Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Khi thăm kinh thành cũ Thăng Long, Bà Huyện Thanh Quan ứng tác làm mấy câu thơ này. Hơn một trăm năm rồi đọc lại vẫn thấy một niềm vương vấn mãi:

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Kinh thành cũ, đế đô cũ luôn là một đề tài gợi hứng cho thi nhân. Cố đô nào cũng mang trong mình một vẻ đẹp, một vẻ sầu man mác, cổ kính và một nỗi niềm cảm khái về thời gian như thế. Nguyễn Bính cũng viết những dòng rất hay này trong bài “Xóm Ngự Viên”:

Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời dạo Ngự Viên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen

Trong các di sản còn lại của thời phong kiến thì kinh thành Huế là còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất. Kiến trúc của kinh thành chính là thể hiện tầm vóc và sinh khí của cả dân tộc. Hãy cùng bắt đầu chuyến tham quan kinh thành Huế, khám phá đời sống của các đế vương, lần giở lại những trang sử lập quốc của một triều đại phong kiến đã từng rất hùng mạnh.

Do ảnh hưởng của những quan niệm cũ, người ta thường cho rằng thời phong kiến đi kèm với khái niệm lạc hậu và “bóc lột nhân dân”, Hoàng đế đều là những nhà lãnh đạo chuyên quyền độc đoán. Nếu quả thật là vậy thì cớ sao cổ nhân có thể để lại cho chúng ta những di sản tinh thần và vật chất vô giá ngay cả người hiện đại cũng phải thán phục? Đó có thể nào là di sản của những người bị bóc lột cùng cực và có tư duy lạc hậu cổ hủ làm ra hay không?

Để có thể lên làm vua, một dòng họ phải có đức dày, ứng với “Thiên mệnh”, hợp với lòng dân mà dấy nghiệp. Thế nên quá trình chuẩn bị để lên làm vua của nhà Nguyễn thực ra đã bắt đầu từ 9 đời trước khi xây kinh đô Huế. Đó là cả một quá trình tích đức, bồi đắp phong thủy để định hình nên quốc gia.

Quá trình chuẩn bị để lên làm vua của nhà Nguyễn thực ra đã bắt đầu từ 9 đời trước khi xây kinh đô Huế. Đó là cả một quá trình tích đức, bồi đắp phong thủy để định hình nên quốc gia. Ảnh dẫn theo tourdulich.org.vn

Thuận Thiên mệnh mà gây dựng cơ nghiệp

Dân tộc Việt chính là hậu duệ của Thần (con Rồng Cháu Tiên). Vậy nên, có thể nói văn hóa cổ Việt Nam nói riêng hay văn hóa Phương Đông nói chung chính là văn hóa Thần truyền với một khởi nguồn tâm linh thâm hậu cùng nhiều nội hàm sâu sắc bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật – Đạo – Thần. Vì lẽ đó nên người xưa rất kính sợ Trời và luôn sống thuận theo ý Trời. Một triều đại phong kiến không thể nào lập quốc nếu không thuận Thiên mệnh. Nhà Nguyễn cũng không phải là ngoại lệ.

Tương truyền ông Trời đã khải thị cho Nguyễn Hoàng để mở ra vận nước cho gia tộc thông qua Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sử chép, Nguyễn Kim có hai con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng làm tướng lập được nhiều công trạng. Trịnh Kiểm là anh rể sợ họ Nguyễn tranh giành mới tìm cách giết Nguyễn Uông đi.

Nguyễn Hoàng sợ vạ lây, nhưng không nghĩ ra cách gì bèn sai người đem vàng bạc làm lễ vật biếu quan nhà Mạc đã hưu trí là Trình quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế giữ thân. Trình Quốc Công lấy giấy bút viết 8 chữ giao cho người tâm phúc của Nguyễn Hoàng đem về. Ðoan Quận Công Nguyễn Hoàng mở thư đọc, thấy 8 chữ “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành sơn một giải, dung thân muôn đời).

