Sự thay đổi trong cách ứng xử trên bàn ăn hoá ra lại hàm chứa triết lý nhân sinh sâu xa đến vậy.

Hoa không nghĩ gần đây mình lại có khả năng ăn uống tốt thế!

Hôm đó mấy người bạn lâu không gặp, hẹn nhau ăn tối. Rồi một người không ăn được một nguyên liệu trong món của mình nên nhờ Hoa ăn giúp, và một người khác thấy vậy cũng nhờ ăn giúp một món vì quá nhiều.

Thông thường, Hoa sẽ từ chối vì không thích ăn thừa đồ người khác, cũng không phải món mình thích, vả lại cũng khá no. Lúc đó, nghĩ sao lại nhận lời. Thế rồi, chợt nhận ra những suy nghĩ vừa xong đều tập trung vào sở thích bản thân, hoặc vì sự thuận tiện của bản thân mình mà thôi.

Vậy điều gì xảy ra nếu thay đổi cách nhìn của mình?

Nhìn xuống những món mọi người gắp vào bát của mình. Những món ăn này chắc hẳn được đầu bếp dụng tâm làm ra, dù công việc trong bếp luôn nóng nực và căng thẳng. Nhà hàng này cũng là người chủ đầu tư tài chính và chất xám để tạo ra một không gian đẹp và thoải mái cho thực khách. Những em nhân viên cũng đã phục vụ chu đáo hết mức trong khả năng để đặt món và bưng đồ ăn ra. Dù có đâu đó những điều cần cải thiện, những điều trên đều là hiển nhiên, vậy mà trước đó mình không mảy may nghĩ tới.

Bỗng thấy cảm kích công sức của cả một tập thể đằng sau mỗi món ăn. Bỗng thấy món ăn nào cũng trở nên ngon lành, thay đổi cả cảm nhận lẫn thái độ. Hoa dễ dàng ăn hết đồ ăn mọi người nhờ.

Những món ăn này chắc hẳn được đầu bếp dụng tâm làm ra… (ảnh minh họa: Pixabay).

Lại nhớ: Quá khứ, Hoa đã từng đến ăn ở một nhà hàng, mà mình gọi cả quản lý ra để mắng vì em nhân viên có nhầm lẫn nhỏ, vì cho rằng như vậy rất thiếu chuyên nghiệp, và cho rằng đã giúp họ.

Khác biệt rõ ràng giữa 2 thời điểm ấy, chắc các bạn cũng nhận ra, đó là lần mình khư khư cái tôi và lần mình có thể gạt cái tôi sang một bên, để nhìn thấy điểm tốt ở người khác.

“Cái tôi” chính là một điểm mù hoàn hảo để tầm nhìn trở nên hạn hẹp.
Khi buông cái tôi, thì chính là bạn đã thấy một bức tranh rộng lớn hơn.

Ý nghĩa về cái Tôi rất chính xác có thể tìm thấy ở chữ tượng hình: Tôi 我 gồm bộ 手(tay) và 戈 (rìu). Khi bàn tay nắm chặt vũ khí thì liệu có thể làm tổn thương người khác hoặc chính mình? Khi bàn tay nắm chặt chiếc rìu thì bạn có thể bắt tay làm bạn với bất cứ ai? Khi bàn tay nắm chặt giáo mác thì có phải ta đang e ngại, phòng thủ những điều xung quanh làm phương hại đến bạn?

Vậy ai đó hỏi ngược lại: buông cái Tôi thì cần trở thành một người không có Cá tính (TÍNH cách CÁ nhân)?

Buông cái Tôi để có tấm lòng bao dung và tầm nhìn rộng lớn, một trong những tính cách quan trọng của những vĩ nhân, của những doanh nhân vĩ đại. Liệu những người tuyệt vời như vậy có thể không có cá tính ghi dấu trong lịch sử chăng?

Buông cái Tôi để có tấm lòng bao dung và tầm nhìn rộng lớn.

Người xưa có câu: Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, cái bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền.

Mình biết bụng mình mới bằng cái bát cơm thôi, nên còn cần cải thiện thêm mỗi ngày.

Cơ thể cần kéo căng hàng ngày để trở nên dẻo dai. Cơ não cũng rất cần kéo căng mỗi ngày để trở nên phóng khoáng, phải không bạn thân mến?

Đặng Thanh Hoa (Cố vấn chiến lược doanh nghiệp)

Tiêu đề do ĐKN đặt. Vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa là biểu hiện của người có hàm dưỡng

videoinfo__video3.dkn.tv||8638f66c8__