôi sau khi đã trải qua 16 lần phẫu thuật. Trước đó, thật sự trông nó rất đáng sợ”, cô nói, tay chạm vào những vết sẹo sần sùi trên mặt và cổ. “Tôi luôn muốn trở thành một nữ cảnh sát. Đó từng là ước mơ của tôi. Nhưng là một ước mơ không thành”.

Thay vì trở thành một cảnh sát như mơ ước, cô Devi đã phải trải qua 10 năm tiếp theo ở trong nhà của mẹ đẻ, nhốt mình trong phòng mỗi khi có khách đến vì sợ làm họ sợ hãi với khuôn mặt biến dạng.

Soni Devi bị chồng cùng bố mẹ anh ta đè xuống và đổ axit lên khắp khuôn mặt cô (Ảnh: ABC News).

“Lúc đó tôi hoàn toàn tuyệt vọng, thậm chí tôi đã nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời mình”, cô nói.

Cô đã cố gắng để có được một công việc nhưng luôn bị từ chối vì ngoại hình.

“Khi tôi bị các nhà tuyển dụng từ chối, tôi quyết định vào đại học để học lên cao hơn. Tôi đã đi đến ba hay bốn trường đại học nhưng một lần nữa bị từ chối. Họ nói với tôi rằng sự xuất hiện của tôi có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của trường”.

Cuối cùng, cô Devi rời ngôi làng của mình ở Uttar Pradesh đến New Delhi để sống trong nhà tạm trú. Cô đã có những bước ngoặt trong đời kể từ khi bị tấn công và mất đi ước mơ gia nhập lực lượng cảnh sát. Hiện cô làm quản trị viên tại nhà tạm trú của nạn nhân bị tạt axit ở Delhi.

Nhưng chồng cô thì chưa bị trừng phạt.

“Tôi đã đấu tranh cho vụ án từ năm 2008. Một tòa án đã tuyên bố kẻ tấn công tôi phạm tội và tuyên án 7 năm tù. Nhưng anh ta được tại ngoại, tự do đi lại”, cô Devi nói. “Hóa ra tôi là người thực sự bị trừng phạt. Tôi đang phải đối mặt với sự tẩy chay, quấy rối và tra tấn của xã ​​hội”.

Tania Singh cho biết phụ nữ thường bị xem là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nhằm vào họ.

“Ấn Độ là một xã hội gia trưởng, chúng tôi không thực sự có mối quan hệ lành mạnh giữa nam và nữ vì nam nữ không có được sự bình đẳng khi họ còn trẻ”, cô nói. 

Cô cho rằng đàn ông Ấn Độ cần phải hiểu được cách tôn trọng sự đồng thuận của người phụ nữ.

“Nếu anh ta muốn cưới một người phụ nữ và cô ấy không phù hợp với hình mẫu người vợ lý tưởng của anh, hoặc nếu cô ấy cố gắng rời xa anh, thì anh ta sẽ tấn công cô bằng axit”, cô nói. “Bởi vì anh ta không thể có cô ấy, nên anh ta muốn chắc chắn rằng cô cũng không thể thuộc về một ai khác”.

Thanh Tâm

Theo ABC News

Bạn đang đọc bài viết: “Tạt axit gia tăng ở Ấn Độ: Thủ phạm nhởn nhơ, nữ nạn nhân bị đẩy ra ngoài lề xã hội” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__

Từ Khóa: