Người Việt Nam có lẽ đều biết đến Thượng tướng Thái sư, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, người có công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông của triều đại nhà Trần. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đánh giá: “Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn.” Tuy nhiên, ít ai biết rằng Trần Quang Khải có một người vợ mà đức độ, tài năng của bà khiến phu quân phải mười phần cảm phục.

Phụng Dương Công chúa (奉陽公主; 1244 – 1291) là con gái của Tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu (em út của Thái Tông Trần Cảnh) và Tuệ Chân phu nhân. Từ nhỏ, Phụng Dương đã nổi tiếng thông minh và rất mực hiền hậu. Vua Thái Tông Trần Cảnh yêu mến, đem nàng về cung nhận làm con nuôi, đặt hiệu là Phụng Dương. Về sau, Công chúa Phụng Dương được Vua Thái Tông gả cho con trai thứ hai của ông, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.

Làm dâu nhà tướng, sóng gió buổi đầu

Là công chúa lá ngọc cành vàng, nhưng thật không may cho Phụng Dương, lúc ấy Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đang có một người thiếp yêu nên nhạt tình với người vợ chính thất. Chuyện đến tai cha mẹ ruột nàng là Tướng quốc Thái sư và Tuệ Chân phu nhân, hai người định ngăn cản không cho phép Quang Khải được làm như thế. 

Thời nay, nếu một người con gái xuất thân danh giá mà bị chồng mới cưới hờ hững như vậy, mấy ai lại không muốn cha mẹ “ra mặt” nói lời công đạo cho mình? Thế nhưng, càng tranh cãi thì hoà khí càng tổn thương, mình chiếm được lý thì người khác bị mất thể diện mà ôm hờn oán. Rốt cuộc, chính mình lại là người đau khổ nhất. 

“Phụng Dương công chúa thần đạo bi” chép rằng:

Công chúa cho là không nên, nói: “Thiếp thà chịu nhịn, chứ đã về làm vợ Thái sư, hoà hợp hay không hoà hợp, là do số Trời đã định. Lời của cha mẹ, vốn không thể không nghe, nhưng còn cái nghĩa “Lớn thì phải theo chồng” thì phải làm thế nào?” Tướng quốc và Tuệ Chân phu nhân đành thôi. Đó là lòng trinh tiết của Công chúa vậy.

Lấy Đức phục người

Ở phủ tể tướng, Công chúa Phụng Dương có thân phận là chính phi, bà đối xử với các thứ thiếp của chồng hết sức bao dung. Bà ân cần chỉ bảo cho họ cách làm ăn, khu xử. Hoặc họ làm điều gì khiến Quang Khải la mắng thì Phụng Dương lại nhẹ nhàng khuyên giải để họ không oán không hận, biết lỗi mà sửa, quả là dù các bậc liệt phụ thời xưa không mấy ai hơn được”

Trần Quang Khải bàn việc nước, bà lo quán xuyến việc nhà, việc kim chỉ vá may, bếp núc mắm muối đều giỏi cả. Phụng Dương công chúa cư xử với người già người trẻ có phép tắc, sắp xếp công việc đâu ra đấy, nên tiền tài không hao phí mà vẫn sinh lợi khiến phu quân rất hài lòng.

Lời tựa trên bia thần đạo Công chúa Phụng Dương chép lại như sau:

“Việc sai khiến, đối xử với nô tỳ, Công chúa không to tiếng, lộ vẻ tức giận. Mỗi khi có kẻ nào lỡ trộm cắp của trong nhà, thì Công chúa tùy tiện xét hỏi, không nỡ để lộ điều xấu xa của kẻ đó ra. Đó là sự thể hiện lòng nhân của Công chúa vậy.

Ngày thường, mỗi khi rỗi rãi, đối với đám nô tỳ, Công chúa thường thăm hỏi sự khó nhọc, chưa từng dùng đến roi vọt bao giờ. Cho nên bọn xấu ác đều có lòng tự cảm phục. Đó là thể hiện tấm lòng khoan dung của Công chúa vậy.”

