Đêm qua mùng 7 tháng Giêng, chợ Viềng khai hội. Dù có sự “hoành tráng” bởi hàng chục nghìn người ùn ùn đổ về chợ tham quan, mua bán cầu may, hội chợ Viềng năm nay vẫn không giấu được những góc khuất luộm thuộm, lếch thếch cơ cực trần ai.

Được mệnh danh là phiên chợ “mua may, bán rủi”, chợ Viềng (Nam Định) họp đêm mùng 7 hàng năm luôn thu hút lượng lớn người đến thăm quan, mua bán. Vượt qua ý nghĩa và quy mô một phiên chợ giao thương đầu năm, chợ Viềng ngày càng được nhiều người “thổi” vào yếu tố tâm linh, truy cầu điều may mắn đến với mình.

Với nhiều người, đi chợ Viềng để du xuân, mua niềm vui đầu năm; nhưng không ít người coi hồn cốt chợ Viềng là phiên chợ “tán lộc”, và họ đến chỉ để rước may mắn về nhà.

Thấm cảnh trần ai ở phiên chợ Viềng “mua may”
Hàng vạn người chen chân giữa chợ Viềng. (Ảnh: Phong Sơn)

Hội càng linh thiêng thì… trống chiêng càng phải nhộn nhịp. Cùng với đó, các dịch vụ “ăn theo” lễ hội cũng mở ra tưng bừng hơn. Năm nay, nhiều khách về chợ ngao ngán vì chưa thoát khỏi cảnh nghẹt thở bởi giao thông đông đúc đã bị các khoản phí dịch vụ cao chót vót “thắt cổ”.

Thấm cảnh trần ai ở phiên chợ Viềng “mua may”
Người mua kẻ bán trong phiên chợ “âm phủ”. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Facebook Thanh Long chia sẻ trên Otofun.net, giá vé gửi ôtô khu vực quanh chợ Viềng lúc 21h15 tối qua lên tới 200.000 đồng đến 300.000 đồng một xe. Trong khi giá trông ôtô những năm trước khoảng 100.000 đồng một xe. Giá xe máy cũng được đây lên mức 20.000 đồng đên 30.000 đồng một xe.

Nhiều người còn phải đi lòng vòng để tìm nơi gửi xe vì các chỗ giữ ôtô đều chật, không nhận khách. Cùng với đó, các cửa hàng ăn uống phục vụ du khách cũng trong tình trạng không còn một chỗ trống.

Du khách Thi Na than thở, để kịp đến chợ, chị và cả nhà không dám ăn tối, phi xe một mạch từ Hà Nội xuống. Nhưng xuống đến nơi, tìm chỗ để xe đã khổ, mà tìm quán ăn càng khó hơn, cả nhà đành bấm bụng nhịn đến nửa đêm.

Ăn đã khó tìm, nhưng thuê được chỗ nghỉ đêm càng khó hơn. Một số chủ nhà nghỉ, phòng trọ quanh chợ Viềng đã “chém” giá phòng lên cao vút, theo Lao động.

Cụ thể, phòng đẹp, rộng có giá từ 1 triệu – 2 triệu đồng/đêm, có những phòng trọ diện tích nhỏ hẹp, đồ dùng tồi tàn như “ổ chuột” nhưng giá vẫn lên tới 500.000 đồng. Dù vậy, nhiều khách đặt phòng muộn vẫn phải ngậm ngùi ra về vì hết phòng, m.

Thấm cảnh trần ai ở phiên chợ Viềng “mua may”
Phòng nghỉ 500 nghìn đồng đươc khách đặt trước. (Ảnh: Lao động)

Anh Nguyễn Văn Long (Hải Phòng), một du khách đến chợ Viềng “mua may” cho biết, khắp nơi tìm chỗ trọ nhưng không kiếm được. Đến gần Phủ Dầy – chợ Viềng, cũng nhận được lời đáp “xin lỗi các anh, chúng tôi đã hết phòng”. Hết cách, gia đình anh bàn nhau mua tấm bạt rồi trải xuống đường nghỉ tạm.

Chị Hoàng Ngọc Ánh từ Quảng Ninh xuống chợ, sau mấy tiếng đồng hồ nhờ người quen gần chợ Viềng “chỉ điểm” mới thuê được phòng với giá 700.000 đồng. Chị Ánh kể, dù phòng tồi tàn và tối… như cái hầm nhưng cả nhà cũng mừng rú vì có chỗ nghỉ qua đêm.

Thấm cảnh trần ai ở phiên chợ Viềng “mua may”
Một người đàn ông lăn ra đường xin sự thương hại của du khách đến chợ Viềng. (Ảnh: Vietnamnet)

Một cảnh thấm khổ trần ai mà nhiều người bắt gặp khi đến chợ Viềng năm nay là sự xuất hiện của nhiều người ăn xin. Dưới trời mưa lạnh, nhiều người ôm theo trẻ em nằm dưới đường rồi lăn theo dòng du khách.

Dọc đường Trần Huy Liệu – tuyến đường chính dẫn vào chợ Viềng, hàng chục người ôm những đứa trẻ, bò lăn lê lết cầu xin du khách rủ lòng thương hại.

“Tội nghiệp những đứa trẻ này. Chắc chúng bị người lớn tiêm thuốc ngủ để làm công cụ kiếm ăn chứ trời mưa rét thế làm sao trẻ em ngủ say cả tiếng đồng hồ như thế được”, chị Trần Diệu Chân – một du khách chia sẻ.

Thấm cảnh trần ai ở phiên chợ Viềng “mua may”
Những đứa trẻ ngủ li bì trên tay người ăn xin. (Ảnh: Lao động)

Anh Đặng Trần Thanh – du khách đến từ Sài Gòn nhìn theo một đứa trẻ khoảng 2 tuổi mắt nhắm, người lệch rũ trên vai một phụ nữ, buồn bã nói trong làn mưa: Trông người ta làm vậy, tội cho lũ trẻ, mình định nói nặng vài lời mà thấy không xứng. Người ta lăn lê xin mình tiền, mình lặn lội đến đây dập đầu, quỳ mọp gối xin thánh thần ban tài, lộc. Đều là những kẻ tội khổ cầu xin lòng thương hại, cũng có hơn gì nhau đâu.

Khôi Minh