Bằng những tâm huyết của mình, các thầy cô đã không ngừng đổi mới, đem đến cho đám trò những giờ học sinh động, đầy bất ngờ để “thổi” vào từng lớp học những ước mơ và sự sáng tạo.

Cô giáo dạy Địa lý bằng tiếng Anh 

Không muốn để các môn học trở nên buồn tẻ, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, đã tự mày mò, sáng tạo, xây dựng những giáo trình dạy môn Địa lý bằng tiếng Anh, vừa là để thêm hứng thú cho môn Địa Lý cũng là cách để trò luyện các kỹ năng tiếng Anh.

Sáng kiến này được Nga triển khai từ năm học 2013-2014 cho đến nay, bước đầu mang lại kết quả tốt, tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, là bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu đề án ngoại ngữ tại trường chuyên.

Trước đây bố Nga cũng theo sư phạm nhưng rồi đành bỏ dở khi đi bộ đội. Tiếp nối ước mơ của bố, Nga quyết tâm theo kỳ được ngành sư phạm. Năm thi đại học, cô cũng là học sinh duy nhất của trường đăng ký tất cả các khoa, trường sư phạm hồi đó (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2; ĐH Sư phạm Thái Nguyên; Khoa Sư phạm của ĐHQG Hà Nội và Trường CĐ Sư phạm Hải Dương). Nga được tuyển thẳng vào khoa Địa lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vì thành tích đạt học sinh giỏi quốc gia.

Tốt nghiệp khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, cô giáo Nga được tuyển về công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi nơi mà mình từng theo học. Với những nỗ lực của mình, Thùy Nga luôn nằm trong danh sách giáo viên dạy giỏi, số học sinh chị bồi dưỡng đạt giải học sinh giỏi tỉnh đã lên đến hàng trăm, đạt giải quốc gia cũng đến 50 học sinh.

Cô giáo Nga tâm niệm để thích ứng chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên cũng cần phải đổi mới để vận hành chương trình được hiệu quả nhất. Là giáo viên chuyên Địa lý, cô Nga nhận thấy rằng, có nhiều nội dung kiến thức của môn Địa lý như môi trường, tài nguyên, kinh tế, dân số cũng được giảng dạy trong môn Tiếng Anh.

Người cô đáng quý trong lòng học trò. (Ảnh: Infonet)

Từ đó, cô nảy ra ý định thử chọn một số nội dung và soạn bài giảng Địa lý bằng tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, để có một tiết học Địa lý bằng tiếng Anh mang lại sự hào hứng cho học sinh, những bài giảng phải được chuẩn bị rất công phu. Trong quá trình soạn bài, cô Nga cũng gặp không ít khó khăn và phải đầu tư nhiều công sức vì diễn đạt các vấn đề chuyên môn bằng tiếng mẹ đẻ đã khó huống chi là tiếng nước ngoài.

Những bài giảng của cô Nga đã được cô giảng dạy thử nghiệm tại nhiều khối lớp, cả lớp chuyên ngoại ngữ và không chuyên. Sau một thời gian giảng dạy, cô nhận thấy, việc giảng dạy Địa lý bằng tiếng Anh phù hợp và mang lại hiệu quả nhất đối với các lớp chuyên Tiếng Anh. Những bài giảng của cô được học sinh đón nhận tích cực khi nó đem lại không khí hoàn toàn mới mẻ cho môn học.

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng, người thầy giỏi là người dẫn dắt học sinh đi tìm kiến thức chứ không phải cho học sinh kiến thức. Do vậy, bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, giáo viên cần không ngừng sáng tạo để giúp học sinh có phương pháp học tập tốt nhất.

Đánh thức niềm đam mê học Sử 

Xuất thân từ một gia đình không ai theo nghề giáo, nhưng vì đam mê với nghề, thầy Lê Hữu Phúc đã theo học nghề sư phạm và bắt đầu về công tác tại Đồng Tháp trong suốt hơn 30 năm. Ngôi trường THPT Cao Lãnh 1, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nằm ở vùng sâu của tỉnh, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy Lê Hữu Phúc lại lấy đó là động lực để mình cố gắng với nghề.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Lê Hữu Phúc, giáo viên Trường Trung học phổ thông Cao Lãnh 1, Đồng Tháp luôn tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử – một môn học mà nhiều học sinh cho rằng đơn điệu, kém hấp dẫn.

Từ năm 2010 đến nay, thầy Lê Hữu Phúc đã có 5 sáng kiến nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử được ngành Giáo dục tỉnh xếp loại A. Những sáng kiến của thầy góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh; nâng cao chất lượng học tập môn lịch sử của học sinh trong giờ dạy theo tinh thần tinh giản kiến thức.

Thầy Lê Hữu Phúc với nụ cười rạng rỡ (Ảnh: baomoi)

Nói về thành tích của mình, thầy Phúc nhiều lần nhắc lại câu chuyện có những học sinh từ đầu định hướng chọn các môn khoa học tự nhiên để thi đại học, nhưng sau khi học thầy, các em lại tìm thấy tình yêu với môn Lịch sử và chuyển sang chọn thi các môn xã hội. Niềm vui của thầy là khơi gợi được tình yêu, sự đam mê của học trò đối với môn học của mình.

Thầy Phúc chia sẻ: Các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và truyền cảm hứng cho học sinh tiếp cận tri thức. Do vậy, người thầy luôn phải tìm tòi, đào sâu, đổi mới từng ngày. Thầy Phúc không có giáo án chung cho tất cả các lớp. Với mỗi lớp, tùy theo trình độ, khả năng tiếp thu của học sinh, thầy lại có cách thức giảng dạy khác nhau để giúp các em dễ dàng tiếp cận nội dung bài học.

Hiệu quả từ mô hình trường bán trú vùng cao 

Năm 1991, cô Nông Thị Loan tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và công tác tại Trường cấp 2-3 huyện Bảo Lạc. Trải qua nhiều cương vị công tác: Bí thư Đoàn trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lạc, cô Loan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do có nhiều thành tích xuất sắc, năm 2011, cô Loan được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc.

Công tác tại một trong 60 huyện nghèo nhất cả nước, cô Nông Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình trường bán trú và việc quy hoạch mạng lưới trường lớp tiểu học tại huyện Bảo Lạc, giúp huyện này trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng.

Trên cương vị là người đứng đầu ngành GD&ĐT huyện Bảo Lạc, cô Loan luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế, văn hóa còn kém phát triển.

Chứng kiến thực trạng tại các phân trường ở huyện Bảo Lạc chỉ có khoảng hơn 20 học sinh, lớp chỉ có 6 – 10 học sinh và 1 giáo viên xoay sở với 3 loại giáo án khác nhau cho 3 trình độ lớp 3, 4, 5 hoặc 2, 3, 4 trong một lớp học. Học sinh chưa kịp hiểu bài này thì cô giáo phải dạy sang bài lớp khác cho kịp thời gian.

Cô Nông Thị Loan cho biết, năm học 2012-2013, huyện Bảo Lạc có 53 trường trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý; riêng tiểu học còn 133 điểm trường lẻ, 156 lớp ghép (trong đó có 1 lớp ghép 3 trình độ), có điểm trường chỉ 3-4 học sinh/lớp.

Cô Nông Thị Loan (Ảnh: giaoducthoidai)

Theo quy định, mỗi lớp tiểu học có 35 học sinh/giáo viên, nhưng ở các điểm trường lẻ, mỗi giáo viên chỉ dạy từ 5 – 9 học sinh. Từ đó, lãng phí biên chế do phải tăng thêm đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học ở các điểm trường lẻ, chi phí cao nhưng hiệu quả lại thấp. Khi dạy ở các điểm trường lẻ, giáo viên không có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm; học sinh không được tham gia các hoạt động, trò chơi tập thể, chất lượng dạy học không cao…

Trong dịp trao đổi kế hoạch phát triển trường lớp năm học 2013-2014, cô Loan đã quyết định chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện chuyển học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở các điểm trường lẻ, có số học sinh ít về trường xã, điểm trường trung tâm để học bán trú.

Một người cô vĩ đại trong lòng học trò. (Ảnh: Internet).

Kế hoạch này bước đầu chỉ triển khai được đối với 6 trường tiểu học, do một số hiệu trưởng chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quy hoạch dồn cụm bán trú, chưa thực sự quyết tâm thực hiện và một số trường cơ sở vật chất chưa đáp ứng tổ chức bán trú và học 2 buổi trên ngày.

Kết quả sau một năm quyết tâm thực hiện, năm học 2013-2014 đã giảm được 3 điểm trường lẻ, giảm được 7 lớp ghép, dư 9 biên chế giáo viên ở các điểm lẻ. Số biên chế dư này được bố trí cho các trường, điểm trường còn thiếu giáo viên. Đây là động lực để cô Nông Thị Loan tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn.

Đối với học sinh, các em được hưởng chế độ ăn bán trú tại trường, được ăn uống và nghỉ trưa điều độ, đảm bảo tốt cho sức khoẻ nên chất lượng học tập buổi chiều tốt hơn; học sinh đi học đều hơn, tỉ lệ chuyên cần đạt cao hơn. Từ đó, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên, tỉ lệ học sinh tham gia thi đạt giải các cấp ngày càng tăng, nhiều trường từ khi tổ chức bán trú và tăng cường dạy học 2 buổi/ngày bắt đầu có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô Nông Thị Loan cũng chia sẻ: Trong quá trình thực hiện dồn ghép lớp tiểu học phải hết sức lưu ý khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh, đảm bảo để các em buổi sáng kịp giờ vào lớp và khi tan học sẽ về đến nhà trước khi trời tối; không nên dồn ghép tất cả các điểm trường lẻ về trường xã vì điều kiện cơ sở vật chất không thể đáp ứng…

Hoàng Vũ