Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Không chỉ là một võ tướng dũng mãnh trên chiến trường, Lê Tần còn là trung thần số một khuông phò 3 đời vua Trần với tài kinh bang tế thế của mình. 

Ngoài võ trong văn, thầy dạy cho Thái Tử 

Tháng giêng năm 1258, Trần Thái Tông định công phong tước, phong Lê Tần làm Ngự sử đại phu, lại đem Chiêu Thánh công chúa gả cho. Thái Tông nói: Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau“. 

Vừa tạm nghỉ việc chinh chiến, Lê Tần cùng Chu Bác Lãm được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, thực hiện chủ trương hòa hiếu với Mông Cổ, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, thái độ rất không hữu hảo. Với tài ngoại giao của mình, Lê Tần đã khiến triều đình Mông Cổ thôi đòi lễ vật tiến cống hằng năm mà quy định cứ 3 năm mới phải triều cống một lần.

Ngày 24 tháng 2 âm lịch năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng để làm Thái Thượng hoàng. Trần Hoảng lên ngôi, tức vua Trần Thánh Tông. Tháng 6 năm 1259, Thánh Tông giao cho Lê Tần làm Thủy quân đại tướng quân.

Lê Thánh Tông giao cho Lê Tần làm Thủy quân đại tướng quân. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Đến tháng 12, năm 1274, Thánh Tông phong ông làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ, tức là thầy học của Thái tử Trần Khâm. Năm năm sau đó, Thái tử lên ngôi vua. Đó là Trần Nhân Tông (1258-1308),  vị vua văn võ toàn tài đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ thắng lợi sau này. Đức độ và tài năng của Trần Nhân Tông có được là nhờ công dạy dỗ của người thầy Lê Tần.

Sau khi đánh bại nhà Tống, thôn tính toàn bộ Trung Quốc, năm 1285, giặc Mông Nguyên lại đem 50 vạn quân ồ ạt tiến sang nước ta lần thứ hai. Lần này, lão tướng quân Lê Tần cùng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đem 3 vạn quân vào giữ đất Nghệ An, kìm bước tiến quân của giặc đánh từ trong ra. Ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và góp phần đáng kể vào chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ hai của nhà Trần. 

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã nhận định: “Lê Phụ Trần… dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo Thái tử“.

Khí tiết thanh cao, xứng bậc Nho tướng hiền thần

Do có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258), vua Trần Thái Tông đem công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) gả cho Lê Phụ Trần. Đây vừa là đặc ân đồng thời cũng là một việc làm gây nhiều tranh cãi của đời sau vì công chúa Chiêu Thánh chính là vợ cũ của Trần Thái Tông.

Có thể nói Trần Thái Tông một đời anh minh nhưng quyết định này lại có vẻ không mấy gì sáng suốt. Đối với những người khác việc này có lẽ chính là điều sỉ nhục lớn, gây nên những oán hận không nhỏ và còn di họa đến về sau. Nhưng Lê Tần vẫn không oán không hối một lòng một dạ chung sống với công chúa Chiêu Thánh.

Năm ấy, Chiêu Thánh đã ngoài 40 tuổi nhưng tương truyền nhan sắc vẫn còn rất mặn mà. Ông sinh sống hạnh phúc với công chúa, có được hai người con với bà. Sử sách đã bàn nhiều về mối nhân duyên hy hữu của một Đại tướng quân và vị vua cuối cùng triều Lý này. Chấp nhận ân sủng đặc biệt và điều chỉnh một cách thuận hòa như vậy càng chứng tỏ Lê Phụ Trần là bậc chính nhân quân tử, rất biết giữ phép tắc, nghi lễ triều chính, đạo vua tôi, nền nếp gia phong.

Tranh vẽ công chúa Lý Chiêu Hoàng. Ảnh dẫn theo hyvongmoi.org

Hậu duệ hào hùng, rạng danh tiên tổ

Một đời thanh liêm, gương mẫu cống hiến hết lòng cho quốc gia, Lê Tần còn để lại cho đời một người con mà sau này tuy mất sớm nhưng cũng gan dạ hiển danh sử sách không kém gì ông. Đó chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Nhân thân của Trần Bình Trọng trong sử sách không ghi rõ cha mẹ, chỉ nói ông vốn họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng, ông chính là con trai của tướng Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng.

Lý Chiêu Hoàng bị truất ngôi hoàng hậu ở tuổi 19 sau 12 năm chung sống với Trần Thái Tông, trở lại với danh vị công chúa do không có thai với Trần Thái Tông. Và hơn 20 năm sau, ở tuổi tứ tuần, bà bị chính chồng cũ đem ra làm phần thưởng cho công thần. Thái Tông gả bà cho Lê Tần, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất được vua đổi tên là Lê Phụ Trần, rồi sau này ban cả quốc tính.

Cuộc hôn nhân cưỡng ép này, kỳ lạ thay, lại đem đến cho Lý Chiêu Hoàng niềm an ủi cuối đời, đó là hạnh phúc được làm mẹ. Dù lớn tuổi, bà vẫn sinh được hai người con, con gái sau được phong Ứng Thụy công chúa, con trai là Tông, cũng được phong hầu. Các nhà sử học cho rằng, rất có thể vị hầu tước tên Tông đó chính là Trần Bình Trọng.

Tại sao vậy? Vì nhân thân của Lê Tần cũng được chép là: Dòng dõi vua Lê Đại Hành, giống như Trần Bình Trọng. Mặt khác, Lê Tần cũng được vua Trần phong là hầu tước với danh hiệu là Bảo Văn hầu. Ở thời Trần, chữ đầu tiên trong tước hiệu có thể cho biết vị quý tộc đó xuất thân từ gia đình nào. Chẳng hạn, các vị vương gia con của vua Thái Tông đều có chữ đầu là Chiêu (Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương…), các vị vương gia con cháu của Trần Liễu đều có chữ Hưng (Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương, Hưng Vũ vương…). Trần Bình Trọng có tước hiệu là Bảo Nghĩa hầu, trong khi tước hiệu của Lê Tần là Bảo Văn hầu. 

Tranh vẽ Trần Bình Trọng. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Mặt khác, Trần Bình Trọng vốn gốc họ Lê chứ không phải trong vương thất nhà Trần. Người ngoại tộc muốn được phong hầu phải có công lao cực lớn. Trần Bình Trọng mới ít tuổi, trước trận Thiên Mạc thì chưa thấy có công lao to lớn nào được chép lại mà đã là hầu tước, lại mang họ vua, chỉ có thể vì ông có người cha được phong hầu và ban quốc tính. Ở thế hệ cha của Trần Bình Trọng, làm gì có nhân vật họ Lê – dòng dõi Lê Đại Hành – nào khác được ban quốc tính và phong hầu, ngoài Lê Tần?

Mặt khác, Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Tần vào năm 1258, trong khi Trần Bình Trọng sinh năm 1259, rất phù hợp. Trần Bình Trọng trong trận chiến bên bờ Thiên Mạc đã chiến đấu đến người cuối cùng để cầm chân quân giặc để cho triều đình rút lui an toàn. Câu nói của ông lẫm liệt trước quân thù vẫn còn vọng lại đến ngàn năm: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc“. Quả thật là hổ phụ sinh hổ tử vậy.

Lời kết

Chiến thắng của nhà Trần trước quân Mông Cổ là chiến thắng của chính nghĩa, là tuân theo ý Trời mà bảo tồn các giá trị văn hóa Thần Truyền. Trần triều là một triều đại oai hùng nhất trong lịch sử Việt Nam và cả thế giới khi ghi dấu sự tồn tại của mình bằng chiến thắng oanh liệt 3 lần chống quân Nguyên Mông ngay tại thời điểm toàn thịnh đỉnh cao của đế quốc này.

Đây là một triều đại rất đặc biệt khi suy tôn Phật giáo trở thành quốc giáo (cả vua đến dân đều đi tu) nhưng lại rất tôn trọng và dùng nguyên lý Nho gia để trị nước. Chính điểm đặc biệt này đã khiến cho nhà Trần trở thành nơi tỵ nạn của rất nhiều tướng lĩnh cũng như các nhân tài về văn hóa khi Nhà Tống sắp sụp đổ ở bên kia biên giới. Điều này vô hình trung đã biến nhà Trần thành cái nôi lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền phương Đông cuối cùng. 

Thiên thượng muốn bảo toàn nước Việt để lưu lại cho nhân loại những giá trị văn hóa về sau nên đã khiến cho vô số anh hùng, thần tướng kỳ tài và quân chủ vĩ đại đầu thai vào quốc gia “nhỏ như nắm tay” này (trích lời vua Trần) để làm nên công trạng ngàn đời lưu danh. Một quốc gia từ vua đến dân chú trọng đạo đức, sống lương thiện thì sẽ giàu mạnh và được Trời che chở cho dù phải đối mặt với kẻ thù mạnh nhất trần gian.

Bài viết này chỉ viết về một vị tướng quân nhưng cũng phản ánh đặc điểm của thời đại của những con người đạo đức chính nghĩa chống lại và chiến thắng oanh liệt kẻ bạo tàn. Một người sống đạo đức đem lại cho bản thân cuộc sống hạnh phúc, cả quốc gia sống đạo đức sẽ cùng nhau tạo nên Thần tích. Cả 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông chẳng lẽ không phải Thần Tích hay sao?

(Hết)

Tĩnh Thủy

Xem thêm: