Thiện niệm giống như ánh mặt trời ấm áp, chiếu sáng bản thân và cả những người xung quanh. Ác niệm cũng giống như mây đen, che phủ tâm trí chính mình và mang tới năng lượng tiêu cực cho người khác.

Thời Trung Quốc cổ đại, để thuần tịnh cái tâm của bản thân, cổ nhân đã không ngừng tu sửa, vứt bỏ những ý niệm xấu xa, lưu lại những bài học quý giá. 

Câu chuyện thứ nhất: Đậu trắng nhớ Thiện niệm, đậu đen ghi Ác niệm

Vào thời nhà Tống, một người đàn ông tên Triệu Khang Tĩnh đã chuẩn bị chiếc lọ để đựng rất nhiều đậu trắng và đậu đen.

Mỗi khi bản thân phát sinh niệm đầu tốt, ông sẽ thả một hạt đậu trắng vào chai; khi mình nghĩ tới việc xấu, ông lại thả hạt đậu đen vào.

Lúc đầu, Khang Tĩnh phát hiện trong chai có rất nhiều đậu đen. Nhưng ông nỗ lực hàng ngày, kết quả là số đạu đen giảm dần. Cuối cùng, tâm hồn ông trở nên thanh tịnh, ngay cả ý nghĩ thiện và ác cũng không xuất hiện, cả chai đậu cũng không cần nữa. 

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cổ nhân nói: “Hành thiện như làm vườn mùa xuân, trường kỳ không thể thấy kết quả nhưng khu vườn đang tốt lên từng ngày. Làm ác như lấy đá mài dao, lâu không thấy khác biệt, kỳ thực hàng ngày đều đang tổn thất”.  

Cùng với những suy nghĩ thiện – ác, phúc và họa đời người đều đang âm thầm biến đổi theo. 

Câu chuyện thứ hai: Trong tâm xuất một niệm, định phúc họa tương lai

Cũng ở triều nhà Tống, có một vị quan tên Vệ Trọng Đạt làm việc ở Viện hàn lâm. Một đêm nọ, ông mơ thấy mình bị quỷ lôi xuống địa phủ kiểm tra sổ thiện ác. Minh quan dưới địa phủ kinh ngạc phát hiện, trong sổ sách toàn ghi lại những việc xấu xa, dày đặc các trang, việc làm tốt chỉ có một chút nhỏ.  

Viên quan liếc nhìn một cái, mặt liền biến sắc. Sau đó lấy sổ ghi chép việc Thiện và sổ ghi chép việc Ác đặt lên bàn cân. Thật bất ngờ, việc Thiện dù nhỏ, lại có sức nặng áp chế hết thảy những việc xấu kia. 

Minh quan địa phủ nói: “Được rồi, ông có thể đi ra ngoài”. 

Vệ Trọng Đạt hỏi: “Ta còn chưa tới 40 tuổi, làm sao biết có nhiều việc ác như vậy?”. 

Minh quan đáp: “Chỉ cần ông có niệm bất chính, quỷ Thần lập tức biết, cũng lập tức ghi lại”. 

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trong Đạt lại hỏi: “Vậy một chút việc Thiện nhỏ trong cuốn sổ đó là gì?”. 

Vị quan địa phủ liền trả lời: “Triều đình từng muốn xây dựng một cây cầu cắt qua ba dãy núi đá. Ông tấu lên khuyên can Hoàng đế đừng làm, tránh hao tiền tốn vật. Trong cuốn sổ đó ghi lại việc tốt này của ông”. 

Vệ Trọng Đạt thắc mắc: “Nhưng triều đình không tiếp nhận tấu chương của ta, vẫn khởi công xây dựng. Tại sao ta vẫn có công đức to lớn như vậy?”. 

Vị quan nói: “Đó là bởi vì niệm ấy là do ông thật tâm xuất ra. Nếu triều đình có thể nghe theo ông, thì công đức đó là vô lượng. Nếu ông dùng chân tâm này để cứu giúp dân chúng, việc kia sẽ thành sự thực không một chút khó khăn. Chẳng qua là ông ác tâm quá nhiều, khiến thiện niệm lực giảm đi một nửa, do đó ông không có đủ công đức, đảm nhiệm chức Tể tướng là chuyện xa vời mà thôi”. 

Sau đó Trọng Vệ Đạt quả thực chỉ làm đến Lại bộ thượng thư.

Câu chuyện thứ ba: Nếm trải hết thảy bất hạnh, hậu vận cuối cùng thay đổi 

Vào năm Gia Tĩnh thời nhà Minh, tại Giang Tây có một người tên là Du Đô. Thời còn đi học, ông cùng một nhóm bạn lập nên hội “Văn Xương xã”, nguyện thề cùng nhau trân quý văn tự, giấy vở, sách Thánh hiền, giới cấm sát sinh, vứt bỏ tà dâm, không nói lời ác phạm khẩu nghiệp, hành thiện tích đức.

Thế nhưng, cả bảy lần đi thi Hương, Du Đô đều không đậu. Vợ Du Đô sinh hạ được 5 trai, 4 gái. Chẳng may, các con ông đều chết yểu cả, chỉ còn lại một trai, một gái. Nhưng khi lên 6 tuổi, trong một lần đi chơi, cậu con trai thất lạc không tung tích. Vợ ông vì quá đau buồn mà thường xuyên khóc thương tới mức cuối cùng bị mù cả đôi mắt.

Du Đô thất vọng, suy sụp, cuộc sống ngày càng quẫn bách. Ông luôn tự hỏi không biết mình đã làm điều gì sai để phải chịu tội khổ, quả báo oan nghiệt như thế.

Vào đêm giao thừa khi Du Đô 47 tuổi, một ông lão họ Trương đến thăm gia đình ông. Khi trò chuyện, Du Đô kể lại cảnh ngộ của mình, trong lúc cao hứng còn đọc cho vị khách bài sớ mình viết cho Táo quân vào mỗi dịp Tết.

Ông lão họ Trương trầm ngâm hồi lâu, nói: “Tôi vốn biết chuyện nhà ông từ lâu. Trong đầu ông chứa đầy ý nghĩ tà niệm, truy cầu hư danh. Sớ văn ông gửi cho Táo quân cũng chứa đầy oán hận, lại có ý không tôn kính Ngọc Đế. Chỉ sợ sau này ông còn phải gánh lấy sự trừng phạt nặng nề hơn”. 

Ảnh minh họa: Pixabay.

Nghe những lời đó, Du Đô vô cùng kinh ngạc, vội hỏi: “Tôi nghe người xưa nói tất cả việc thiện, việc ác đều có ghi chép, chi tiết tới chân tơ kẽ tóc. Tôi và những người bạn trong hội Văn Xương xã khi xưa có phát nguyện hành thiện, và đều cẩn trọng thực hiện theo, làm sao lại có thể coi là hư danh được?”. 

Ông lão nói: “Vậy ông hãy nghe cho kỹ nhé! Các ông nói là trân quý sách Thánh hiền nhưng lại dùng giấy có văn tự để bọc đồ ăn, để lau bàn ghế, rồi tùy tiện đốt bỏ. Các ông thề nguyện phóng sinh mà trong bếp vẫn không ngừng sát sinh cua, tôm, cá. Còn khẩu nghiệp thì lại càng nặng nề. Lời nói của ông mang đầy giọng trào phúng, châm biếm người khác. Mặc dù không ngoại tình, nhưng khi nhìn thấy phụ nữ xinh đẹp, ông vẫn động tà niệm. Vọng niệm nổi lên liên tục, ác niệm không dứt mà còn không tự biết”. 

Ông lão đã phân tích các loại niệm Thiện Ác của Đô Du, nói rằng ông phải từ bỏ các loại tâm như tham lam, dục vọng, đố kỵ và ảo tưởng. Đối với việc thiện, dù lớn dù nhỏ, không phân khó dễ, có điều kiện thì nên làm, kiên trì bền bỉ nhất định có hiệu nghiệm. 

Ngày hôm sau là sáng mùng một Tết, trước bài vị tổ tiên và bàn thờ trời đất, gia đình ông phát nguyện tích đức hành thiện, tu tâm thanh khiết theo chỉ dạy, quyết loại bỏ các loại dục vọng. Mỗi lời nói cử chỉ, ông đều tự kiểm soát bản thân và luôn nhắc nhở mình “Trên đầu ba thước có Thần linh“, không lừa gạt hay làm điều xấu. Không những vậy, gia đình ông còn thường xuyên khuyên người khác tích đức hành thiện, khuyến thiện mọi người.

Chỉ 3 năm sau, ông vào kinh thành dự thi đăng khoa và đậu Tiến sĩ. Năm sau, ông tình cờ tìm lại được người con trai đã mất, người vợ cũng nhờ vậy mà lấy lại được thị lực.  

Theo Tống Bảo Lam/ Secret China 
Ngọc Mai biên dịch 

Video xem thêm: Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa là biểu hiện của người có hàm dưỡng

videoinfo__video3.dkn.tv||b0df01bc6__