Mẹ là người tiếp xúc với trẻ sớm nhất, vì thế mẹ là tấm gương mà trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và cụ thể nhất. Mỗi lời nói và hành động của mẹ đều có ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Mắc lỗi là điều hoàn toàn tự nhiên của mọi đứa trẻ, vì đó là cách để chúng học hỏi và trưởng thành. Vậy mẹ nên xử trí thế nào khi con phạm lỗi? Đây là điều mà tất cả những người đang làm mẹ bận tâm.

Là người mẹ khoan dung, không yêu cầu trẻ là người hoàn hảo

Trong quá trình trưởng thành, con người khó tránh khỏi sai lầm. Tha thứ, khoan dung cho lỗi lầm của người khác chính là phẩm chất đạo đức tốt đẹp cần có. Gia đình là cái nôi trưởng thành của trẻ, mẹ là thầy giáo đầu tiên của trẻ. Vì thế khi dạy trẻ phẩm chất khoan dung, mẹ không yêu cầu trẻ là người hoàn hảo.

Người mẹ có thái độ khoan dung với những lỗi lầm của trẻ sẽ giúp trẻ có những trải nghiệm tình cảm tốt đẹp. Trải nghiệm này càng giúp trẻ tôn trọng mẹ hơn, muốn được tâm sự, chia sẻ và lắng nghe ý kiến của mẹ. Ngoài ra sự khoan dung của mẹ đối với trẻ sẽ giúp trẻ cũng biết sống khoan dung với những người xung quanh.

Tuy nhiên, có rất nhiều bà mẹ đối xử hà khắc với con, luôn soi xét vào mọi hành động của con. Khi phát hiện con phạm lỗi, liền vội vàng sửa đổi hoặc trách mắng. Nếu mẹ thường xuyên làm như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy chán nản, thậm chí nảy sinh tâm lý chống đối. Vì thế, người mẹ thông minh nên chú ý đến biểu hiện xuất sắc ở các phương diện của con, khoan dung với những lỗi lầm và nhược điểm của con để con thay đổi và trở nên tốt hơn.

Một hôm, bé Quang 6 tuổi khi đang chơi đùa không cẩn thận làm vỡ chiếc cốc của mẹ. Mẹ còn chưa nói gì Quang đã khóc òa lên. Một lúc sau, khi Quang đã vui vẻ trở lại, mẹ mới hỏi: “Sao lúc nãy tự nhiên con lại khóc?”, Quang liền nói: “Vì con làm vỡ cốc của mẹ”.

Mẹ nghe thấy vậy liền nói: “Mẹ biết là con không cố ý. Con vì điều này mà khóc có đáng không?”. Quang yên lặng ngồi nghe mẹ nói. Mẹ hỏi tiếp: “Con khóc có phải sợ mẹ mắng không?”. Quang gật đầu nói: “Vâng ạ, con sợ mẹ mắng con nên con mới khóc”.

Nghe xong, mẹ hiểu ra mọi chuyện. Mẹ xoa đầu con và nói: “Nếu con không cố ý, mẹ sẽ không trách mắng con. Con cần nhớ rằng, khóc không giải quyết được vấn đề gì cả. Con đã làm sai, cần biết sai ở đâu, sau đó sửa chữa, như vậy mẹ sẽ tha thứ cho con”. Quang nghe xong liền mỉm cười vui vẻ.

Nhẹ nhàng tha thứ và quan sát con, như thế trẻ sẽ cảm thấy được sự yêu thương từ cha mẹ, và khắc ghi lỗi lầm để thay đổi tốt hơn. (Ảnh: Bestie)

Rất nhiều bà mẹ khi dạy con trẻ không chú ý đến điểm này: người lớn cũng có lúc làm sai, huống hồ trẻ nhỏ. Vì thế họ luôn yêu cầu con mình phải hoàn hảo. Kết quả là đã gây cho con áp lực rất lớn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm hồn và thể chất của con.

Thực ra, mẹ có thể dùng thái độ khoan dung để đối xử với trẻ. Khi trẻ phạm lỗi, không nên vội vàng trách mắng trẻ. Mẹ nên giúp trẻ phân tích nguyên nhân, chỉ ra điểm sai, như vậy trẻ mới biết cách sửa sai, không ngừng hoàn thiện mình.

Mẹ hãy dùng tình yêu, sự nhẫn nại của mình để hiểu nội tâm và cá tính của con. Được sự dạy dỗ và chỉ bảo đầy khoan dung của mẹ, trẻ mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm và ít phạm lỗi.

Đương nhiên, thái độ khoan dung không có nghĩa là mẹ dung túng cho trẻ tất cả mọi chuyện. Đối với những lỗi lầm của trẻ, đáng phê bình thì nên phê bình. Nhưng phê bình cũng cần khéo léo để trẻ có cơ hội nhận ra sai và sửa chữa. Mẹ cần chú ý khi dạy con:

1. Đối xử bình đẳng với con

Cho dù trẻ bình thường hay xuất sắc, mẹ cũng cần đối xử bình đẳng với trẻ. Chỉ khi đối xử bình đẳng với trẻ, mẹ mới phát hiện ra ưu điểm của con, mới có thể dùng thái độ khoan dung chấp nhận nhược điểm của con.

Mẹ cần biết phát hiện ưu điểm của trẻ, thường xuyên khen ngợi và cổ vũ những ưu điểm ấy. Cho dù trẻ có nhược điểm, cũng cần có thái độ khoan dung. Như vậy trẻ sẽ càng dễ thay đổi được nhược điểm và phát huy ưu điểm của mình.

2. Không nên so sánh con với những đứa trẻ khác

Trong cuộc sống và học tập, trẻ sẽ không thể tránh khỏi việc có lúc phạm sai lầm. Không ít bà mẹ không hiểu và khoan dung với lỗi lầm của con mà còn hà khắc với con. Thậm chí mẹ còn lấy nhược điểm của con để so sánh với ưu điểm của bạn nhỏ khác. Như vậy sẽ làm tổn thương đến lòng tự tôn của trẻ.

Nếu mẹ thường xuyên so sánh trẻ với bạn nhỏ khác sẽ khiến trẻ cảm thấy mẹ không yêu mình, không tự hào về mình. Dần dần trẻ sẽ trở nên tự ti, hoặc có tâm lý chống đối, tiêu cực.

Nếu cứ lấy hình tượng của các bạn khác để so sánh, trẻ sẽ mất niềm tin vào bản thân và trở nên tự ti hoặc chống đối.  (Ảnh: Youtube)

3. Cảm hóa trẻ bằng sự cảm thông

Yêu là chấp nhận, là cho đi và cũng là trách nhiệm. Mẹ thực sự yêu con mới giúp con trưởng thành tự lập, khỏe mạnh. Vì vậy, khi trẻ phạm lỗi, mẹ cần thông cảm để cảm hóa trẻ.

Trẻ phạm lỗi, mẹ nên có thái độ nhẫn nại, khoan dung, tìm hiểu nguyên nhân phạm lỗi của trẻ. Mẹ cần thường xuyên chơi đùa cùng trẻ, lắng nghe tâm sự của trẻ, hiểu cách nghĩ và tâm tư của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, mẹ cần khoan dung, giảm yêu cầu vì nếu quá nhiều yêu cầu trẻ sẽ bị áp lực và dễ bị tổn thương.

Là người mẹ tốt nên học cách đối xử với trẻ khoan dung, không nên kỳ vọng quá cao vào trẻ, cũng không nên yêu cầu trẻ quá hoàn hảo. Cho phép trẻ phạm lỗi, cho trẻ cơ hội sửa chữa, không nên mù quáng so sánh trẻ với những đứa trẻ khác. Chỉ khi nào phạm lỗi và không ngừng sửa chữa, trẻ mới có kinh nghiệm sống thực sự, mới không ngừng trưởng thành.

Khi trẻ phạm lỗi, mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe trẻ giải thích

Phạm lỗi là trải nghiệm cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ. Không biết cảm giác thất bại sao thấy được sự tuyệt diệu khi thành công? Vì thế hãy cho phép trẻ phạm lỗi, vì trong quá trình phạm lỗi và sửa sai đó, trẻ mới dần dần trưởng thành.

Sau khi trẻ phạm lỗi, mẹ không nên trách mắng ngay. Bản thân đứa trẻ đang cảm thấy rất áp lực, việc mẹ ngay lập tức trách mắng, phê bình sẽ khiến trẻ cảm thấy nặng nề hơn. Điều mẹ nên làm là lắng nghe trẻ giải thích, sau đó mới phê bình và hướng dẫn đúng đắn để trẻ sửa sai.

Nhung năm nay 10 tuổi, hằng ngày mẹ rất bận không có thời gian chăm sóc cô bé. Vì thế mẹ đón người cô dưới quê lên chăm sóc cho cô bé.

Một hôm, mẹ đi làm về, vừa bước vào cửa đã nghe thấy tiếng “meo meo” trong nhà. Hóa ra là một con mèo đang làm loạn trong nhà. Mẹ bận rộn cả ngày, về nhà lại thấy cảnh này thì liền tức giận quát to: “Con làm cái gì thế này? Không học hành chỉ biết chơi thôi!”. Nhung định giải thích, mẹ liền mắng tiếp: “Hãy ném thứ này của con đi, không cần giải thích! Mẹ không muốn nghe!”. Nói xong mẹ liền tóm ngay lấy con mèo. Nước mắt Nhung cứ thế tuôn ra và cô bé im lặng quay về phòng mình.

Lúc này, người cô chạy đến nói với mẹ: “Chị đừng mắng cháu, con mèo là do cháu mua cho tôi đấy. Cháu nói sợ tôi ở nhà một mình buồn, nên mua con mèo làm bạn với tôi. Nếu chị không thích, tôi sẽ bảo cháu mang nó cho người khác”.

Nghe người cô nói xong, mẹ liền hiểu ra và thấy rất hối hận. Mẹ vào phòng Nhung và vỗ về: “Mẹ xin lỗi, mẹ đã hiểu lầm con. Đáng lẽ ra mẹ nên nghe con giải thích”.

Hãy để trẻ có thời gian giải thích, đó cũng là thể hiện sự tôn trọng với trẻ. (Ảnh: Soha)

Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp như vậy: trẻ phạm lỗi nhỏ, mẹ chỉ  dựa vào điều mình nhìn thấy đã vội phê bình, trách mắng trẻ. Khi trẻ muốn giải thích lại cho rằng trẻ muốn bao biện cho mình. Mẹ đã không biết rằng, lúc này trẻ đang cảm thấy rất oan ức và tủi thân. Cho dù sau chuyện đó, mẹ có xin lỗi trẻ thì tổn thương trẻ gặp phải khó có thể bù đắp được.

Vì thế, khi thấy trẻ phạm lỗi, mẹ cần nhẫn nại và khoan dung, cho trẻ cơ hội giải thích. Hành động này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của mẹ đối với trẻ, mà còn là quyền lợi cơ bản của trẻ. Đây cũng là mắt xích không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ. Đứng trước vấn đề này mẹ cần lưu ý:

1. Cho phép trẻ giải thích

Một số bà mẹ khá nóng nảy, khi thấy con phạm lỗi, khi chưa biết rõ trắng đen đã ngay lập tức trách mắng cho hả giận. Cách làm này của mẹ thật sự rất ích kỷ. Vì đánh mắng chỉ có tác dụng trút bực tức, giải tỏa tâm trạng bản thân mẹ, mà không vì mục đích dạy dỗ trẻ.

Trên thực tế, trẻ không cố tình phạm lỗi chỉ vì trẻ muốn giúp người khác làm một việc gì đó. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm và năng lực nên mới xảy ra sai sót.

Ví dụ, có bé gái muốn giúp mẹ rửa bát, nhưng không cẩn thận đã làm vỡ bát. Nếu mẹ không lắng nghe trẻ giải thích đã mắng trẻ thì hành động này sẽ là một đòn giáng mạnh vào tính tích cực của trẻ. Sau này trẻ sẽ không muốn giúp mẹ làm việc nữa.

Vì thế, khi trẻ phạm lỗi, mẹ nên bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe trẻ giải thích. Có lúc, sự phê bình của mẹ chỉ dựa trên phán đoán chủ quan, hoàn toàn không phải nguyên nhân thực sự. Nếu cho phép trẻ giải thích, mẹ không chỉ hiểu được chân tướng sự việc mà còn có thể hướng dẫn trẻ có cách nhìn nhận đúng đắn về việc làm của mình. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có thái độ nhẫn nại, khoan dung với người khác trên bước đường trưởng thành của trẻ.

2. Hướng dẫn trẻ biết cách dự đoán hậu quả

Trẻ còn nhỏ, khả năng kiềm chế kém, vì thế rất dễ bị kích động, khi làm việc gì đó không nghĩ đến hậu quả. Đồng thời, do trẻ chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nên sự suy đoán hậu quả của trẻ không giống như người lớn. Kết quả là dẫn đến sai sót.

Lúc này, mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn trẻ. Nếu trẻ không dự đoán được hậu quả, mẹ hãy để trẻ thử làm và giúp trẻ tận mắt nhìn thấy kết quả. Như vậy, trẻ sẽ có cơ hội suy xét lại hành động của mình và sẽ biết lắng nghe sự hướng dẫn của mẹ.

Mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn trẻ, nếu trẻ không dự đoán được hậu quả, mẹ hãy để trẻ thử làm và giúp trẻ tận mắt nhìn thấy kết quả, như thế trẻ sẽ có phản xạ tư duy. (Ảnh: NewBranch)

3. Linh hoạt trong cách xử sự với lỗi sai của con

Sai lầm của trẻ có hai loại: sai lầm ngẫu nhiên và sai lầm chủ quan. Sai lầm mang tính ngẫu nhiên thường do trẻ vô tình phạm phải như khi thu dọn bát đũa mà làm vỡ bát. Đối với loại sai lầm này, mẹ cần tha thứ cho trẻ, giúp trẻ phân tích và giải quyết hậu quả.

Sai lầm mang tính chủ quan là trẻ cố ý hoặc dựa vào phán đoán của mình gây ra sai lầm. Ví dụ, khi khách đến nhà, trẻ cố ý hò hét, gây rối. Nguyên nhân của hành động này là trẻ muốn thu hút sự chú ý của người khác, chứ không biết hành động của mình là không đúng. Đối với lỗi này, mẹ cần nghiêm khắc chỉ bảo, để trẻ nhận thức rõ nguy hại và sai lầm của mình. Đồng thời thúc giục trẻ kịp thời thay đổi.

Bất kỳ trẻ em nào trong quá trình trưởng thành đều phạm lỗi. Khi trẻ phạm lỗi, mẹ không nên chưa hỏi nguyên nhân rõ ràng đã trách mắng trẻ. Cho dù vì lý do gì, mẹ cũng cần cho con cơ hội giải thích, kiên nhẫn lắng nghe lời trẻ nói, sau đó mới đưa ra kết luận. Nếu trẻ vô ý làm sai hãy tha thứ cho trẻ. Nếu trẻ thật sự phạm lỗi, cần giúp trẻ sửa đổi ngay.

Sự nhẫn nại, khoan dung của mẹ dành cho trẻ không những giúp trẻ hoàn thiện hơn trên bước đường trưởng thành mà còn giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự khoan dung, độ lượng, hòa ái, thiện lương với những người xung quanh trẻ. Đây là nền tảng để trẻ trở thành người hạnh phúc.

Hồng Ân