Lý Bạch, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc từng viết: “Người nay không thấy trăng thuở trước. Trăng nay từng chiếu sáng người xưa”. Từ xưa đến nay, có biết bao văn nhân đã ngước nhìn vầng trăng trên bầu trời mà bồi hồi xao xuyến… Lại có biết bao thi nhân mượn ánh trăng để giãi bày tâm sự hay gửi gắm lòng mình. Ánh trăng có tự bao giờ mà có thể làm lòng người rung động đến thế?

Dù là Đông phương hay Tây phương cũng đều có rất nhiều truyền thuyết cổ về mặt trăng. Nhưng truyền thuyết lưu truyền rộng rãi nhất chính là “Hằng Nga bôn Nguyệt” và “Hy Lạp Nguyệt Thần”.

“Hằng Nga Bôn Nguyệt”

传说中的“嫦娥奔月”。(图片来源:大纪元)
Hằng Nga (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

“Hằng Nga Bôn Nguyệt” là truyền thuyết có từ ngàn xưa của Trung Hoa kể về tình cảm sâu đậm và sự xa cách giữa hai vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga.

Vào thời xa xưa, trên bầu trời từng xuất hiện hơn mười mặt trời, khiến cho nước sông đâu đâu cũng cạn kiệt. Dân chúng và muôn loài chỉ còn cách “khoanh tay ngồi nhìn” chứ không còn cách nào để sinh sống.

Lúc ấy, có một vị anh hùng tên là Hậu Nghệ đã sử dụng Thần lực của mình, kéo Cung Thần, một mạch bắn rơi chín mặt trời. Vì vậy, ông được dân chúng vô cùng tôn kính. Có không ít người đã bái Hậu Nghệ làm thầy để theo học. Trong số đó có cả Bồng Mông, một người tâm địa gian xảo.

Vợ của Hậu Nghệ là một cô gái vô cùng xinh đẹp và lương thiện, tên là Hằng Nga. Hai vợ chồng họ sống một cuộc sống vô cùng đầm ấm hạnh phúc. Hậu Nghệ còn giao cho Hằng Nga cất giữ thuốc bất tử mà Vương Mẫu Nương Nương đã ban cho mình.

Một hôm, thừa lúc Hậu Nghệ đi săn thú, Bồng Mông đã dùng kiếm ép buộc Hằng Nga phải lấy thuốc bất tử đưa cho mình. Hằng Nga bất đắc dĩ đã nuốt trọn viên thuốc bất tử ấy. Thân thể của cô mềm rũ xuống rồi thăng lên, bay thẳng về phía mặt trăng. Bồng Mông thấy vậy cũng lập tức chạy trốn.

Hậu Nghệ sau khi về nhà biết được chuyện ấy, trong lòng vô cùng thống khổ đau buồn, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đêm cất giọng bị thương gọi tên vợ. Bỗng nhiên, Hậu Nghệ phát hiện thấy một bóng dáng giống hệt Hằng Nga hiện ra ở bên trong vầng trăng xa xôi ấy.

Thế là, Hậu Nghệ vội lấy mật ong và hoa quả tươi bày lễ cúng tế, nhớ nhung Hằng Nga. Dân chúng cũng bày biện hương án dưới ánh trăng để hướng về phía Hằng Nga đã thành Tiên, khẩn cầu được ban cho sự bình an và may mắn. Tục lệ đêm trung thu, bày cỗ, bái lạy trăng cũng được dân gian lưu truyền từ đây.

“Hy Lạp Nguyệt Thần”

Tượng nữ thần Artemis, sao chép của La Mã từ bản gốc Hy Lạp, Bảo tàng Louvre
Tượng nữ thần Artemis, sao chép của La Mã từ bản gốc Hy Lạp, Bảo tàng Louvre

“Hy Lạp Nguyệt Thần” là truyền thuyết kể về câu chuyện tình yêu đầy bi thương của Thần Mặt Trăng trong thần thoại Hy Lạp.

Trong Thần thoại Hy Lạp cổ đại có một nữ thần Mặt Trăng là Artemis. Nàng vô cùng xinh đẹp và có tài bắn cung phi thường cao siêu. Vị thần này mỗi đêm đều điều khiển chiếc xe ngựa màu bạc chạy trên đường.

Artemis và Orion con trai của thần biển đem lòng yêu nhau. Họ thường xuyên cùng nhau ở trong rừng săn bắt thú rồi lại cùng nhau chạy đùa giỡn trên mặt biển.

Thế nhưng, thần mặt trời Apollo là anh trai của Artermis lại vô cùng chán ghét Orion, đến nỗi muốn diệt trừ Orion. Một hôm, Apollo dùng ánh sáng màu vàng bao phủ lên Orion đang chạy trên mặt biển, rồi chê khả năng bắn cung của Artemis và thách nàng bắn trúng mục tiêu màu vàng đang di chuyển trên đại dương.

Vì quá nóng giận trước sự giễu cợt của anh trai, Artemis giương cung và bắn thẳng vào mục tiêu mà Apollo chỉ – đầu của Orion, thi thể của Orion nổi trên mặt biển. Artermis vô cùng hối hận, khóc suốt ngày suốt đêm.

Về sau, vị thần tối cao Zeus đã chấp thuận lời thỉnh cầu của nữ thần Mặt Trăng, biến xác của Orion thành một chòm sao trên bầu trời và đặt tên là Chòm sao Orion.

Artermis cả đời không lấy chồng, hàng đêm đều điều khiển xe ngựa màu bạc rong ruổi trên bầu trời, quanh chòm sao Orion để được ở bên cạnh người yêu đã khuất của mình.

Câu chuyện “Chú khỉ mò Trăng”

Ảnh minh họa cho câu chuyện Khỉ vớt Trăng (Nguồn: Sưu tầm)
Ảnh minh họa cho câu chuyện Khỉ vớt Trăng (Nguồn: Sưu tầm)

Có một câu chuyện ngụ ngôn trong Phật gia mang tên “Chú khỉ mò trăng” kể rằng: Trong đêm khuya tĩnh mịch ở vùng làng quê, một chú khỉ ngốc đang leo trèo trên cành cây.

Bỗng nó nhìn thấy dưới miệng giếng, một mặt trăng lấp lánh hiện ra. Tưởng rằng trăng bị rớt xuống giếng, khỉ ngốc gắng sức mò trăng, nhưng dù gắng sức thế nào, nó cũng chỉ vớt lên được một vài giọt nước.

Lúc sau, nó ngẩng đầu nhìn một cái, ánh trăng vẫn còn ở nơi trời xa…

Hình ảnh trong truyện xưa rất đẹp, sự cố chấp của khỉ ngốc khiến người ta phải cảm động trong lòng. Câu chuyện có ngụ ý sâu sắc rằng: Nếu như đem những thứ hư ảo làm mục tiêu để truy đuổi trong cuộc đời thì mọi cố gắng sẽ chỉ là phí công vô ích mà thôi!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch