“Chúng tôi đã tạo phản! Chúng tôi đã tạo phản! Chúng tôi đã lôi cái xác bùn của Khổng nhị lão ra, chúng tôi đã hạ tấm bia ‘Vạn Thế Sư Biểu’ xuống… Mộ của Khổng lão nhị đã bị chúng tôi san bằng. Chúng tôi đã đập phá các văn bia ca ngợi các vị hoàng đế phong kiến, đập nát các tượng thần bằng đất sét trong Khổng miếu” (Đàm Hậu Lan).

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Khổng Tử là một trong những nhân vật đại biểu nổi tiếng nhất của văn hóa truyền thống Trung Hoa, ông được hậu thế tôn vinh là “Chí Thánh Tiên Sư”, “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương”, “Vạn Thế Sư Biểu”.

Miếu Khổng Tử, phủ Khổng Tử và rừng Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông, được gọi chung là “Tam Khổng”, là biểu tượng để mọi người tưởng nhớ Khổng Tử và suy tôn Nho giáo. Miếu Khổng Tử là nơi thờ Khổng Tử lớn nhất ở Trung Quốc; Rừng Khổng Tử là nghĩa trang của Khổng Tử và gia tộc ông; Phủ Khổng Tử là tước vị “Diễn thánh công” cha truyền con nối, cũng là nơi con cháu trưởng tử của Khổng Tử sinh sống, cấp bậc phủ ở Trung Quốc đứng thứ ba, chỉ sau cung điện của nhà Minh và nhà Thanh, trong đó lưu giữ một lượng lớn hồ sơ lịch sử, văn vật truyền thế, trang sức của các triều đại trước, v.v., vô cùng trân quý.

Tất cả các triều đại Trung Quốc đều tôn sùng “Tam Khổng”. Khi nhà Nguyên Mông tiêu diệt nhà Tống, “Tam Khổng” không bị hư hại; khi nhà Thanh Mãn nhập quan, “Tam Khổng” không bị hư hại, thậm chí ngay cả khi phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc, “Tam Khổng” cũng không bị hư hại. Nhưng khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền, “Cách mạng Văn hóa” bộc phát, “Tam Khổng” đã bị xóa sổ. Hôm nay, chúng ta sẽ nói về chuyện ĐCSTQ đào mộ Khổng Tử, hủy diệt nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, làm điều tà ác nhất trong lịch sử một thế kỷ của ĐCSTQ.

Khương Sinh thụ ý: Tạo cơn cuồng phong “Diệt Khổng”

Tháng 5 năm 1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc “Cách mạng Văn hóa” đã được lên kế hoạch từ lâu. Trong “Cách mạng Văn hóa”, Mao dùng rất nhiều người, một trong những nhân vật chủ chốt là Khương Sinh, từng là cố vấn của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương. Khương Sinh tâm lĩnh thần hội tư tưởng phản Khổng của Mao Trạch Đông. Theo bài báo “Năm lãnh tụ sinh viên đại học của Cách mạng Văn hóa, hiện tại và quá khứ”, vào một ngày năm 1966, Khương Sinh tìm thấy một nữ sinh viên đại học tên Đàm Hậu Lan, yêu cầu cô ta đến Khúc Phụ, Sơn Đông để tạo phản “Khổng gia điếm”.

Khương Sinh là người Sơn Đông, ông ta đã làm việc ở Sơn Đông lâu năm và rất quen thuộc với “Tam Khổng”. Ông ta nói với Đàm Hậu Lan: “Tôi đã suy nghĩ trong ba ngày ba đêm, vẽ ra một bức sơ đồ ấn tượng về chỗ đó”. Sau đó, ông ta đưa bức tranh cho Đàm Hậu Lan và nói: “Khi bạn đến đó, bạn có thể đập phá bất cứ thứ gì bạn muốn”.

Đàm Hậu Lan là người Hồ Nam, năm 1961 trở thành sinh viên của Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, cô ta là sinh viên đầu tiên của Đại học Sư phạm Bắc Kinh dán áp phích chữ lớn bêu riếu đảng ủy trường, đồng thời là đầu sỏ của “Đoàn chiến đấu Tỉnh Cương Sơn” của tổ chức Hồng vệ binh của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, và là một trong năm “đại lãnh tụ” của Hồng vệ binh Bắc Kinh.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1966, Đàm Hậu Lan lãnh đạo quân tạo phản “Đoàn chiến đấu Tỉnh Cương Sơn” tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, thề sẽ tiêu hủy “Khổng gia điếm”. Sau cuộc hội họp, cô ta dẫn hơn 200 người thẳng đến Khúc Phủ, liên hợp với các tổ chức tạo phản phái địa phương, thành lập “Trạm liên lạc Hồng vệ binh toàn quốc triệt để phá hủy Khổng Tử gia điếm có thẩm quyền tuyệt đối theo tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Vào ngày 15 tháng 11 năm 1966, Đàm Hậu Lan chủ trì “Đại hội tuyên thệ triệt để phá hủy Khổng gia điếm” trước đại môn của Phủ Khổng Tử, tuyên đọc: “Thiêu cháy Khổng gia điếm – Hịch văn diệt Khổng”, “Thư kháng nghị gửi Quốc vụ viện” và “Thư gửi nhân dân toàn quốc” v.v.,  Sau cuộc họp, cô ta chỉ huy Hồng vệ binh xông vào miếu Khổng, phủ Khổng, rừng Khổng. Một trận đập phá tiêu hủy điên cuồng bắt đầu.

Miếu Khổng Tử bị phá hủy

Chính điện của miếu Khổng là “Đại Thành điện”. “Đại thành” có nghĩa là “tập hợp thành tựu của cổ thánh tiên hiền”. Sau khi Hồng vệ binh đến điện Đại Thành, họ dán biểu ngữ “Kẻ đại hoại số 1” lên ngực tượng Khổng Tử trong sảnh, dùng dây thừng buộc chặt đầu tượng, kéo tượng Khổng Tử và 17 tượng đất sét khác lôi ra ngoài, hoặc chặt đầu, hoặc cắt đôi, hoặc mổ bụng.

Theo “Khổng Tử mộ mông nạn ký”, họ từ trong tượng Khổng Tử lôi ra các thư tịch cổ sắc cổ hương được trang trí đẹp mắt từ thời nhà Minh, từ bụng các bức tượng “Tứ Phối”, “Thập Nhị Triết”, các môn sinh của Khổng Tử, lôi ra cuốn “Kinh dịch”, “Thượng thư”, “Thi kinh”, “Xuân Thu”, “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, v.v. Những Hồng vệ binh không thể chen vào trong đền thờ thì đá vào đầu những bức tượng cổ thánh tiên hiền rơi xuống đất như đá bóng.

Quật mộ Khổng Tử

Ngày 29 tháng 11 năm 1966 là một ngày u ám, Đàm Hậu Lan dẫn Hồng vệ binh quật mộ Khổng Tử. Lần này, đối tượng đào mộ chủ yếu là “thượng tam đại, hạ tam đại”. “Thượng tam đại” đề cập đến ba thế hệ tổ tôn của Khổng Tử, Khổng Lý và Khổng Cấp, và “Hạ tam đại” đề cập đến ba thế hệ tối hậu Diễn Thánh Công Khổng Lệnh Di, cha và ông của ông, được chôn cất trong rừng Khổng. Những gì Hồng vệ binh làm, ý tứ là phá hủy “Khổng gia điếm” toàn bộ từ đầu đến cuối.

Họ sơn khẩu hiệu khắp bia mộ Khổng Tử cao lớn, sau đó, họ quấn một sợi dây thừng dày quanh đỉnh bia mộ, nhân viên chia thành hai đội, mỗi đội nắm lấy sợi dây thừng ở một bên. Theo lệnh từ loa phát thanh: “Nghi thức đào mộ phá thổ bắt đầu ngay bây giờ”, bia mộ khổng lồ và rất nặng của “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” đã bị kéo đổ, rơi xuống bàn thờ đá trước tượng đài, gãy làm đôi. Sau đó, Hồng vệ binh tay cầm cuốc sắt và đội phá mộ nông dân từ gần đó được phái đến, đồng thời tác nghiệp trên ba ngôi mộ của tổ tiên con cháu của Khổng Tử, Khổng Lý và Khổng Cập. Để đẩy nhanh tiến độ đào mộ, họ còn sử dụng kíp nổ và thuốc nổ.

Mộ của Khổng Tử bị nổ tung, hoàng thổ vương vãi khắp nơi. Thi thể của Diễn Thánh Công Khổng Lệnh Di cùng các thê thiếp của ông, di phụ của Khổng Lệnh Di là Khổng Tường Kha và vợ của ông cũng bị đào lên. Một nhân chứng nhìn tận mắt kể lại với “Mạng tin tức Trung Quốc” vào năm 2010, thi thể khi mới xuất thổ được bảo tồn rất hoàn chỉnh, nhưng đã nhanh chóng bị cuốc sắt của Hồng vệ binh và nông dân đâm xuyên qua, “những thi thể nhanh chóng xì hơi như một quả bóng cao su”. 

Theo thống kê sau này của thành phố Khúc Phụ: Rừng Khổng diện tích 3.000 mẫu, có hơn 2.000 ngôi mộ trong số 10 vạn ngôi mộ bị đào bới; hơn 42 nghìn cây cối bị chặt hạ; hơn 4.000 bia mộ bị kéo đổ.

Khổng Tử bị sỉ nhục

Mặc dù vậy, Hồng vệ binh vẫn nghĩ rằng họ phá hoại còn chưa đủ. Vào ngày 28 và 29 tháng 11 năm 1966, khoảng 10 vạn Hồng vệ binh từ các trường cao đẳng và đại học địa phương, nông dân từ các hợp tác xã nhân dân khác nhau, và công nhân từ các nhà máy khác nhau ở Khúc Phụ, tổng cộng khoảng 10 vạn người, đã tập trung tại sân trường Cao đẳng Sư phạm Khúc Phụ để tổ chức “Đại hội triệt để tiêu diệt Khổng gia điếm”.

Theo bài báo “Một số vấn đề về ‘diệt Khổng’ của Đàm Hậu Lan”, Đàm Hậu Lan đầu tiên phát biểu, sau đó đại diện các nơi phát biểu, tố cáo “tư tưởng phản động” của Khổng Tử, phê phán một số lãnh đạo huyện ủy Khúc Phụ và lãnh đạo tỉnh ủy Sơn Đông là thực hiện “đường lối phản động giai cấp tư sản”.

Sau cuộc họp, Hồng vệ binh đặt bức tượng Khổng Tử trong điện Đại Thành của miếu Khổng Tử, đội một chiếc mũ giấy cao có dòng chữ “Khổng lão nhị, nhân vật đại hoại số một”, rồi đặt nó lên một chiếc xe tải diễu qua đường phố.

Xe ra khỏi cổng nam của Đại học Sư phạm Khúc Phụ, rẽ về hướng đông, chầm chậm chạy trên những con phố cổ kính trong thành phố, trên xe có rất nhiều Hồng vệ binh đi cùng. Loa phóng thanh được lắp đặt trên xe công khai dọn đường, hô vang những khẩu hiệu như “Cách mạng là vô tội, tạo phản là có lý” và “Đả đảo Khổng lão nhị” và những khẩu hiệu khác.

Cùng bị diễu phố là một số “ngưu quỷ xà thần”, những người được gọi là “hiếu tử hiền tôn” của Khổng Tử, bao gồm Dư Tu – phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, Nghiêm Bắc Minh, Chu Dư Đồng – giáo sư của Đại học Phúc Đán, Cao Tán Phi – hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Khúc Phụ, v.v. Họ đều là những người tham dự “Hội nghị chuyên đề thảo luận về học thuật của Khổng Tử” được tổ chức tại Tế Nam vào tháng 11 năm 1962.

Sau cuộc diễu phố, chiếc xe tải chạy đến góc tây nam bên ngoài bức tường rừng Khổng. Bức tượng Khổng Tử cùng với tấm biển bài vị “Chí Thánh Tiên Sư” khổng lồ được mang ra từ phủ Khổng Tử và miếu Khổng Tử, cùng vô số thư pháp cổ và tranh, sách, câu đối, bài biển v.v., đều bị ném vào ngọn lửa cuồng nộ, bị thiêu rụi.

Năm 1973, Ủy ban quản lý di tích văn hóa Khúc Phụ đã lập “Báo cáo liên quan đến tình huống phá hoại văn vật của ‘Trạm liên lạc diệt Khổng’” trình lên bộ phận di tích văn hóa cấp cao hơn. Trong đó nói:

Điều tra sơ bộ cho thấy, trong 29 ngày từ ngày 9 tháng 11 đến ngày 7 tháng 12 năm 1966, Hồng vệ binh đã phá hủy hàng vạn văn vật, trong đó có hơn 70 văn vật thuộc diện bảo vệ cấp quốc gia, đốt hơn 2.700 tập sách cổ, hơn 900 cuộn thư pháp và tranh vẽ khác nhau, đập vỡ hơn 380 mảnh đồ sứ cổ khác nhau, hơn 2.000 tấm bia của các triều đại trước, tiêu hủy hơn 32.000 bản sao tài liệu gia phả và bản thảo viết tay, bán mất hơn 300 tượng Phật bằng đồng, v.v. 

Các văn vật có giá trị khác bị đánh cắp thậm chí còn khó đếm hơn. Sau khi đào được vàng bạc châu báu trong lăng mộ của Khổng Lệnh Di, những người dân làng gần đó lần lượt xông vào lăng mộ của Khổng Lệnh Di, lao vào cướp đồ bồi táng. Bao nhiêu đã bị đánh cắp? Ngân hàng cử người đi thu vàng bạc, 96 tệ một lượng, thu được hơn 30 vạn tệ. Thời đó lưu truyền câu nó: “Một đêm đào cả máy kéo”.

“Tiểu tướng cách mạng” điên cuồng gửi điện chúc mừng Mao

Sau khi Đàm Hậu Lan phụng mệnh đào mộ Khổng Tử, cô ta đã đặc biệt gửi một “bức điện báo” cho Mao Trạch Đông, “Báo cáo một tin tức kích động nhân tâm”.

Báo cáo viết: “Chúng tôi đã tạo phản! Chúng tôi đã tạo phản! Chúng tôi đã lôi cái xác bùn của Khổng nhị lão ra, chúng tôi đã hạ tấm bia ‘Vạn Thế Sư Biểu’ xuống… Mộ của Khổng lão nhị đã bị chúng tôi san bằng. Chúng tôi đã đập phá các văn bia ca ngợi các vị hoàng đế phong kiến, đập nát các tượng thần bằng đất sét trong Khổng miếu”.

Sau đó, Đàm Hậu Lan trở nên “thanh danh vang dội”, được các nhà lãnh đạo của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương tín nhiệm và coi trọng. Ngày càng có nhiều “hào quang” trên đầu cô ta, không chỉ với tư cách là chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, mà còn là tổ phó tổ nòng cốt của Hồng đại hội của Đại học Bắc Kinh, thường ủy của Ủy ban Cách mạng Thành phố Bắc Kinh v.v.

Đàm Hậu Lan đã được Mao Trạch Đông tiếp kiến nhiều lần. Đây là lời khẳng định triệt để và sự ủng hộ mạnh mẽ của Mao đối với “hành động cách mạng” của Đàm Hậu Lan. Những bức ảnh lớn về việc Đàm Hậu Lan bắt tay Mao, dìu đỡ Mao đã được đăng trên báo lớn báo nhỏ, nhất thời giành được sự chú ý trong số “những tiểu tướng cách mạng”.

Vì sao ĐCSTQ đập phá “Khổng gia điếm”?

Trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản”, tổ tiên của ĐCSTQ, Các Mác, đã yêu cầu những người Cộng sản phải “thực hành đoạn tuyệt triệt để nhất với quan niệm truyền thống”. Nếu ĐCSTQ muốn “đoạn tuyệt triệt để” với các quan niệm truyền thống, chắc chắn nó sẽ tiến hành phá hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc một cách triệt để nhất.

Ngày 1 tháng 6 năm 1966, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng một bài xã luận đề nghị “phá trừ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ đã bị các giai cấp bóc lột độc hại nhân dân hàng nghìn năm nay”. Trong một thời gian, “Phá tứ cựu” đã trở thành khẩu hiệu hủy diệt truyền thống vang dội nhất trong “Cách mạng Văn hoá”. ĐCSTQ tin rằng một suối nguồn quan trọng của “Tứ cựu” là “Khổng gia điếm”. Muốn “Phá tứ cựu” thì trước hết phải đập tan “Khổng gia điếm”, bài trừ ảnh hưởng của Khổng Tử trên mọi phương diện.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc giảng thận chung truy viễn, thành tâm thờ cúng, kính sợ tổ tiên, mộ phần của tổ tiên không thể tùy tiện xâm phạm làm ô uế. Đào mộ quật mộ là hành động ngỗ nghịch thương thiên hại lý, là hành vi cừu hận cực đoan. Khổng Tử là bậc thánh tổ tiên hiền của văn hóa truyền thống Trung Quốc, ĐCSTQ ra lệnh cho Hồng vệ binh vô tri vô úy đào mộ Khổng Tử, điều này thể hiện sự căm thù tột độ của ĐCSTQ đối với văn hóa Trung Hoa.

Sau khi mộ Khổng Tử bị đào, quật, hầu như tất cả lăng mộ của các danh nhân văn hóa trong lịch sử 5.000 năm của nền văn minh Trung Hoa đều bị quật lên. Đối với người dân Trung Quốc, đây là một trong những tội ác lớn của ĐCSTQ, hậu duệ của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch