Ở Nhật, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của mình là một người siêu giàu. Bởi vì, nhà của họ chẳng khác gì nhà của bạn, quần áo ông ấy mặc cũng giống như bạn, thậm chí, ngay cả chiếc xe ông ta đi cũng thuộc dạng “bình dân”.

Người Nhật tích lũy được ít của cải xã hội

Yếu tố chính tạo ra sự khác biệt giữa người giàu tại Nhật và người giàu tại các nước phát triển chính là việc người Nhật tích lũy được ít của cải của xã hội hơn, chính vì vậy, bất bình đẳng trong xã hội Nhật cũng ít hơn các xã hội phương Tây khác. Dù Nhật đã phát triển theo con đường công nghiệp hơn một trăm năm nay nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Nhật thấp hơn bất kỳ một nước phát triển nào khác trên thế giới.

Ở Nhật, mức thuế thu nhập đối với người được coi là giàu lên đến 45%. Khi người giàu muốn cho con cái thừa hưởng tài sản, họ cũng sẽ phải chịu mức thuế rất cao, lên đến 55%. Chính vì vậy, sẽ rất khó cho bất kỳ gia đình nào muốn tích lũy tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ vậy mà bất bình đẳng trong xã hội được giảm bớt.

Người giàu ở Nhật tiêu tiền như thế nào

Trong nhiều thập kỷ qua, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trên thế giới đó là khoảng cách chênh lệch giữa người giàu và nghèo ngày càng gia tăng. Tại Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế phát triển khác, luôn có những khu biệt thự chỉ dành riêng cho nhà giàu như Beverly Hills hay Palm Beach… Giới thượng lưu thường đi siêu xe, xài trực thăng và tự sống tách biệt ra khỏi cộng đồng.

Ở Nhật Bản, không có sự khác biệt quá rõ ràng giữa người giàu và người nghèo. Người ta thường nói rằng, ở đất nước này, bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú vì ngôi nhà của họ cũng giống nhà của bạn.

Người giàu ở Nhật cư xử rất khác người giàu các nước phát triển khác. Họ thường sống lẫn vào trong đám đông. Họ không thích xây dựng những dinh biệt thự chỉ để cho người khác biết rằng mình giàu. Họ thường dùng tiền cho những thứ tài sản có giá trị vô hình. Họ thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, đi nghe hòa nhạc hơn là mua sắm xe ô tô thể thao sang trọng hay đồ trang sức đắt tiền.

Một trong những ví dụ điển hình của việc người Nhật ngại “khoe khoang” tài sản chính là câu chuyện ông Hakura Nishimatsu, cựu chủ tịch kiêm CEO của hãng hàng không Japan Airlines có một cuộc sống vô cùng giản dị. Ông thường xuyên ăn trưa với nhân viên trong căng tin của công ty và đi lại bằng tàu điện thường.

Ông Hakura Nishimatsu. (Ảnh: Dailyvides)

Xuất phát từ quan niệm truyền thống được giáo dục lâu đời ở Nhật đó là không nên nổi trội trong đám đông, những người giàu có ở Nhật thường tránh sự phô trương và “khác người”.

Đặc biệt, người giàu Nhật rất “yêu nước”, họ mua hàng Nhật và đi du lịch nội địa. Họ thích rượu sake của Nhật chứ không thích rượu vang nước ngoài, thích trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Nhật và không hứng thú nhiều lắm với nghệ thuật phương Tây. Đối với họ, việc tiêu tiền như thế nào không chỉ là vấn đề thị hiếu mà còn thể hiện trách nhiệm công dân. Những người giàu ở Nhật hiểu vị thế của họ trong xã hội và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ.

Không có khái niệm “người giàu ngớ ngẩn”

Một đặc điểm khác của giới người giàu tại Nhật, đó là họ luôn gây dựng sự nghiệp của mình thông qua những nỗ lực của bản thân. Ngay cả những người được thừa kế tài sản cũng tìm việc làm và làm việc cả đời. Họ hoàn toàn không có khái niệm về những “người giàu ngớ ngẩn” tại quốc gia này.

Trên thực tế, những gì con cái của người giàu Nhật Bản được thừa hưởng không phải là tiền mà là những công cụ để kiếm tiền: Triết lý giáo dục, sự hiểu biết về giá trị của đồng tiền và sức lao động.

Những người giàu có tại Nhật Bản có thể “chia” thành 2 nhóm:

Nhóm đầu tiên bao gồm những đứa trẻ của các bậc cha mẹ giàu có. Thông thường, những đứa trẻ này không quá đặt nặng việc được thừa kế tài sản hoặc mong muốn kế thừa nó. Thay vào đó, họ tìm cách học hỏi từ cha mẹ và bắt tay vào các chiến lược đầu tư riêng của mình.

Nhóm thứ hai là các cặp vợ chồng quyền lực, họ là các cặp vợ chồng, cặp đối tác làm việc và mang về nhà khoản thu nhập chung ít nhất là 10 triệu yên một năm (khoảng 2 tỷ đồng). Họ thường nhờ các nhà hoạch định tài chính để tư vấn về cách quản lý tiền bởi họ không có thời gian làm điều đó. Họ cũng tiêu tiền của mình một cách “tự do”, nhưng chủ yếu là cho dịch vụ giữ nhà và chăm sóc sức khỏe cá nhân. Nhìn chung, người Nhật luôn ý thức tiêu tiền một cách “khôn ngoan”.

Ở Nhật Bản cũng có khái niệm về “người cao niên kỹ thuật số”, tức là những người về hưu và giàu có luôn am hiểu công nghệ. Họ hiểu thế giới làm việc như thế nào và tự học thông qua Internet. Họ làm việc và kiếm tiền ngay cả khi sở hữu một tài sản “kếch sù”. Theo thống kê, ước tính có khoảng 8,8 triệu người cao tuổi như vậy ở Nhật Bản.

Hiểu Minh

Xem thêm: