Người thực sự có sức mạnh, trước sự sỉ nhục khinh nhờn của người khác mà vẫn nhẫn nhịn là thể hiện của lòng khoan dung, nhân từ. Đây là cái nhẫn của người khoan dung và lòng ôm chí lớn, là đại nhẫn.

Dưới biển có hai con rồng cư trú, một con tính tình cương trực, còn một con tính tình hiền từ nhẫn nhịn. Một hôm rồng cương trực và ham chơi nói: “Tất cả những cảnh vật có thể thưởng ngoạn ở dưới biển đều đã xem hết rồi. Hàng ngày đều trôi qua ngày nào cũng như ngày nào, thực sự chẳng có gì hứng thú cả. Chúng ta cùng nhau lên mặt đất để mở rộng tầm mắt nhé?”.

Con rồng kia trả lời: “Nếu không cẩn thận gặp phải kẻ ác trên mặt đất thì rất khó chạy thoát, nguy hiểm lắm đó”.

Rồng ham chơi lại nói: “Tôi có một cách hay, chúng ta có thể hóa thành con rắn nhỏ. Nếu trên đường không có người đi lại thì chúng ta chơi đùa trên đường. Nếu trên đường có người xuất hiện thì chúng ta liền nấp vào vệ đường. Như thế sẽ tuyệt đối an toàn, bạn không phải lo lắng”.

Thấy rồng ham chơi khát vọng lên mặt đất như vậy, con rồng kia liền đồng ý. Hai con rồng cùng nhau lên mặt đất, dự tính đi khắp nơi thăm thú vui đùa.

Mới rời khỏi biển cả không lâu thì chúng gặp một con rắn độc trên đường. Rắn độc thấy hai con rắn con liền dựng người lên, lập tức phun ra chất độc, muốn làm hại rắn con. Rắn con do rồng ham chơi biến thành trông thấy rắn độc có mắt mà chẳng biết Thái Sơn, dám làm hại chúng thì vô cùng tức giận, định phục thù. Đúng lúc định hành động thì lập tức bị rắn con hiền từ nhẫn nhịn ngăn lại. Rắn con nói: “Chúng ta cần tu Bồ Tát hạnh lợi mình lợi người. Đối với lỗi lầm của người không biết nhân quả, hành xử theo thói quen, chúng ta đều nên khoan dung, tha thứ cho họ. Có thể nhẫn được những điều người khác không thể nhẫn được, đó là lời răn dạy của bậc Thánh giả, chúng ta nhất định phải tuân theo”.

Nói rồi, rắn con hiền từ nhẫn nhịn tụng chữ Nhẫn:

Người còn tham dục vẫn cuồng si
Nhân nghĩa mất rồi đố kỵ nghi
Lời răn Thánh giả lòng ghi nhớ
Nan nhẫn năng nhẫn mới tu thành.

Rắn con cương trực vốn tức giận phẫn nộ, nghe được những lời này, lập tức tỏ lòng cung kính đối với rắn con nhân từ. Thế là rắn con cương trực không còn tâm giận dữ nữa, liền bỏ ý nghĩ làm hại rắn độc.

Rắn nhân từ lại nói: “Chúng ta quay về biển đi”.

Thế là hai con rắn cùng khôi phục thân rồng, hiển hiện Thần uy, trời đất đều chấn động, mây đen nổi lên, mưa lớn như trút nước, khiến người và quỷ đều kinh sợ. Còn con rắn độc ở bên vốn đang lăm le rình mồi, định làm hại rắn con, thấy rắn con là hóa thân của rồng thì mới biết mình đã phạm phải lỗi lầm lớn, suýt nữa mất mạng. Thế là rắn độc kinh hoàng sợ hãi, xấu hổ bất an.

Con rồng nhẫn nhịn là một đời quá khứ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn rồng cương trực ham chơi chính là tôn giả A Nan. Còn rắn độc chính là Đề Bà Đạt Đa, người luôn luôn tìm cách hãm hại Phật Đà, nhưng luôn được Phật Đà khoan thứ.

(Trích “Lục độ tập kinh”)

***

‘Một điều nhịn chín điều lành’. Thường chúng ta hiểu là phải nhẫn nhịn trước sự ức hiếp của người khác để được yên thân, được yên lành. Đây là tiểu nhẫn, là cái nhẫn của người yếu thế, nhằm bảo toàn tấm thân.

Người thực sự có sức mạnh, trước sự sỉ nhục khinh nhờn của người khác mà vẫn nhẫn nhịn là thể hiện của lòng khoan dung, nhân từ. Đây là cái nhẫn của người khoan dung và lòng ôm chí lớn, là đại nhẫn.

Người trí tuệ thấu hiểu nhân quả, vượt trên tầng thứ của người thường. Họ hướng tới mục đích cao hơn của sinh mệnh, đạt đến cảnh giới của bậc Thánh giả, Giác giả. Bởi vậy, họ có thể nhẫn được những điều mà người khác không thể nhẫn được, làm được những điều mà người khác không làm được, cuối cùng mới thành tựu cảnh giới cao của sinh mệnh.

Theo ctworld.org.tw
Nhất Tâm biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||3daf5638c__