Công chúa có lòng nhân từ bác ái, không so sánh suy bì đích thứ, người nào có một chút công lao, thì biểu dương trước mặt Thái sư; người nào mắc lỗi thì ghé tai bảo nhỏ, ỉm đi cái lỗi đó. Công chúa quả có phong thái của bậc quân tử thời cổ. Đó là tấm lòng không ghen ghét đố kỵ của Công chúa vậy.

Công chúa đối với việc nâng đỡ những người trong họ, từ việc lớn đến việc nhỏ đều không để sót. Với những người bất tài, thà ban cho của cải, chứ không dám giao cho trọng trách. Đó là tấm lòng không riêng tư của Công chúa vậy.”

Đi lấy chồng nhưng Phụng Dương vẫn săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Khi cha mất, bà đích thân lo cơm nước hầu hạ mẹ hệt như một cô gái thường dân nết na hiếu thảo.

Biến cố lớn khiến Trần Quang Khải muôn phần kính yêu vợ

Năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên xâm lược nước ta. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương xuôi thuyền cùng triều đình về phủ Thiên Trường. Thình lình nửa đêm có chiếc thuyền bị bốc cháy. Nghe tiếng hoảng loạn, ai nấy tưởng giặc đến nơi rồi. Bà bình tĩnh đánh thức Thái Sư dậy, đưa lá mộc chắn tên và lấy mình che cho chồng. Tấm lòng nghĩa dũng của Phụng Dương khiến Thái sư thực sự yêu phục.

Bàn về câu chuyện này, văn bia về Công chúa Phụng Dương viết: “việc làm ấy đến Phùng Phụ thời xưa cũng không hơn được.” Phùng Phụ (bà Phùng) nói đến ở đây có lẽ là Phùng Tiệp Dư (Tiệp Dư là một chức vị của phi tần trong cung vua) của Hán Nguyên Đế, người phụ nữ tiết nghĩa nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. 

Sử chép rằng Hán Nguyên Đế cùng hậu cung cơ thiếp xem đấu thú ở quảng trường lớn. Đột nhiên một con gấu mất kiểm soát, vồ lên khán đài nơi mà Nguyên Đế đang ngồi. Tất cả quan thần lẫn cơ thiếp đều nhất loạt chạy tứ tán, bỏ mặc Hán Nguyên Đế, duy chỉ có Phùng Tiệp Dư xả thân mình lên chắn ngang giữa Nguyên Đế và con gấu. Con gấu sau đó bị giết bởi đội vệ binh.

Khi Nguyên Đế hỏi vì sao bà lại lao ra chắn mình, Phùng Tiệp Dư thật thà đáp: “Thần thiếp nghe nói con gấu một khi đã muốn hại ai, thì sẽ vồ lấy mục tiêu bất chấp thứ gì khác. Thần thiếp không muốn bệ hạ bị hại, đành liều mình ra ngăn. Bệ hạ quân lâm thiên hạ, không thể bị hại, dù thần thiếp có bị chết cũng đáng”. Sau lần đó, Nguyên Đế càng yêu quý Phùng Tiệp Dư hơn. Phùng Tiệp Dư sau đó được phong làm Phùng Chiêu Nghi. Khi con trai Phùng Chiêu Nghi được phong làm Trung Sơn Vương thì Phùng Chiêu Nghi được phong làm Trung Sơn Thái Hậu.

Sách Nữ Đức ghi rằng: Bậc quân tử nói Phùng Chiêu Nghi dũng cảm lại có nghĩa khí. Luận Ngữ nói: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm là người vô dũng), Phùng Chiêu Nghi kiêm cả dũng lẫn nghĩa. Trong “Phụng Dương công chúa thần đạo bi” cũng đánh giá rằng Công chúa Phụng Dương có “tấm lòng nghĩa dũng sáng suốt”.

Cuối đời, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải về nghỉ ở trang riêng tại phủ Thiên Trường. Công chúa Phụng Dương về theo rồi mất ở đấy năm 47 tuổi. 

Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương được thờ tại đình làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Hội được tổ chức ngày 22 tháng 3 âm lịch (là ngày giỗ bà Phụng Dương) hàng năm ở làng Cao Đài.

Nhân cách của Công chúa Phụng Dương được chính chồng bà – Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đánh giá:

– Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử.

Thanh Ngọc
(Tổng hợp và biên soạn)