Trang Tử cả đời tranh luận với người khác, nhưng ông lại cho rằng: “Đại biện bất biện” (Biện luận bậc cao không phải là tranh cãi).

Cảnh giới cao nhất của biện luận không phải là tranh cãi, đó là trao đổi của các bậc đại trí đại huệ, của những người cùng ở tầng thứ cao. Còn đối với người bình thường chúng ta, duy chỉ có im lặng mới là phương pháp tốt nhất.

Tranh cãi với người không cùng tầng thứ là một loại tiêu hao vô vị

Trong thiên Thu Thủy, Trang Tử viết: “Không thể nói chuyện băng tuyết với côn trùng mùa hạ”.

Không nên nói chuyện băng tuyết với côn trùng mùa hạ, vì nó hoàn toàn là sự lãng phí thời gian.

Khổng Tử cũng từng khuyên răn các học trò rằng, chớ nói với châu chấu về bốn mùa, bởi châu chấu chỉ sinh trưởng trong hai mùa xuân – thu.

Tranh cãi với người không cùng tầng thứ chỉ là một loại tiêu hao vô vị. Họ chưa từng đi qua những nơi bạn đã qua, chưa từng đọc qua sách bạn đã đọc, chưa từng biết những người bạn đã biết. Cách biệt quá nhiều chướng ngại thì trao đổi giao lưu chỉ là công sức vô ích kéo dài.

(Ảnh: kitchendecor.club)

Đạo Đức Kinh: “Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh”

Người thực sự xuất sắc thì không có thời gian tranh luận tới lui, họ đều dốc sức vào hành động.

Giống như khi bạn đứng trên đỉnh núi, nói với những người ở dưới rằng phía trước là biển cả mênh mông, thì những người đang ở lưng chừng núi kia chỉ thấy trước mặt họ là núi rừng hoang vu bao phủ.

Thay vì cứ mãi đứng đó tranh cãi với người ta, chi bằng hãy nhằm hướng biển khơi mà thẳng tiến.

Người có nội tâm phong phú không bao giờ sống theo con mắt của người khác

Sách Trang Tử kể về một người tên là Sỹ Thành Ỷ. Khi Sỹ Thành Ỷ thấy người đời ca ngợi Lão Tử, bèn trèo đèo lội suối băng rừng tìm đến bái kiến Lão Tử.

Thấy diện mạo Lão Tử không có vẻ gì là oai phong lẫm liệt, lại sống ở nơi hỗn loạn, Sỹ Thành Ỷ nói: “Người ta cứ nói ông là Thánh nhân, còn tôi thì thấy ông giống như con chuột vậy”.

Lão Tử nhìn anh ta rồi lại cúi đầu tiếp tục đọc sách, hoàn toàn không hề để ý đến Sỹ Thành Ỷ. Sỹ Thành Ỷ không biết làm sao, đành bỏ đi.

Hôm sau Sỹ Thành Ỷ hồi tưởng lại câu chuyện hôm trước, cảm thấy bản thân ăn nói lỗ mãng nên lại tìm đến nhà Lão Tử xin lỗi. Nhưng Lão Tử chỉ nói với anh ta rằng: “Nếu tôi đạt được cảnh giới của đại Đạo thì anh mắng tôi là lợn, chó, chuột… thì cũng có quan hệ gì đâu, tôi vẫn là tôi”.

Quả vậy, người đời nói gì cũng không ảnh hưởng đến bản thân ta, cũng không thể cải biến ta được. Còn nếu người ngoài mới chỉ nói đôi câu liền bực tức nhảy dựng lên, muốn tranh tranh cãi cãi, người như thế đa phần là vì nội tâm vẫn chưa đủ an định.

Người có nội tâm phong phú sống theo con mắt của mình, chứ không sống theo cái miệng của người khác. Họ không bao giờ để ý bên ngoài nói gì, mà chỉ quan tâm đến việc của bản thân, làm tốt những việc của mình mà thôi.

(Ảnh: wudangitaly.com)

Đời người không ở lời nói mà ở hành động

Đạo Đức Kinh dạy: “Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh”.

Người mồm mép khéo léo, sắc mặt tươi cười lấy lòng người thì hiếm khi có lòng nhân đức. Người chỉ giỏi ăn nói, khéo ăn khéo nói, đon đả đón ý người khác… thường không phải là người tốt.

Người thực sự xuất sắc không có thời gian nhàn rỗi tranh cãi tới lui với người khác, họ đều dốc sức vào hành động. Hơn nữa rất nhiều đạo lý không thể thuyết nói biện luận là có thể phân biệt rõ ràng ra được.

Cứ mãi tranh luận với người ta mãi không ngớt, chi bằng hãy thiết thực thực hiện.

Trong lịch sử có câu chuyện kể về Triệu Quát. Triệu Quát là con trai của danh tướng Triệu Xa, từ nhỏ đã thích học binh pháp, nói đến việc dụng binh thì lời nào cũng rất có đạo lý. Triệu Quát tự cho rằng mình là thiên hạ vô địch, ngay cả phụ thân anh ta cũng chẳng coi ra gì.

Triệu Vương cho tìm Triệu Quát đến, hỏi anh ta có thể đánh lui quân Tần hay không. Triệu Quát nói: “Chỉ khi quân Tần phái Bạch Khởi đến thì thần mới phải suy xét. Hiện nay tướng Tần là Vương Hột, ông ta chẳng qua cũng chỉ là đối thủ của Liêm Pha mà thôi. Nếu thay bằng hạ thần thì đánh bại Vương Hột không phải chuyện cần bàn”.

Triệu Vương nghe vậy rất vui mừng liền phong Triệu Quát làm đại tướng đi thay thế Liêm Pha. Lạn Tương Như nói với Triệu Vương rằng: “Triệu Quát chỉ biết đọc binh thư của phụ thân, không biết lâm trận ứng biến, không thể phái anh ta làm đại tướng được”. Nhưng Triệu Vương không nghe theo lời khuyến cáo của Lạn Tương Như.

(Ảnh: sinocomic.com)

Sau đó, Triệu Quát thanh thế rầm rộ dẫn 40 vạn quân. Triệu Quát phế bỏ tất cả những quy định mà Liêm Pha đã đặt ra trước đây, hạ lệnh rằng: “Nếu quân Tần lại đến khiêu chiến thì phải lập tức nghênh chiến đánh lại. Quân địch thua chạy thì phải truy đuổi, phải đánh cho chúng không còn mảnh giáp nào mới được”.

Nước Tần biết tin Triệu Quát đã thay Liêm Pha, liền bí mật phái Bạch Khởi làm tướng. Bạch Khởi đến Trường Bình, bố trí xong mai phục, cố ý đánh mấy trận thua. Triệu Quát không biết là cái bẫy, hạ lệnh dốc sức truy đuổi, kết quả rơi vào trận mai phục của quân Tần, 40 vạn quân bị chia cắt làm hai, đành phải chờ cứu viện. Nào ngờ nước Tần lại sai quân cắt đứt đường cứu viện và đường vận chuyển lương thực của quân Triệu.

Cuối cùng, quân đội của Triệu Quát bên trong thì hết lương thực, bên ngoài thì không có quân cứu viện, sau khi giữ được hơn 40 ngày, binh sỹ kêu khổ vang trời. Triệu Quát dẫn quân đột phá vòng vây, nhưng bị quân Tần bắn chết. Quân Triệu nghe tin chủ tướng đã bị giết liền nháo nhác ném vũ khí đầu hàng. Hơn 40 vạn quân Triệu đã bị tiêu diệt chỉ vì Triệu Quát vốn chỉ biết đánh trận trên giấy.

Triệu Quát dẫu thông kim bác cổ, thuộc làu kinh sử thì cũng chỉ là học vấn trên giấy tờ mà thôi. Những điều học được từ sách đều nông cạn, học được rồi phải dốc sức thực hành thì mới cảm nhận được đạo lý sâu xa trong đó.

Một nhà hiền triết phương Tây có nói: “Hãy mau chóng đồng ý với người phản đối bạn”. Chỉ cần nhận định mình đúng, hãy kiên trì thực hiện. Còn đối diện với những người chỉ trích mình, thì không cần nói nhiều lời làm gì.

Hãy tin tưởng rằng thời gian sẽ chứng minh cho người biết sức mạnh của lặng im…

Theo Vision Times
Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||__