Nhiều bậc phu huynh vẫn quan niệm rằng dạy dỗ con cái cần phải nghiêm khắc, đánh là thương, mắng là yêu, đều chỉ là muốn tốt cho đứa con. Nhưng kinh nghiệm cho thấy không phải lúc nào đó cũng là biện pháp khôn ngoan. 

Gia đình là chiếc nôi đầu tiên chào đón những thiên thần nhỏ đến với thế gian này. Chiếc nôi ấy đong đầy biết bao nụ cười và nước mắt, ngọt bùi lẫn đắng cay, yêu thương lẫn giận hờn. Gia đình có thể là mảnh đất lành chở che ta, cũng có thể là nơi sóng gió dữ dội tôi luyện ta thành người.

Từng cử chỉ, hành vi của cha mẹ đều ảnh hưởng rất lớn tới tâm hồn trẻ thơ. Ngay cả khi đã trưởng thành, có được thân hình cao lớn, chí khí cao xa thì những giá trị quan mà cha mẹ truyền dạy vẫn như sợi dây vô hình quấn chặt lấy đứa con.

Cha mẹ chọn niềm vui thì con cái hạnh phúc. Cha mẹ chọn nỗi buồn con cái bi thương

Có câu rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Cha mẹ thực sự ảnh hưởng rất sâu sắc tới con cái. Cha mẹ không chỉ là người chở che, dìu dắt con từ những bước đi đầu đời mà còn là người truyền đạt những “giá trị nhân sinh quan”, vốn là nền tảng cho hành trang tương lai của mỗi đứa trẻ.

Khi còn nhỏ, những lời cha mẹ nói, những việc cha mẹ làm, trong mắt con trẻ đều là đúng, đều là chuẩn mực. Chúng gật gù nghe cha mẹ nói, lặng lẽ nhìn ngó cách cha mẹ hành xử. Mọi lời nói, ngôn ngữ, cử chỉ của cha mẹ đều là “thước đo chuẩn mực” với chúng.

Một đứa trẻ mặt mày hớn hở đang chạy về nhà. Em muốn khoe với mẹ điểm 10 mới được hôm nay. Nhưng vừa về đến ngõ đã nghe cha mẹ tiếng bấc tiếng chì với nhau trong nhà. Khi nhìn thấy em, không ai nói thêm lời nào. Nhưng mẹ thì mặt mày ủ dột, cha lại hầm hầm bỏ đi. Trong hoàn cảnh như vậy đứa trẻ làm sao có thể dám vui vẻ đây? Bởi lẽ lúc này niềm vui giống như một nốt nhạc lỗi, trẻ buộc phải kìm nén hạnh phúc của mình. 

Nhưng nếu cha mẹ luôn lựa chọn niềm vui, tươi cười một chút thì bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng đều cảm thấy hạnh phúc! Bé có thể sà vào lòng mẹ khoe rối rít, huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Trẻ em là tờ giấy trắng. Bạn vẽ lên đó thứ gì, chúng sẽ mang theo thứ ấy đôi khi đến tận cuối đời. Vậy nên, hãy chọn những nét cọ tinh khôi, sáng ngời nhất thay vì những đường nét tối tăm, u ám. 

Nếu cha mẹ luôn lựa chọn niềm vui, tươi cười một chút thì bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng đều cảm thấy hạnh phúc! (Ảnh: afamily.vn)

“Cha mẹ vì thương nên mới mắng con, đều vì muốn tốt cho con. Vì sao con lại không hiểu?”

Đó là câu nói kinh điển, hẳn bất cứ ai cũng đều từng nghe qua một lần. Chúng ta cũng không ít lần thấy cảnh cha mẹ mắng mỏ, trách móc trẻ. Còn trẻ thì nhớn nhác sợ hãi hay trở nên lầm lì, bất trị.

Cha mẹ thường lấy lý do là “yêu” con để biện minh cho những phút nóng giận ấy. Nhưng lúc đó trẻ chỉ thấy một vẻ mặt dữ tợn, sự giận giữ bùng lên trong đôi mắt sáng quắc. Liệu đó có thực sự là tình yêu của cha mẹ?

Đứa trẻ đành phải thuyết phục bản thân mình rằng: Hóa ra đây là yêu. Nhưng nếu khi lớn lên, trẻ dùng cách này để “yêu” lại cha mẹ mình, chắc hẳn không ông bố bà mẹ nào có thể mỉm cười hạnh phúc được cả.

Nhiều đứa trẻ từ nhỏ đã quen với việc bị cha mẹ mắng té tát ngay chỗ đông người với lý do muôn thuở: “Vì yêu con”. Cha mẹ vì “yêu” con, vì muốn dạy dỗ con nên người, nên đôi khi còn mạnh tay đánh đòn trẻ những trận nhớ đời. Thậm chí cha mẹ còn dùng từ “yêu” để ép con cái phải tiếp nhận suy nghĩ của mình. Chúng ta nghĩ sao nếu sau này khi lớn lên, những đứa trẻ ấy cũng sẽ dùng cách này để yêu thương cha mẹ mình và dạy dỗ con cái chúng?

Có lẽ chúng ta cần phải thành thực một chút với chính mình. Cha mẹ đánh mắng không phải xuất phát từ tình yêu con cái. Đơn giản chỉ là bởi họ không thể kiềm chế được cảm xúc, cơn giận dữ của mình mà thôi. Kiểu giáo dục này chính là “lợi bất cập hại”.

Trẻ sinh trưởng trong một gia đình có nhiều tiếng quát nạt, đòn roi thường rơi vào trạng thái trầm cảm, tự ti. Thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành chúng cũng không thể thoát khỏi cái bóng của cha mẹ mình.

Người chồng không thể thoát khỏi cái bóng của cha mình

Mặc những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi, Trà My xem đi xem lại những tấm hình mà hai vợ chồng cô đã chụp chung. Cô thực sự cảm thấy hối tiếc vì mình đã không quan tâm chăm sóc cho anh kịp thời, để anh phải ra đi trong buồn khổ.

Anh là một giảng viên tiếng Anh ở một trường đại học danh tiếng. Học sinh, sinh viên đều hứng thú với lối tư duy sắc sảo và sự hóm hỉnh của anh. Nhưng khi rời khỏi bục giảng, anh dường như trở thành một con người khác, trở về với bản tính nhút nhát của mình. Anh thường kể hồi nhỏ hay bị cha mắng và so sánh anh với con nhà hàng xóm.

Cha bảo: “Con nhà người ta ai cũng giỏi giang mà con thì cứ ngu nga ngu ngơ. Chẳng hiểu sau này có làm nên cái trò trống gì không!”. Hầu như anh phải nghe cha nhắc đi nhắc lại những điều đó hàng ngày. Nhiều lần anh muốn tung cánh thoát khỏi cái bóng của cha mình. Nhưng nhiều khi thấy mình bất lực, anh còn tin rằng cha nói đúng. Anh cứ thu mình vào cái vỏ ốc tự ti suốt bao năm qua.

Trà My vốn là một cô gái khá năng động và mạnh mẽ. Cô làm trong một công ty du lịch, thường bận bịu sớm khuya. Sự nhút nhát của anh lại khiến cô bị cuốn hút và hai người đến với nhau, như hai nửa của một miếng ghép. Gần như anh đã tìm được hạnh phúc, đã có sự nghiệp đáng nể trọng và có gia đình bé nhỏ ấm áp của mình.

Ngày tháng cứ trôi qua như vậy, rồi cô chợt phát hiện ra anh bắt đầu hay quên. Việc nói năng, đi lại và phản ứng của anh đều chậm hẳn. Giờ anh đã không thể lái xe đưa cô đi đây đi đó như ngày xưa. Anh chỉ ngồi lặng lẽ bên cạnh vô lăng, chỉ đường cho cô. Có những khi gần đến ngã tư cô hỏi anh rẽ lối nào mà phải tới 5 phút sau anh mới định hình lại được. Bệnh tình của anh ngày một nặng lên. Trà My thì vẫn bận rộn với công việc của một hướng dẫn viên du lịch và những chuyến công tác ngắn ngày.

Anh ở nhà một mình với cái bóng lặng lẽ và cô đơn. Những lúc như vậy anh lại trách mình: “Ngươi đúng là đồ vô dụng. Cha nói đâu có sai! Ngươi chẳng thể làm được trò trống gì nên hồn cả, lại còn làm khổ cả người vợ trẻ. Cô ấy vì ngươi mà phải ngày đêm vất vả mưu sinh”. Được 3 năm thì anh mất sau một cơn tai biến.

Trà My đã khóc ròng suốt cả tháng trời. Cô thấy mình có lỗi vì đã bỏ bê anh một mình những lúc đau ốm, đã không giúp anh thoát khỏi cái bóng của cha mình. Sao anh chỉ biết nhẫn chịu một mình, tự giày vò bản thân mà không chịu thổ lộ cho cô biết điều ấy sớm hơn?

Giờ đây Trà My chỉ muốn có cơ hội nói với anh rằng: “Anh là người đàn ông tuyệt vời nhất mà em từng gặp. Anh không tệ như lời cha nói đâu. Có biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đều được anh chắp cánh ước mơ. Anh cũng đã giúp được rất nhiều người, họ đều yêu mến anh”. Cô giữ chặt chiếc áo vest nâu sẫm anh thường mặc, giọt nước mắt thấm ướt cả một khoảng rộng.

Những lời mắng mỏ của cha không ngờ đã đeo đẳng tâm hồn của anh từ thuở thơ bé tới tận giây phút anh nhắm mắt xuôi tay.

Những lời mắng mỏ của cha không ngờ đã đeo đẳng tâm hồn của anh từ thuở thơ bé. (Ảnh minh họa: cdc.gov)

Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ dùng cách cha mẹ “yêu” mình để “yêu” những người khác

Những đứa trẻ hồi nhỏ phải chịu đánh mắng khi lớn lên phần đa đều áp dụng lại cách thức này với bè bạn, người thân của mình. Nhưng có điều chúng lại không hiểu vì sao không ai muốn chấp nhận “ý tốt” của mình như cha mẹ đã dạy: “Cha mẹ yêu con nên mới mắng mỏ con. Người ngoài thì họ mặc kệ”.

Cô bạn thân sau khi nghe những lời trách móc thì quay ngoắt đi, bắt đầu tránh mặt và tình cảm cũng dần nhạt nhòa. Tới khi có người yêu mà lỡ nặng lời thì mối quan hệ của hai người sẽ bị đóng băng ít thì vài tiếng, không thì dăm ba bữa, có khi cả tuần. Còn với đồng nghiệp mà lỡ nói nặng nói nhẹ thì sau này đừng mong nhờ vả được họ việc gì.

Điều đáng sợ nhất là những đứa trẻ ngày ấy sau khi trưởng thành, lập gia đình, có con, lại tiếp tục “yêu” con theo cách mà cha mẹ truyền dạy. Như vậy chẳng phải những quan niệm này đã ảnh hưởng ít nhất tới mối quan hệ của 3 thế hệ trong gia đình hay sao?

Sau khi đụng độ tới sứt đầu mẻ trán trong những mối quan hệ thân thiết của mình thì họ mới hiểu được rằng hóa ra chỉ trích không phải là yêu, mà là sát thủ của các mối quan hệ dẫu là hôn nhân hay giữa những người thân và bè bạn.

Kỳ thực, mỗi bậc cha mẹ nên thực sự tiết chế cảm xúc, dạy con một cách lý trí, tỉnh táo và dành cho trẻ sự tôn trọng nhiều hơn. Mắng mỏ, chỉ trích chỉ khơi dậy những tính cách xấu trong tâm hồn trẻ. Chỉ bằng thái độ ôn hòa và những hiểu biết chân chính mới có thể dẫn dắt con trẻ trưởng thành.

Có khi nào chúng ta nghĩ tới quy luật nhân quả? Phải chăng đời này là cha mẹ thì chúng ta nghiễm nhiên có quyền nói những gì mình muốn, làm những gì mình cần mà quên mất cảm nhận của trẻ? Như vậy chính là người ta đang tự rước lấy khẩu nghiệp chồng chất.

Trăm năm trôi qua, cha mẹ kiếp này chuyển sinh đời sau có khi lại phải trả nợ, làm nhân viên dưới quyền con cái họ, bị chúng mắng nhiếc như cách họ đã từng làm.

Vậy nên học cách tu dưỡng tâm tính mới có thể tránh được những điều bất hạnh và gieo mầm thiện lương mà được hưởng phúc dài lâu. 

Minh Nguyệt