Mặc dù thai nghén và sinh nở là chức năng thiên phú và niềm mong mỏi của nhiều phụ nữ, nhưng cũng phải thừa nhận rằng trải nghiệm cái đau khi sinh là nỗi ám ảnh lớn nhất của các mẹ bầu. Ở mức cực đoan, nó còn là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ sợ đến mức không dám có con. Bài viết dưới đây hy vọng phần nào giúp những người phụ nữ sợ sinh đẻ tìm lại được sự yên tâm và thoải mái nên cần có trước sự kiện trọng đại nhất của cuộc đời mình.

Một báo cáo của NTC – Tổ chức phi chính phủ của Anh, hỗ trợ các cặp vợ chồng trong 1000 ngày đầu sinh con, ước tính cứ 5 phụ nữ ở Anh sẽ có 1 người sợ có thai và sinh con. Tâm lý này hết sức bình thường. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt. Chính xác là cứ 6/100 người, sự sợ hãi biến thành “nỗi ám ảnh sợ sinh đẻ”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lựa chọn phương thức sinh, thậm chí cả đến quyết định nên ưu tiên việc có con hay không của họ.

Chính xác là cứ 6/100 người, sự sợ hãi biến thành “nỗi ám ảnh sợ đẻ”. (Ảnh dẫn qua: Indepedent)

Xu hướng này xem ra có phần gia tăng, cũng bởi thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều hơn những ca sinh phức tạp dẫn đến tử vong, biến chứng hoặc hậu sản.

Qua mạng xã hội Facebook, cô Laura Mazz, một blogger khá nổi tiếng có nick “Mum on the Run”, đang trong giai đoạn chuẩn bị sinh bé thứ ba, mới đây đã đăng một bài viết nhắn gửi riêng cho các mẹ bầu, kể lại trải nghiệm của mình trong những lần sinh con trước đây.

Cô viết:  

“Các mẹ bầu thân mến. Đừng sợ sinh con. Tôi biết các bạn đã nghe nhiều câu chuyện hãi hùng, khiến các bạn phải khiếp sợ. Chắc các bạn cũng như tôi ngày xưa, đôi lúc còn sợ mình sẽ chết trên bàn đẻ. Đau đẻ là một cụm từ thật ám ảnh. Nó là một trải nghiệm không dễ dàng. Tuy nhiên, chắc phải có lý do thì người ta mới gọi nó là đau đẻ chứ. Đúng vậy, bạn chính là người sẽ lên Thiên đường, chọn cho mình một vì sao trong hình hài một thiên thần và mang xuống thế giới này. Sẽ không phải chuyện đơn giản, đúng không? Bởi thế dù rất khó khăn, nhưng nó là việc vô cùng trọng đại và hết sức thần thánh”.

(Ảnh dẫn qua: Growing for Baby)

Bà mẹ hai con giải thích rằng giống như những người mẹ khác, việc sinh nở lần đầu khiến cô có mặc cảm mình đã thất bại. Nó vượt khỏi sức chịu đựng của cô. Tới thời điểm em bé ra đời, đáng lẽ cô cần phải dũng cảm, can đảm và mạnh mẽ thì cô lại quá yếu đuối, lo sợ… và bị phụ thuộc vào các điều kiện hỗ trợ bên ngoài.

Giờ đây, khi đang mang thai đứa con thứ 3, cô đã tìm lại được sự tự tin, sức mạnh nội lực của mình, điều mà cô đang muốn chia sẻ tới các mẹ bầu khác, đặc biệt là những người sinh lần đầu, và có tâm lý sợ sinh con.

Cô khẳng định:

Tâm lý sợ đẻ cũng là bình thường, tâm lý lo lắng cho bạn và em bé cũng là bình thường. Nhưng các bạn biết không, có lẽ duy chỉ có con người mới có tâm lý lo sợ chính khả năng thiên bẩm này của mình.

Cô nhắn nhủ các bà bầu, đừng bị phụ thuộc vào những câu chuyện của người khác, đừng lo lắng vì sự tưởng tượng của chính mình. Điều đó sẽ làm họ quên đi sức mạnh mà họ đang có. Nó ở ngay bên trong mỗi người, đang chờ chúng ta nhận ra. Nó chính là quyền năng của bất cứ người mẹ nào trên thế giới.

(Ảnh dẫn qua: Brigitte)

Cô viết thêm:

“Nếu bạn muốn viết một bản kế hoạch sinh con dài 5 trang vì lo lắng đang bủa vây lấy bạn, hãy cầm bút và viết.

