Hạ Vũ Vương trị thủy vào thời Nghiêu Đế, và nhiều nhân vật có mối liên quan đến vấn đề trị thủy cũng được sinh ra trong khoảng thời gian Cốc Đế tại vị. Vì vậy bộ sách này của tôi chỉ có thể đề cập đến các câu chuyện lịch sử bắt đầu từ thời kỳ Cốc Đế.

Cốc Đế mang họ Cơ, tên Tuấn, lấy hiệu Vong Cân, vốn là tằng tôn (chắt trai) của Hiên Viên Thị hoàng đế, cháu trai của Thiếu Hạo Kim Thiên Thị. Phụ thân ông là Tác Kiều Cực, còn mẫu thân mang họ Trần Phong Thị, tên gọi Ác Bầu. Chuyện kể rằng Ác Bầu một ngày nọ ngao du bên ngoài, nhìn thấy vết chân của một người khổng lồ, giống như mẫu thân của Phục Hy Thị, liền bước lên dẫm vào dấu chân đó, bất giác trong lòng nảy sinh một xúc cảm chấn động sâu sắc, từ đó mang thai mà hạ sinh được Cốc Đế. Điều đặc biệt là Cốc Đế khi vừa ra đời đã có thể nói chuyện, còn tự đặt tên cho mình là Tuấn, qua đó thấy rằng Ông chính là một vị tinh quân được Thiên Thượng phái đến nhân gian.

Địa phương nơi Cốc Đế sinh sống là Khung Tang, năm bên cạnh Tây Hải. Trước đây, tổ phụ của ông – Thiếu Hạo Kim Thiên Thị cũng có một giai thoại gắn liền với vùng đất này.

Vốn dĩ Thiếu Hạo Kim Thiên Thị cũng là một vị tinh quân từ thiên thượng hạ thế. Mẫu thân của ông là Luy Tổ, danh tự Nữ Hồng, nhũ danh Hoàng Nga, là con gái của Tây Lăng Thị. Khi còn là thiếu nữ 14 -15 tuổi thuở chưa xuất giá, bà đã tìm tòi, sáng tạo ra phương thức nuôi tằm dệt vải, quả thực đây chính là ân nhân mấy ngàn năm nay của Trung Quốc. Một ngày nọ, bà đang dệt vải trong phòng, bất giác cảm thấy vô cùng buồn ngủ, liền tựa lưng vào ghế mông lung thiếp đi. Từ từ bước vào không gian của giấc mộng chiêm bao, bà thấy mình du ngoạn bên bờ biển, đang phóng tầm mắt xa xăm trong bao la vô định, bỗng trông thấy một cậu bé tướng mạo bất phàm, từ trên thiên thượng hạ xuống bên bờ biển, tiến về phía mình mà thưa với Hoàng Nga rằng: “Ta là con trai của Bạch Đế, tinh linh của sao Thái Bạch, ta và người vốn có duyên cốt nhục, hôm nay quả thật là một dịp hiếm có được tương phùng tại nơi đây, người có thể đi theo ta chứ?”.

Hoàng Nga nghe thấy vậy, chấp thuận đi cùng cậu bé. Khi đến nơi, chỉ thấy một tòa cung điện nguy nga đồ sộ, rực rỡ tinh quang tựa hồ như được cấu thành từ bạch ngọc. Phong cách bài trí trang hoàng trong cung điện vô cùng hoa lệ, chỉ phút chốc đã xuất hiện một bàn tiệc với nhiều món ăn phong phú thịnh soạn, cậu bé nắm lấy tay Hoàng Nga, cùng ngồi bên bàn tiệc. Lúc này, vô số nữ tử tuyệt sắc bước ra cùng các loại nhạc cụ, tấu lên những khúc ca điệu hát du dương. Cậu bé giới thiệu từng người từng người với Hoàng Nga: “Vị nữ nhân này là Giang Phi, bản nhạc của cô ấy mang tên “Xung cẩm hoàn quy”. Còn nữ nhi đang thổi tiêu kia là Bàn Linh, chính là “khẩu tỉnh” trong nội cung này, được gọi với danh xưng là tinh túy của chòm sao Bàn Linh.”

Tuy cậu bé dụng tâm chỉ điểm một cách vô cùng chi tiết tỉ mỉ, song Hoàng Nga cũng không thể thấu hiểu hoàn toàn, chỉ cảm thấy ấn tượng bởi tiếng nhạc lời ca trầm bổng, êm ái, du dương, uyển chuyển nhu hòa, đủ để lay động nhân tâm hồn xiêu phách lạc, đang ngồi thưởng thức suốt một khoảng thời gian dài, bất giác trong lòng nảy sinh chút động tâm. Cậu bé liền đứng dậy khởi hành, nắm lấy tay Hoàng Nga, bước ra ngoài cửa cung điện, đi về hướng bờ biển.

Phía trước xuất hiện một cây dâu, ước chừng cao đến 8-9 trăm thước, toàn bộ lá cây phủ một màu đỏ rực, điểm thêm màu tím – màu của những trái dâu tằm, từng chùm từng chùm sai trĩu trịt trên cây. Cậu bé liền thủ thỉ với Hoàng Nga: “Cây dâu này ngàn năm mới kết trái một lần, sau khi thưởng thức có thể hậu thiên nhi lão. Hôm nay chúng ta đến đây thật khéo trùng hợp là thời điểm cây kết trái, quả thực như mượn được thiên duyên. Ta đi hái mấy trái nếm thử nhé.” Dứt lời liền phi thân bay lên, trảy được rất nhiều trái ngon rồi trao cho Hoàng Nga phân nửa mà nói rằng: “Mời người nếm thử, chúc người trường thọ!”.

Hoàng Nga nhận lấy nếm thử, cảm nhận được mùi vị ngon ngọt lạ thường, trong lòng không ngừng xúc động xuyến xao. Đột nhiên trông thấy một chiếc thuyền neo đậu bên bờ biển, trên thuyền xếp đặt một cành quế nhỏ làm biểu ký, dùng cỏ thơm bạch mao kết thành lá tinh kỳ và một con cưu điểu (chim tu hú) bằng ngọc chạm khắc đặt trên mặt tấm biểu ký. Hoàng Nga lấy làm lạ, không thể lý giải được tác dụng của nó bèn hỏi cậu bé.

Cậu bé đáp: “Cái này được gọi là Tương Phong, vốn là dụng cụ để khảo sát hướng gió. Bởi vì loài chim cưu điểu có thể nhận biết được khí hậu bốn mùa cho nên mới khắc họa hình tượng của nó.” Dứt lời liền nắm lấy tay Hoàng Nga, đưa lên thuyền, kề vai ngồi bên cạnh. Chiếc thuyền không cần dùng chèo mà tự giao động lắc lư di chuyển về phía trước, thẳng hướng ra biển khơi. Lúc này, Hoàng Nga cảm nhận được gió trời sóng nước, biển núi mênh mông xanh biếc, không thể diễn đạt được cảm xúc vui sướng hân hoan trong lòng. Ngoảnh đầu lại trông thấy một cây đàn sắt được làm từ gỗ cây thị ở trên thuyền, bà nhấc lên, đặt trên đầu gối, tấu một khúc nhạc, rồi lại dựa vào đàn sắt ngân nga lời bài hát: Thiên thanh địa khoáng mênh mông bát ngát, vạn tượng hồi bạc hóa vô phương.

Bầu trời Hàm Quang bao la xanh thẳm, thong dong thuyền nhỏ lững lờ trôi bên cạnh mặt trời. Khi được đặt chân đến Khung Tang, không thể biểu đạt mọi hoan lạc trong lòng.

Luy Tổ Hoàng Nga, bà là mẹ của Thiếu Hạo Kim Thiên Thị (ảnh QQ).

Hoàng Nga hát xong, cậu bé nói: “Chúng ta hôm nay ngao du đến Tang Trung, bài hát này có thể được xem như niềm hân hoan của Tang Trung. Có người hát thì đâu thể thiếu người phụ họa, để ta đến góp vui một bài.” Dứt lời liền cao giọng hát vang:

“Tứ duy bát diên miễu nan cực, đuổi theo ánh sáng, truy tìm bóng ảnh nơi tận cùng thủy vực.