Hiểu được ý nghĩa của lời chỉ bảo, Nguyễn Hoàng cầu cứu với chị là Ngọc Bảo, xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam. Năm Mậu Ngọ (1558) đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới thuận, tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng quân lính ở đất Thanh Nghệ nhiều người đưa cả vợ con đi theo, khoảng một ngàn quân sĩ.

Ðầu tiên Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã ái Tử thuộc huyện Ðăng Xương, tỉnh Quảng Trị và bắt đầu thu phục nhân tâm, rộng ban ơn đức, anh hùng hào kiệt khắp nơi kéo nhau về giúp. Họ Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp và bành trướng ở xứ Ðàng Trong.

Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ảnh Viettoon.net

Làm việc đại thiện, tích đức 200 năm

Người xưa có câu: “Tâm còn chưa Thiện, phong thủy vô ích“. Thế nên muốn đủ tiêu chuẩn để lên làm vua thì một gia tộc ắt phải tin tưởng Thần Phật và làm nên việc đại thiện để tích đức cho dòng họ tương lai trong rất nhiều đời. Mà trong trăm ngàn việc thiện ở đời, không có việc nào lớn bằng hoằng dương Phật Pháp, tạo nền tảng tâm linh nơi trăm họ, làm cơ sở cho việc tu thân trị quốc, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân.

Là chân Chúa được Trời chọn, Nguyễn Hoàng rất hiểu điều ấy nên đã nỗ lực tích đức, hành thiện. Việc đầu tiên ông làm chính là xây chùa Thiên Mụ, hoằng truyền Phật Pháp. Vì lãnh đạo chuẩn mực của thời phong kiến chính là phải tạo lập được nền tảng đời sống tâm linh cho vương quyền của mình, đáp ứng điều kiện tối thiểu để có thể đủ tiêu chuẩn đăng quang hoàng vị.

Ngoài ra việc này cũng là nhất cử lưỡng đắc vì phong thủy của Thuận Hóa thời điểm đó vẫn chưa đủ tốt để trở thành kinh đô của đế vương. Nó cần có một ngôi chùa hoằng dương Phật Pháp để quy tụ linh khí. Họ Nguyễn đã dùng công đức của mình và hơn 200 năm để cải biến phong thủy vùng đất khắc nghiệt thành kinh đô tương lai. Xung quanh chuyện này cũng có truyền thuyết vẫn còn ghi lại đến hôm nay.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế, chuẩn bị nền móng cho việc mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân Chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn. Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ.

Không chỉ dưới thời Nguyễn Hoàng, việc hoằng truyền Phật Pháp luôn được chú trọng và thực hiện bài bản trong suốt lịch sử nhà Nguyễn về sau này. Sử sách ghi chép lại rằng, dưới thời chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa.

Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2m60, rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm – người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.

Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.

Chùa Thiên Mụ. Ảnh dẫn theo youtube.com

Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.

Không chỉ Phật Giáo, các chúa Nguyễn còn rất tích cực cổ vũ cho Nho Giáo và Đạo Giáo, xây dựng nền tảng hòa hợp giữa Tam Giáo để đem lại đời sống tinh thần phong phú cho dân chúng. Vào thế kỷ 17, cả nước Việt nói chung và Đàng Trong nói riêng có ba tôn giáo chính: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, trong đó Nho giáo và Phật giáo giữ vai trò quan trọng nhất.

Nho giáo có vị trí quan trọng đối với các triều đại phong kiến. Nho giáo với thuyết “Hình nhi thượng học” (quan niệm về Thiên đạo, Nhân đạo và Luận lý học) và “Hình nhi hạ học” (Quân tử, Tiểu nhân, Hiếu, Lễ Nhạc, Chính trị, Học vấn) được các nhà Nho triển khai qua nhiều thời luôn dùng văn chương để tuyển mộ kẻ sĩ. Triều đình thường tổ chức lối học khoa cử theo Nho giáo.

Phật giáo xứ Đàng Trong cũng rất phát triển. Chùa chiền được các chúa Nguyễn chăm lo xây dựng, trùng tu. Nhiều tăng sĩ Trung Hoa đến xứ Đàng Trong truyền đạo thành công như Viên Cảnh, Viên Khoan, Hưng Liên, Giác Phong, Pháp Bảo, Tử Dung… Các thiền phái phát triển mạnh lúc bấy giờ là phái thiền Trúc Lâm. Phái này được phục hưng trở lại với sự có mặt của thiền sư người Việt là Hương Hải, sau được truyền ra Đàng Ngoài và rất thịnh.

Hai thiền phái từ Trung Hoa là phái thiền Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều và phái thiền Tào Động do Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) truyền sang. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi phát triển chi phái thiền Liễu Quán của Tổ sư Liễu Quán. Trong đó, Nguyên Thiều là người có công truyền đạo tại xứ Đàng Trong. Thiền phái Lâm Tế đã ảnh hưởng lớn đến triều đình và dân chúng. Thiền sư Nguyên Thiều được chúa Nguyễn Phúc Chu ban hiệu Hạnh Đoan thiền sư và khen ngợi rằng: “Cao vút trí tuệ, phạm hạnh vun trồng. Giới đao một lưỡi, hoằng pháp lợi người. Quán thân vốn không. Mây từ che khắp trời tuệ chiếu cùng“.

Chính vì lẽ ấy mà trong hoàng tộc chúa Nguyễn luôn giữ lễ “cư Nho mộ Thích”, xem Phật giáo và Nho giáo là quốc giáo. Ngoài ra, các Chúa kể từ Nguyễn Hoàng đều hết mực yêu thương trăm họ, tích cực chăm lo nội chính cho nước giàu dân mạnh, đã rất cố gắng để hoàn thành việc đại thiện thứ hai vậy.

Nhà Chúa có công lớn trong việc khai khẩn miền Nam, lập ra lục tỉnh, mở rộng cương thổ quốc gia và cải thiện đời sống nhân dân, sửa sang pháp luật, áp dụng chính sách quản lý quốc gia hiệu quả… Những việc này có thể tra rất rõ trong sách sử, ở đây chỉ nói một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện đủ phúc đức của các chúa Nguyễn trong suốt 200 năm, đó chính là tên gọi.

Các chúa Nguyễn với đời sống đức hạnh và sự trị vì nhân nghĩa của mình đã lưu lại trong lòng nhân dân dưới những cái tên rất dân gian mà tràn ngập sự kính trọng như: Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng), Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên), chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần), Chúa Ngãi (Nghĩa – Nguyễn Phúc Thái).

Ngoài ra còn có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo nhân, như Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Vân Tuyền đạo nhân (chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) hay Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần).

Đó cũng là một nét đặc biệt, chứng tỏ các vị Chúa này sống theo Đạo của người tu hành mà trau dồi đạo đức của mình. Bởi tên tự của cổ nhân không phải khinh suất muốn chọn là chọn mà đều là có dụng ý và cân nhắc cả. Cái tên cũng nói lên phẩm chất, đạo đức con người.

Trong khi vua Lê yếu nhược, chúa Trịnh chuyên quyền, thế sự đảo điên, đạo đức xuống dốc thì có một vị tướng nắm binh quyền trong tay mà khiêm tốn thủ lễ, kính tuân mệnh Trời, lặng lẽ bảo vệ biên cương và lê dân bá tánh, hoằng truyền Phật Pháp suốt mấy trăm năm lịch sử dòng họ. Đức lớn dường ấy, công nghiệp dường ấy, ngai vua không về họ Nguyễn thì xem ra cũng không được vậy.

Tĩnh Thủy

Xem thêm: