Sau khi ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, sau khi Covid-19 của ĐCSTQ tàn phá toàn cầu vào năm 2020 khiến nhiều người thiệt mạng, sau khi những chuyện nội bộ về việc ĐCSTQ gây họa loạn toàn thế giới không ngừng được hé lộ, sau khi ĐCSTQ ủng hộ Nga phát động chiến tranh, Mỹ và châu Âu đã dần tỉnh giấc mộng “ôm gấu trúc”, bắt đầu coi ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất, dần dần hợp lực để thoát ly khỏi ĐCSTQ về mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, khoa học công nghệ, thậm chí tất cả các phương diện, đồng thời áp dụng thế trận đối lập cạnh tranh, cùng nhau kiềm chế sự bành trướng toàn cầu của ĐCSTQ.

Nhiều quốc gia nhận thấy, gấu trúc thuê được nhưng không nuôi được, nên đã lần lượt trả lại cho Trung Quốc, đặt dấu chấm hết cho ngoại giao gấu trúc của ĐCSTQ.

Ngay khi Hội nghị Đối ngoại của Trung ương Đảng cao giọng ca ngợi nền ngoại giao của ĐCSTQ vừa kết thúc, 17 con gấu trúc lớn sống ở nước ngoài đã quay trở lại Trung Quốc, một con số chưa từng có. Có mối liên hệ nào giữa hai việc này không?

Theo báo cáo của CCTV vào ngày 30 tháng 12, tổng cộng 17 con gấu trúc lớn trưởng thành đã trở về Trung Quốc từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Malaysia, Anh, Đức và các nước khác trong năm nay. Ngoài ra còn có tin rằng Vườn thú Ahtari ở Phần Lan cũng có kế hoạch trả lại hai con gấu trúc lớn được thuê vào năm 2018. Nói chung, có hai loại gấu trúc lớn được trả lại, một là gấu trúc chưa trưởng thành từ sơ sinh đến khoảng 4 tuổi, loại thứ hai là gấu trúc lớn trở về Trung Quốc sau khi hết hạn thuê.

Gấu trúc lớn là loài động vật duy chỉ Trung Quốc mới có. Không nghi ngờ gì, chú gấu trúc lớn ngây thơ không chỉ chinh phục trái tim người dân Trung Quốc mà còn được người dân các nước khác yêu mến. Ngay từ thời Trung Hoa Dân Quốc, gấu trúc lớn đã trở thành sứ giả của tình bạn. Trong kháng chiến chống Nhật năm 1941, Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch, tổng thống đương thời của Trung Hoa Dân Quốc, đã tặng nước Mỹ một cặp gấu trúc lớn để cảm ơn Mỹ đã giúp đỡ Trung Quốc.

Sau khi đoạt chính quyền, ĐCSTQ cũng bắt chước Tống Mỹ Linh phát động “ngoại giao gấu trúc”. Ví dụ, vào năm 1972, trong chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon, Mao Trạch Đông để tỏ ra hữu hảo với Mỹ, đã tuyên bố sẽ gửi một cặp gấu trúc đến Mỹ như một món quà.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1994, nếu vườn thú hoặc cơ sở ở bất kỳ quốc gia nào cần gấu trúc lớn từ Trung Quốc thì phải ký thỏa thuận thuê 10 năm. Thỏa thuận quy định quyền sở hữu một cặp gấu trúc lớn khỏe mạnh và có năng lực sinh sản do Trung Quốc cung cấp là thuộc về sở hữu của Trung Quốc, và giá thuê là 1 triệu Đô la Mỹ mỗi năm, 10 triệu Đô la Mỹ trong 10 năm. Hơn nữa, quyền sở hữu những chú gấu trúc con sinh ra trong thời gian thuê cũng thuộc về Trung Quốc, về nguyên tắc, chúng phải được trả về Trung Quốc sau khi được 2 tuổi, và bên cho thuê phải trả thêm 600.000 Đô la Mỹ cho Trung Quốc. Nếu gấu trúc lớn chết bất thường trong thời gian thuê, bên cho thuê sẽ phải bồi thường cho Trung Quốc 500.000 Đô la Mỹ. Trung Quốc kiếm được lợi nhuận bằng cách cho thuê gấu trúc lớn mà không mất bất kỳ khoản tiền nào.

Mặc dù vậy, các vườn thú ở nhiều nước vẫn sẵn sàng trả rất nhiều tiền thuê cho chính phủ Trung Quốc để chào đón gấu trúc lớn đến nước mình, để người dân của họ có thể ngắm nhìn những chú gấu trúc lớn dễ thương một cách cận cảnh. Được biết, cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu hợp tác về bảo vệ gấu trúc lớn với 18 quốc gia và 20 tổ chức, trong đó có Mỹ, Nhật và Nga, và tổng số gấu trúc lớn sống ở nước ngoài đã lên tới 56 con.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với chính quyền ĐCSTQ, việc cho thuê hoặc tặng gấu trúc lớn cho nước ngoài là nhất cử lưỡng đắc, vừa có thể kiếm được ngoại hối thông qua phí cho thuê đắt đỏ, lại vừa có thể thông qua “ngoại giao gấu trúc” tăng cường mối quan hệ thân thiện với quốc gia đi thuê. Theo lối khoa trương của ĐCSTQ, đây gọi là “ngoại giao quyền lực mềm”.

Ngoài ra, trong chính sách đối với Trung Quốc, những quan chức, học giả, ông trùm kinh doanh, những người có mộng tưởng tin tưởng kiên định rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành một lực lượng giúp ổn định Đông Á và thế giới, được cộng đồng học thuật Mỹ gọi là “phái ôm gấu trúc”, mà nhân vật đại biểu chính là cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger vừa qua đời. Họ đã gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và châu Âu đối với Trung Quốc trong một thời gian dài.

Những người này tin rằng những cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình tiên phong kể từ đầu những năm 1980 đã mở cửa cho Trung Quốc, những cải cách này cuối cùng sẽ buộc Bắc Kinh phải gánh vác nghĩa vụ trước các quy định, nhân quyền và sự minh bạch chính trị lớn hơn,  cho rằng sớm muộn, Trung Quốc sẽ bước vào một thể chế chính trị tự do và cởi mở hơn. Nào là “Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy cải cách chính trị của Trung Quốc”, nào là “Việc phổ biến Internet sẽ mang lại tự do báo chí cho Trung Quốc” v.v… đó là những ngôn từ hoa mỹ mà “phái ôm gấu trúc” liên tục bịa ra để lừa dối thế giới, nhằm bao biện cho những hành động tà ác của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, việc thi hành những chính sách nghịch hướng dân chủ và nhân quyền của ĐCSTQ sau ba mươi năm cải cách mở cửa khiến cho người dân Trung Quốc không cách nào giành được quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và những tự do khác. ĐCSTQ không chỉ sử dụng giám sát dữ liệu lớn để theo dõi các phong trào dân chủ và ngôn luận phản đối chính phủ, mà còn dùng bạo lực để trấn áp. Tương tự, ĐCSTQ đối với các quy tắc quốc tế cũng là “cái gì không thể tuân thủ liền không tuân thủ”.

Mọi thứ chứng minh mưu đồ của “phái ôm gấu trúc”, rằng sẽ dùng kinh tế thúc đẩy dân chủ, đã hoàn toàn thất bại, lực ảnh hưởng của họ đối với chính sách của Mỹ hiện tại đã bằng không. Gallagher, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và ĐCSTQ mới được thành lập tại Hạ viện Hoa Kỳ vào năm 2023, cho biết: “Họ (ĐCSTQ) đã lợi dụng thành ý của chúng tôi, nhưng thời đại mộng tưởng đó đã kết thúc rồi. Ủy ban chuyên trách sẽ không cho phép ĐCSTQ khiến chúng tôi tự mãn hoặc khuất phục.”