Tuyền cung dạ tĩnh đương hiên chức, đồng phong văn tử thiên tầm trị

Đốn thị chế tác đàn cầm sắt, thanh ca trong trẻo âm điệu du dương.

Thuyền đến Thương Mi Hải Phổ thì neo đậu lại nghỉ ngơi. Trong lúc hai người còn đang say sưa phụ xướng, đột nhiên xuất hiện một trận đại phong, nước biển lập tức dâng trào mãnh liệt, một cơn sóng lớn ập đến lật đổ chiếc thuyền. Hoàng Nga kinh hoàng, giật mình choàng tỉnh, mới nhận ra đây chỉ là một giấc mơ, nhưng từng tình tiết lại vô cùng rõ ràng, tường tận khắc sâu trong tâm trí, một chút cũng không quên. Sau này khi trưởng thành bà được gả cho Hoàng Đế, trong một dịp cùng Hoàng Đế ra ngoài du ngoạn, đến miền đất Khung Tang, chợt nhận thấy toàn bộ phong cảnh nơi đây không có chút gì khác biệt so với cảnh tưởng trong giấc mơ ngày trước, vô cùng kinh ngạc liền thỉnh xin Hoàng Đế cho phép được tá túc ở nơi đây thêm vài ngày. Hoàng Đế chấp thuận, liền hạ lệnh xây dựng vài căn phòng ở phía đông cạnh một cây dâu bên bờ biển, cùng Hoàng Nga trú chân tại đó.

Vào một đêm nọ, khi Hoàng Nga đang tháo tư trang, bất chợt trông thấy một ngôi sao lớn tựa như cầu vồng từ không trung giáng hạ xuống bên bờ biển, chỉ thoáng chốc đã biến mất. Sau một hồi suy nghĩ tường tận, Hoàng Nga cho rằng đây chính là cậu bé trong giấc mộng hạ phàm, hồi tưởng về cảnh tượng trước đây, bất giác động lòng rồi sau đó mang thai. Đến khi Thiếu Hạo ra đời, với diện mạo không có điểm nào khác biệt so với cậu bé trong giấc mơ, bà càng thêm phần khẳng định về những sự kiện được an bài tiền định, Thiếu Hạo Thị chắc chắn là tinh túy sao trời hạ thế. Vì vậy câu chuyện lịch sử Thiếu Hạo sinh ra ở Khung Tang, chính là như vậy.

Khung Tang vốn là miền đất hoang sơ nằm bên cạnh Tây Hải, tách biệt với Trung Nguyên, dân cư thưa thớt, phụ thân của Cốc Đế – Kiều Cực lại sớm qua đời, Cốc Đế sinh ra và lớn lên tại vùng đất hoang vu hẻo lánh, những năm tháng tuổi thơ cô nhi cơ cực, cũng có thể được xem như một cậu bé vùng thôn quê. Tuy nhiên ông lại sở hữu tố chất thông minh thiên bẩm, về cách hành sự có thể không học cũng thông suốt thuần thục, không được bồi dưỡng cũng tài năng mẫn cán, đặc biệt có niềm đam mê nghiên cứu thiên văn tinh tú.

Một người láng giềng họ Bách tên Chiêu, vốn là bằng hữu của phụ thân Cốc Đế – Kiều Cực, là người có học vấn cao, nhưng bản tính trầm mặc quy ẩn, không tham vọng chốn quan trường, Cốc Đế bái sư, thường xuyên lui tới thỉnh giáo, vì vậy mà học vấn, phẩm hạnh của ông có bước biến chuyển tiến bộ vượt bậc. Đến khi 12-13 tuổi, quả thực đã trở thành một vị đại thánh nhân.

Vào thời điểm đó, hoàng đế Trung Nguyên là cháu trai của Hoàng Đế Hiên Viên Thị, chắt nhi của Thiếu Ngô Kim Thiên Thị, tên là Chuyên Húc Cao Dương Thị, sắp xếp theo thứ bậc thế hệ dòng tộc, chính là họ hàng bá phụ của Cốc Đế. Chuyên Húc Cao Dương Thị cũng là một tinh quân từ thiên thượng giáng thế, trước khi ông ra đời, mẫu thân của ông – Nữ Khu được sắp xếp sống trong một căn phòng tĩnh mịch chốn nội cung, bỗng một đêm nọ trông thấy tia sáng ngọc dao, tựa như cầu vồng băng qua mặt trăng, bất giác dạt dào xúc cảm mà mang thai rồi hạ sinh Chuyên Húc. Đến nay Chuyên Húc Cao Dương Thị đã nắm quyền tại vị được vài thập niên rồi, thiên hạ thái bình, bốn phương an yên vô sự, chỉ có điều tuổi tác bản thân ngày một lớn dần, tương lai ngôi vị hoàng đế cao quý sẽ truyền lại cho ai đây? Trong lòng vô cùng trăn trở lo toan suy tính.

Chuyên Húc Cao Dương Thị (ảnh Wikipedia)

Đúng lúc này bỗng nghe tin có người cháu họ thuộc dòng dõi hoàng tộc – Cốc Đế tuy tuổi còn nhỏ nhưng lại giàu tài năng phẩm hạnh, không thể giấu được niềm vui, lập tức phái thuộc hạ đến Khung Tang tuyên triệu mẫu tử Cốc Đế vào kinh nhằm giao phó ủy thác trọng trách. Mẫu tử Cốc Đế nhận được tin, vui mừng khôn xiết, liền sắp xếp thu dọn hành lý, từ biệt Bách Chiêu, vâng mệnh theo sứ thần vào kinh thành Đế Khâu diện kiến Chuyên Húc.

Chuyên Húc nhìn thấy Cốc Đế có diện mạo bất phàm, trong lòng vui sướng, liền hỏi: “Khanh bao nhiêu tuổi rồi?” Cốc Đế đáp: “Thần đã 15 tuổi”. Chuyên Húc nghe vậy lại càng thêm mừng rỡ mà nói: “Thời kỳ Thiếu Hạo Đế tại vị trước đây, khi Trẫm được Thiếu Hạo Đế tin tưởng giao phó hỗ trợ chính sự là lúc Trẫm vừa tròn 15 tuổi. Nay khanh 15 tuổi, cũng đúng lúc lưu lại tại đây, phò tá cho Trẫm, quả đúng là giai thoại thiên thu.” Dứt lời liền hạ chỉ phong Cốc Đế trở thành hầu tước, đồng thời ban cho ông ngôi vị Quốc quân trị vì vùng thuộc địa Tân, nhận đặc quyền không cần trực tiếp đến quốc gia đó, mà lưu trú trong triều phò tá chính sự. Kể từ đây Cốc Đế sống tại Đế Khâu.

Vào thời kỳ Chuyên Húc Thị tại vị, trong triều có năm cấp bậc quan viên nắm giữ quyền lực tối cao: Một vị là Mộc Chính Câu Mang, chuyên quản chính sự phía đông; một người là Hỏa Chính Trúc Dung, chuyên quản chính sự phương nam; Kim Chính Nhục Thu thì chuyên quản chính sự phía tây; Thủy Chính Huyền Minh lại chuyên quản chính sự phương bắc, còn Hậu Thổ chuyên quản chính sự trung ương. Quan viên Hậu Thổ, danh tự là Câu Long, chính là hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông Thị. Đảm nhiệm chức quan Hỏa Chính là Trùng Lê – cháu trai của Chuyên Húc Đế. Quan Mộc Chính danh tự là Trung; Quan Kim Chính danh tính là Cai; Phụ trách vị trí quan Thủy Chính gồm hai vị: Tu và Hi. Trùng, Cai, Tu, Hi – bốn vị này đều là nhi tử của Thiếu Hạo Thị, cũng chính là bào thúc (chú ruột) của Cốc Đế. Cốc Đế đã đến Đế Khâu, giữ chức vị quan tước đại thần phò tá chính sự, nên thường xuyên có cơ hội gặp gỡ giao thiệp với các quan viên đại thần.

Bốn vị Trùng, Cai, Tu, Hi vốn là bào thúc (chú ruột) của Cốc Đế, vì vậy mối quan hệ lại càng thêm mật thiết, trong đó Hi là người mà Cốc Đế đặc biệt khâm phục, cũng là người được ông bái sư, tôn làm sư phụ.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, đã thêm mười mấy năm qua đi, Chuyên Húc Đế đột nhiên lâm trọng bệnh qua đời, hưởng thọ 91 tuổi, kết thúc thời kỳ 76 năm tại vị. Vào thời điểm đó để tìm được người kế thừa đại vị quân chủ quả thực là một vấn đề khó khăn. Chuyên Húc Thị có hai phi tần là Trâu Đồ Thị và Thắng Bôn Thị.

Trâu Đồ Thị là hậu duệ của Xi Vưu Thị Quốc Dân, trước đây khi hoàng đế Xi Vưu Thị sụp đổ, đã phân tách bách tính thành hai nhóm: một bộ phận người bất thiện thì bị trục xuất đến miền đất xa xôi cực bắc; một bộ phận người lương thiện được di dời đến địa phương Trâu Đồ. Trâu Đồ Thị là cô nương đoan trang từ nhỏ, chuyện kể rằng một ngày nọ khi đang đi trên đường bỗng gặp một chú rùa đen, bà nhất quyết tránh đi, không dẫm đạp làm tổn thương đến nó.

Chuyên Húc Đế biết chuyện, nhận thấy bà là người hiền đức, liền cưới làm phi tử, hạ sinh được một hoàng tử, đặt tên là Vũ Tổ. Sau đó bà liên tục lặp lại những giấc mơ về mặt trời, mỗi lần nằm mộng, nhất định sẽ mang thai và có thêm một nhi tử, tổng cộng sau tám lần chiêm bao bà hạ sinh được tám người con là Thương Thư, Hối Khởi, Diễn, Đại Lâm, Bàng Giáng, Đỉnh Kiên, Trọng Dung, Thúc Đạt.

Phi tử còn lại là Thắng Bôn Thị, danh tự là Lục, bà sinh được ba nhi tử, một người là Bá Xưng, hiệu là Bác Phục; một người là Quyển Chương, hiệu là Lão Đồng; người thứ ba mang tên Quý Ngu. Bá Xưng từ nhỏ đã yêu thích bôn ba du ngoạn, phiêu bạt vô định, giờ đây không biết đang ở chốn nào; Quyển Chương thì ấp ủ nguyện vọng cầu tiên học đạo, một đi không trở về; còn Quý Ngu yểu mệnh cũng sớm qua đời, quan viên Hỏa Chính – Trùng Lê chính là nhi tử của Quyển Chương, tuy nhiên thuở ấu thơ sống trong cảnh bần hàn nên không đủ tư chất cốt cách kế thừa quân vị.

Vào thời điểm Chuyên Húc Đế băng hà, bất luận xét về tuổi tác hay phẩm hạnh, duy chỉ có Vũ Tổ là người phù hợp nhất, vì vậy mọi người ủng hộ lập vị, tôn ông trở thành Quân chủ với danh xưng Nhũ Đế Chuyên Húc. Đáng buồn thay, thời gian tại vị chưa được bao lâu thì Nhũ Đế Chuyên Húc lại lâm trọng bệnh qua đời.

Quốc gia liên tiếp gặp đại tang, bách tính hoang mang vô chủ. Ngay lập tức, những đại thần ngoài hoàng tộc uy tín trong triều đã tập trung thương thảo bàn luận, nhất quán ủng hộ Cốc Đế lên ngôi hoàng đế, một mặt là vì Cốc Đế tài đức xuất chúng, thứ hai là vì Chuyên Húc Đế đương thời cũng đã nung nấu ý định này, chỉ là chưa có cơ hội thông cáo công khai minh bạch mà thôi.

Để đáp lại nguyện vọng của đại chúng, Cốc Đế đành lòng chấp thuận, tiếp nhận đế vị, toàn bộ kết cấu bộ máy quản lý quan viên lớn nhỏ vẫn dựa theo nền nếp cũ, song kinh thành lại được di dời, sau quá trình cân nhắc tuyển lựa đã quyết định chọn địa phương phía bắc Tung Sơn – Bậc Ấp trở thành tân đô, phái cử Kim Chính, Mộc Chính cùng các quan viên đến trước kiến dựng, sau khi hoàn tất nghi lễ an táng cho hai vị Chuyên Húc và Nhũ Đế Chuyên Húc tại ngoại thành Đế Khâu sẽ chính thức tiến hành dời đô đến Bậc Ấp. Bởi vì trước đây ông từng được phong tước tại Tân, nên Quốc hiệu được thay đổi thành Cao Tân Thị. Kể từ đó về sau bắt đầu mở ra thời đại của Cốc Đế.

