Sinh con ra trên đời hẳn là mỗi bậc cha mẹ đều mong rằng sau khi trưởng thành con sẽ thành rồng thành phượng, tuy nhiên người thật sự thực hiện được nguyện vọng này lại không nhiều. Dưới đây là đôi câu chuyện nuôi dạy con thành rồng thành phượng của bậc cha mẹ xưa đáng để người ngày nay suy ngẫm về điểm mấu chốt của giáo dục: Tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi đứa trẻ.

Tăng Quốc Phiên là một vị quan lỗi lạc thời nhà Thanh. Ông từng giữ chức Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một nhà Nho lớn. Ông không chỉ thành tựu được sự nghiệp của bản thân mà còn để lại cách giáo dục, dạy bảo con cái, giúp con trở thành người tài đức vẹn toàn cho đất nước. Ông cho con cái tự do phát triển theo thiên hướng mình thích, chỉ cần chúng chăm chỉ và chịu khó tìm tòi.

Người con trai thứ nhất của ông là Tăng Kỷ Trạch không thích thi cử, không thích những điều rập khuôn, và văn bát cổ, nhưng lại đặc biệt yêu thích ngôn ngữ học và xã hội học của phương Tây. Tăng Quốc Phiên biết sở thích của con, liền khích lệ con tìm đọc sách theo sở thích của mình. Dù không am hiểu về Tây học, nhưng ông cũng cố gắng tìm hiểu cùng con. Về sau này, Tăng Kỷ Trạch viết hai cuốn sách nổi tiếng là “Tây học thuật lược tự thuyết” và “Kỷ hà nguyên bản”, đều do Tăng Quốc Phiên phê duyệt trước khi xuất bản.

Người con trai thứ hai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Hồng yêu thích toán học. Ông cũng cổ vũ, khích lệ con nghiên cứu toán học. Vợ của Tăng Kỷ Hồng là Quách Quân cũng ham đọc sách. Thời ấy phụ nữ ham thích đọc sách là điều hiếm có, nên Tăng Quốc Phiên thuận theo việc dạy bảo con trai, cũng thuận tiện giáo dục con dâu nghiên cứu, đọc sách. Về sau Quách Quân cũng trở thành người phụ nữ tài giỏi. 

Thời Tam Quốc, Tào Tháo cũng là một trong số ít người thành công trong việc biến ước mơ “vọng tử thành long” thành hiện thực. Trong lịch sử, ông được biết đến là người hùng tài đại lược, nổi tiếng hậu thế. Ông không chỉ là chính trị gia, quân sự gia, văn học gia kiệt xuất mà còn là một nhà giáo dục hiếm có. Dựa vào việc tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi đứa con mà ông đã giáo dục chúng thành những nhân tài kiệt xuất. 

Tào Tháo chẳng những không đối xử thiên vị với một đứa con nào, trong việc dạy dỗ cụ thể, ông cũng rất đặt công phu vào quá trình giáo dục. Dù bận trăm việc, ông cũng không quên dạy con đọc sách, tập võ. Đặc biệt, ông chú ý căn cứ theo sở thích, sở trường của các con để khéo léo hướng dẫn, tùy theo khả năng đến đâu thì dạy đến đó.

Con trai cả của Tào Tháo là Tào Chương từ nhỏ đã giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Tào Tháo nhận thấy Tào Chương giỏi làm tướng nên đã dạy Tào Chương theo hướng trở thành võ tướng. Mỗi ngày ông đều dạy con tập võ, truyền dạy tri thức quân sự.

Con trai thứ hai là Tào Phi vốn là Thái tử, Tào Tháo chú trọng bồi dưỡng Tào Phi về năng lực trị quốc an quân để phát triển tài năng nắm giữ triều chính. 

Con trai thứ ba là Tào Thực, là người đặc biệt yêu thích văn học. Tào Tháo dạy Tào Thực ngâm thơ làm phú, mục tiêu là bồi dưỡng Tào Thực thành một văn học gia kiệt xuất. 

Tào Tháo không chỉ tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi đứa con mà còn giỏi nắm bắt thời cơ thuận lợi để khơi dậy hoài bão trong con. Ông dùng những việc mình làm để khích lệ giáo dục con, cho con trải nghiệm thực tế, khắc khổ rèn luyện bản thân. 

Cuối cùng Tào Tháo đã thu hoạch được thành quả đáng ngưỡng mộ. Ba con trai của ông, người giỏi văn người giỏi võ. Con trai lớn Tào Chương trở thành một tướng quân thiện chiến dũng mãnh, từng làm Việt Kỵ tướng quân, trấn thủ Trường An. Về sau, Tào Chương được thăng làm Nhiệm Thành Vương. Tào Phi và Tào Thực đều trở thành những văn học gia rất có thành tựu. Hai người con này cùng với Tào Tháo được xưng là “Tam Tào”, có địa vị hiển hách trong lịch sử văn học Trung Hoa. Tào Phi sau này cũng thừa kế ngôi Ngụy vương của Tào Tháo, cuối cùng ép Hán Hiến Đế nhượng vị, trở thành Ngụy Văn Đế, lập ra nhà Ngụy.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Hạ Lĩnh Phong tin rằng, điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ giữa bố mẹ và con trẻ chính là khuyến khích con trở nên tốt hơn. Trình độ của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng chúng đều có những đặc điểm riêng, thế mạnh riêng. Điều cha mẹ cần làm chính là khám phá những điểm mạnh của con rồi khuyến khích trẻ phát triển con đường riêng của chúng.

Giống như câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ: “Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp”, cha mẹ không cần quá lo lắng con cái mình sẽ thua kém so với bạn bè. Chỉ cần để con được là chính con, bảo vệ và nuôi dưỡng lòng tự trọng của con, khích lệ con kiên trì theo đuổi mơ ước của mình, giữ vững bản tính thiện lương, thì cha mẹ đã vì con mà đặt định một tương lai tốt đẹp.

San San

Từ Khóa: