Tình chẳng từ tâm nên cũng chẳng tới được tâm…

Lương Thế Vinh được dân gian thán phục gọi là Trạng Lường bởi tài đo lường, tính toán của mình. Ông cũng chính là tác giả cuốn Đại thành toán pháp hướng dẫn cách đo đạc, tính toán bằng những vần thơ Nôm dễ hiểu.

Theo Truyện hay trong lịch sử Việt Nam của tác giả Lê Thái Dũng, Lương Thế Vinh đã đem công thức tính diện tích hình thang vào trong những vần thơ như thế này:

Tam giác cụt đầu

Diện tích tính làm sao?

Cạnh trên, cạnh dưới cộng vào

Đem nhân với nửa bề cao khắc thành.

Không những có tài trong lĩnh vực toán học, ông còn là người rất giỏi Nho học, sách nào cũng đọc, hiểu biết rộng, có tài năng trong lĩnh vực tôn giáo, âm nhạc… Lương Thế Vinh chính là người chế tạo ra bàn tính gẩy, là tác giả của Thích giáo khoa Phật kinh thập giới nói về 10 điều răn dạy của đức Phật cùng cuốn Thiền môn giáo khoa. Ông còn tham gia soạn lễ nhạc triều đình, soạn cuốn Hý phường phả lục về nghệ thuật chèo. Đặc biệt, ông được coi là người đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật múa rối nước đặc sắc của Việt Nam.

Văn chương của Lương Thế Vinh cũng từng khiến vua Lê Thánh Tông không tiếc lời khen ngợi khi phê vào bài thi của ông trong kỳ thi năm Quý Mùi (1463): “Quyển này rõ ràng không hổ danh là một đối sách, văn càng đọc càng cảm thấy thích thú”. Quan phụ trách đọc quyển thi đánh giá “có học thức, xứng đáng đậu đầu” trước “văn phong dồi dào, ý tứ sâu sắc, kiến thức rộng rãi” của Lương Thế Vinh.

Năm đó ông đậu Trạng nguyên ở tuổi 22, sau này ra làm quan tới chức Hàn lâm viện Trực học sĩ, Chưởng viện sự, Nhập thị kinh điển (theo Truyện hay trong lịch sử Việt Nam).

Trước khi thi đỗ kỳ thi Hội, Lương Thế Vinh có ôn luyện cùng với nhiều Nho sinh, văn sĩ ở kinh thành, có quen một người nhà ở Hàng Đào. Vị này rất khâm phục ông nên giới thiệu em gái, có ý gán ghép cho Lương Thế Vinh. Nhà người bạn mới này khá giả, em gái tên Thị Liệu lại có nhan sắc xinh đẹp, học hành chu đáo, biết làm thơ, vẽ tranh. Qua vài lần qua lại, gia đình họ rất ưng ý chàng Lương làm con rể, Thị Liệu cũng tỏ ý thuận lòng và Lương Thế Vinh cũng có cảm tình với người đẹp.

Tranh vẽ Lương Thế Vinh (ảnh: Wikipedia).

Trước khi từ biệt để Lương Thế Vinh dự kỳ thi Hội, cô gái Hàng Đào có đưa ông một bài thơ bằng chữ Hán, tạm dịch là:

Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu,

Một gã tiều phu chẳng đợi lâu.

Lưng giắt ngang đao thong thả bước,

Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau.

Trong đó “cửa vuông” là cửa trường thi Hội, là hình ảnh nhắn nhủ rằng nếu chàng vượt qua kỳ thi Hội đỗ Tiến sĩ trở thành “ông Nghè” thì mới có chuyện tình duyên, còn không thì đừng nghĩ đến nữa. Hóa ra tình cảm của nàng là có điều kiện, nàng không yêu thương Lương Thế Vinh chân thành mà chỉ yêu thương danh vọng, thấy chàng tài giỏi có tương lai thì mới ưng thuận, kỳ vọng vào một tương lai thành danh làm nở mày nở mặt phu nhân.

Lương Thế Vinh liền viết lại một bài thơ khước từ chuyện tình cảm với Thị Liệu:

Cần chi vất vả tới rừng sâu,

Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu?

Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý

Kinh kỳ nào thiếu kẻ yêu nhau.

Chẳng cần tới đao sắc dù nó rất quý khi đi vào rừng sâu, chẳng cần tình yêu của nàng kiêu kỳ thực dụng dẫu nàng tài giỏi, xinh đẹp, sang giàu. Lương Thế Vinh hiểu rằng tình yêu, hôn nhân phải dựa trên sự chân thành. Yêu vì danh vọng, vì điều kiện nào đó thì cũng sớm phai tàn khi điều kiện chẳng được thỏa mãn hoặc được nâng cấp lên khi đã thỏa mãn mà thôi.

Chuyện tình cảm, nếu một bên không chân thành thì nhiều lúc cũng như chuyện của một người; yêu hoặc không yêu, chỉ cần tự mình kết thúc. Bởi người kia chẳng có gì ràng buộc, họ chỉ có điều kiện và điều kiện.

Có người nói rằng: Tình yêu bắt đầu từ việc yêu con người thật của đối phương chứ không phải là yêu đối phương như yêu một bức tranh do bạn vẽ ra, bằng không, bạn chỉ yêu sự phản chiếu của chính bạn nơi người ấy.

Những người yêu không chân thành, họ sẽ chẳng yêu nhiều, nên cũng chẳng yêu đủ để mang lại hạnh phúc cho người bên cạnh mình. Sống với những người như vậy, sớm muộn cũng bị làm cho tổn thương hoặc cuộc sống nhạt nhòa không có chia sẻ. Tri kỷ tâm giao không phải là người bước vào đời ta một cách hoàn hảo, mà là người có thể khiến ta trở nên ngày càng hoàn hảo bởi sự cảm thông, động viên và hỗ trợ không chút toan tính.

Tình yêu thực sự sẽ sẵn sàng hy sinh chứ không để thỏa mãn. Tình yêu thực sự, có trách nhiệm chứ không chỉ đòi hỏi. Tình yêu thực sự sẽ chữa lành chứ không cố tình gây tổn thương.

Nếu thật lòng yêu Thế Vinh, có lẽ Thị Liệu sẽ sẵn lòng chờ đợi ông với tâm thái sẵn sàng chấp nhận sự thất bại của người mình thương sau kỳ thi Hội. Từ bỏ một người chỉ vì không đạt yêu cầu của mình, đó là gây tổn thương chứ không phải chữa lành, cũng là thỏa mãn đòi hỏi chứ không phải có sự đồng cảm và trách nhiệm.

Nhìn thấu tâm can cô gái xinh đẹp, Lương Thế Vinh đã có quyết định dứt khoát và có lẽ là sáng suốt. Bởi một người vợ yêu chồng vì tiền tài, địa vị, sao có thể là người vợ có thể đi cùng chồng trên mọi chặng đường đời đầy biến động sau này?

Video: Đức Phật giảng về 7 kiểu vợ: Thế nào là “làm vợ như một người hầu”?

videoinfo__video3.dkn.tv||6213e5a03__