Chân dung Cốc Đế (ảnh INF)

Cốc Đế lúc này đã 30 tuổi, nạp được bốn vị thê tử: Người thứ nhất mang họ Khương, tên Nguyên, là con gái của quốc vương Hữu Thai, bản tính trầm tĩnh chuyên nhất một lòng, tâm huyết với công tác trồng dâu nuôi tằm, là một nữ tử đoan trang, giản dị chất phác. Vị thê tử thứ hai là con gái của quốc vương Hữu Nga, tên Giản Địch, vô cùng coi trọng chữa bệnh cứu người, lấy việc thực thi chính sách nhân từ, ân điển và giàu lễ nghĩa làm niềm vui, hơn nữa còn tinh thông thiên văn, đây quả thực là một nữ tử thông minh, phúc hậu.

Thê tử thứ ba mang họ Trần Phong Thị, tên Khánh Đô, vốn không phải người phàm mà là nhi nữ của thần tiên đại đế trên thiên thượng, vị đại đế này được sinh ra tại miền quê thôn dã Đẩu Duy, thường xuyên đến Tam Hà Đông Nam ngao du. Một ngày nọ, bầu trời nổi trận sấm chớp kinh hoàng, một tia sét giáng xuống khiến đại đế bị thương, máu chảy vào bên trong một khối đại thạch. Những giọt máu đó sau này hóa thành một hài nhi (đứa trẻ sơ sinh) chính là Khánh Đô. May mắn thay khi đó vị phu nhân họ Trần Phong Thị lại tình cờ đi ngang qua, nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh bên trong viên đá, liền tìm mọi cách cứu đứa trẻ ra ngoài, nhận thấy đây là một bé gái có xuất thân thần bí, lại mang tướng mạo xinh đẹp liền ẵm về nuôi dưỡng, coi như con gái của mình, cho mang họ Trần Phong Thị. Sau này khi trưởng thành, dung mạo của Khánh Đô rất giống với thần nhân đại đế, vì vậy mọi người đều khẳng định cô là nữ nhi của đại đế.

Một điều đặc biệt thần kỳ chính là cô ấy dù có đi đến bất cứ nơi nào, phía trên đầu luôn luôn có một đám mây vàng che chở, có lẽ vì vậy mà nếu ai đó muốn tìm Khánh Đô, họ không cần tìm người, chỉ cần tìm thấy đám mây vàng kia là gặp được cô ấy rồi. Không thể ngờ rằng chưa đến 7-8 năm sau, dưỡng mẫu của cô – Trần Phong Thị đột ngột qua đời, lúc này Khánh Đô không còn nơi nương tựa nuôi dưỡng nên không tránh khỏi cuộc sống gian nan khổ cực thiếu thốn lương thực y phục. Tuy nhiên hoàn cảnh đó không ảnh hưởng nhiều đến Khánh Đô, mười mấy ngày không có lương thực cô cũng không cảm thấy đói, điều này chẳng phải vô cùng kỳ lạ hay sao? Sau này một người họ Y, tên Trường Nhũ trông thấy cô có tướng mạo khỏe mạnh xinh đẹp lại có phần kỳ bí nên nhận về nuôi dưỡng, kể từ đó Khánh Đô sống trong gia đình Y Trường Nhũ.

Vào thời kỳ Cốc Đế phò tá chính sự, Y Trường Nhũ cùng với Khánh Đô đến Đế Khâu. Mẫu thân Ác Bầu của Cốc Đế hay tin về câu chuyện bất phàm kỳ lạ của Khánh Đô, liền tuyên triệu cô đến diện kiến, quả nhiên phía trên đầu luôn xuất hiện một đám mây vàng, tướng mạo lại vô cùng xinh đẹp, hơn nữa còn cùng họ với mình, vì vậy ngay lập tức đã tổ chức lễ gặp mặt giữa Cốc Đế và Y Trường Nhũ, nạp Khánh Đô làm phi tử.

Người thứ tư là con gái của Trâu Tử Thị, tên Thường Nghi, cũng là một nữ nhân vô cùng thần bí. Cô ấy khi vừa ra đời đã có mái tóc rất dài, rủ xuống đến gót chân, lại còn có thể nói chuyện. Cốc Đế nhận thấy thể trạng của mình và Thường Nghi thuở thiếu thời có nhiều nét tương đồng nên nạp cô làm thê tử.

Từ thời điểm Cốc Đế lên ngôi Hoàng Đế, mẫu thân Ác Bầu thường tâm sự với ông rằng: “Con giờ đây đã gánh trên vai trọng trách của thiên tử, cần phong ngôi vị hoàng hậu cho một người tài năng mới phải đạo. Mẫu thân đánh giá cao bốn phi tần của con, dung mạo đều giàu phúc khí, con có thể tùy ý phong hậu cho một người, ba người còn lại chắc hẳn sẽ không mang tâm thái bất bình đâu.”

Cốc Đế đáp: “Lời căn dặn của mẫu thân quả thật đúng đắn, chỉ có điều theo kết quả quan sát thiên văn của nhi thần, ngôi vị hoàng hậu cũng không nhất thiết cần phong lập, ngự nữ tinh trong thiên văn có bốn ngôi sao, trong đó một ngôi sao sáng rực rỡ nhất, ba ngôi sao còn lại thì lu mờ hơn một chút, cũng tương tự như mối quan hệ ứng dưỡng giữa hoàng hậu và phi tần. Trước đây ông cố Hoàng Khảo hoàng đế có bốn phi tử và không lập hậu, nhất định là dựa theo nguyên cớ này. Nhi tử hiện tại trùng hợp cũng có bốn thê tử, Khương Nguyên lớn tuổi nhất nên có thể coi cô ấy là chánh phi, đối ứng với ngôi sao chiếu sáng rực rỡ nhất, ba người còn lại lần lượt với tư cách là thứ phi, tam phi, tứ phi, tương ứng với ba ngôi sao mờ nhạt hơn một chút, mẫu thân có suy nghĩ như thế nào?” Ác Bầu trả lời: “Thì ra hàm chứa thật nhiều đạo lý, vậy tùy ý con mà hành sự!”

Cốc Đế tuy có bốn phi tử nhưng ba người Khương Nguyên, Giản Địch, Khánh Đô đều không sinh con. Duy chỉ có Thường Nghi hạ sinh một nữ tử, hiện lên 4 tuổi, được Ác Bầu yêu thương như trân bảo, hàng ngày trong cung, bà vui đùa cùng công chúa, quả thực là thú vui của người lớn tuổi.

Một ngày nọ, trong lúc đang ôm công chúa trong lòng, bỗng một cung nữ từ bên ngoài chạy vào, luôn miệng cười nói không ngớt: “Chuyện lạ!.. Chuyện lạ!”. Ác Bầu liền hỏi: “Có chuyện kỳ lạ gì vậy?”.

Cung nữ đáp lời: “Bên ngoài có một bà lão, ngày hôm kia bỗng nhiên mắc bệnh về tai, cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, cọ vào bên trong tai thì càng cọ càng ngứa hơn, đến hôm qua chiếc lỗ tai này dần dần sưng to lên, nhưng vẫn vô cùng ngứa ngáy, cảm giác giống như có một loài côn trùng đang bò qua lại và cào cào trong lỗ tai. Bà lão hôm nay đã mời đại phu đến chữa trị. Đại phu nói rằng: “Trong tai có một con quái vật, không thể lấy ra được.” Vì thế nên đã dùng phương thức giải phẫu để gắp nó ra, côn trùng này trông giống như một cục thịt, to bằng kén tằm, có đầu, có mắt, có đuôi, có chân, song không thể phân biệt được rõ ràng, sau khi lấy ra thì lổm ngổm ngọ nguậy.

Mọi người đến xem đều không thể nhận ra đó là loài vật gì, còn căn bệnh về tai của bà lão thì lập tức khỏi hẳn, không còn ngứa ngáy, cũng hết sưng tấy. Bên cạnh có một giàn bầu, bà lão liền đặt con dị thú trên đó và dùng chiếc khay che phủ lên, cho đến khi đại phu bước ra khỏi cửa, bà lão tiễn khách quay trở về, mở khay ra nhìn, thấy con dị thú đó đã lớn lên rất nhanh, biến thành diện mạo của một chú chó nhỏ, mọi người đang chứng kiến tại đó vô cùng kinh ngạc nháo nhác, đây há chẳng phải một sự việc kỳ lạ thần bí hay sao?”

Ác Bầu nghe xong câu chuyện liền nói: “Quả thật có sự việc như vậy sao? Hãy triệu mời họ đưa con dị thú vào cung để ta cùng chứng kiến”.

Cung nữ nhận lệnh rồi rời đi, một lúc sau trở về cùng với bà lão, trên tay bưng một chiếc khay tiến vào.

Ác Bầu thoạt nhìn, bên trong chiếc khay quả nhiên là một chú chó siêu nhỏ, đang nằm yên với màu lông ngũ sắc đáng yêu. Cung nhân liền thốt lên: “Bây giờ lại lớn hơn khi nãy một chút rồi.” Ác Bầu hỏi bà lão cặn kẽ nội dung sự tình là như thế nào, bà lão liền đem tình tiết câu chuyện kể hết đầu cuối. Cũng vừa đúng lúc Cốc Đế thoái triều, đến nội cung mẫu hậu Ác Bầu thỉnh an, trông thấy chú chó nhỏ, lại nghe rõ nội tình, cảm thấy vô cùng kinh ngạc, chú chó kia ngày càng lớn lên rất nhanh.

Cốc Đế nói: “Loài dị thú này, Trẫm cho rằng không phải ngẫu nhiên mà được sinh ra, nhất định bao chứa nội hàm thần bí, không biết rằng trong tương lai cuối cùng nó sẽ biến hóa thay đổi như thế nào.” Dứt lời liền hỏi ý bà lão: “Chú chó này đối với bà có hữu dụng hay không? Có thể tặng cho Trẫm không, Trẫm sẽ dùng kim tơ lụa để báo đáp.”

Bà lão nghe thấy vậy, luống cuống trả lời: “Chú chó này đối với bà lão tuyệt nhiên vô dụng, Hoàng đế cần nó thì xin phép được để lại đây, lão nhân đâu dám nhận tặng phẩm!” Cốc Đế từ tốn: “Không phải vậy, từ trước đến nay Trẫm không thích những đồ vật kỳ dị, chỉ là vì mục đích nghiên cứu xem tương lai nó sẽ có biến hóa như thế nào, nên muốn giữ nó ở lại, nếu bà không nhận tặng phẩm cảm ơn của Trẫm, thì trẫm cũng đành không cần nó nữa.” Bà lão nói: “Nếu đã như vậy, lão nhân tôi xin bái nhận.” Cốc Đế liền phái người mang ra hai cuộn tơ lụa ban thưởng cho bà lão, bà lão hết lời cảm tạ rồi rời cung.

Lúc này, bốn vị phi tần hay tin xuất hiện một loài dị thú như vậy, lập tức cùng đến xem, đều cảm thấy vô cùng kỳ lạ hiếm có, nên tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc nó. Chú chó không ngừng lớn lên từng giờ từng khắc, chưa đến ba ngày đã cao lớn như loài chó ngao (giống chó cao lớn tới bốn thước), dáng vẻ vô cùng oai vệ với bộ lông ngũ sắc rực rỡ, hơn nữa còn linh hoạt, nhạy bén dị thường, biết được tiếng nói chuyện, hiểu được suy nghĩ của con người, vậy nên mọi người trong cung ai ai cũng quý mến nó.

Đặc biệt, nữ nhi của Cốc Đế càng yêu thương sinh mệnh này hơn, chú chó cũng thân thiết nhất với cô bé, luôn luôn ngồi hoặc nằm phục bên cạnh không rời. Trước đây bà lão từng đặt nó trên giàn bầu rồi dùng khay phủ lên, vì vậy mọi người đã tặng cho nó một cái tên là Bàn Hồ.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch