Hứa Doãn, một danh sĩ nổi tiếng ở Tào Ngụy, sau khi cùng tân nương giao bái, lại không muốn đến tân phòng, vì không muốn nhìn thấy người vợ xấu xí của mình… Thế rồi chuyện gì đã xảy ra?

Vệ úy khanh Nguyễn Bá Ngạn của Tào Ngụy có một người con trai tên là Nguyễn Khản nổi danh về văn học và y học; ông cũng có một con gái hiền lành lương thiện, nhưng dung mạo khó coi, là một trong bốn phụ nữ xấu xí trong truyền thuyết lịch sử. Nguyễn Bá Ngạn gả con gái cho Hứa gia, một danh gia vọng tộc ở Cao Dương, con rể Hứa Doãn là một danh sĩ của nhà họ Hứa, sau này trở thành đại thần của Tào Ngụy. 

Đêm động phòng đáng nhớ

Vào ngày cưới, tân lang Hứa Doãn và tân nương Nguyễn thị bái lạy thiên địa, cao đường, rồi hai người giao bái xong, nhưng lại không vào tân phòng. Người nhà họ Hứa nhìn thấy điều này, trong tâm lo lắng.

Lúc đó, bạn của Hứa Doãn đến thăm. Nàng dâu mới bảo tì nữ ra ngoài xem người đến là ai. Tì nữ hồi báo: “Là Hoàn lang”. Người bạn đến thăm là Hoàn Phạm, một quan viên của Tào Ngụy, đương thời được mệnh danh là “quân sư”.

Nàng dâu nói: “Không phải lo, Hoàn lang nhất định sẽ thuyết phục chú rể vào động phòng.”

Có thể thấy, nàng dâu này không phải là một phụ nữ bình thường, nàng có sự hiểu biết về tài năng phẩm hành của giới văn nhân danh sĩ đương thời.

Hoàn lang gặp gỡ người bạn tốt là chú rể Hứa Doãn, hiểu rằng Hứa Doãn đang khổ sở vì dung mạo khó coi của nàng dâu, nên đã nói với bạn: “Nguyễn gia là danh môn đại tộc, gả con gái xấu xí cho cậu, nhất định là có thâm ý, cậu nên quan sát kỹ lưỡng cô dâu của mình.”

Hứa Doãn nghe lời bạn mình, bước vào tân phòng, nhưng khi nhìn thấy nàng dâu, lại quay gót muốn rời đi. Nàng dâu đoán nếu lần này tân lang bước ra khỏi cửa, có lẽ sẽ không bao giờ bước vào căn phòng này nữa, nên nàng nắm lấy vạt áo chồng, ngăn cản bước chân chồng.

Hứa Doãn quay đầu lại hỏi: “Phụ nữ nên có tứ đức, khanh có bao nhiêu đức?”

Nàng dâu đáp: “Tân nương em điều duy nhất không đủ là cái dung mạo này. Tuy nhiên, quân tử cần có hàng trăm phẩm đức, chàng có bao nhiêu?”

Hứa Doãn trả lời: “Tôi toàn bộ đều có.”

Nàng dâu lại truy vấn chồng: “Nói đến trăm hành, quân tử đều biết đức hành là quan trọng nhất. Nếu chàng háo sắc mà không háo đức, làm sao có thể nói trăm hành đều có cả?”

Hứa Doãn nghe những gì vợ nói, cảm thấy vô cùng xấu hổ, nàng dâu mới kết tóc xe tơ đã cho chồng một lời “giáo huấn chấn động”, trí huệ và nội hàm của nàng thực sự phi thường! Hứa Doãn ngộ tính không tồi, đã sực tỉnh ngộ, từ đó về sau đối xử với vợ vừa thân vừa kính.

Vợ của Hứa Doãn phi phàm đến mức nào? Sau này, khi Hứa Doãn gặp phải sóng gió lớn trong cuộc đời, vợ ông lâm nguy không loạn, dự đoán chuẩn xác sự tình, có thể thấy nàng không chỉ có trí huệ phi thường, mà còn có công phu biết mệnh hiếm có.

Vào ngày cưới, tân lang Hứa Doãn không vào phòng cưới. Bức tranh này là một phần của “Cô Tô phồn hoa đồ” của Từ Dương thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Công phu kiên trụ trước sóng to gió lớn

Hứa Doãn mệt mỏi khi làm quan thị trung, thượng thư, quan chức quân sự. Khi còn nhậm chức trong triều đình Ngụy Minh Đế Tào Duệ, ông thường dùng người đồng hương làm quan. Một ngày nọ, Ngụy Minh Đế phái hổ bí trung lang đi bắt Hứa Doãn và tống vào tù. Khi Hứa Doãn sắp bị đưa đi, vợ ông kĩ lưỡng dặn dò chồng: “Trước mặt minh chủ, có thể dùng lý để thuyết phục, nhưng dựa vào tình thì khó đả động ngài.”

Hứa Doãn bị đưa vào cung, Minh Đế thẩm vấn, hỏi tại sao chỉ dùng người đồng hương làm quan. Hứa Doãn trả lời: “Bổ nhiệm quan cần ‘cử nhĩ sở chi’ (ý tứ là cử người mà mình biết rõ) (lời của Khổng Tử), sở dĩ cử người đồng hương của thần, là vì thần biết rõ về người đó. Thỉnh bệ hạ hãy kiểm tra xem họ làm việc có xứng chức không? Nếu không xứng chức, thần nguyện lãnh chịu trách nhiệm về tội đó.”

Sau khi Minh Đế kiểm tra những người do Hứa Doãn bổ nhiệm, ông nhận thấy những người được bổ nhiệm quả thực là rất xứng đáng, nên đã thả Hứa Doãn. Lúc này, Minh Đế thấy y phục của Hứa Doãn đã cũ nát, nên hạ chiếu ban cho ông y phục mới.

Tại nhà Hứa Doãn, khi Hứa Doãn bị bắt đi, mọi người đều khóc lớn. Chỉ có Nguyễn thị, vợ của Hứa Doãn, vẫn bình thản nói với người nhà: “Mọi người đừng lo lắng, chàng sẽ quay lại sớm thôi.”

Khi Hứa Doãn bị bắt đi, mọi người đều khóc lớn. Chỉ có vợ của Hứa Doãn vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Một phần của bức tranh “Trồng dâu dệt vải – tắm tằm” của Trần Mai nhà Minh (Ảnh: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc).

Lúc này Nguyễn thị đang nấu cháo kê chờ Hứa Doãn quay lại. Quả nhiên, không lâu sau, Hứa Doãn trở về nhà.

Trụ cột của gia tộc

Đại tướng quân Tư Mã Cảnh Vương nắm quyền cai trị triều đình, lương thần Ngạn sĩ Vương Cơ (tự Bá Dư, người Đông Lai, Khúc Thành, là trung thư thị lang) khuyên rằng: “Hứa Doãn, Phó Vịnh, Viên Khản, đều là nhân sĩ chính trực, thẳng thắn, có thể cùng tham gia chính sự.” Cảnh Vương đã tiếp nạp kiến nghị của ông ấy. 

Sau này, gia tộc Tư Mã chuyên quyền, Hứa Doãn và những nhân sĩ chí đồng đạo hợp bàn bạn âm mưu ám sát nhà Tư Mã nhưng không thành, chuyện bại lộ, toàn bộ bị Tấn Cảnh Vương sát hại.

Khi môn đồ của Hứa Doãn báo tin dữ cho Nguyễn thị, bà đang dệt vải, khi nghe tin chồng mình qua đời, bà thần sắc bất biến, nói: “Tôi đã biết trước rồi!”

Môn đồ muốn che giấu các con trai của Hứa Doãn để bảo vệ sự an toàn của họ, Nguyễn thị nói: “Vấn đề này không liên quan gì đến trẻ em.”

Sau đó, Nguyễn thị cùng các con trai là Hứa Kỳ và Hứa Mãnh đến sống cạnh mộ Hứa Doãn. Cảnh Vương sai Chung Hội đi xem xét các con trai của nhà họ Hứa, nếu tài năng phong độ ngang bằng với cha thì bắt lại.

Hứa Kì, Hứa Mãnh bàn bạc với mẹ của họ xem đối ứng thế nào. Mẹ họ nói: “Hai đứa tuy học thức không tồi, nhưng tài năng không nhiều. Nếu nói thẳng thắn, thì vô ưu vô lo, đừng biểu hiện cực kỳ ai oán, Chung Hội sẽ đình chỉ tang lễ, thì các con có thể ngừng than khóc. Ngoài ra, có thể hỏi một chút về những chuyện trong triều.”

Khi Chung Hội đến thăm, hai người con trai đã làm theo lời nhắc nhở của mẹ. Chung Hội trở lại triều đình, báo cáo với Cảnh Công những gì mình đã thấy và nghe được. Trước mặt Chung Hội, hai người con trai của Hứa Doãn không hề tỏ ra đau buồn trước cái chết của cha mình, thậm chí còn hỏi những chuyện triều đình mà người muốn toàn mạng sẽ không hỏi, chúng chỉ là những kẻ tầm thường. Mặc dù năng lực quan sát của Chung Hội rất cao, nhưng cuối cùng ông ta cũng không địch nổi trí huệ thông thái của vợ Hứa Doãn.

Các con trai của Hứa Doãn, Hứa Kì và Hứa Mãnh đều có tài quản lý. Vào giữa những năm Nguyên Khang của nhà Tấn, Hứa Kì được bổ nhiệm làm Tư lệ giáo úy, Hứa Mãnh được bổ nhiệm làm thích sử U Châu. Hành động cử chỉ của Hứa Mãnh rất hợp lễ nghi tiết độ, mọi người ca ngợi ông phong độ nho nhã nhất đương thời. Con trai của Hứa Kì, Hứa Hà, rất nổi tiếng, làm quan đến chức thị lang. Hứa Thức, con trai của Hứa Mãnh, có tài cán, làm quan đến chức nội sử Bộc Dương, thái thú Bình Nguyên.

Các con trai của Hứa Doãn cuối cùng đã được cứu khỏi tai họa, điều này phải nói là nhờ đến trí huệ hơn người và sự thấu hiểu nhân tâm của mẹ Nguyễn thị. Người phụ nữ xấu xí đức hạnh mà Hứa Doãn cưới được không chỉ ổn trụ gia đình giữa sóng to gió lớn, bảo vệ huyết mạch của gia tộc họ Hứa, mà còn tạo phúc âm cho con cháu hậu đại. Bà am hiểu số mệnh, gặp chuyện không sợ không loạn, lâm nạn có thể bình tĩnh thản nhiên, trên thế gian hỏi bao nhiêu người có thể theo kịp bà?!

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch