18 năm về trước, một sự kiện xảy ra đã khiến ngày 20/7 mãi mãi đi vào trong lịch sử. Đó là ngày khởi đầu của những bi kịch, của những nỗi đau thương…

Tại thị trấn Thành Quan thuộc huyện Tán Hoàng, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, có một người đàn ông kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp, tên là Đinh Cương Tử.

Người dân khắp Thành Quan đều ca ngợi anh là một người chân thành, đáng tin cậy. Nhưng vì kiên định niềm tin vào “Chân – Thiện – Nhẫn”, anh Đinh bị chính quyền bắt vào trại giam của huyện.

Cai ngục trong nhà giam còng chân tay anh lại, rồi dùng dùi cui điện tra tấn không thương xót. Chiếc dùi cui lăm le đi tìm những chỗ hiểm nhất trên cơ thể mà phóng điện, khi thì luồn vào cổ và gáy, lúc lại mò xuống nách, xuống bẹn và chỗ xương cụt… Anh Đinh thở hắt ra từng hồi, mồ hôi vã ra đầm đìa như tắm. Một làn khói mỏng thoảng qua và mùi thịt khen khét bốc lên. Anh nhắm nghiền mắt, thi thoảng cả người lại run lên từng đợt vì đau đớn.

Một dòng nước mắt khẽ lăn dài dưới khóe mắt anh. Trong thâm tâm, anh hiểu rằng chính những người đang tra tấn anh mới là nạn nhân đáng thương nhất. Anh đã tìm được ý nghĩa chân chính trong kiếp người, anh không hề sợ hãi khi phải đối mặt với bạo lực hay sinh tử. Nhưng những cai ngục ấy, họ biết chăng? Bức hại người tu luyện Phật Pháp là tội nghiệp rất lớn, họ sẽ phải gánh chịu nhiều điều con đáng sợ hơn trong tương lai…

Anh phải làm sao để giúp họ thức tỉnh đây? Bất giác, nước mắt anh trào ra, thương biết bao những con người thế gian lầm lạc, không biết phân biệt chính tà, thiện ác giữa cõi đời đổi trắng thay đen này.

Cai ngục hả hê vì sắp đạt được mục đích, họ tưởng anh đang khóc vì quá đau đớn. Đám cai ngục dừng tay và đưa vài tờ giấy ra trước mặt anh, hất hàm nói: “Ký vào đây thì anh sẽ không phải chịu đau đớn như thế này nữa”.

Phải khó khăn lắm anh mới he hé được con mắt đỏ mọng như trái mận, thoáng lướt qua dòng chữ “Bảng cam kết không tu luyện Pháp Luân Công”. Anh im lặng, khẽ lắc đầu và khép đôi mắt lại. Mồ hôi vẫn lấm tấm khắp người, thi thoảng hòa chung với màu đỏ tươi của máu, chảy lan sang các vùng khác trên cơ thể. Đám cai ngục lại xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay lên đầu, lên cổ, vào mặt anh và trên khắp người anh. Người anh mềm như bún, anh kiệt sức và ngất đi.

Bỗng nhiên anh nhìn thấy một thiên cung thật đẹp. Nơi ấy các nàng tiên đang nhảy múa, trăm hoa đua nở. Một tòa sen thuần khiết xuất hiện dưới chân và khẽ nâng anh lên. Nhìn lại trang phục của mình, anh giật mình khi thấy đó không phải là bộ quần áo rách nát thấm đầy máu và nước mắt trong ngục tù, mà là bộ trang phục cổ xưa như của một thư sinh nho nhã. Một tòa sen nâng bước chân, đưa anh về thiên cung. Nơi ấy có biết bao vị thần tiên đang chờ đợi và chào đón anh trở về thiên quốc.

Đột nhiên anh thấy mặt mình lạnh toát, có cảm giác như một gáo nước lạnh vừa hắt thẳng vào mặt mình. Hóa ra linh hồn anh trong phút chốc nghỉ ngơi đã trở về với miền tịnh độ. Những phạm nhân lôi anh xềnh xệch và quẳng vào một xó trong nhà giam. Họ không cho anh ăn cơm. Anh cũng tuyệt thực để giữ gìn niềm tin vào tín ngưỡng chân chính của mình. Dẫu vậy, hành động chính nghĩa của anh cũng không đủ thức tỉnh những con người lầm lạc ấy. Ngày qua ngày anh vẫn phải hứng chịu đòn roi và những cú sốc điện cho tới khi chết đi sống lại.

Vào ngày 11/6/2001, Đinh Cương Tử đã không thể gắng gượng thêm được nữa, anh đã trút hơi thở cuối cùng trên nền nhà tù nhơ nhớp. Cái chết của anh như khiến trời xanh phẫn nộ. Ngay buổi trưa hôm đó, gió lốc từng cơn gào thét giận dữ như muốn lật tung mọi thứ trên vùng đất huyện Tán Hoàng này.

Cai ngục biết họ đã bức hại người tốt nên vô cùng lo sợ. Họ đã mua pháo về đốt cả một buổi trưa để trấn tĩnh tinh thần và lấy lại can đảm. Cai ngục của trại giam đó và phòng 610 tại địa phương đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh.

Hoạt Hải Anh, cựu ủy viên thường vụ Ủy ban kiểm tra kỷ luật huyện Tán Hoàng tỉnh Hà Bắc lúc đó chuyên trách bức hại Pháp Luân Công, cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong chuyện này.

Tái hiện cảnh học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị tra tấn. (Ảnh dẫn theo Minghui.org)

Thiện ác hữu báo, bức hại người tu luyện mang tai vạ cho cả nhà

Hoạt Hải Anh là ủy viên thường vụ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật cấp huyện, chuyên trách bức hại tại thị trấn Thành Quan. Bản thân ông hành ác khiến ngay cả người nhà mình cũng không thể tránh khỏi nạn diệt thân.

Ngày 10/2/2002 (tức ngày 29 tháng chạp âm lịch), con trai cả của Hoạt Hải Anh là Hoạt Hằng lái xe máy ra ngoài thì gặp tai nạn và tử vong ngay tại hiện trường. Sau đó, Hoạt Hằng đã nhập vào cô ba để cảnh báo cho cha. Người đã khuất mượn xác hoàn hồn ắt là có điều chân thực muốn nói. Cậu nhìn thẳng vào mặt cha, đôi mắt long lên vẻ giận dữ, rồi nắm chặt cổ áo của ông hét lớn:

“Cha ơi, sau này cha không được can thiệt vào Pháp Luân Công nữa! Họ là đệ tử chân chính của Phật gia. Bức hại người tu luyện sẽ bị đọa địa ngục đời đời kiếp kiếp trả không hết nợ!”

Hoạt Hải Anh không biết phải làm thế nào đành gật đầu chấp thuận. Chuyện này đã gây chấn động mạnh mẽ trong gia tộc họ Hoạt.

Sau đó, Hoạt Hải Anh quả nhiên đã buông con dao đồ tể xuống, không tham dự bức hại nữa. Một số quan viên sáng suốt của huyện Tán Hoàng cũng tỉnh ngộ. Họ tìm mọi cách để tránh phải làm những việc bức hại Pháp Luân Công. Sau khi câu chuyện được đưa lên Minh Huệ Net, các quan lớn trong tỉnh Hà Bắc đều kinh sợ, vội vàng cử người đi điều tra hư thực thế nào, huênh hoang rằng sẽ phải tìm ra cái kim trong bọc. Họ tìm đến đương sự là Hoạt Hải Anh, Hoạt Hải Anh dưới áp lực nặng nề đã kể lại toàn bộ sự thực, cuối cùng ông cũng đệ đơn xin từ chức.

Những quan lớn trong tỉnh cử người đi điều tra thật giả lại cho người thâm nhập vào trong quần chúng hỏi rõ nguồn cơn. Những điều người dân Tán Hoàng kể lại giống hệt với báo cáo của Minh Huệ Net. Những quan viên đi điều tra vô cùng chấn động bởi sự chân thực này, họ đã trở về tường thuật lại theo đúng sự thực. Tất cả những quan lớn trong Ủy ban tỉnh Hà Bắc khi hiểu ra sự tình đều giật mình kinh sợ. Họ biết rõ sự nham hiểm và ngu xuẩn của Giang Trạch Dân, nên lũ lượt tìm cớ không tham gia bức hại Pháp Luân Công. Sau này Hoạt Hải Anh đã chuyển công tác tới cục y tế huyện Tán Thành.

Câu chuyện của Đinh Cương Tử chỉ là một trong hàng triệu học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại phi pháp tại Trung Quốc hiện nay. Nước mắt của những người thân yêu trong gia đình họ cũng lặng lẽ tuôn rơi. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài gia cảnh như vậy:

Chia ly đã khiến biết bao tâm hồn non nớt tràn đầy sự cô độc và trông ngóng

“Trong nhà chỉ còn lại một mình tôi. Tôi vẫn rất nhút nhát, sự cô độc và khiếp sợ không ngừng bủa vây lấy tôi… Biết bao nhiêu Tết Trung thu tôi đều không có cha mẹ kề bên, Tết Trung thu mình tôi cầm bánh, ngước nhìn bầu trời đầy sao, ngắm nhìn ánh trăng, nhớ tới người cha nơi đất khách và người mẹ đang bị giam nơi ngục tù… ”.

“Nhiều đêm tôi đều nghĩ, chúng tôi đã làm gì sai. Chẳng phải là nói lời thật hay sao? Kiên định vào tín ngưỡng chân chính hay sao? Chẳng lẽ công dân không có quyền tự do tín ngưỡng hay sao? Pháp Luân Công tốt như vậy vì sao lại bị bức hại?”

Con của Quách Hải Vinh: Chia ly đã khiến biết bao tâm hồn non nớt tràn đầy sự cô độc và trông ngóng (Ảnh: Minh Huệ)

(Lời chú thích trong ảnh: Vào đêm trước Tết Trung thu năm 2013, có bảy, tám cảnh sát cưỡng chế bắt Quách Hải Vinh và lật tung cả nhà cô thành một đống hỗn độn khiến cháu bé khiếp sợ khóc òa lên, cháu bé vừa bập bẹ học nói đã nói với cảnh sát rằng: Đừng bắt mẹ đi, mẹ ơi, mẹ ơi về đi…” Theo sau tiếng khóc của em, cả nhà suốt bốn ngày ba đêm không ngủ, em cũng không cho bất kỳ ai trong nhà bước ra khỏi cửa, hễ ai ra ngoài là khóc thét lên: Về nhà, về nhà cơ.)

Nước mắt của một cô nhi

Tranh sơn dầu “Nước mắt của một Cô nhi” của hoạ sĩ Đổng Tích Cường (Ảnh: Falun Art)

Chính sách khủng bố của đảng Cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) đã gây nhiều tang thương, đổ vỡ cho gia đình các đệ tử Pháp Luân Công. Bức tranh mô tả một em bé đang ôm tro cốt của cha mẹ đã bị hỏa tang. Cha mẹ em bị bức hại đến chết bởi ĐCSTQ. Cố cầm giữ nước mắt, tâm hồn em chứa đầy đau khổ và em không biết ngày mai sẽ ra sao. Chiếc áo khoác kỷ vật của cha bao bọc lấy thân hình bé nhỏ, trông thật không tương xứng, nhưng đó lại là vật duy nhất có thể trấn an động viên cho cô bé vào lúc này.

Con trai tôi

(Ảnh: Falun Art)

Ánh mắt đau khổ của người mẹ như nhìn thẳng vào chúng ta và hỏi: “Tại sao?” Trong vòng tay của bà là xác người con trai yêu dấu, giờ đã chết. Trên tay bà cầm một tờ giấy khám nghiệm y tế. Con trai bà đã bị đưa về nhà khi sắp chết như hàng ngàn học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc. Quản lý nhà tù thường gửi nạn nhân bị họ tra tấn về nhà để trốn tránh trách nhiệm. Gương mặt già cỗi của người mẹ tương phản với người con trai trẻ trung và mạnh mẽ, cho thấy sự đau khổ thầm lặng mà rất nhiều gia đình nạn nhân phải chịu đựng tại Trung Quốc ngày nay.

Cha ơi, hãy quay về

(Ảnh: Falun Art)

Cô gái nhỏ trong bức tranh tên là Pháp Độ, em mới bốn tuổi. Còn người phụ nữ buồn bã và kiệt sức ấy là mẹ của em, bà Đới Trí Trân. Cha của Pháp Độ, ông Trần Thừa Dũng đã bị tra tấn đến chết vào tháng 7/2001 sau khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam vì đã dũng cảm bước ra thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Pháp Độ đã vĩnh viễn mất đi người cha của mình trước khi em đủ lớn đến hiểu được chữ “cha” có nghĩa là gì.

Sau khi hay tin về cái chết của chồng trên Minh Huệ, bà Đới đã bán tất cả tài sản ở Úc và cùng Pháp Độ đi vòng quanh thế giới để kể về câu chuyện của họ, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân thế giới nhằm kết thúc cuộc bức hại này.

Cho đến nay, họ đã đi qua hơn 37 quốc gia trên khắp thế giới kể từ tháng 7 năm 2001.

Vô gia cư

Tranh sơn dầu: “Vô gia cư”, của hoạ sỹ Thẩm Đại Từ (Ảnh: Falun Art)

Bức tranh tiếp theo là một câu chuyện buồn có thực và cũng rất phổ biến tại Trung Quốc. Trong bức tranh, một bé gái trở về nhà từ trường và thấy rằng cửa đã bị khóa móc và niêm phong với dòng chữ “610 tịch thu”. Phòng 610 là tên một cơ quan tương tự Gestapo tại Trung Quốc, nằm trên luật pháp và thực hiện những tội ác kinh khủng. Bông hoa rủ xuống đã tăng thêm nỗi buồn cho khung cảnh. Họa sĩ cũng nhấn mạnh lực lượng đã đi qua trước đó bằng chiếc bình vỡ và những chiếc lá nằm rải rác trên sân.

Bé gái đứng trước cửa trông rất chững chạc, với giọt nước mắt lăn xuống khuôn mặt buồn bã, nhưng ánh mắt cô bé hé lộ sức mạnh của sự hy vọng.

***

Các học viên Pháp Luân Công và những người thân của họ ắt hẳn sẽ không thể quên được ngày 20/7 này. Bởi 18 năm về trước, vì lòng đố kỵ mà lãnh đạo ĐCSTQ khi ấy là Giang Trạch Dân đã lợi dụng bộ máy quyền lực trong tay để khởi phát cuộc bức hại chính tín với hàng triệu người dân lương thiện.

Họ cũng giống như chúng ta, cũng có một trái tim hướng thiện muốn làm người tốt, nâng cao đạo đức của mình. Họ cũng có một mái nhà và những người thân yêu cần chở che. Suốt 18 năm bị “huỷ hoại thân thể, bôi nhọ danh dự, vắt kiệt tài chính” họ vẫn âm thầm, kiên định gìn giữ chính nghĩa cho thế hệ mai sau. Bởi lẽ, nếu thiếu đi Chân – Thiện – Nhẫn thế giới sẽ bị bao trùm bởi bóng đêm, giữa người và người chỉ có sự lạnh lùng và độc ác.

Câu chuyện về nhân quả và những mảnh đời trên sẽ luôn nhắc chúng ta hướng về chính nghĩa và dũng cảm đi theo tiếng gọi thiện lương tự sâu thẳm trái tim mình.

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__