Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh quyết định tạm đình chỉ công tác với 2 bác sỹ và 3 điều dưỡng để viết bản tường trình về việc tiếp nhận, điều trị cho bé bị tử vong.

Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cho biết, thời gian tạm đình chỉ công tác là từ ngày 17 đến 20/11, theo Dân Việt.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh cũng quyết định thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, rà soát toàn bộ quá trình tiếp đón, khám và điều trị cho bệnh nhi.

Theo ông Lê Văn Nam, bệnh nhi nhập viện điều trị viêm phổi từ ngày 3/11, tử vong ngày 16/11. Bệnh của trẻ nặng nên phải điều trị tích cực và can thiệp các biện pháp mạnh, có giai đoạn phải thở oxy, sử dụng thuốc kháng sinh hoạt chất ceftriaxone đường tiêm.

Sau mũi tiêm ngày 16/11, trẻ có biểu hiện vật vã, nổi vân tím, khó thở. Nghĩ nhiều đến sốc phản vệ, trẻ ngay lập tức được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, tuy nhiên trẻ không qua khỏi. Trước đó trẻ đã được tiêm 7 mũi này.

Hiện toàn bộ lô, vỏ thuốc tiêm cho bệnh nhi đã được niêm phong; thuốc sử dụng tiêm cũng được lưu tại bệnh viện.

“Kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự việc phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Nguyên nhân ban đầu khiến bệnh nhi tử vong nghi do sốc phản vệ”, ông Nam nói.

Ông Lê Xuân Chìu (ông nội cháu bé) cho biết, khi ông nghe thấy điện thoại con dâu (mẹ của cháu bé) gọi điện thông báo cháu có biểu hiện tím tái, run rẩy, co giật, ông đã chạy vội lên tầng 6, nơi cháu đang nằm điều trị. Lúc đó không có nhân viên y tế ở đó. Một lúc sau, ông Chìu mới thấy 2 nhân viên y tế xách máy lại và đưa cháu đi cấp cứu. Nhưng chỉ 15 phút sau, cháu bé tử vong.

“Sau khi khám nghiệm tử thi, gia đình đưa cháu về nhưng không có một nhân viên y tế nào chia sẻ nỗi buồn với gia đình”, ông Chìu cho hay.

Ông Chìu cho biết thêm, ông mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cháu ông tử vong sau 1 mũi tiêm; Cần phải xem lại quy trình điều trị, phác đồ điều trị của cháu ông như thế nào, tinh thần trách nhiệm của các y bác sỹ như thế nào mà để xảy ra sự việc thương tâm như vậy?

Thế Tam