Khi quân đội Israel chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Gaza, các quan chức Trung Quốc và Israel đã có cuộc điện đàm vào ngày 12/10. Một số nhà phân tích cho rằng, ĐCSTQ hiện muốn xuất hiện với tư cách là “người tạo nên hòa bình trong các vấn đề Trung Đông”, nhưng thực tế họ có hai âm mưu lớn ẩn giấu phía sau.

Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 12/10, ông Trác Tuyển (Zhai Jun), đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Trung Đông, đã có cuộc điện đàm với quan chức Bộ Ngoại giao Israel, Rafael Harpaz, phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Ông Trác Tuyển kêu gọi “ngừng bắn và chấm dứt bạo lực” càng sớm càng tốt, và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên “giải pháp hai nhà nước” nhằm ngăn chặn tình hình leo thang và “gây ra thảm họa nhân đạo”.

Nguồn tin cũng cho biết, ông Harpaz đã công bố quan điểm và lập trường của Israel về tình hình hiện tại giữa Israel và Palestine, đồng thời cho biết Israel sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ công dân Trung Quốc tại Israel.

Về vấn đề này, phóng viên cấp cao Thạch Đầu (石头) phân tích rằng: “Vào thời điểm này, Đặc phái viên của Trung Quốc đang đàm phán với Israel, những lời ông ấy nói không khác gì quan điểm của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc bày tỏ khi Nga xâm lược Ukraina, chỉ có chức danh là khác mà thôi..”

Tổ chức cực đoan Hamas của Palestine đã tấn công Israel vào ngày 7/10. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vốn rất thân thiện với Palestine, đã không đưa ra bất kỳ lời lên án nào đối với Hamas. Vào thời điểm đó, họ cũng đề cập đến “giải pháp hai nhà nước”, và đề xuất “thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập”.

Chuyên gia truyền thông Thạch Đầu tin rằng, cái gọi là “giải pháp hai nhà nước” do Bắc Kinh đề xuất là những khái niệm khó hiểu. 

Ông nói: “‘Giải pháp hai nhà nước’ thực sự không tồn tại. Israel chưa bao giờ nói rằng họ sẽ phá hủy Palestine, và lần này họ không nhắm vào người Palestine bình thường mà chỉ nhắm vào tổ chức khủng bố Hamas. Ngược lại, Bắc Kinh muốn nhầm lẫn các khái niệm, ngày càng có nhiều cáo buộc nói rằng, ĐCSTQ là bên ủng hộ Hamas lớn nhất. Trong cuộc xung đột này, Israel cuối cùng đã nhìn thấy bộ mặt của Bắc Kinh, và tôi nghĩ trong tương lai, họ có thể sẽ xa lánh ĐCSTQ”.

Việc chính phủ Trung Quốc không lên án Hamas đã làm dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ ở Israel, điều mà họ tin là một bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc – Israel.

Yuval Waks, quan chức cấp cao của đại sứ quán Israel tại Bắc Kinh viết trên nền tảng X rằng: “Khi người dân đang bị tàn sát trên đường phố, không phải lúc nói về ‘giải pháp hai nhà nước’. Israel mong Trung Quốc lên án nghiêm khắc Hamas. Chẳng phải Trung Quốc gọi Israel là ‘bạn’ sao?”

Bài viết cũng cho biết: “Quả thực, quan hệ Trung Quốc – Israel rất tốt. Trung Quốc tập trung vào công nghệ cao và công nghệ quân sự của Israel. Thủ tướng Israel, ông Netanyahu, theo đuổi chính sách đối ngoại duy nhất ở châu Á. Vì vậy, những khác biệt chính trị cơ bản giữa hai nước đã được che đậy. Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc tấn công khủng bố của Hamas sẽ mang đến một bước ngoặt mới trong quan hệ Trung Quốc – Israel”.

Có bằng chứng cho thấy ĐCSTQ có quan hệ chặt chẽ với tổ chức khủng bố Hamas. Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần (Wang Youqun) tiết lộ rằng, năm 2006, một cơ quan tình báo có trụ sở tại Pháp tuyên bố rằng có sự hợp tác giữa ĐCSTQ và Hamas, đồng thời Bộ trưởng Ngoại giao của Hamas đã đến thăm Bắc Kinh.

Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng đã giúp Hamas chuyển tiền. Năm 2009, một số phương tiện truyền thông Đức đã đăng một bài báo như “Tên lửa Hamas sản xuất tại Trung Quốc”.

Nhiều nhà phân tích tin rằng ĐCSTQ có thể đứng sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel. Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần tin rằng, một cách khách quan, việc Hamas tạo ra những rắc rối ở Trung Đông mang lại cho chính phủ Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn trong và ngoài nước, một cơ hội “dễ thở”. Nói cách khác, việc Trung Đông rơi vào tình trạng chiến tranh hỗn loạn là có lợi cho ĐCSTQ.

Vậy tại sao Bắc Kinh tiếp tục đóng vai trò “người hòa giải Israel – Palestine”? Nhà bình luận cấp cao Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) tin rằng, dư luận và lập trường của ĐCSTQ trong cuộc xâm lược Ukraina của Nga trước đây và trong cuộc chiến Israel – Palestine lần này đều có cùng một khuôn mẫu. Ông tin rằng lý do quan trọng nhất khiến ĐCSTQ muốn đóng vai “Người hòa giải Israel – Palestine” lần này là vì hai âm mưu lớn.

Chuyên gia Đường Tĩnh Viễn nói rằng: “Trước hết, chính phủ Trung Quốc phải cho Hamas một khoảng hòa hoãn vào thời điểm rất quan trọng. Bởi vì Israel vừa đưa ra tối hậu thư 24 giờ cho Hamas. Nếu Hamas không giao nộp con tin, Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công mặt đất quy mô lớn, và Hamas có thể phải đối mặt với thảm họa. Mọi người có thể thấy màn trình diễn này, khi Ukraina chuẩn bị phát động một cuộc phản công lớn chống lại Nga, Trung Quốc đã ngay lập tức cử đặc phái viên của mình đến ngăn chặn cuộc tấn công của Kyiv. Mô hình này hoàn toàn giống nhau, vậy mọi người có thể thấy ĐCSTQ đã đóng vai trò gì trong cuộc chiến giữa Hamas và Israel này? Mối quan hệ của họ với Hamas thân thiết đến mức nào?”

Ông Đường cũng phân tích thêm: “Mục đích thứ hai là Bắc Kinh muốn thực sự muốn nhân cơ hội này để rao giảng cái gọi là ‘giải pháp hai nhà nước’ của mình. Nói một cách thẳng thắn, họ thực sự muốn sử dụng giải pháp như vậy để đấu tranh cho lợi ích của mình, tạo ra tiếng nói và sự lãnh đạo của mình ở Trung Đông. 

ĐCSTQ đã đề xuất lấy đường biên giới năm 1967 làm cơ sở cho “giải pháp hai nhà nước” này. Nói cách khác, họ không chỉ muốn giải cứu Hamas mà còn muốn dùng điều này để buộc Israel phải nhượng bộ lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi không lạc quan về cái gọi là “giải pháp hai nhà nước” của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng cách này, họ có thể đóng vai “vị cứu tinh” để giành được sự ưu ái của các nước Ả Rập, từ đó mở đường cho sự can thiệp của chính họ vào các vấn đề Trung Đông và tranh giành quyền thống trị ở khu vực này”.

Theo CNN, một số chuyên gia cho rằng, trước cuộc xung đột phức tạp và lâu dài giữa Israel và Palestine, ĐCSTQ không có kinh nghiệm hoặc kiến ​​thức chuyên môn phù hợp, cuối cùng có thể tự chuốc lấy thất bại và tự để lộ bản chất của mình. Chính quyền Bắc Kinh thiếu ảnh hưởng ở Trung Đông.