Piano Concerto No. 5 cung Mi giáng trưởng, Op. 73 là bản concerto cho piano số 5 của Beethoven, thường được biết đến với cái tên “Hoàng đế”, là bản hòa tấu piano hoàn chỉnh cuối cùng của ông. Nó được viết từ năm 1809 đến 1811 tại Vienna, và được dành riêng cho Archduke Rudolf, người bảo trợ và học trò của Beethoven.

Buổi biểu diễn đầu tiên diễn ra vào ngày 13 tháng 1 năm 1811 tại Cung điện Hoàng tử Joseph lobkowitz ở Vienna, với Archduke Rudolf là nghệ sĩ độc tấu, tiếp theo là buổi hòa nhạc công khai vào ngày 28 tháng 11 năm 1811 tại Gewandhaus ở Leipzig dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Johann Philipp Christian Schulz, nghệ sĩ độc tấu là Friedrich Schneider. Vào ngày 12 tháng 2 năm 1812, Carl Czerny, một sinh viên khác của Beethoven, đã cho ra mắt Vienna tác phẩm này.

Concerto for Piano and Orchestra No. 5 in E-flat major, Op. 73 “Emperor” gồm 3 chương:

Chương 1: Allegro in E♭ major
Chương 2: Adagio un poco mosso in B major
Chương 3: Rondo: Allegro in E♭ major

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi dàn nhạc Orchestra of the University of Music FRANZ LISZT Weimar, nhạc trưởng chỉ huy Nicolás Pasquet và nghệ sỹ solo piano Alina Bercu:

Chương 1 bắt đầu bởi những hợp âm và câu nhạc chủ đề của dàn nhạc vô cùng mạnh mẽ và kích thích sự lôi cuốn. Mà chính sự mạnh mẽ ấy của dàn nhạc khiến cho tất cả những đoạn solo của piano trở nên lấp lánh và thánh thót hơn. Chương nhạc được chơi trên nhịp nhanh với nhiều sắc thái phong phú đan xen, hùng tráng, lãng mạn, dịu dàng lắng đọng, sôi nổi… Sự phong phú tuyệt vời ấy đã đem lại một chương nhạc mở đầu với thời lượng dài trên dưới 20 phút.

Chương 2 được viết vô cùng lãng mạn và sâu lắng với nhịp chậm Adagio, đồng thơi tone nhạc cũng giảm xuống 4 tone, khiến toàn bộ chương 2 trở nên ấm áp, lộng lẫy trong bút pháp cổ điển lãng mạn của tác giả. Trong đó những câu luyến láy solo của piano tô điểm kiều diễm và thoát tục, khiến thính giả không thể nào quên.

Chương 3 quay trở về với cung nhạc chủ Mi giáng trưởng và lướt đi trên nhịp nhanh theo hình thức Rondo rất vui tươi lôi cuốn và hùng dũng, toát lên dũng khí lạc quan của cuộc sống và tâm hồn. Chất liệu Rondo tích cực ấy khơi gợi cảm giác bay bổng, muốn nhún theo nhịp của dàn nhạc trong những nốt nhạc solo rung rinh thoát tục của piano.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Tượng chân dung Beethoven. Ảnh: Pixabay.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v