Có một thanh niên họ Lý ở Việt Trung (nay là phía nam tỉnh Quảng Đông), khi còn nhỏ đã từng đi học và tham gia kỳ thi đồng tử, nhưng không thành công. Tính tình chàng ta rất mê cờ bạc, cha đã nhiều lần khuyến giới nhưng chàng ta không chịu thay đổi. Vợ chàng, Trần thị, cũng nhiều lần phản ứng vì điều này. Chẳng bao lâu sau, họ sinh được một cậu con trai, cha của chàng trai trẻ họ Lý này đã đặt tên cho cậu bé là “A Kháo”. Khi A Kháo tròn một tuổi, ông nội nói với con dâu Trần thị: “Chồng con thường chơi với mấy đứa bạn chó bạn lợn, không phải là con của ta. Sở dĩ ta đặt tên cháu là ‘A Kháo’, có nghĩa là ta sẽ từ bỏ con trai mình mà nhờ cậy vào cháu trai! Con cũng nên cân nhắc, cũng nên từ bỏ chồng mình mà dựa vào con trai.”

Một ngày nọ, người cha chuẩn bị rượu và thức ăn cho con trai, và nói với con: “Con phải ăn nhiều hơn, đợi khi con no say, cha sẽ ném con xuống sông!” Thất kinh, chàng Lý sợ hãi quỳ xuống khấu đầu cầu xin cha thương xót, nhưng không thể được nữa. Chàng ta lại quỳ xuống trước mặt vợ khóc lóc thảm thiết, van xin tha thứ, nhưng Trần thị cũng không đáp lại. Tiếp đến, người cha trùm một chiếc túi vải lên đầu con trai, một người hầu lực lưỡng ném chàng ta xuống sông từ trên lưng. Chàng ta lênh đênh trên sông, đến khi trôi được gần một dặm mới có người nhìn thấy cứu, hóa ra là bạn cũ trong sòng bạc, nên cũng giữ chàng ta lại trong sòng bạc.

Lý ở đó hơn một tháng, sau đó cáo biệt bạn bè: “Bởi vì tôi thích đánh bạc, cha tôi không coi tôi là con trai, vợ tôi không coi tôi là chồng. Bây giờ tôi trụ ở đây, mỗi ngày đều nghe thấy âm thanh la hét của những con bạc, làm tôi càng nhức nhối tâm can!” Thế là chàng ta bỏ đi, đến chợ xin ăn. Cũng may chàng biết viết chữ, chàng mua giấy viết câu đối ở chợ bán khắp nơi, người dân cho chàng một ít gọi là tiền bút mực, tuy là ăn xin, nhưng thu nhập cũng khá dư dả. Chàng cứ như vậy lang thang lưu lạc vài ngàn dặm, khi đến một huyện ở Đông Sơn, chàng sống trong một Đạo quán, mắc phải bệnh hiểm nghèo và suýt chết.

Vị đạo sĩ già trong Đạo quán đã thương hại chàng, cho chàng thức ăn và thuốc men, may mắn thay, tình trạng bệnh đã được cải thiện. Đạo sĩ nói với chàng: “Các thư sinh ở phương nam rất được trọng thị ở đây. Ta sẽ chiêu nạp một vài cậu bé, để cậu giáo thụ kinh sách cho chúng, nhất định sẽ có người đến. Đây là một công việc chính đáng để bần sĩ mưu sinh, chẳng phải tốt hơn là đi ăn xin sao?” Chàng Lý vui vẻ tiếp thụ kiến nghị này, dạy học lại có thể giao vãng với các thư sinh trong huyện thành.

Trong làng có một Triệu Ông mở một lữ điếm để tiếp đón khách tứ phương. Gia cảnh khá giả, nhưng không có con trai, chỉ có một cô con gái. Ông muốn tìm một người con rể cho con gái mình, sau đó sẽ coi con rể như con ruột của mình. Tuy nhiên, ông đã tìm kiếm rất lâu nhưng không tìm được ứng viên phù hợp. Đạo sĩ nói với Triệu Ông: “Nếu con gái của ông kết hôn với một người bản địa, mặc dù hiện tại tạm thời có thể làm con trai của ông, nhưng cuối cùng lại cũng sẽ mang con gái ông trở về nhà cũ của mình. Lý mỗ không có gia đình, một mình cô độc, đang lưu lạc ngàn dặm. Nếu chàng ta trở thành con rể của ông, nhất định sẽ vĩnh viễn làm con trai của ông.” Lão Ông tin tưởng lời đạo sĩ, bèn nhận chàng Lý về nhà làm con rể mình.

Một thời gian sau, chàng Lý nói với Triệu Ông: “Con thấy những người hương học ở đây, trình độ của họ và con không khác bao nhiêu, nếu cho con tham gia khảo thí, nhất định sẽ thông qua.” Triệu Ông rất vui mừng, theo đó cho Lý mỗ lấy thân phận con trai họ Triệu đến tham gia khảo thí, quả nhiên chàng đỗ tú tài, năm sau, trong kỳ thi hương, chàng lại trúng cử nhân, cuối cùng trong kỳ thi hội lại thành tiến sĩ.

Vài năm sau, chàng Lý được bầu làm huyện lệnh của một huyện ở Việt Trung, chàng mang theo vợ đi nhậm chức, trải qua nhiều lần thăng chức, chàng vì làm quan mà có được rất nhiều tiền tài. Tuy nhiên, vì là quan chức ở tỉnh quê gốc, lại sợ người ta dị nghị, nên chàng chưa bao giờ dám hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Sau khi làm quan hơn mười năm, chàng vì việc công bị bãi chức, chuẩn bị trở về Sơn Đông, vì vậy trên đường về nhà, chàng đi đường vòng để thăm người nhà cũ của mình.

Khi chàng Lý trở về quê nhà cũ, chàng phát hiện cha mình đã qua đời nhiều năm, vợ và con trai chàng vẫn còn sống, nhưng họ rất bần cùng, cuộc sống không ổn định. Chàng Lý nói dối rằng mình là bạn cờ bạc cũ của con trai cụ Lý, thỉnh cầu được gặp vợ bạn. Khi đó Lý đã để râu dài, tướng mạo bảnh bao trắng trẻo, lời nói mang khẩu âm phương Bắc, nên vợ cũ của chàng ta không nhận ra. Chàng Lý gọi con trai mình lại, phát hiện con trai đã ngoài hai mươi tuổi. Vì vậy, chàng hỏi cậu ta: “Con có vợ không?” Cậu ta trả lời: “Không.” Lý hỏi lại: “Tại sao không lấy vợ?” Người con trai nói rằng đó là vì quá nghèo. Chàng Lý xúc động nói: “Ta và con trai cụ Lý là bạn tốt trong sòng bạc từ khi còn nhỏ. Bây giờ người bạn tốt này đã qua đời, vợ con anh ấy rất nghèo, khiến không khỏi thương tâm! Mặc dù tôi là một người nhỏ bé, nhưng không thể khoanh tay ngồi nhìn.” Chàng Lý lấy ra mấy nghìn lạng bạc đưa cho con trai, làm mai mối cho con lấy con gái nhà nào đó ở làng bên làm vợ. 

Vào ngày tân nương đến bái yết tổ miếu, chàng Lý cũng ở đó. Vợ cũ của Lý cũng thân chinh đến tiền đường khấu tạ, để con trai và tân nương hành lễ quỵ bái. Trong đường đặt một chỗ ngồi, thỉnh chàng Lý ngồi đó. Khi đó tất cả các vị khách đều có mặt, họ nghĩ rằng Lý sẽ không ngồi xuống, nhưng Lý đã không khách khí mà ngồi xuống, nhận bái yết của họ. Sau khi bái yết xong, Lý hét lớn: “A Kháo! Ngươi từ nhỏ đã không có cha, có lẽ không nhận ra ta; nhưng mẹ của A Kháo, lẽ nào cũng không nhận ra ta sao?” Vợ của chàng Lý đứng bên nghe thấy, vô cùng kinh ngạc.

Lý nói với vợ cũ: “Ta chính là chồng của nàng.” Sau đó liền mô tả chi tiết các sự tình trước đó, tất cả các vị khách đều kinh ngạc. Chàng Lý nói: “Ta làm quan đã nhiều năm, hiện tại không thể khôi phục tịch quán nguyên lai, ta xin cáo biệt các người để trở về phương Bắc. Vợ chồng cha con, duyên phận đến đây là kết thúc.” Người vợ nghe thấy vậy thì khóc lớn, một số trưởng giả khách nhân lớn tuổi thuyết phục: “Nếu ngài đã vinh quang hiển hách, tại sao không đưa hai mẹ con cùng về Sơn Đông?” 

Lý cười và nói: “Sự tình đã qua xác thực là ý tứ của cha già. Thế nhưng vợ chồng tử biệt là chuyện bi thảm nhất nhân gian, nàng nhìn thấy ta bị trùm bao vải bố lên đầu, ném xuống sông mà không động tâm, vô tình đến như vậy. Huống là ta ở Sơn Đông đã có vợ con, ta phải thu xếp cho họ nữa. Nàng nên tuân tòng mệnh lệnh của cha ta, chính là vứt bỏ chồng, dựa vào con trai. A Kháo, A Kháo, hãy chăm sóc tốt mẹ con.” Nói xong, liền quay đầu mà đi. (Nguồn: “Hữu đài tiên quán bút kí”)

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch