Họ hoặc là tôn quý như bậc đế vương, hoặc là bề tôi của vua chúa, hoặc thời vận rất tốt, hoặc thông minh tuyệt đỉnh, nhưng đến cuối cùng lại không tránh khỏi vận mệnh chết bất đắc kỳ tử. Mà những “trái đắng” này lại là chính bản thân họ tự mình gieo trồng, kết cục này làm sao khiến người ta không thổn thức được đây!

Đường Thái Tông từng nói: “Lấy đồng làm tấm gương, có thể tự mình chấn chỉnh áo mũ; lấy lịch sử làm tấm gương, có thể biết được hưng thịnh suy tàn của một vương triều; lấy người làm tấm gương, có thể biết được chỗ hay chỗ dở”.

Dưới đây là 10 nhân vật trong lịch sử được người đời lấy làm tấm gương suy ngẫm, họ đều không tránh khỏi vận mệnh, được cho là tự “khiêng đá” nện vào chân mình.

10. Tề Hoàn Công: Yêu quân tử cũng yêu kẻ tiểu nhân

Tề Hoàn Công là người đứng đầu ngũ bá thời Xuân Thu, ông là người khoan hồng đại lượng, không nhớ mối hận một mũi tên suýt khiến mình mất mạng của Quản Trọng, mà còn bổ nhiệm Quản Trọng làm Tể tướng.

Vua tôi hai người dốc lòng xây dựng đất nước, sửa đổi những thiếu sót trong bộ máy triều đình, nhờ vậy khiến cho dân giàu nước mạnh. Từ đó hội họp chư hầu, đứng đầu thiên hạ, trở thành vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Ông thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách Ngũ bá.

Dịch Nha lấy giết con nấu thịt cho ông ăn, Khai Phương lấy phản bội chủ mình để đi theo ông, Thụ Điêu tự thiến mình để được ở bên hầu hạ ông, cả ba người họ đều là kẻ tiểu nhân vô lại, nhưng lại rất được Hoàn Công tin dùng. Quản Trọng trước lúc nhắm mắt đã khuyên Tề Hoàn Công tuyệt đối không được tin dùng ba người này. Hoàn Công lúc đầu có làm theo, đuổi ba người này đi, nhưng về sau lại không ngăn nổi sức mê hoặc của món ăn ngon, và những lời nịnh hót bùi tai, lại cho gọi ba người họ về và càng trọng dụng hơn.

Đợi đến khi Hoàn Công bệnh nặng, ba người âm mưu phát động chính biến, khiến cho nước Tề đại loạn. Bọn người Dịch Nha cho xây tường rào bao vây cung điện, đuổi hết mọi người ra, bỏ đói Tề Hoàn Công. Kỳ tích thay, gần 2 tháng rồi mà ông vẫn sống. Tề Hoàn Công thấy hối hận vì lúc đầu đã không nghe theo lời khuyên của Quản Trọng, tin dùng ba tên gian thần. Tề Hoàn Công một đời bá chủ thiên hạ, cuối cùng lại bị bỏ đói đến chết trong cung, thi thể không được chôn cất, thật mỉa mai thay.

Tề Hoàn Công: Yêu quân tử cũng yêu kẻ tiểu nhân
Tề Hoàn Công. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

9. Ngô vương Phù Sai: dưỡng hổ di họa

Những năm cuối thời Xuân Thu, các nước Trung Nguyên dần dần suy yếu, hai nước nhỏ Ngô Việt ngày càng lớn mạnh. Năm 496 TCN, Ngô vương Hạp Lư (phụ thân của Phù Sai) công đánh nước Việt, bị quân Việt bắn bị thương, không qua khỏi rồi chết. Trước khi chết, Hạp Lư căn dặn Phù Sai nhất định đừng quên mối thù giết cha.

Sau khi Phù Sai kế vị, không quên mối thù, mỗi ngày bảo thuộc hạ hét lớn lên rằng: “Phù Sai, nhà ngươi có quên mối thù giết cha chăng?”. Phù Sai nuốt nước mắt trả lời rằng: “Mối thù của cha, nỗi nhục của đất nước quyết không dám quên”. Ba năm sau, Ngô Việt lại đánh nhau, quân Việt đại bại. Việt vương Câu Tiễn xin được quy hàng Phù Sai, Ngũ Tử Tư kiên quyết yêu cầu giết chết Câu Tiễn, nhưng Ngô vương không nghe theo, mà giữ lại Câu Tiễn ở bên mình làm kẻ hầu cận. Việt vương Câu Tiễn một lòng nhẫn nhục, nếm mật nằm gai, đối nội thì hết lòng chăm lo việc nước, đối ngoại thì tỏ ra khúm núm trung thành khiến Phù Sai mất cảnh giác phòng bị.

Sau hơn 20 năm cố gắng, nước Việt đã trở nên lớn mạnh. Lúc này, Phù Sai ngày càng kiêu ngạo, đối ngoại thì dốc hết binh lực đi gây chiến, giành giật Trung Nguyên, đối nội nghe tin lời gièm pha, giết hại trung thần Ngũ Tử Tư, quốc lực ngày càng suy kiệt. Lúc này, nước Việt phát động tấn công toàn diện, vây hãm nước Ngô trong ba năm liền, triệt để đánh bại nước Ngô. Ngô vương Phù Sai xin được quy hàng nước Việt, giống như cách làm của Việt vương Câu Tiễn năm nào, nhưng Câu Tiễn không chút mềm lòng. Phù Sai lấy làm xấu hổ, tự sát mà chết.

8. Thương Ưởng: mình làm mình chịu

Thương Ưởng là nhà cải cách vĩ đại nhất thời Trung Quốc cổ đại, ông đã hoàn toàn cải biến nước Tần nghèo nàn yếu kém, và đặt định nền tảng thống nhất sáu nước sau này. Vì để theo đuổi tính nghiêm minh của pháp trị, ông không tiếc xử phạt thầy dạy học của thái tử, đây cũng là cái nhân mầm họa tự thân ông gieo xuống. Ngay khi Tần Hiếu công mới mất, thái tử lên ngôi, thầy dạy học của thái tử vu cáo Thương Ưởng mưu phản.

Tần Huệ Văn Vương hạ lệnh truy bắt trên cả nước. Ông đành phải chạy sang nước Ngụy là nước láng giềng. Trước khi trốn ra khỏi biên ải nước Tần, muốn ghé vào quán trọ nghỉ ngơi, chủ quán trọ nói Thương Quân có lệnh, người ở trọ nếu không có giấy chứng nhận, chủ quán cũng sẽ bị định tội, nên đã từ chối yêu cầu của ông. Thương Ưởng thở dài rằng: “Than ôi! Luật pháp tự mình chế định ra, cuối cùng lại gây trở ngại cho bản thân mình”.

Về sau ông trốn đến nước Ngụy. Người nước Ngụy giận ông ngày trước đã đánh chiếm Hà Tây, đuổi về nước Tần. Về nước, Thương Ưởng tập hợp binh ở đất Thương Ư tiến về hướng bắc đánh đất Trịnh. Vua Tần đem binh đánh Thương Quân, bắt được ông, đem đi giết ở Dẫn Trì thuộc đất Trịnh. Tần Huệ Văn vương lấy xe xé xác ông để thị uy, sau đó lại giết cả nhà của ông.

 Thương Ưởng: mình làm mình chịu
Thương Ưởng. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

7. Vương Chính Quân: già cả lẩm cẩm

Uy danh của Vương Chính Quân không sánh ngang với Võ Tắc Thiên, Từ Hy, nhưng bà lại là một trong số những vị hoàng hậu có thọ mệnh dài nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian bà ở ngôi hậu (bao gồm hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu) dài đến 61 năm (49 TCN – 13 SCN), chỉ xếp sau Hiếu Huệ Chương hoàng hậu đời nhà Thanh (64 năm). Bà vận khí cực tốt, một lần tình cờ được hoàng đế ban ân, bà đã mang thai và sinh hạ được thái tử. Đợi sau khi bà làm thái hậu rồi, thái hoàng thái hậu rồi, đã trọng dụng ngoại thích không chút kiêng dè gì, nổi tiếng nhất trong đó chính là Vương Mãng.

Bạch Cư Dị từng nói: “Chu Công sợ sệt truyền ngôn lại, Vương Mãng khiêm cung soán nghiệp ngay. Thật giả một đời ai hiểu được, Thân tàn chưa thấu chuyện xưa nay”. Vương Mãng giỏi về ngụy trang, giành được lòng tin tuyệt đối của Vương Chính Quân. Vương Chính Quân giao toàn bộ quyền hành cho Vương Mãng xử lý, bản thân thì du ngoạn đó đây. Đợi đến khi Vương Mãng soán ngôi đến đòi ngọc tỷ truyền quốc, Vương Chính Quân chỉ còn biết ôm hận ném mạnh ngọc tỷ xuống đất, than rằng “thân ta vốn là quả phụ của Hán triều, chẳng còn sống được bao lâu, chỉ mong có thể được chôn cùng ngọc tỷ này, chỉ tiếc đã không còn được nữa rồi!”.

Năm 13, Vương Chính Quân mang theo nỗi ai oán và hối hận vô tận rời khỏi thế gian, hưởng thọ 84 tuổi, tuy trải qua 4 triều đại làm mẫu nghi thiên hạ nhà Hán, nắm quyền hơn 60 năm, cuối cùng lại để mất vương triều nhà Hán trong tay mình.

6. Phù Kiên: lòng dạ yếu mềm của đàn bà

Ngũ Hồ loạn Trung Hoa là một đoạn lịch sử bi thảm hồi tưởng lại mà đau đớn lòng, Hán tộc ở phương bắc gần như bị tru diệt toàn bộ. Phù Kiên, người của bộ tộc Đê là quân chủ Tiền Tần. Thời ông còn tại vị dốc lòng chăm lo việc nước, trọng dụng người Hán là Vương Mãnh, thúc đẩy một loạt các chính sách cho dân nghỉ ngơi, gia cường sản xuất, thành công trong việc thống nhất phương bắc, và công chiếm đất Thục bị Đông Tấn chiếm hữu. Mười phần thiên hạ thì ông chiếm giữ được bảy phần.

Bá Dương (nhà thơ, nhà văn, sử gia Đài Loan) từng nói rằng, trong mấy nghìn năm lịch sử Trung Quốc, người có đủ tư cách xưng là “Đại Đế” không quá 5 người, trong đó có Phù Kiên, vua của Tiền Tần. Tương đắc giữa ông và thừa tướng Vương Mãnh còn vượt xa cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Trong quá trình thống nhất phương bắc, Phù Kiên vì để tỏ rõ khoan hồng đại lượng của mình, đối với Mộ Dung Thùy, Diêu Trường – người thì đầu hàng, kẻ thì phản bội ông, không những không giết, trái lại còn trọng dụng.

Vương Mãnh trước khi chết từng nói: “Tiên Ty, Khương Lỗ đều là thù địch của chúng ta, cuối cùng sẽ trở thành mối họa,  nên trừ khử họ đi để lợi cho xã tắc”. Nhưng Phù Kiên không có tiếp nhận. Sau khi thảm bại ở Phì Thủy, Mộ Dung Thùy, Diêu Trường, Mộ Dung Xung đều tự lập mình làm vương, phương bắc lần nữa bị chia năm xẻ bảy. Phù Kiên trước tiên bị Mộ Dung Xung đánh bại, sau lại bị Diêu Trường bắt đi, rồi bị treo cổ chết.

Phù Kiên: lòng dạ yếu mềm của đàn bà
Phù Kiên không phân rõ phải trái trắng đen cuối cùng kết cục thật thảm hại. (Ảnh minh họa: youtube.com)

5. Lương Võ Đế: dẫn sói vào nhà

Trong số những vị hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc, tín ngưỡng Phật giáo nhất chắc chắn phải kể đến hoàng đế Tiêu Diễn của triều Lương thời Nam Bắc triều. Lúc đầu khi làm hoàng đế, xét thấy giành được giang sơn không dễ, ông đã tiếp thu bài học diệt vong của nhà Nam Tề, chuyên cần vào việc chính sự, mỗi ngày canh năm (từ 3h đến 5h sáng) đã thức dậy phê duyệt tấu chương, mùa đông nắm tay đều bị cóng nứt cả.

Tính cần kiệm của ông cũng nổi tiếng khắp thiên hạ, quần áo đều may vá lại đến mấy lần, ăn cơm cũng chỉ có món rau đậu, hơn nữa mỗi ngày chỉ ăn có một bữa cơm, nhưng lúc quá bận rộn thì chỉ uống chút nước cháo cho đỡ đói. Nhưng về sau ông vững tin Phật giáo, mấy lần vào chùa làm hòa thượng, và yêu cầu quần thần dùng tiền chuộc ông về, dẫn đến “chỉ riêng kinh đô đã có hơn 500 ngôi chùa, cực kỳ to lớn tráng lệ, tăng ni hơn chục vạn”.

Đại tướng Hầu Cảnh của Bắc Tề là kẻ bất trung, bất hòa với hoàng đế Bắc Tề, xin được quy hàng Lương Võ Đế. Lương Võ Đế bất chấp nhất trí phản đối của quần thần, quyết định tiếp nhận Hầu Cảnh, phong Cảnh làm Hà Nam vương, đại tướng quân, Sứ trì tiết, đổng đốc Hà Nam, … cuối cùng thai nghén thành “Hầu Cảnh chi loạn”. Về sau, Hầu Cảnh dẫn theo 8 nghìn binh mã thuận lợi vượt qua Trường Giang, công đánh Kiện Khang, nhắm thẳng vào Đài Thành. Sau khi công phá Đài Thành, Hầu Cảnh giam lỏng Lương Võ Đế, không cho ăn uống, cuối cùng đói bệnh mà chết.

(Còn tiếp)

Theo Kannewyork.com
Thuận An biên dịch