Kinh doanh muốn thành công phát đạt, bạn buộc phải biết những cái khách hàng không cần. Thoạt nghe thật khó hiểu, nhưng đó lại là bí quyết và cũng là một loại năng lực dựa trên việc biết đặt mình vào vị trí người khác.

Có một nhà hàng ở khu phố người Hoa tại thành phố New York, Mỹ. Khi mới khai trương công việc kinh doanh rất tốt đẹp, nhưng không lâu sau tình hình trở nên ảm đạm. Ông chủ nhà hàng đau đầu tìm hiểu nguyên nhân, bản thân nhà hàng từ cơ sở vật chất đến dịch vụ đều đạt tiêu chuẩn. Rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu?

Một ngày nọ, một người đàn ông giàu có mời một vài người bạn đến dùng bữa tại đây. Ông chủ nhà hàng vì muốn lấy lòng khách quý nên vội vàng tiến đến mời rượu và cố gắng làm quen với những người giàu có đó. Ông ta nghĩ rằng, đây là một nguồn khách tốt, nên bằng mọi giá phải giữ được họ. Người phục vụ đứng bên cạnh lặng yên không nói gì, anh im lặng quan sát mọi hành động của ông chủ.

Khi người đàn ông giàu có rời đi, ông chủ đích thân tiễn ông ta ra tận cửa, khi ông quay lại, chàng trai giữ ông lại và nói: “Có vẻ như việc kinh doanh của chúng ta không được tốt lắm đúng không ạ?”.

“Đúng vậy”, ông chủ nói. “Nếu cứ tiếp tục thế này, việc kinh doanh của chúng ta sẽ còn tồi tệ hơn nữa!”, chàng trai nói.

Ông chủ nhìn chàng trai từ trên xuống dưới một lượt, hỏi anh bằng giọng không được vui: “Vậy theo cậu chúng ta nên làm thế nào?”.

“Hãy để tôi làm người quản lý trong một tháng, nhưng với điều kiện, trong thời gian đó ông không được can thiệp vào công việc của tôi”, chàng trai nói một cách bình tĩnh.

“Nhưng cậu sẽ làm gì để chứng minh thực lực của mình?”, ông chủ nghi ngờ hỏi.

Chàng trai chỉ nói: “Tôi chắc chắn rằng những vị khách ông vừa tiễn ra cửa sẽ không bao giờ quay lại nữa”. Ông chủ nửa đùa nửa thật: “Nếu họ thực sự không đến trong một tháng tới, tôi sẽ để cậu làm quản lý”.

Một tháng trôi qua, những vị khách đó quả thực đã không đến và công việc kinh doanh của nhà hàng ngày càng tồi tệ hơn. Lúc này, ông chủ nhớ đến lời của chàng trai và lên kế hoạch để anh làm quản lý trong một tháng.

Ngày lại ngày qua đi và ông chủ chỉ âm thầm quan sát mọi việc. Ông thấy chàng trai trẻ chỉ mỉm cười, gật đầu với khách, lạ hơn nữa là ông không bao giờ thấy cậu mời rượu hay làm thân với khách hàng. Nhưng điều mà ông không thể tin được là từ khi để chàng trai trẻ quản lý, công việc kinh doanh đã tốt trở lại, tình hình kinh doanh đã khác hẳn, khách đến ngày càng đông hơn.

Thời gian một tháng đã hết, ông chủ hỏi: “Tại sao công việc kinh doanh tự nhiên lại tốt lên vậy?”. Chàng trai trẻ trả lời bằng một câu hỏi: “Theo ông nghĩ điều gì là quan trọng nhất trong việc kinh doanh?”.

“Đương nhiên là cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của khách!”, ông chủ nói.

“Rất đúng, nhưng ông đã bao giờ nghĩ rằng, có một loại ‘nhu cầu’ của khách gọi là ‘không cần’ không?, ông mới chỉ biết khách cần gì, mà không hề biết khách ‘không cần gì’!”.

“Có cái gọi là ‘không cần’ hả?”. Ông chủ bị bất ngờ. Thành thật mà nói, ông thực sự chưa bao giờ nghĩ tới cái mà khách không cần.

“Tất nhiên, việc tìm hiểu xem khách không muốn gì và việc khách muốn gì đều quan trọng như nhau”, chàng trai nói. “Khi ông vừa nhìn thấy khách đã vội đi mời rượu, nhưng ông lại không biết mục đích của họ tới đây để làm gì?”. 

“Họ đến là để ăn cơm, là để cùng nhau tham gia bữa tiệc của riêng họ, và việc ông tới mời rượu thực tế đã làm phiền họ, đó không phải là điều họ cần. Ngoài ra, trong cùng một bữa tiệc, có những vị khách là chủ bữa tiệc, có người là khách mời của bữa tiệc. Ông đồng thời mời cả chủ và khách uống rượu chẳng phải đã thiếu tôn trọng người chủ hay sao”.

Ông chủ lắng nghe xong đã hiểu ra vấn đề. Kể từ đó, ông không chỉ cố gắng tìm ra những gì khách hàng cần, mà còn nỗ lực tìm hiểu những gì khách hàng “không cần”.

Hai mươi năm sau, nhà hàng của ông đã mở chi nhánh trên khắp nước Mỹ.

***

Dù làm trong bất kỳ lĩnh vực nào, ta cũng cần phải làm thật tốt những gì thuộc trách nhiệm của mình. Mỗi ngành nghề sẽ có một tính chất riêng, bí quyết thành công của mỗi lĩnh vực là không giống nhau, có những ngành cần phải phục vụ thật chu đáo, nhưng có những ngành lại không nên quá vồn vã, nếu không sẽ làm khách hàng thấy bị làm phiền. Cuối cùng, thì chính là biết đặt mình vào vị trí người khác để ứng xử, đó là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

Bí quyết kinh doanh thành công, cuối cùng chính là hãy đối với khách hàng như đối với bản thân mình, dùng cái Thiện để đối đãi, biết trọng cái lợi ích và trải nghiệm của khách hàng thì dù công sức ta bỏ ra có thể nhiều hơn, nhưng cái lợi thu về cũng chắc chắn và bền vững hơn. Nếu xã hội, ai làm ngành nghề gì, cũng đều biết đặt người khác lên trên để phục vụ, thì chẳng phải chất lượng đời sống được nâng cao, đạo đức cũng thăng hoa và người được lợi đều là chúng ta cả. 

Ngoài ra, câu chuyện còn cho thấy một khía cạnh khác. Khi ta cứ cố kết làm việc mà ta cho là tốt trong khi nó không dựa trên việc thấu hiểu người khác, thì có khi lại thành việc xấu và khiến họ cảm thấy phiền phức, khó chịu. 

Ảnh minh họa: Hrtechweekly.

Quỳnh Chi
Theo Forhuaren