Nếu bạn muốn uống thuốc giảm đau, hãy làm việc đó.

Nếu bạn muốn trải nghiệm cái đau, bởi bạn chịu đựng được nó, hãy cứ làm đi.

Nếu bạn không thể chịu được đau, và muốn được mổ lấy thai, hãy cứ xin được mổ.

Và nếu mọi việc không diễn ra theo kế hoạch, nó không phải là một thất bại. Bạn đã làm những điều tốt nhất có thể để em bé được sinh ra an toàn. Đó là sự hy sinh vô điều kiện. Hãy nhớ chính bạn, và tình yêu thương của bạn đã mang bé đến với thế giới. Hãy thể hiện tình yêu của bạn với sinh linh bé bỏng ấy. Tuyệt đối đừng để bất cứ trở ngại nào làm bạn nhụt chí. Hãy mạnh mẽ và sẵn sàng làm bất cứ mọi điều cho con bạn.

Bạn hoàn toàn có quyền chọn lựa bạn muốn sinh con của mình như thế nào. Đó là cơ thể bạn, là giọt máu của bạn. Không có việc đúng hay sai ở việc bạn đẻ mổ hay đẻ thường, bạn sinh con trong bồn tắm ở nhà, hay trong bệnh viện, hoặc giả bạn sinh thường sau ca mổ đẻ trong quá khứ hay được gây mê. Chả có gì là sai ở đây cả. Có chăng, chỉ là khi một người mẹ bị đối xử không công bằng. Hãy bỏ qua những lời phán xét. Bỏ qua những câu chuyện tiêu cực của những người hoàn toàn không biết về những điều họ đang nói. Họ không biết bạn, cũng như không biết câu chuyện của bạn và em bé của bạn. Cách bạn sinh em bé không ảnh hưởng gì đến tình yêu của bạn dành cho con, và nó cũng chẳng làm cho tình yêu của con dành cho bạn suy suyển đi chút nào cả”.

(Ảnh dẫn qua: Stephanie Sunderland)

Cuối thư cô động viên các mẹ bầu:

“Bạn xứng đáng được tôn vinh. Một mầm sống đang được bạn nuôi dưỡng, thai nghén, và sắp cho chào đời. Dù là bạn sinh thường, sinh mổ, có dùng thuốc giảm đau hay không, thì hãy nhớ chính bạn mới là người làm nên kỳ tích đó.

Sinh nở là chuyện bình thường, lo lắng cũng  là bình thường. Còn bạn, đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân mình nhé, bởi vì bạn là một người mẹ, là một người mạnh mẽ”.

Bài đăng của Mazza lập tức thu hút sự chú ý của các bà bầu trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 1,8 nghìn người chia sẻ ủng hộ và hàng trăm lời bình luận, cảm ơn vì cô đã cho họ một thông điệp hữu ích như vậy.

“Cảm ơn Laura rất nhiều… từ lúc đọc blog của chị, mọi lo lắng, băn khoăn và những điều mà em cho rằng mình đang làm sai, đều được giải đáp, chị đã giúp em nhiều lắm”, một bà bầu viết.

Người khác nói thêm: “Em đang có thai cháu đầu được sáu tháng và thường sợ hãi khi nghe những câu chuyện của mọi người về việc sinh đẻ. Em rất sợ, nhưng khi đọc bài viết của chị, em cũng thấy đỡ hơn rồi”.

Bà mẹ bầu đang luyện bài tĩnh công số 5 của Pháp Luân Đại Pháp. (Ảnh dẫn qua Facebook)

Áp lực, căng thẳng, lo âu… là những trạng thái tâm lý bất lợi cho quá trình thai nghén. Ngày nay, cùng với việc ăn uống, sinh hoạt điều độ, các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản còn khuyến cáo các bà bầu nên chọn cho mình môn tập luyện nhẹ nhàng, trong đó phải kể đến Khí công thiền định. Rõ ràng những gợi ý của Laura rất gần với cách mà Thiền định giúp cho cơ thể phục hồi, bởi thay vì truy tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài, cơ thể chúng ta sẽ được hồi sinh nhanh chóng nhờ tìm thấy sức mạnh nội lực thông qua Thiền định.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao tâm tính, kết hợp với các động tác hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển, thậm chí là bất động, khí công thiền định đã giúp rất nhiều phụ nữ trên thế giới chiến thắng được stress, vượt qua giai đoạn ốm nghén, cải thiện hiệu quả giấc ngủ, mang lại một tinh thần và thể chất sung mãn trong suốt quá trình mang thai và sau sinh.

An Nhiên