Việc “phái ôm gấu trúc” mất thế lực có quan hệ mật thiết đến việc một lượng lớn gấu trúc lớn quay về Trung Quốc không? Nói cách khác, lý do nào khiến một số quốc gia không gia hạn hợp đồng thuê gấu trúc lớn vào năm 2023 sau khi hết hạn? Một lý do là suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra, lượng khách du lịch giảm, gánh nặng nuôi gấu quá cao. Chẳng hạn, hai chú gấu trúc lớn Dương Quang và Điềm Điềm được đưa trở lại Sở thú Edinburgh ở Anh vào tháng 10 năm nay, là đến Anh sau khi Anh-Trung ký thỏa thuận thuê vào năm 2011, nhưng sau đó bị hoãn lại hai năm do dịch bệnh. Lý do mà Sở thú đưa ra là dịch bệnh khiến lượng khách du lịch giảm, năm ngoái thâm hụt cả năm lên tới 2 triệu bảng, Sở thú không còn đủ khả năng nuôi gấu trúc lớn.

Dư luận khác cho rằng, khả năng còn có một nguyên nhân khác, chính là liên quan đến hình ảnh ngày càng tiêu cực của ĐCSTQ trên trường quốc tế. ĐCSTQ thông qua áp bức bóc lột nhân dân, đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ; Sau khi có được bước đột phá thông qua ăn cắp công nghệ cao, công nghệ quân sự và những phương diện khác của phương Tây, ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đã vứt bỏ ngoại giao “náu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, dùng hình tượng “sói chiến” gây áp lực lên các quốc gia láng giềng, đối kháng nước Mỹ, rồi lại dùng “Cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh” để xui khiến thế giới. Trong quá trình này, hình tượng bất tín và tàn bạo của nó càng được thế giới nhận thức rõ. 

Đặc biệt là sau khi ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, năm 2020 Covid-19 từ Trung Quốc lan ra tàn phá toàn cầu, tạo thành nhiều người thiệt mạng, sau khi những câu chuyện nội bộ về ĐCSTQ gây họa loạn toàn thế giới liên tục được hé lộ, và sau khi ĐCSTQ ủng hộ Nga phát động chiến tranh, Mỹ và châu Âu dần thức tỉnh giấc mộng “ôm gấu trúc”, bắt đầu coi ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất, dần dần hợp lực để tách khỏi ĐCSTQ về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, khoa học công nghệ và thậm chí về mọi mặt, đồng thời áp dụng thế trận đối lập cạnh tranh, cùng hợp tác để kiềm chế sự bành trướng toàn cầu của ĐCSTQ. Có thể nói, các biện pháp trừng phạt từ chính quyền Trump đến chính quyền Biden ở Mỹ đã khiến ĐCSTQ khốn đốn.

Khi ĐCSTQ nhận được nhiều đánh giá xấu từ cộng đồng quốc tế, sức hấp dẫn của gấu trúc lớn tượng trưng cho quyền lực mềm của ĐCSTQ cũng bắt đầu suy giảm, “ngoại giao gấu trúc” và “phái ôm gấu trúc” cũng bắt đầu xuống đáy. Sự hồi hương của lượng lớn gấu trúc cũng phản ánh sự thất bại trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ ở một mức độ nào đó, khiến Hội nghị Đối ngoại của Trung ương đảng có phần bẽ bàng.

Đối với “phái ôm gấu trúc” ở Mỹ, một số đã chọn cách im lặng, vì họ không còn lực lượng để lay chuyển việc ra quyết định của chính phủ Mỹ; những người khác đã thức tỉnh sau khi nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ, lựa chọn ủng hộ chính sách cứng rắn của Mỹ, hy vọng Bắc Kinh có thể thay đổi. Nhưng Tập Cận Bình e là sẽ khiến họ thất vọng.

Theo Abuluowang,
Hương Thảo biên dịch