Lưu Sủng, một quan lại thời Đông Hán, được bổ nhiệm làm thái thú Hội Kê, ông đã cấm tham quan nhũng nhiễu dân, nội tình trong quận được cải thiện rất nhiều. Khi ông rời đi, huyện Sơn Âm có năm lão nhân đến đưa tiễn, tặng Lưu Sủng trăm đồng tiền cảm tạ ông cai trị thanh liêm. Lưu Sủng chỉ nhận một đồng tiền, từ đó ông được gọi là “Thái thú một đồng”.

1. Tô Chương xử án không thiên vị

Vào thời Đông Hán, có một người đàn ông tên là Tô Chương, từng là thứ sử Kí Châu. Trong nhiệm kỳ thứ sử của ông, tình cờ có một người bạn cũ là thái thú của quận Thanh Hà thuộc thẩm quyền của ông.

Một lần, Tô Chương đến huyện Thanh Hà tuần thị, phát hiện người bạn cũ này có hành vi phi pháp, tham ô bất chính, nhận hối lộ, ông quyết định lập án điều tra. Hôm đó, Tô Chương chuẩn bị một tiệc rượu ngay tại nơi mình trọ, chiêu đãi người bạn cũ. Trong bữa, hai người vừa rót rượu vừa trò chuyện, hồi ức mối giao tình ngày cũ, vô cùng thân thiết.

Thái thú Thanh Hà sớm đã biết Tô Chương đang thanh tra hành vi tham nhũng của mình, mấy lần muốn nhân cơ hội hỏi dò khẩu khí, nhưng Tô Chương đều lấy lý do uống rượu không bàn công chuyện để chuyển chủ đề.

Thái thú Thanh Hà thấy Tô Chương một lời cũng không đề cập đến hành vi tham nhũng xấu xa của mình, mà vẫn ân cần gợi nhớ chuyện ngày xưa, tiếp đãi mình nồng nhiệt, nên cho rằng Tô Chương hữu ý bảo vệ mình, đắc ý chẳng giữ mồm mà nói: “Mọi người có một ngày, riêng tôi có hai ngày!”, ý tứ là nói, có Tô thứ sử bảo hộ, ai cũng không dám làm gì ông ta, ông ta có thể tha hồ thích làm gì thì làm.

Tô Chương nghe thấy lời đó bèn sững sờ, vẻ mặt giận dữ nhìn bạn chằm chằm, nghiêm túc hồi đáp: “Tối hôm nay, tôi, Tô Nhụ Văn (Tô Chương), mời cậu uống rượu, đây là tình cảm thân thiết giữa những người bạn cũ. Tuy nhiên, quan hệ cá nhân không thể thay thế công pháp. Ngày mai, đến đại đường, tôi sẽ lấy thân phận thứ sử Kí Châu để thẩm tra hành vi phi pháp của cậu, điều này không thể nói đến tình cảm tư nhân, chỉ có thể xét xử công bằng.”

Ngày hôm sau, Tô Chương thăng đường xử án, quả nhiên thiết diện vô tư, không chiếu cố tình bạn cũ. Sau khi cẩn thận điều tra hành vi phạm pháp của thái thú Thanh Hà, chiếu theo quy định pháp luật đương thời, thái thú Thanh Hà đã phải chịu hình phạt đích đáng.

Khi lão bách tính ở Kí Châu nghe về sự việc này, họ đã vỗ tay ca ngợi Tô Chương là vị quan trung thực không nể nang tư tình. Còn những quan lại hà hiếp dân, tham nhũng, làm trái pháp luật thì suốt ngày nơm nớp lo sợ. Tà phong tham hủ trong xã hội đã nhanh chóng bị kìm hãm. (Theo “Tham trị thông giám ‧Tập 52”)

2. Thái thú ‘một đồng’: Lưu Sủng

Lưu Sủng, thái thú của quận Hội Kê vào thời Đông Hán, làm quan luôn liêm khiết. Ông sắp rời chức vụ của mình, được điều đến kinh thành thăng chức. Trước khi ông đi, có năm vị lão nhân tóc hoa râm, được sự ủy thác của nhân dân khu vùng núi sâu phía nam thành, đến tiễn chân thái thú họ Lưu.

Lưu Sủng cảm ơn những lão nhân và nói với họ: “Những năm tại chức tôi chẳng làm được gì nhiều giúp mọi người. Các bác đều là những người lớn tuổi, lại phải bôn ba đường xa đến tiễn chân tôi, tôi quả thực cảm thấy có lỗi.”

Các lão nhân nói: “Chúng tôi sống nơi thâm sơn cùng cốc, rất ít khi ra ngoài. Trước kia, các quan viên trong thành chỉ biết tham tiền luyến vật, ngày đòi đêm thúc, nháo tới mức gà bay chó sủa, lão bách tính đều không thể an sinh. Từ khi ngài làm thái thú ở đây, các quan viên không còn dám đi quấy rối dân nữa, thậm chí đến đêm, cả trăm con chó trong làng đều không sủa một tiếng. Mấy năm qua, chúng tôi được an cư lạc nghiệp, thập phần cảm niệm thái thú. Nghe nói thái thú phải đi rồi, mọi người đều luyến tiếc không thôi. Đang là mùa vụ bận rộn, mọi người ủy thác cho mấy ông lão chúng tôi đến tiễn chân và bày tỏ tâm ý.” 

Nói xong, họ mỗi người đưa cho Lưu Sủng một trăm đồng tiền, để Lưu Sủng đi đường sử dụng, rồi nói: “Thái thú thanh khổ cần mẫn phục vụ dân nhiều năm, chúng tôi biết ngài lên đường lên kinh thành chẳng mang theo bao nhiêu tiền, nên mọi người góp một ít tiền làm lộ phí cho ngài!”

Lưu Sủng cảm động nói: “Các trưởng lão quá khen, tôi làm còn xa mới được như thế! Tâm ý của mọi người tôi xin nhận, còn tiền thì tôi không thể nhận, các bác hay mang tiền về đi.”

Nhưng các lão nhân không chịu cầm về, mà kiên trì muốn tặng cho Lưu Sủng. Lưu Sủng không còn cách nào khác, đành nhận lấy một đồng tiền từ mỗi người để tượng trưng ông đã nhận, những lão nhân vui vẻ nói lời tạm biệt với thái thú.

Sau khi Lưu Sủng thấy những lão nhân đã đi xa, bèn nhẹ nhàng ném vài đồng tiền mà ông đã nhận xuống sông.

Khi mọi người biết chuyện này, hết lời khen ngợi, đặt cho Lưu Sủng một mỹ danh là “Thái thú một đồng”. Và địa phương này đã được đổi tên thành “Tiền Thanh trấn” để lưu kỷ niệm.

Hiện tại, thị trấn Tiền Thanh ở phía bắc thành Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang chính là nơi Lưu Sủng ném tiền xuống sông. (“Hậu Hán thư ‧Tập 76-Tuần lại truyền‧Lưu Xung tiểu sử”, “Sơn Âm huyện chí”)

3. Tảng đá trước cổng phủ thái thú

Lục Tích (188-219) là một học giả ở nước Ngô trong thời Tam Quốc, từng được bổ nhiệm làm thái thú Uất Lâm do Tôn Quyền bổ nhiệm. Ông bác học đa tri, trung thành với nghĩa vụ của mình, nổi tiếng thanh liêm cương trực. Người dân ở Uất Lâm đều nghe tiếng, kính ngưỡng ông.

Nhân dân trong khu vực thuộc thẩm quyền của Lục Tích đều an cư lạc nghiệp, trật tự xã hội thập phần ổn định. Vài năm sau, Lục Tích muốn cáo lão hồi hương, nhưng ông vẫn rỗng túi, chẳng có gia sản gì. Khi ông sắp lên đường, mọi người giúp ông thu xếp hành lý, chẳng có gì ngoài một số thư tịch và vài bộ y phục đã cũ.

Đương thời, giao thông đường bộ rất bất tiện, Lục Tích mặc dù không có gì, nhưng vẫn cần thuê một chiếc thuyền trở về quê hương bằng đường biển.

Vào ngày đi, người lái thuyền đến rất sớm. Lục Tích thấy phu thuyền đã đến, nhanh chóng lên thuyền. Một lúc sau, không thấy  trên thuyền có ai mang lên đồ vật gì, phu thuyền cảm thấy kỳ quái, không khỏi hỏi: “Thưa lão da, ngài còn mang cái gì nữa không? Mau kêu người mang lên đi, chúng ta mau lên đường, nếu không hành trình sẽ bị trì hoãn.”

Sau khi nghe người lái thuyền nói, Lục Tích thúc giục: “Vậy thì nhanh lên thuyền đi, tôi không có đồ gì nữa!”

Người lái thuyền vô cùng kinh ngạc, hỏi: “Cái gì? Ngài làm thái thú Uất Lâm đã nhiều năm như vậy, lẽ nào không có tích cóp chút vàng bạc châu báu sao? Cũng không có mua sắm gia sản quý giá gì sao?”

Lục Tích lắc đầu, biểu thị rằng thực sự không còn vật phẩm nào nữa. Ông thản nhiên nói: “Tôi thân phụ vương mệnh, có bổng lộc của bản thân, làm sao có thể tham lam tài sản của dân đây? Cho nên những năm nay tôi không có tích cóp gì.”

Người lái thuyền không khỏi thán phục, sau đó nhíu mày nói: “Lão da, thế này không được! Biển sóng to gió lớn, chiếc thuyền này nhẹ như chiếc lá, nếu thuyền quá nhẹ mà vượt biển, e một đợt sóng lớn, thuyền không đằm, sẽ lật úp.”

Lục Tích cảm thấy những gì người lái thuyền nói có lý, nhìn xung quanh, thực sự cảm thấy rằng chiếc thuyền quá nhẹ. Suy nghĩ một chút, ông chỉ vào một tảng đá lớn trên bờ biển và nói: “Hãy nhấc tảng đá đó lên thuyền đi. Đá nặng như vậy ở trên thuyền chắc chắn sẽ an toàn!” Người lái thuyền bất đắc dĩ thở dài, bảo mấy người mang tảng đá lớn lên thuyền.

Khi Lục Tích trở về quê hương Ngô quận (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô), những người hàng xóm nghĩ rằng sau vài năm làm quan lớn, ông ấy sẽ trở về nhà với một thuyền chở đầy kho báu quý hiếm. Tất cả họ đã đến giúp dỡ hàng. Ai ngờ ngoài mấy cuốn sách và vài bộ quần áo cũ, trên thuyền chỉ còn một tảng đá lớn. Tảng đá này là bảo vật gì? Mọi người đều nghị luận về nó. Người lái thuyền giải thích cho mọi người. Sau khi nghe điều này, dân làng ca ngợi Lục Tích thanh liêm vi chính, và tảng đá này chính là bằng chứng tốt nhất. Vì vậy, dân làng đã giúp khiêng tảng đá lớn ra khỏi thuyền và đặt nó ở cổng nhà Lục Tích, gọi nó là đá Uất Lâm.

Viên đá này sau đó trở thành vật gia truyền của nhà Lục Tích, đã được lưu giữ hàng trăm năm. (Theo “Ngô quận chí”, “Quý huyện chí”)

Tác giả: Nghiêm Tự Luật, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch