Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp dự án BOT về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ quản lý. Theo đó, sẽ điều chỉnh tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí.

Trên tờ VnExpress, Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam ngày 19/12 cho biết, đang làm việc với các doanh nghiệp dự án BOT về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, bảo đảm không vượt quá quy định tại Thông tư 28/2021.

Giá vé tại các tuyến huyết mạch như Pháp Vân – Cầu Giẽ dự kiến tăng 18% so với hiện tại. Xe dưới 9 chỗ qua cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phải trả phí cao hơn 5% (từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng) và tăng 22.000 đồng khi qua hầm Đẻo Cả (từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng).

Trên quốc lộ 1 có 25 dự án BOT sẽ điều chỉnh phí gồm đoạn Hà Nội – Bắc Giang, đoạn tránh Phủ Lý (Hà Nam), đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát (Thanh Hóa), cầu Bến Thủy, tuyến tránh Đồng Hới…

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng 0,2-1,4% so với hiện tại.

Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).

Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.

Cục Đường bộ Việt Nam đã họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và thống nhất kế hoạch điều chỉnh giá vé. Trên cơ sở các kiến nghị, Cục Đường bộ đã tổng hợp được 41 dự án BOT cần điều chỉnh giá vé, với 47 trạm thu phí.