Đằng sau màn biểu diễn xiếc thú ngoạn mục cùng những tràng pháo tay rộn ràng kia, là “nước mắt” của cá heo. Bạn không biết, tôi không biết, chúng ta đều không biết… chỉ cá heo mới biết!

Những nghiên cứu về cá heo đã chứng minh được chúng là một trong những loài động vật thông minh nhất. Hầu hết cá heo có nhãn lực tinh tường ở trong cũng như ở ngoài môi trường nước. Nó có thể cảm nhận tần số cao gấp 10 lần tần số con người có thể nghe được. Khi xem TV, Cá heo có phản ứng với hình ảnh nhanh nhậy, có thể hiểu được hình ảnh cũng như âm thanh và tiếp nhận thông tin, đây vốn là điều ít gặp ở động vật. Không những thế, loài sinh vật đáng yêu này còn biết “soi gương, biết bắt chước hành vi của con người và của đồng loại.

Kỳ diệu hơn, cá heo còn biết cảm thông và rất thân thiện (trừ với con mồi). Có những câu chuyện cảm động về cá heo cứu người, chẳng hạn như câu chuyện về một đàn cá heo bảo vệ anh Rob Howes khỏi bị cá mập trắng tấn công ở vùng biển đông bắc New Zealand, hay câu chuyện có khoảng 30 chú cá heo thay phiên nhau cõng Ronnie Dabal, cùng với một cặp cá heo hộ tống hai bên để đưa anh vào bờ khi gần bị chết đuối tại vịnh Puerto Princesa.

Một loài động vật tốt bụng như vậy, tại sao con người vẫn đẩy nó đến đường cùng của nguy cơ tuyệt chủng khi đánh bắt để lấy thịt, hay làm ô nhiễm môi trường của chúng. Không những thế, chỉ vì món lợi nhuận khổng lồ thu về từ xiếc thú, người ta đã giam cầm cá heo để biểu diễn. Những chú cá heo đáng thương này bị nuôi nhốt, ép buộc biểu diễn, nào là nhào lộn trên cao, đánh bóng, nhảy qua vòng tròn,… Chúng ta đâu biết rằng cá heo chính là bị hành hạ theo cách này.

Chú cá heo thỏa sức vùng vẫy nơi biển khơi. (Ảnh: Wikimedia)
Chú Cá heo thỏa sức vùng vẫy nơi biển khơi. (Ảnh: Wikimedia)

Thông qua các nghiên cứu khoa học, chúng ta biết rằng động vật cũng có cảm xúc, nhất là với loài nhạy cảm như cá heo. Nếu chúng ta đồng cảm với cá heo hơn một chút, sẽ có thể hiểu cái buồn sâu thẳm bên trong nó. Là vì bị mất môi trường sống, vì không được tự do, vì tách biệt với gia đình và đồng loại, cũng như vì chịu áp lực của việc huấn luyện và hàng giờ biểu diễn “show” xiếc, v.v… Nơi cá heo thuộc về đó chính là đại dương bao la hay những dòng sông rộng lớn. Chúng đã sinh trưởng và phát triển như vậy đã qua hàng nghìn năm nay.

Ở nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm nuôi nhốt Cá heo hay các động vật biển khác, chẳng hạn như Hungary, Thụy Sĩ, Slovenia, Croatia, Chi-lê, Costa Rica,…Theo Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia), các lệnh cấm được ban hành là bởi các thủy cung vi phạm phúc lợi động vật cũng như gây ô nhiễm môi trường. Khi sống trong bể bơi xiếc thú chật hẹp, nguồn nước không đảm bảo độ sạch, dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại vi khuẩn và khiến cá heo bị viêm loét, hay nhiễm các bệnh khác. Ngoài ra, trong quá trình biểu diễn, cá heo còn có thể bị thương tổn, tình trạng sức khỏe của cá heo sẽ bị suy giảm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo trang Dolphins-world, mối đe dọa lớn nhất tới sự sinh tồn của cá heo là con người. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người là nguyên nhân gây ra 95% tỷ lệ tử vong ở cá heo. Một con số quá lớn để chúng ta cần phải suy ngẫm. Con người sử dụng cá heo để biểu diễn xiếc, bên cạnh đó, còn giam nhốt chúng trong các viện nghiên cứu hay viện hải dương học, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong đến mức báo động. Trong quá trình vây bắt và vận chuyển cũng sẽ đưa đến những kết quả đánh buồn. Chưa kể đến hàng loạt chương trình bơi cùng cá heo, khiến môi trường sống của chúng bị xâm chiếm bởi các vị khách du lịch.

Đối diện với hàng loạt tác nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, loài sinh vật này quả thật rất đáng thương, nhất là khi bị giam cầm, nỗi đau mà chúng phải chịu đựng tăng lên gấp bội lần. Sẽ không thích đáng khi trí thông minh kỳ diệu ở cá heo được dùng cho mục đích mua vui và kiếm tiền. Động vật hoang dã không đồng nghĩa với việc sẽ trở thành thú cưng hoặc để bơi cùng hay cần huấn luyện, v.v. Chúng nên được sống trong môi trường tự nhiên, không bị làm phiền và được bảo vệ.

Thanh Hoa

Xem thêm: