Theo các nhà phân tích, trong dài hạn Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bất chấp việc các doanh nghiệp Mỹ không thực sự tháo chạy khỏi thị trường đông dân nhất thế giới như dự đoán.

Chia sẻ trên CNBC, chuyên gia phân tích Chris Rogers tại Panjiva, một công ty chuyên về dữ liệu chuỗi cung ứng và là một phần của S&P Global Market, cho biết rất nhiều doanh nghiệp nói về việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc nhưng họ không tích cực thực hiện điều đó.

“Các doanh nghiệp chưa vội thực hiện những thay đổi quan trọng cho đến khi có kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này ở Argentina. Tôi cũng chưa thấy có doanh nghiệp lớn nào của Mỹ chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc”, ông Rogers cho hay.

Nhiều người hy vọng cuộc gặp này sẽ tác động mạnh tới căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế nhất thế giới. Cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung bắt đầu bùng nổ từ tháng 7. Đến nay, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế đã lên tới 250 tỷ USD. Trung Quốc cũng đáp trả bằng những gói thuế trị giá 110 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.

Ngay khi Mỹ khai hỏa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển sản xuất ra ngoài quốc gia đông dân nhất thế giới nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi thuế tăng. Khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, nhiều công ty, bao gồm cả một số công ty Trung Quốc, muốn chuyển hoạt động sản xuất tới Đông Nam Á.

Nick Marro, chuyên gia phân tích của Economist Intelligence Unit, cho hay thay vì đầu tư mở rộng vào các nhà máy ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp nước ngoài chọn cách đầu tư nhiều hơn vào các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của Economist Intelligence Unit cho thấy Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi nhiều nhất trong dài hạn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bất chấp việc các doanh nghiệp Mỹ không vội vàng rút khỏi Trung Quốc như dự đoán. Đây là hai quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc nhằm hỗ trợ các hoạt động phân phối và có vị trí tốt trong hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ điện tử với chi phí thấp.

viet nam van co the huong loi nhieu nhat tu cuoc chien thuong mai du cac doanh nghiep my khong rut khoi trung quoc
Việt Nam nằm trong nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại. (Ảnh: Economist Intelligence Unit)

Thái Lan cũng có tiềm năng mở rộng vai trò của mình như một trung tâm sản xuất dựa vào kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử cũng như những nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia.

Ngoài ra, kết quả khảo sát của mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh cũng cho thấy những doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết đang xem xét việc rời khỏi Trung Quốc đều chọn Đông Nam Á như điểm đến thay thế hàng đầu. Dẫu vậy, những doanh nghiệp này cho biết quá trình chuyển đổi có thể diễn ra chậm trong khi các chuyên gia ước đoán nó sẽ kéo dài trong khoảng 3-5 năm.

Vỹ An (Tổng hợp)