Ngày nay, thiên tai nhân hoạ dường như xảy ra không ngớt. Nhiều người tự hỏi rằng tại sao cầu Thần bái Phật lại không linh nghiệm, tại sao Thần Phật không giúp đỡ con người vượt qua khổ nạn này?

“Thần Phật” là cách gọi của con người đối với các sinh mệnh cao cấp ở cảnh giới và tầng thứ cao siêu hơn cõi người. Trong vũ trụ bao la này, có vô số các không gian và các thể hệ sinh mệnh, có sự liên hệ nhất định với xã hội nhân loại. Sự bảo hộ, cứu độ của Thần Phật dành cho con người chính là một trong những sự liên hệ ấy.

Trong Công Giáo nói về việc xưng tội, trong Phật Giáo nói về việc sám hối. Hàm nghĩa cơ bản đều là một người tự xét lại bản thân xem các suy nghĩ, lời nói và hành động của mình có gì sai lệch so với những điều răn giảng của Thiên Chúa hay của Phật. Từ đó thành tâm hứa nguyện tu chỉnh, xin Thiên Chúa hay Đức Phật trợ giúp tạm thời vượt qua khổ nạn, ban cho cơ hội sửa chữa sai lầm.

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, có nhiều vị Đại Giác đã hạ thế, giảng ra các tiêu chuẩn đạo đức cho con người. Thực chất, đó chính là các tiêu chuẩn phù hợp với quy luật của vũ trụ. Nếu con người chiểu theo đó để hành xử thì tự nhiên cũng sẽ đắc được những điều tốt đẹp. Còn nếu con người hành xử trái với các tiêu chuẩn đạo đức ấy thì Thần Phật cũng không thể trợ giúp, bởi vì đó là trái với luật của vũ trụ.

Khoa học hiện đại đã phát hiện ra “quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng”, rằng năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Do vậy, những việc làm sai lệch với tiêu chuẩn đạo đức sẽ tạo ra các năng lượng xấu, Phật giáo thường gọi là “ác nghiệp”. Khi các Giác Giả độ nhân, giúp đỡ con người thì phải dùng thân mình chịu đựng khổ nạn do năng lượng xấu kia tạo ra, chứ nó không tự nhiên tiêu biến. Giống như con người trong xã hội đời thường, nếu một người làm việc sai lầm tạo ra hậu quả được tính bằng các món nợ; một vị nào muốn giúp đỡ người ấy thì cần phải thay họ hoàn trả nợ nần, để người kia có cơ hội làm lại.

Đây chính là sự từ bi vĩ đại của Thần Phật: các Ngài căn cứ vào tín tâm và căn cơ đạo đức của mỗi người mà đứng ra chịu đựng khổ nạn thay cho con người. Đồng thời, gia trì chính niệm và năng lượng, điểm hóa cho con người để họ biết cách vượt qua khổ nạn.

Nhiều vị Đại Giác đã hạ thế, giảng ra các tiêu chuẩn đạo đức cho con người. Ảnh: Shutterstock.

Như vậy, làm thế nào để có thể nhận được sự trợ giúp của Thần Phật? Đầu tiên, chính là cần hiểu rằng Thần Phật thực sự tồn tại, chỉ là Họ ở một không gian khác với trạng thái vật chất khác. Điều quan trọng thứ hai là, mỗi người cần xem xét lại bản thân có gì sai lệch so với những tiêu chuẩn đạo đức Thần Phật dạy hay không. Trường phái Đạo gia xưa nay nhấn mạnh về Chân (chân thật, chân thành, không hư dối), trường phái Phật gia nhấn mạnh về Thiện (tâm từ thiện, từ bi), tất cả cũng đều đề cập tới Nhẫn (nhẫn nại, nhường nhịn, bao dung). Do đó, tiêu chuẩn chung về đạo đức không nằm ngoài ba điều, đó là: Chân – Thiện – Nhẫn. Nếu một người có thể chiểu theo các tiêu chuẩn ấy để tu chỉnh bản thân, kêu cầu Thần Phật cho cơ hội sửa chữa sai lầm, đó mới chính là “linh đan diệu dược”, là con đường vượt qua khổ nạn.

Trong vũ trụ có lý “tương sinh tương khắc”, thể hiện tại nhân gian là “thiện ác đồng tại”. Vũ trụ lại có quy luật “thành trụ hoại diệt”, biểu hiện trên con người là “sinh lão bệnh tử”. Không phải ngẫu nhiên mà sự băng hoại đạo đức trong mấy chục năm qua lại diễn ra trên toàn thế giới. Bởi vì đó là xu hướng vận động có tính quy luật.

Tất cả các chính giáo lớn hay các nhà tiên tri đều có dự ngôn về thời kì lịch sử đặc biệt này, rằng nhân loại sẽ trải qua một sự biến động vô cùng to lớn. Công giáo gọi là “thời kì Đại Phán Xét”, Phật giáo gọi là “thời Mạt Pháp”. Theo quy luật nhân quả, xu hướng băng hoại đạo đức trên phạm vi rộng khắp hiện nay chính là tiền đề cho một kết cục bị đào thải, vấn đề chỉ là thời gian. Nhà tiên tri Lưu Bá Ôn từng có dự ngôn về kết cục của nhân loại rằng: “người nghèo một vạn lưu một ngàn, người giàu một vạn lưu hai ba”. Hay sấm Trạng Trình có đoạn “mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”.

Nhưng mỗi cá nhân đều là một sinh mệnh cá thể độc lập, đều có khả năng lựa chọn quyết định vận mệnh của mình. Do vậy, mặc dù xu hướng xuống dốc đạo đức phổ biến hiện nay làm cho sự cải biến ngược dòng của mỗi cá nhân trở nên khó khăn, nhưng nếu một người vẫn nhất quyết nỗ lực cải thiện tâm tính đạo đức cho phù hợp với tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, thì vẫn có cơ hội đắc được tương lai tốt đẹp.

Một người thành tâm hướng Phật, chiểu theo các tiêu chuẩn đạo đức để cải biến, thì sẽ nhận được sự phù trợ của Thần Phật. Ảnh: Shutterstock.

Tất nhiên, con người sống trong xã hội đời thường cần chiểu theo các quy luật của xã hội đời thường. Đối diện với dịch bệnh là cần phòng ngừa và chữa trị y tế. Nó không có mâu thuẫn với việc cải biến đạo đức và tín tâm với Thần Phật. Trái lại, khi tâm tính cải biến và tín tâm tròn đầy thì cũng tác động tích cực tới sức khoẻ tinh thần và thể chất.

Ở góc độ liên hệ với Thần Phật, chẳng phải người xưa nói “Phật vô xứ bất tại”, hay “trên đầu ba thước có Thần linh”. Như vậy, bất cứ một cá nhân nào nếu từ trong tâm thực sự muốn cải biến bản thân thì luôn có sự trợ giúp của Thần Phật. Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở kêu cầu trên miệng mà nhân tâm không cải biến, thậm chí lấy lễ nạp đầy mâm để làm thước đo cho điều gọi là “lòng thành” thì vô dụng, thậm chí không khác chi một hình thức phỉ báng. Bởi vì Thần Phật nào có thể bị mua chuộc như con người?

Nếu bạn là người tin theo Thiên Chúa, bạn hãy thực sự xem lại bản thân đã phù hợp với những gì giảng trong Kinh Thánh? Bạn là Phật tử, so với những gì bạn học được từ Kinh Phật, thì phải chăng bản thân còn nhiều thiếu sót? Khi thực sự cải biến bản thân theo các tiêu chuẩn ấy, thì bạn mới nhận được sự trợ giúp từ Thiên Chúa, từ Đức Phật.

Nếu bạn là người chưa thực sự thấu hiểu được Kinh Thánh, Kinh Phật thì những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khuyên bạn nên thường xuyên lưu giữ trong tâm 9 chữ vàng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”. Nếu cố gắng cải biến bản thân theo hướng Chân thật hơn, Thiện lương hơn và mở rộng tấm lòng bao dung, Nhẫn nhường hơn thì dù bối cảnh có khó khăn đến đâu, chắc chắn rằng bạn sẽ đắc được phúc báo.

Tất nhiên, nhiều người có thể có những khúc mắc như: Những người đi theo Chúa, theo Phật trong lịch sử chẳng phải cũng từng bị bức hại sao? Hoặc những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chẳng phải còn đang bị bức hại tại Trung Quốc sao? Ngay cả những người thực hành theo Chúa, theo Phật, theo Pháp Luân Đại Pháp còn bị nạn thì những người bình thường sao có thể nhận được sự phù trợ? Kỳ thực, những người tu luyện trong chính Pháp – các “Thánh đồ” – có mục tiêu hướng đến là cao hơn, cũng có các yêu cầu nghiêm khắc hơn và phải chịu đựng những điều khó chịu đựng hơn. Một người không tu luyện khi thành tâm hướng Phật, chiểu theo các tiêu chuẩn đạo đức để cải biến, thì không chỉ nhận được sự phù trợ, mà cuộc sống tinh thần cũng thực sự trở nên tốt đẹp hơn.

Do vậy, thiên tai dịch bệnh dẫu là việc chẳng lành, cũng là dịp tốt để mỗi người tĩnh tâm nhìn lại ý nghĩa của cuộc sống, tương lai vẫn còn đang ở trong tay chúng ta. Chúc tất cả quý vị đắc được bình an và hạnh phúc!

Video: Lời giải cho cuộc sống

videoinfo__video3.dkn.tv||dce246ad4__