Bằng một chữ mà biết họa phúc? Hai sự kiện lớn trong cuộc đời của Kỉ Hiểu Lam đã được dự ngôn trước bởi hai chữ. Thuật trắc tự cổ đại Trung Quốc rốt cuộc thần kỳ như thế nào? 

Truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đã ra lệnh cho Thương Hiệt tạo chữ, vì vậy Thương Hiệt căn cứ hình trạng nhật nguyệt, dấu chân chim thú để sáng tạo ra văn tự. Ai ngờ văn tự được tạo ra này có thể hiển thị ra lực lượng độc đáo thần kỳ. Nó thần kỳ như thế nào? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Một ngày nọ, một viên quan quân đội đột nhiên nhận được vương lệnh ban tử dược cho vương phi bị phế truất, cũng chính là mẹ thân sinh của chủ một quốc gia tương lai. Viên quan quân đương nhiên rất không cam tâm tình nguyện, nhưng vương mệnh nan vi, không thể trái lệnh vua. Khi trở về nhà vào ban đêm, viên quan quân vô tình rơi xuống vách núi, tình cờ gặp một vị đạo sĩ tiên phong đạo cốt. Vị đạo sĩ nói, cuộc đời ông có liên quan đến 3 người phụ nữ, và viết ba chữ Hán “cấm”「妗」”thuận”「順」”hảo”「好」đưa cho viên quan. 

Đạo sĩ nói, vị nữ nhân thứ nhất bị ông giết hại nhưng không chết; vị nữ nhân thứ hai được ông cứu sống, nhưng cuối cùng sẽ vì ông mà chết; vị nữ nhân thứ ba sẽ giết ông, nhưng tương lai sẽ cứu sống rất nhiều mạng người.

Sau đó, lời dự ngôn dần dần ứng nghiệm, và mê tự dần được giải khai. Thì ra chữ cấm “妗” là ghép 2 chữ “女‧今 – nữ kim – là nữ nhân hôm nay” đại biểu cho vị vương phi bị viên quan ban tử dược hôm đó; Chữ thuận「順」là ghép 2 chữ [川‧頁 – xuyên hiệt – là người phụ nữ ló đầu bên sông, đại biểu cho cung nữ bị đầu độc và bị bỏ rơi bên suối, cũng chính là người vợ tương lai của viên quan; Chữ hảo「好」là ghép hai chữ「女‧子」- nữ tử – là đại biểu cho con gái của viên quan. 

Tin rằng quý vị nhiều người đã xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Nàng Dae Jang-Geum” sẽ không bỡ ngỡ với câu chuyện này. Tôi nhớ khi tôi đang xem bộ phim này, tôi đã vô cùng kinh ngạc, vận mệnh chân thực là có định số! Không ngờ, những văn tự tưởng chừng như bình thường lại có sức biểu đạt cường đại đến vậy.

Tất nhiên, câu chuyện trong “Nàng Dae Jang-Geum” chỉ là biên kịch theo yêu cầu kịch tình, nhưng kỳ thực, nội hàm chân chính của chữ Hán cường đại hơn nhiều so với những gì được triển hiện trong phim truyền hình. Tại sao nói như vậy? Chúng ta hãy tiếp tục xem.

Xem video tại đây

Tạ Thạch bói chữ

“Sách tự” chính là trắc tự, hay bói chữ mà chúng ta hiện tại hiểu, là một loại phương thức dự trắc cát hung được lưu truyền từ cổ đại đến ngày nay. Cụ thể làm như thế nào, chính là thỉnh người ta ngẫu nhiên viết ra một ký tự, sau đó người trắc tự sẽ thông qua tăng giảm xẻ rọc các bộ thủ, hoặc là tách biến hình ký tự thành một ký tự khác, từ đó mà bốc quẻ cát hung.

Khoảng thời gian giữa hai triều đại nhà Tống, có một đại sư trắc tự nổi tiếng tên là Tạ Thạch ở Thành Đô. Sau đó ông đến thành Bắc, lấy nghề trắc tự để mưu sinh, kết quả có thể đoán mệnh trúng 100%. Cổ tịch “Xuân Chử Kỉ Văn” ghi rằng khi thanh danh của Tạ Thạch ngày càng lớn, ngay cả Tống Huy Tông cũng nghe tin đồn về ông và muốn gặp ông. Vì vậy, Tống Huy Tông đã viết một chữ “triều 朝” và yêu cầu quan nội giám cầm nó đến cho Tạ Thạch trắc tự.

Tạ Thạch cầm chữ nhìn kỹ một chút, sau đó nhìn kỹ người đưa, nói: “Không phải ngươi viết chữ này. Ta bị đưa đến một nơi rất xa, từ đó mà lưu lạc đến hôm nay đều là vì người đã viết ra chữ này, ta không dám nói loạn.” Nội giám vô cùng kinh ngạc, nói với ông: “Ngươi cứ căn cứ chữ này, có gì nói đó, không cần kiêng dè.” Theo đó, Tạ Thạch liền trả lời: “Chữ Triều 朝, sách khai ra là chữ ngày 10 tháng 10 [十月十日], không phải ngày này tháng này là ngày sinh của thiên nhân, còn có thể là ai viết!”  Tống Huy Tông Triệu Cát là sinh vào ngày 5 tháng 5 Hoàng lịch năm thứ 5 Nguyên Phong, sau này vì xuất sinh vào tháng 5 không cát tường, nên sửa thành ngày 10 tháng 10 Vũ lịch. Những người xung quanh xem náo nhiệt, khi nghe Tạ Thạch nói đến đó đều kinh ngạc, quan nội giám nhanh chóng chạy về báo cáo hoàng đế.  

Ngày hôm sau Tạ Thạch liền được mời vào cung, và Tống Huy Tông đã ra lệnh cho các cung nữ và thê thiếp viết chữ cho Tạ Thạch xem, ông đều nhất nhất căn cứ từng chữ mà luận ra, thập phần tinh tế thấu triệt. Vì vậy, triều đình đã ban thưởng cho ông một chức quan thừa tín lang. Lần này, thanh danh của Tạ Thạch thậm chí còn lớn hơn, từ triều đình đến dân chúng, dòng người bất tận kéo nhau đến tìm ông trắc tự.

Một ngày, một quan chức đã đến tìm Tạ Thạch. Vợ ông ta mang thai đã lâu và không có dấu hiệu sinh nở, vì vậy ông ta muốn hỏi Tạ Thạch để xem là chuyện gì. Trắc tự trắc tự, cho một chữ. Viên quan lấy ra một mảnh giấy có viết chữ “dã 也” trên đó. Tạ Thạch liếc nhìn một cái liền nói: “Đây là do phu nhân ngài viết phải không?” Viên quan ngạc nhiên, “Ủa? Tại sao ngài lại nói vậy?” Tạ Thạch nói: “Chi hồ giả dã, chữ dã là một trợ từ ngữ khí, do đó biết là bà nội trợ hiền của ngài viết, hơn nữa, lệnh phu nhân năm nay là 31 tuổi. Chữ ‘Dã 也’ phía trên là chữ tạp 卅 (30), phía dưới là chữ nhất 一, 31 tuổi.” Điều này quả là quá lợi hại, một chữ ngay cả đến tuổi tác bao nhiêu đều có thể suy trắc ra được. Tuy nhiên, điều thần kỳ hơn vẫn còn tiếp tục. 

Tạ Thạch tiếp tục hỏi viên quan: “Hiện tại, ngài có phải là muốn điều động thăng chức, đã tốn không ít công sức, nhưng chưa có tác dụng gì có đúng không?” Viên quan vô cùng kinh ngạc, Tạ Thạch liền giải đọc, nói: “Chữ dã 也 có ngựa (mã 馬 ) mới phi nước đại (bôn trì 奔馳), có nước (thủy ) mới thành ao (trì 池 ). Những bộ thủ bên cạnh này đều không có, làm sao có thể động đây? Ngoài ra, chữ dã 也 thêm đơn nhân 人 ở bên cạnh thành chữ tha 他 (anh), có thổ 土 mới thành điền địa 地, hai bộ thủ này đều không có, do đó phu nhân của ngài không có tích lũy tài sản, phụ mẫu anh em cũng đều đã ly thế.” Viên quan gật đầu khen, đúng đúng đúng, hoàn toàn đúng. Thế nhưng xin thưa, tiên sinh có lạc đề không? Tôi hỏi là phu nhân của tôi khi nào mới có thể đẻ.

Kỳ thực Tạ Thạch lạc đề là có mục đích, nếu như trước tiên đối phương không phục, thì lời phán sau của ông sẽ không dễ tin. Tạ Thạch nói với viên quan, phu nhân của ông ấy trong bụng không phải là hài nhi mà là yêu tinh rắn. Bởi vì chữ dã 也 thêm chữ trùng 蟲 là thành chữ xà  蛇 là rắn. Thế nhưng, không có chữ trùng thì không thành chữ rắn, do đó không quá nguy hiểm. Mặc dù viên quan trong nội tâm vẫn còn đầy nghi hoặc, nhưng ông vẫn thỉnh Tạ Thạch đến nhà ông phát thuốc. Vợ của viên quan uống xong, quả thực đã đẻ ra rất nhiều con rắn nhỏ, bụng mới phẳng lại. Bấy giờ, người trong thành Bắc đều coi Tạ Thạch như thần tiên sống vậy.

Trong cuốn sách cổ “Di Kiên Chí Bổ Quyển” cũng ghi lại hai sự kiện kỳ sự sách tự được chính đại ca Hồng Khoát của tác giả Hồng Mại thân chinh chứng kiến.

Một viên quan tên là Phàn Tương Sĩ, vợ của ông ta có một chiếc mũ bằng ngọc trai quý giá. Một ngày nọ, chiếc mũ ngọc trai bỗng nhiên không tìm thấy. Vì vậy, vợ của viên quan đã viết một chữ thất 失 (mất) và nhờ Tạ Thạch tìm giúp. Tạ Thạch hỏi đối phương: “Nhà ông có ai họ Chu, tên Nhị Thập Bát không?” “Tôi thấy là ông ấy vì nhầm lẫn mà cầm đi, hiện tại thứ đó chưa mất, vẫn có thể tìm được. Tìm được ông cần đưa tôi 10 ngàn tiền.” Viên quan về nhà nói với phu nhân, ai ngờ phu nhân nổi cơn đại nộ, nguyên lai gia đình bà họ Chu, em trai của bà gọi là Nhị Thập Bát. Bà tức giận nói “Em tôi có thể nào là kẻ trộm sao?”, rồi quát tì nữ tra hỏi. Tì nữ trả lời, nói hôm kia cậu Nhị Thập Bát ra ngoài nên muốn mượn mũ, sau đó không dùng được liền trả lại, cái hộp thậm chí còn chưa từng mở. Kết quả mở cái hộp ra xem, quả nhiên chiếc mũ ngọc trai đang nằm ở đáy. Có lẽ là nó đã bị tiện tay đặt nhầm chỗ ngày nào đó, sau thời gian dài liền quên mất.

Và một chuyện khác thậm chí còn kỳ lạ hơn. Một viên quan sinh bệnh, viết một chữ “thân 申” để nhờ Tạ Thạch xem tốt xấu. Chữ thân 申 này là chữ trung 中 thêm một đường ngang, mà lượng mực viết một đường ngang rất nhỏ, thuật ngữ chuyên nghiệp gọi là táo bút 燥筆 (bút khô). Tạ Thạch khi nhìn thấy chữ này liền thè lưỡi, chỉ nói: “Cũng tốt.” Sau khi viên quan rời đi, Tạ Thạch nói với những người ngồi xung quanh: “Đan điền khí táo, kỳ nhân tất tử.”, ý tứ là bụng dưới người này rất khô, người này chắc chết. Có người hỏi: “Ứng nghiệm thời gian nào?” Tạ Thạch trả lời: “Không quá giờ Thân ngày mai.” Sau đó quả nhiên Tạ Thạch nói trúng.

Xem đến đây, một số bạn có thể hỏi, ồ, Tạ Thạch lợi hại như vậy, ông ấy có thể trắc tự cho chính mình không, xem xem tiền đồ cát hung ra sao? Thực sự có, nhưng không phải là Tạ Thạch trắc tự, mà là một kỳ nhân khác.

“Di Kiên Chí Bổ Quyển” cũng viết rằng, một ngày nọ Tạ Thạch đang du ngoạn tại Đan Dương, đột nhiên nhìn thấy một nữ đạo sĩ đang đi dạo trong chợ, tay cầm một chiếc quạt rất lớn, trên viết dòng chữ “Sách tự như Thần” (bói chữ như Thần). Tạ Thạch nhìn và cười, khẩu khí quả là lớn, sách tự còn có ai lợi hại hơn mình đây? Vì vậy, ông đã gọi cho nữ đạo sĩ, viết chữ “thạch 石” để bà bói chữ. Vị nữ đạo sĩ nhìn nó và trả lời: “Vi danh bất thành, đắc triệu khước thối, phùng bì tắc phá, ngộ tốt tắc toái.”, ý tứ chính là chữ thạch 石 giống chữ danh 名 nhưng không là danh, giống chữ triệu 召 nhưng không là triệu, ý tứ là ông những tưởng được triều đình triệu kiến, thu được công danh lớn nhưng vô dụng. Chữ thạch 石 thêm chữ bì 皮 thì chính là chữ phá 破, cộng thêm tốt 卒 thì chính là toái 碎 (vỡ vụn), xem ra nếu ông gặp phải bì 皮 và tốt 皮 thì kết quả không tốt lắm. Tạ Thạch trong tâm không vui, nhưng rất phục. Ngày hôm sau ông lại đi tìm vị nữ đạo sĩ, nhưng bà đã biến mất, hỏi mọi người xung quanh nhưng không hề ai biết về người đó, Tạ Thạch trong tâm kinh ngạc, cảm thấy vị nữ đạo sĩ này khả năng không phải người phàm.

Sau đó, khi Tạ Thạch làm quan chức Lợi Lộ Úy, tướng quân Vương Tiến đã mời Tạ Thạch đi uống rượu, và viết chữ “tiến 進” để nhờ Tạ Thạch bói xem tiền trình của mình. Tạ Thạch nói: “Gia dục tẩu, nhược đồ sự tất bại”. Ở đây chữ gia 家 âm gần với chữ giai 佳, lại thêm tẩu chi để 走之底 (là bộ sước 辶), do đó nói gia dục tẩu 家欲走. Ý tứ của Tạ Thạch là Vương Tiến thất thủ gia nhân, mưu đồ hành sự tất bại. Sau này, Vương Tiến kết bè đảng làm chuyện tác loạn, bà bảo mẫu bạc bẽo đã tố cáo với quan phủ, Vương Tiến đã bị bắt hạ ngục. Lúc đó Vương Tiến mới hồi tưởng những lời Tạ Thạch đã nói lúc đầu, rất hối hận và nói: “Tôi hối hận vì đã không dùng lời của Tạ Thạch.” Sau khi quận thủ biết chuyện, nghi ngờ Tạ Thạch là đồng phạm của Vương Tiến nên truy tố ông, kết quả là Tạ Thạch cũng bị bắt và bị vấn tội, tước trừ nguyên tịch, bị xăm chữ lên mặt và đày đến Bồng Châu. Thời cổ đại bị xăm chữ lên mặt là trọng phạm, đi đâu người ta nhìn liền biết. Tạ Thạch lần này quả là nằm trúng cây thương. Tạ Thạch sau đó hỏi quê quán của Vương Tiến ở đâu, mới biết Vương Tiến là người Nam Bì 皮, Thương Châu, mà trước khi Vương Tiến trở thành tướng quân thì từng là binh tốt 卒. Những điều này, nữ đạo sĩ nói hết thảy đều ứng nghiệm.

Trên đường áp tống đi ngang qua “Thiên Khánh Quan” ở Bành Châu, họ gặp một người tiều phu gánh củi trên lưng đang nghỉ ngơi bên trái cổng. Tạ Thạch không chỉ biết trắc tự mà còn hiểu một số tướng thuật. Ông nhìn kỹ người tiều phu nói: “Thần thanh, cốt thanh, khí thanh, lẽ nào lại là một vị thần tiên đây?” Ai ngờ người tiều phu nghe thấy không những không cao hứng, mà còn hất râu lên và mắng: “Nhữ chính duyên khẩu đa hoại liễu, kim nhật thượng cảm vọng thuyết?”, chính là nói, vì Tạ Thạch đã nói quá nhiều, tạo khẩu nghiệp mới thành xui xẻo, hôm nay sao vẫn còn dám nói loạn? Nói xong liền bước tới bạt tai một cái, rồi bỏ đi. Những người bên cạnh đều sững sờ, khi định thần lại, mọi người vội vàng lau mặt cho Tạ Thạch, lau tới mức Tạ Thạch cảm thấy kỳ quái, hỏi mọi người vì sao làm thế? Nguyên lai là chữ thích trên mặt ông đã biến mất. Cái tát này quả đáng giá, xem ra người tiều phu quả thật có thể là thần tiên.

Và Kỉ Hiểu Lam, một đại học sĩ thời Càn Long của nhà Thanh, và là người biên tập “Tứ Khố Toàn Thư”, cũng đã ghi lại hai thời khắc quan trọng trong cuộc đời mình, khi ông gặp được đại sư trắc tự xin lời khuyên.

Vận mệnh của Kỉ Hiểu Lam

Vào năm Càn Long thứ mười chín, Kỉ Hiểu Lam tham gia khảo thí khoa cử, vượt qua hội thi của Bộ Lễ, trong khi chờ đợi để tham gia kỳ thi cung điện, đã đến làm khách tại nhà của thư họa gia Đổng Bang Đạt. Tại đó ông ngẫu nhiên gặp một vị cao thủ trắc tự đến từ Chiết Giang. Vì muốn biết trước bản thân mình sẽ đỗ thứ hạng nào, Kỉ Hiểu Lam liền viết một chữ mặc 墨 (mực) thỉnh vị cao nhân xem giúp.

Thành tích kỳ thi cung đình trong triều Thanh được chia thành ba đẳng cấp: giáp nhất, giáp nhị và giáp tam. Giáp nhất kỳ thực là ba người, thường được mọi người gọi là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Giáp nhị có bảy người, sau đó thì được tính là giáp tam.

Sau khi vị cao nhân nhìn thấy chữ, nói với ông rằng: “nhất giáp vô vọng”, Kỉ Hiểu Lam đột nhiên trở nên căng thẳng. Lúc này, đối phương lại nói: “Chữ mặc 墨 giống như chữ Lý 里, đảo ngược chữ lý 里 thành giáp nhị 二甲.” Đối phương lại tiếp tục nói ra quan chức của Kỉ Hiểu Lam, ông nói chữ mặc 墨 có 4 điểm, xem ra giống chân của chữ thứ 庶, ở dưới chữ thổ 土 có thể được coi là chữ sĩ 士, đây là đầu của chữ cát 吉, Kỉ Hiểu Lam tất có thể làm thượng thứ cát sĩ. Sau khi phóng bảng, kết quả toàn bộ đều nói trúng.

Vào năm Càn Long thứ ba mươi ba, thân gia của Kỉ Hiểu Lam vì xâm phạm vào công khoản mà đắc tội, Kỉ Hiểu Lam vì để lộ phong thanh mà bị cách chức. Trong khi chờ đợi quyết định xử lý, Kỉ Hiểu Lam nội tâm lo lắng. Lúc này viên quan canh giữ ông là một người rất giỏi trắc tự, do đó Kỉ Hiểu Lam viết một chữ đổng 董, nhờ ông ấy xem giúp tương lai mình thế nào.

Viên quan nói, nhìn chữ Đổng 董 như bao hàm muôn ngàn điều, e rằng tiên sinh sẽ bị đày ra biên ải. Hả? Cần phải đi đâu? Kỉ Hiểu Lam lại viết chữ danh 名. Viên quan nhìn nó rồi nói: “Phần dưới của danh là chữ khẩu 口, phần trên là chữ tịch 夕, là bộ bên của chữ ngoại 外, là khẩu ngoại hĩ 口外矣. Nhật tại Tây vi Tịch, tiên sinh có khả năng phải đi Tây Vực.” “Liệu có thể trở về không?” Kỉ Hiểu Lam hỏi. Viên quan nói chữ danh giống chữ quân 君 và cũng giống chữ triệu 召, vì vậy tiên sinh nhất định sẽ được hoàng đế triệu hồi về. “Cần thời gian bao lâu?” Viên quan nói, chữ khẩu 口 bên dưới chữ danh 名 là khung ngoài của chữ tứ 四, trung gian khuyết hai nét, có lẽ là 4 năm sẽ được trở về. 

Quả nhiên, sau khi án tình được điều tra rõ ràng, Kỉ Hiểu Lam được cử đến Urumqi, Tân Cương. Sau khi ở đó hơn ba năm, hoàng đế Càn Long đã triệu hồi ông trở lại và bổ nhiệm ông biên soạn cuốn “Tứ Khố Toàn Thư”.

Thiên cơ ẩn tàng trong chữ Hán

Truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đã ra lệnh cho Thương Hiệt tạo chữ, vì vậy Thương Hiệt căn cứ hình trạng nhật nguyệt, dấu chân chim thú để sáng tạo ra văn tự. Ai ngờ văn tự được tạo ra này có thể hiển thị ra lực lượng độc đáo thần kỳ. Theo cuốn “Hoài Nam Tử – Bổn Kinh Huấn” ghi chép: “Tích giả Thương Hiệt tác thư, nhi thiên vũ túc, quỷ dạ khốc.” Thư họa gia Trương Ngạn Viễn triều Đường trong “Lịch Đại Danh Họa Kí” cũng nói, sau khi văn tự xuất hiện, “tạo hóa bất năng tàng kỳ mật, cố thiên vũ túc; Linh quái bất năng độn kỳ hình, cố quỷ dạ khốc”, điều đó có nghĩa là, văn tự mà Thương Hiệu tạo ra khiến tạo hóa không thể che giấu những bí mật của nó, giúp trí huệ con người nảy mầm, khiến ma quái không thể ẩn hình, khiến quỷ đêm khóc. Văn tự Trung Hoa quả là có nội hàm thần kỳ kinh thiên động địa. Câu chuyện mà chúng tôi giới thiệu hôm nay cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ rất nhỏ trong rất nhiều câu chuyện được lưu truyền lại, giúp mọi người có cơ hội biết đến những huyền diệu của văn tự chữ Hán.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch